|
NHẬT TRƯỜNG
Ca sĩ Nhật Trường tên thật là Trần Thiện Thanh (còn có những bút danh khác như Anh Chương, Trần Thiện Thanh Toàn), sinh năm 1941 tại Phan Thiết, trước khi trở thành ca sĩ - nhạc sĩ ông là thầy giáo. Nhật Trường vào Sài Gòn năm 1960, lập ban tứ ca Nhật Trường với 3 nữ ca sĩ khác, điều hành trung tâm xuất bản nhạc và thu băng "Tiếng Hát Đôi Mươi". Ông nổi tiếng với các nhạc phẩm: Mùa đông của anh, Chiếc áo bà ba, Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò, Chuyện tình người đan áo, Đám cưới đầu xuân, Hoa trinh nữ, Hàn Mặc Tử...
Sau 30.4.1975, Nhật Trường kẹt lại, sống gian truân cho tới năm 1993, ông mới tới được Hoa Kỳ. Ngay sau đó đã hoạt động mạnh mẽ trở lại dưới nhãn hiệu “Nhật Trường Productions”
Nhạc sĩ Nhật Trường đã từ trần lúc 1:10 giờ trưa hôm Thứ Sáu tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, vì bạo bệnh ung thư phổi từ nhiều tháng.
Ðất nước chúng ta đã trải qua những năm dài chiến tranh, hằng triệu thanh niên đã hy sinh cho lý tưởng của mình, máu đỏ đã đổ, khăn tang đã trắng cả những mảnh đời góa bụa côi cút. Văn chương, hội họa, điêu khắc không có mấy tác phẩm về chiến trận, nhưng hằng đêm qua các đài phát thanh, ca sĩ hát những bài lên án chiến tranh, nói tới tang tóc, nỗi đợi chờ. Trần Thiện Thanh là một nhạc sĩ có số lượng nhạc chinh chiến cao nhất, đi vào lòng từng người lính trận, nhưng mang một màu sắc riêng, trong sáng vui tươi, hoặc là thi vị hóa cho đời lính nhọc nhằn. Tôi không nghĩ đó là những dòng nhạc tâm lý chiến thúc đẩy người lính luôn luôn lao về phía trước như những tiếng kèn thúc quân hay những khúc quân hành. Trần Thiện Thanh đi vào đời sống và tâm tình những người lính trẻ trong những phiên gác đêm, những buổi dừng quân hay những mối tình đơn sơ, vội vã, có phân ly và cả chết chóc. Bất cứ người lính miền Nam nào cũng thuộc một vài bài hát của Trần Thiện Thanh hay vu vơ đôi câu những lúc bâng khuâng nghĩ tới cuộc đời của một người lính trận, tới một chiến hữu hay một người tình ở trong vùng sáng đêm đêm của một phố thị nào đó.
Nhạc chiến chinh của Trần Thiện Thanh không ước lệ hay khuôn sáo mòn, vì người nhạc sĩ này cũng là một người lính đã có dịp gần gũi và sống qua cảnh ngộ của những người đồng cảnh. Trần Thiện Thanh làm cho người lính yêu cuộc đời của mình hơn và làm cho người khác yêu đời lính hơn. Nét nhạc của Trần Thiện Thanh không phải là tiếng hát hô hào “đi quân dịch là yêu nòi giống” mà tự nó tỏa ra vẻ đẹp trong sáng của đời một người lính. Người lính trong nhạc Trần Thiện Thanh không phải là một người lính chuyên nghiệp bắn giết, xung phong mà mang tâm hồn yêu nước của một người học trò vừa từ giả mái trường “Từ khi anh thôi học và từ khi anh khoác áo treillis,” vẫn còn mơ mộng “một thằng ước ao, một thằng nằm đếm sao.” Phải chăng đời lính luôn luôn kề cận với cái chết, gian truân và nguy hiểm, nhạc Trần Thiện Thanh nhìn vào một mặt khác của đời sống này, nhạc sĩ vẽ lại tâm hồn thư sinh trong vóc dáng của một người lính, và luôn luôn bên cạnh có một hình bóng thiếu nữ, “một người em gái hậu phương” để cho đời lính khỏi khô cằn sỏi đá.
Trong khi miền Nam có nhiều bài hát phản chiến dưới dạng “Anh về hòm gỗ cài hoa” hay “Người anh chết trận Pleime” thì nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vẽ lên một hình ảnh khác. Tất cả những người nằm xuống trong nhạc Trần Thiện Thanh đều là những anh hùng bất tử. Ông đã viết về phi công Trần Thế Vinh (...),nhảy dù Trần Duy Phước (Giấc Ngủ Trên Ðồi Xanh), pháo binh dù Nguyễn Văn Ðương (Anh Không Chết Ðâu Em), nhảy dù Nguyễn Ðình Bảo (Người Ở Lại Charlie), Lý Tống (Một Lần Bay Thấp - Ó Ðen) và cả những linh hồn hiển linh của những người gọi là chiến sĩ từ cổ tới kim (Gọi Tên Người Lính Tượng Ðài, Người Chết Trở Về,)... Những mẫu người anh hùng nằm xuống trong những trường hợp khác nhau, Trần Thiện Thanh có cái nhìn và cách viết khác nhau, và dù có viết về ba người lính nhảy dù đi nữa, thính giả có ba thiên anh hùng ca “mỗi người một vẻ” khác nhau. Ðã nhiều lần nhạc Trần Thiện Thanh đã làm cho người nghe rơi lệ, không phải người nghệ sĩ nào cũng có được cái vinh dự đem xúc cảm của mình đi thẳng vào lòng người thưởng ngoạn như thế.
So với các nhạc sĩ khác, số lượng nhạc Trần Thiện Thanh viết về người lính là một số lượng kỷ lục, trong tổng số hơn 200 trăm bài nhạc đủ loại của người nhạc sĩ này. Người lính là nguồn cảm hứng dồi dào cho người nhạc sĩ, như chúng ta đã biết tới qua “Thư Của Lính”, “Người Yêu Của Lính”, “Màu Mũ Anh, Màu Áo Em” (viết chung với Thanh Toàn), “Ðồn Vắng Chiều Xuân”, “Không Bao Giờ Ngăn Cách”, “Tâm Sự Người Lính Trẻ”, “Tuyết Trắng” (ghi tác giả là Anh Chương,)...
Trần Thiện Thanh không chỉ viết nhạc thời chiến chinh mà những khúc tình ca của ông cũng rất được phổ biến trong thập niên 60 khi ông là một quân nhân và lúc miền Nam đang trải qua những ngày chiến tranh khốc liệt. Chúng ta cũng biết nhiều tới nhạc tình của người nhạc sĩ có những tác phẩm đa dạng này như “Khi Người Yêu Tôi Khóc”, “Trên Ðỉnh Mùa Ðông”, “Ai Nói Yêu Em Ðêm Nay”, “Bảy Ngày Ðợi Mong”, “Lâu Ðài Tình Ái” (lời Mai Trung Tĩnh), “Từ Ðó Em Buồn”, “Một Ðời Yêu Em”, “Hiện Diện Của Em” (thơ Hữu Phương,)...
Trần Thiện Thanh còn có sở trường về nhạc kể chuyện như “Hoa Trinh Nữ”, “Hàn Mạc Tử”, “Chị Ba Hàng Sanh,”... Bài nhạc phổ thơ Tô Thùy Yên “Chiều Qua Phá Tam Giang” được coi như một bài phổ thơ thành công rất được phổ biến.
Có người cho rằng nhạc Trần Thiện Thanh là nhạc “bolero” hàm ý bình dân, dễ hát và không phải là nhạc được xếp hạng cao như loại nhạc thính phòng. Tôi không đồng ý những lời nhận xét trên hầu như có mục đích hạ thấp giá trị của người nhạc sĩ này. Trong một thời điểm nào đó, Trần Thiện Thanh viết nhạc cho quần chúng, cho một trào lưu đang dâng cao của đất nước, gia đình nào cũng có người ra trận, gia đình nào cũng có chia lìa, chết chóc. Ðó là người nhạc sĩ của quần chúng, đám đông, gắn liền với vui buồn của một triệu người lính miền Nam và những người thân yêu của họ. Hậu phương vẫn trông cậy vào sự có mặt của những người lính ngoài mặt trận, trên tiền đồn này, nên biết ơn vẫn là điều phải nói đến.
Trần Thiện Thanh và Nhật Trường là một. Nhật Trường của Trần Thiện Thanh là Khánh Ly của Trịnh Công Sơn. Nguyễn Ðình Toàn cũng đã nhận xét “không ai hát nhạc Trần Thiện Thanh hay hơn Nhật Trường.” Ðã nghe Nhật Trường hát nhạc chinh chiến của Trần Thiện Thanh mới thấy người ca sĩ này đã dùng hết tâm sức của mình.
Người viết bài này là một người lính miền Nam trước 1975, muốn viết lên đây những lời trân trọng ghi ơn người nhạc sĩ đã tận tụy, như người nhạc sĩ đã hết lòng đem cảm xúc của mình để viết nên những lời nhạc vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hòa trong hầu hết tác phẩm của ông. Miền Nam đã bị bức tử, nhưng người lính cũ nay đã là những nắm xương trong nghĩa địa hoang tàn hay là những thương binh què cụt ở quê nhà, cũng là những người lính già sống nghẹn hết phần cuối của cuộc đời ở đâu đó, nhưng nhạc chinh chiến của Trần Thiện Thanh sẽ vang vọng mãi cùng với hồn người chiến sĩ bất tử với nước non.
(Huy Phương) |
|