Quên mật khẩu
 Register
Xem: 40723|Trả lời: 36

TIỂU SỬ CA SĨ

[Sao chép liên kết]
Đăng vào 11-12-2008 09:02:44 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Anh Khoa



Ca Sĩ Anh Khoa tên thật là Trần Công Khai , quê quán Phan Thiết, ngày sinh nhật là 20 tháng 5, thích nhất con số 14 và những màu đen và vàng.

Năm 12 tuổi anh đã được đề cử tham dự cuộc thi văn nghệ ấp Chiến Lược toàn quốc tổ chức tại rạp Quốc Thanh và đã chiếm giải với nhạc phẩm "Nếu Một Mai Anh Biệt Binh Kỳ".

Năm 1969, giọng hát của Anh Khoa được Joe Marcel (lúc đó đang hoạt động tại vũ trường Ritz) để ý và mời cộng tác và cũng chính Jo là người đã hết lòng dìu dắt và nâng đỡ Anh Khoa trên con đường ca nhạc. Tiếng hát Anh Khoa từ đó vụt sáng chói để trở thành một trong những ca nam "ăn khách" nhất thời bấy giờ qua những chương trình ca nhạc và những băng nhạc và nhiều chương trình truyền hình. Khó ai quên được những "Bài Không Tên" của Vũ Thành an được trình bày qua tiếng hát buồn não nuột của anh.

Anh Khoa là một ca sĩ Việt Nam duy nhất lạc lõng tại một quốc gia Đông Âu, Hungary. Lý do về sự có mặt của Anh Khoa tại đó đã được báo chí nhắc nhở tới vào năm 1989 khi anh thành hôn cùng một thiếu nữ Hung Gia Lợi tên Karsai Irina, con gái của một nhân vật cao cấp trong giới ngoại giao, sau một thời gian gặp gỡ tại Sài Gòn.

Tháng 9 & 10/94 anh có dịp sang Mỹ gặp gỡ bạn bè trong giới nghệ sĩ và những khán giả từ lâu không có dịp thấy anh trình diễn. Một "Đêm Anh Khoa và Tình Nghệ Sĩ" đã được tổ chức tại vũ trường Diamond (Orange County). Anh Khoa cho biết số tiền anh có được đêm hôm đó do tiền bán vé và do anh chị em nghệ sĩ tặng anh sẽ gửi về VN để mua 1 căn nhà cho mấy người em. Đó là một điều mơ ước từ lâu của anh mà chưa có dịp thực hiện.

Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của anh là thời gian cộng tác với những chương trình ca nhạc của Jo Marcel và những chương trình "Hippies à GoGo" của Trường Kỳ tại vũ trường Ritz. Anh đã nhiều lần xuất hiện trên băng nhạc Paris By Night trước đây nhưng gần đây anh đã vắng bóng. Chắc chắn rằng không ai có thể quên người nam ca sĩ đã 1 thời vang bóng này.
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 09:34:16 | Hiển thị tất cả tầng
ANH NGỌC



Anh Ngọc: Một đời để hát
Trường Kỳ

    Với số tuổi gần 80, người ta có thể coi ông như người nam ca sĩ cuối cùng trong thành phần những ca sĩ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam còn xuất hiện trên sân khấu những ngày gần đây. Có người còn gọi đùa ông là “The Last Samurai”, người hiệp sĩ cuối cùng trong số những hiệp sĩ tiền phong của trên nửa thế kỷ tân nhạc mà vũ khí là giọng hát từng chinh phục cảm tình của khán thính giả Việt Nam trong hai thập niên 50 và 60.

    Trong lần tiếp xúc gần đây với người viết, Anh Ngọc cho biết ông có ý định giã từ sân khấu đã lâu, từ khi bước vào lớp tuổi 70. Nhưng mãi cho đến đầu năm 2004 vừa qua, ông mới thực hiện được ý định đó, sau khi xuất hiện trong hai chương trình nhạc thính phòng mang mục đích từ thiện tại San Jose và Orange County ở California mà ông “nghĩ là đó là những buổi trình diễn cuối cùng trong cuộc đời ca hát của tôi” mặc dù bạn hữu cũng như đồng nghiệp của ông cho rằng ông vẫn có thể hát được để trân trọng mời ông xuất hiện.

    Anh Ngọc cho là sau trên 50 năm hoạt động, ông đã đóng góp được phần nào trong những sinh hoạt ca nhạc nên việc giã từ sân khấu được coi như một lý do xác đáng “để nhường chỗ cho những người khác”, như ông nói đùa.

    Cũng từ ý định ngưng dần dần những sinh hoạt ca nhạc, vào năm 1993, Anh Ngọc quyết định về tiểu bang Virginia cư ngụ, tại thành phố Burke là một nơi êm đềm và hiền hoà cũng như ít sinh hoạt văn nghệ. Trước đó ông cư ngụ ở Orange County, nam California trong 3 năm và từng tham gia nhiều buổi trình diễn tại nơi được coi là môi trường thuận tiện nhất cho những hoạt động nghệ thuật nói chung.

    Từ khi về Virginia, Anh Ngọc không nghĩ đến việc xuất hiện trên sân khấu, nhưng ông không tránh khỏi sự lôi kéo của bạn hữu yêu mến tài nghệ của ông cũng như tính cách từ thiện của một số chương trình nên đã nhận lời mặc dù rất lo ngại và hồi hộp trước phản ứng của khán giả. Chúng ta hãy nghe Anh Ngọc tâm sự: “Sau mấy chục năm hoạt động, lúc bước ra sân khấu trình diễn đối với tôi trước đó là một chuyện rất là bình thường, như người ta đi làm hàng ngày vậy. Nhưng bây giờ thì khác. Mỗi lần bước ra sân khấu tôi lại cảm thấy rất lo ngại và hồi hộp. Hay nói theo danh từ chuyên môn là rất “khớp”. Tôi không hiểu liệu mình có thể hát được hết ca khúc trình bày hay không, có diễn tả được bài hát như ý muốn và không hiểu phản ứng của khán giả như thế nào”.

    Anh Ngọc thú nhận là những lần xuất hiện gần đây, ông không còn có được sự tự tin như nhiều năm về trước. Và cái tâm trạng ấy cũng là một nguyên nhân để Anh Ngọc có ý định giã từ sân khấu, giã từ khán giã từ rất nhiều năm qua đã yêu mến tiếng hát ông. Vì theo quan niệm của Anh Ngọc, một khi không hát được mà cứ cố tình xuất hiện sẽ chịu một ảnh hưởng không tốt đối từ phía khán giả.

    Đôi khi có thể mất tất cả những cảm tình trước đó khán giả đã dành cho mình. Nhưng trong trường hợp của chính ông, hai lần xuất hiện mà ông cho là cuối cùng trong cuộc đời đi hát, người ta vẫn đo lường được nhiều ưu ái khán giả đã dành cho giọng ca “tenor” lão thành này, tuy dĩ nhiên không thể so sánh được với những ngày xưa. Nhưng với một số tuổi gần 80 như Anh Ngọc, mấy ai còn giữ cho mình một phong cách trong nghệ thuật diễn tả và phong độ trong tiếng hát như vậy do ảnh hưởng của thời gian...

    Do đó, ông đã rất thành thật khi đưa ra sự ghi nhận: “Thực ra cũng phải nói là mình cũng lớn tuổi rồi. Thời gian nó cũng có ảnh hưởng chứ! Thời gian ít hay nhiều cũng có ảnh hưởng đến thể chất của con người. Ở lứa tuổi của tôi là trên 70 rồi thì làm sao có thể giữ nguyên được phong độ khi còn trai trẻ”

    Thật ra Anh Ngọc muốn làm một cuộc thử thách đối với chính mình khi ông nhận lời xuất hiện trong hai buổi tổ chức có tính cách lớn lao và trang trọng cuối cùng nói trên để “xem hiện giờ với cái tuổi gần 80, tôi còn có thể hát được nữa hay không”...

    Ông còn nói đùa thêm biết đâu sẽ lập được kỷ lục là người hát lâu năm nhất, mặc dù không còn hát được dễ dàng so với thời gian trước đó vì “âm vực cũng không còn được rộng như trước và làn hơi cũng ngắn và yếu hơn. Nhưng bù lại cái khuyết điểm đó thì về phần kỹ thuật theo tôi nghĩ theo thời gian và kinh nghiệm lại có phần xuất sắc hơn.”

    Và đúng như ông nói, phần kỹ thuật và những kinh nghiệm sau trên 50 năm đi hát đã khiến ông vẫn còn đón nhận được những cảm tình của khán thính giả yêu thích loại nhạc tiền chiến thích hợp với nghệ thuật diễn đạt của ông khi căn cứ vào phản ứng của khán giả. Vì theo Anh Ngọc, “mỗi ca sĩ ra trước sân khấu đều có thể đo lường được mức độ thành công hay không thành công của chính mình”

    Anh Ngọc họ Từ, sinh năm 1925 tại Hà Đông. Ông trưởng thành tại Hà Nội và từng theo học các trường Thăng Long, Puginier và Louis Pasteur ở đây. Khi còn rất trẻ, ông đã yêu thích ca hát mặc dù sinh trưởng trong một gia đình rất cổ...

    Trong số 8 người con trong gia đình gồm 1 chị và 7 anh em trai, chỉ có ông và người em là Ngọc Long (hiện ở Việt Nam) đi theo con đường văn nghệ và trở thành những ca sĩ tên tuổi. Riêng Anh Ngọc có thời gian theo học nhạc lý với nhạc sĩ Tạ Phước và đàn với nhạc sĩ Thiện Tơ và tình cờ bước vào con đường ca hát, khởi đầu từ những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến.

    Năm 1947, ông vào Huế thăm một người anh làm việc ở đây và lưu lại Huế hơn 1 năm. Trong thời gian này ông được nữ ca sĩ Minh Trang mời hát trên đài phát thanh Huế.

    Năm 1949 Anh Ngọc vào Sài Gòn để khởi đầu cộng tác với đài phát thanh Pháp Á. Sau đó, ông lần lượt được mời hát trong chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Quân Đội, Đài phát thanh Sài Gòn, đài Mẹ Việt Nam, đài Tiếng Nói Tự Do và Đài Truyền Hình Việt Nam.

    Với đài Sài Gòn, ông còn giữ vai trò xướng ngôn viên, cùng một lúc phụ trách một chương trình ca nhạc lấy tên là “Tiếng Nhạc Tâm Tình” từ đầu thập niên 60 cho đến biến cố tháng Tư năm 75. “Tiếng Nhạc Tâm Tình”, từng được nhà văn Mai Thảo nhận xét là “Một chương trình được yêu mến, đợi chờ và tán thưởng nhất trong nhiều năm”, được sự cộng tác của các giọng ca sáng chói của nền tân nhạc Việt Nam ở trong thời kỳ vàng son như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Hà Thanh, vv...cùng sự phụ hoạ của một ban nhạc đàn dây gồm những nhạc sĩ tên tuổi.

    Một số những nhạc phẩm ghi âm trong thời gian này đã được Anh Ngọc phục hồi bằng kỹ thuật digital để đưa vào 2 CD do ông thực hiện là Trở Về Dĩ Vãng và Một Thời Để Nhớ.

    Đến năm 1954, sau khi hiệp định Geneve ký kết, với làn sóng di cư ồ ạt vào Nam, phong trào tân nhạc ở miền Nam có một sự bùng phát rất mạnh. Có thể coi đó là thời kỳ vàng son của nền tân nhạc. Cùng thời kỳ này có những chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng cùng những đại nhạc hội mà Anh Ngọc có một thời gian đứng ra tổ chức với số khán giả tham dự rất đông đảo.

    Và cũng từ đó trở đi, tiếng hát của Anh Ngọc đã trở thành một trong những tiếng hát được ưa thích nhất do “Ngoài việc truyền đạt lời hát một cách rõ ràng và chuẩn xác, còn sử dụng cách luyến láy cũng như phân đoạn câu hát để nói lên ý nghĩa của bài hát, hay nói đúng hơn là những ý nghĩa chứa đựng trong bài hát”, như nhận định của nhà khảo cứu âm nhạc người Mỹ, Jason Gibbs, cũng là một quản thủ thư viện ở San Francisco.

    Mặc dù được mọi người công nhận là một danh ca, nhưng điều không ai ngờ ca hát không phải là nghề chính của Anh Ngọc, như ông cho biết: “Thực ra ca nhạc đâu phải là nghề của tôi. Nhiều người không biết đến chuyện đó , nên cho là tôi suốt đời hoạt động ca nhạc. Nhưng thực ra không phải. Điều đó người ta không nghĩ ra, tôi cũng không muốn nói đến. Thực ra tôi không phải là một người ca sĩ nhà nghề, đi hát chỉ là chuyện phụ thêm thôi”.

    Tuy không coi ca hát như phương tiện sinh sống, nhưng ông lại được nhiều nhạc sĩ nổi danh, trong số có Vũ Thành và Phạm Đình Chương, đánh giá là một giọng hát rất nhà nghề. Công việc chính của Anh Ngọc từ sau khi vào Sài Gòn là nhân viên của Sở Thông Tin Hoa Kỳ, từ năm 49 cho đến khi ông được gọi động viên vào đầu thập niên 1960.

    Trong thời gian quân ngũ, Anh Ngọc phục vụ trong ngành Chiến Tranh Tâm Lý, trong vai trò xướng ngôn viên tại Đài Phát thanh Quân Đội. Sau khi giải ngũ, ông làm việc cho đài Tiếng Nói Tự Do, vừa là xướng ngôn viên, vừa tham gia những chương trình ca nhạc phát thanh.

    Sau biến cố tháng 4 năm 1975, ông kẹt lại Việt Nam và không tham gia vào bất cứ sinh hoạt ca nhạc nào mặc dù nhiều lần được nhắc nhở.

    Năm 1990, Anh Ngọc sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Ba năm đầu ông cư ngụ ở Orange County. Từ năm 1993, ông cùng gia đình về cư ngụ tại thành phố Burke, tiêu bang Virginia cho đến nay. Tại đây ông không tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ mặc dù nhận được rất nhiều lời mời vì không muốn được nhắc nhở nhiều.

    Nhưng ngược lại, thỉnh thoảng ông vẫn nhận lời xuất hiện trong những chương trình tổ chức tại các tiểu bang khác. Tuy nhiên, một khi nhận lời ông đã cân nhắc rất kỹ lưỡng: “Với những chương trình họ mời tôi, tôi phải xem như thế nào, coi chương trình tôi có thích hay không. Thí dụ như những buổi trình đầu năm nay được họ tổ chức ở những địa điểm rất là sang trọng. Điều thứ hai là ban nhạc rất lớn, ban nhạc thính phòng chừng hai ba chục cái đàn. Ba nữa, thí dụ những nhạc phẩm phải là những nhạc phẩm chọn lọc, những loại nhạc thính phòng tiền chiến chẳng hạn vì nó thích hợp với tôi thì tôi mới nhận lời. Chứ không phải bất cứ buổi hát nào cũng nhận lời’.

    Trong khung cảnh êm đềm nơi ông cư ngụ, Anh Ngọc hiện chỉ biết tìm vui trong cuộc sống gia đình, bỏ lại sau lưng những hoạt động ca nhạc mà ông đeo đuổi trên 50 năm qua, mặc dù chưa bao giờ nhận mình là một ca sĩ nhà nghề...

    Thêm vào đó ông vẫn tỏ ra say mê với thú giải trí là nhiếp ảnh và du lịch đó đây. Cách đây không lâu vào thứ Năm hàng tuần, Anh Ngọc vẫn thường sinh hoạt với một số bạn hữu gồm những người bạn nhạc sĩ thân thiết như Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, vv...trong nhóm được gọi bằng một cái tên thân mật là “Club Du Jeudi”, do cố nhạc sĩ Văn Phụng đặt, “Nhưng bây giờ thì anh Phụng anh ấy mất rồi. Còn Nhật Bằng là người thứ Năm nào cũng đến cũng mới mất. Nó cứ thưa dần đi... Hồi này tôi cũng lười đi lắm. Hai nữa gần đây có cháu ngoại thành ra tôi phải trông nó để cho cháu nó đi làm thành ra cũng bận”.

    Giờ đây, Anh Ngọc đã quay lưng lại với sân khấu, với ánh đèn mầu để sửa soạn bước vào tuổi 80 trong một tâm trạng bình yên, không chút ưu tư khi nghĩ đến lúc bỏ lại một thời để nhớ và một đời ca hát của ông: “Bây giờ trời cho mình sống đến đâu, mình biết như vậy thôi, đừng đòi hỏi nhiều gì cả, thế thôi.” Ông còn nhấn mạnh về quan niệm của mình về cái chết một cách thản nhiên, nếu không muốn nói là sẵn sàng chấp nhận, vì đối với ông, sống được đến 80 tuổi đã là một sự ưu đãi của Thượng Đế:” Chết thì ai chả chết. Việc gì phải sợ chuyện đó. Đó là chuyện đương nhiên rồi. Không có ai có thể tồn tại mãi được. Còn cái chuyện chết thì mình coi như là đi về thôi chứ có gì đâu. Tại sao lại phải sợ cái chuyện đó? Ai sợ cũng không được nữa ! Khi nào cái chết nó đến thì anh cứ chấp nhận cái chuyện đó, thế thôi!.”

    Dù Anh Ngọc đã giã từ sân khấu ngoài đời, nhưng trên sân khấu tình cảm của những người yêu nhạc là tâm hồn và trái tim, hình ảnh nhiều phong độ của một tài tử, như ông từng được báo chí Sài Gòn đề cập tới cùng với một tiếng hát có đầy đủ những yếu tố cần thiết nhất sẽ khó có thể phai mờ với thời gian...


Anh Ngọc - Giọng hát trượng phu
Quỳnh Giao

    Từ xưa, Quỳnh Giao vẫn luôn có một ý thích chủ quan, là giọng đàn ông phải đầy nam tính, nghĩa là hát mạnh, trầm ấm... và đừng quá điệu; còn giọng đàn bà thì phải thật trong trẻo, ngọt ngào, đừng ồm ồm và... cứng cỏi.

    Nếu có phải viết về một giọng nam của nền tân nhạc Việt, người đầu tiên mà Quỳnh Giao nghĩ đến, chính là danh ca Anh Ngọc. Lý do trước tiên chính là giọng hát thật “đàn ông” của ông. Nhắm mắt lại mà nghe cho kỹ, chúng ta tưởng tượng Anh Ngọc là một giọng ca... không đỏm dáng để làm đẹp lòng đàn bà. Lại lãng mạn một chút mà ưa truyện Kim Dung, chúng ta có thể tưởng tưởng ra... Kiều Phong trong tiếng hát Anh Ngọc.

    Hình bóng trượng phu, lẫm liệt mà cô đơn... đấy là Kiều Phong. Cao lớn sừng sững như cây trụ chống trời... đấy cũng là tiếng hát Anh Ngọc.

    Năm nay, với tuổi bát tuần, Anh Ngọc đã thuộc hàng “lão trượng” rồi. Quỳnh Giao gọi ông bằng chú, đã từng hát trong ban “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của ông thời còn rất trẻ, luôn luôn là người trẻ nhất trong ban. Thế mà mấy chục năm sau, khi còn ở miền Ðông, Quỳnh Giao lại cùng tiêu khiển thú vui tao nhã là mạt chược tại nhà ông, cho nên xin viết về tiếng hát Anh Ngọc với lòng tri ân của thế hệ hậu sinh.

    Còn nhớ năm ngoái được mời qua Canada lạnh giá vào dịp Nguyên Ðán với nhạc sĩ Tuấn Khanh để làm giám khảo cho một cuộc thi hát. Ông Tuấn Khanh và Quỳnh Giao đồng ý đặt ra năm tiêu chuẩn chấm điểm: chất giọng, làn hơi, kỹ thuật, tình cảm, và sau cùng là nhân dáng. Vậy thì điểm đầu tiên là chất giọng.

    Anh Ngọc là người được trời thương, ông có giọng ca thiên phú.

    Tiếng hát ông rất mạnh, sang sảng. Ông lên tới những nốt rất cao mà không mỏng, xuống được những nốt trầm mà vẫn dầy, vẫn rõ. Khoảng cách của các nốt nhạc được ông xướng lên đồng đều, không lép mà chắc nịch. Phải nói đến chuyện trời cho ấy vì ngày nay nhờ kỹ thuật âm thanh ai cũng có thể tự nghĩ rằng mình có giọng ca thiên phú.

    Anh Ngọc có làn hơi phong phú. Ông là một trong số ca sĩ hiếm hoi của Việt Nam vẫn giữ được trường độ của một câu nhạc rất dài. Từ chuyện thiên phú phải nói đến chuyện nhân tài: ông hiểu nội dung ca khúc và cách diễn tả. Nói một cách khác ông rất thông minh và nắm được cách thế bắt buộc của câu hát.

    Một thí dụ có thể còn nghe thấy được là trong bài “Trở về mái nhà xưa” - lời Việt của Phạm Duy.

    Câu kết bài hát là “Người ngồi im bóng... lắng nghe tháng ngày qua”. Nhiều ca sĩ, nếu không phải là đa số, đều phải ngắt hơi từ chữ “ngày” mới có sức ngân dài ở chữ “qua” để dứt điểm với nốt cuối của dàn nhạc. Lối ngắt hơi đó là tối kỵ khi trình bày một ca khúc. Hãy nghe lại cách trình bày của những danh ca thực sự thì mình thấy.

    Những người dài hơi hơn thì cố để dành sức, và ngắt ở chữ “bóng” trong “người ngồi im bóng” để có thể một hơi mà vượt qua sông, trình bày cho đủ cho rõ câu kết kinh hoàng “lắng nghe tháng ngày qua...” cho tới khi dứt hơi cùng ban nhạc.

    Luciano Pavarotti và Anh Ngọc thì hát cả câu, nguyên một lèo mà không cần ngắt hơi.

    Anh Ngọc lấy hơi rất chuẩn và ngắt câu rất chính xác, nghĩa là rất đúng với nguyên bản của tác giả. Cách trình bày của ông vì vậy có thể là “khuôn vàng thước ngọc” về nghệ thuật xướng âm, xướng ca hay “phraser” một câu hát. Phải dài hơi và thấm ý tác giả thì mới xướng âm được cho rõ lời. Danh ca là người làm ta nghe rõ lời và hiểu ra hồn nhạc.

    Từ giọng ca thiên phú đến cách trình bày có chuẩn mực như thế, Anh Ngọc tự gây khó cho mình vì tinh thần kỹ luật. Người nghe nhạc bằng mắt thì cho rằng ông trình bày thiếu chất đam mê, nồng nhiệt, không thuộc loại gào lăn sống chết với nhạc. Sự thực thì cung cách diễn tả của Anh Ngọc lại rất khó, khó hơn lối phô trương ồn ào của người lấy bóng che hình.

    Ông phải để ý đến cách “nuancer”, luyến láy qua từng tiểu tiết, khi nhỏ nhẹ, êm đềm,hay khi trổ giọng như giông bão để dứt ở cao điểm của ca khúc. Ông hát như một người đánh đàn, luôn để ý đến “nuances”, sự “biến sắc” của nhạc, biệt tài của ông là ở chỗ đó. Chẳng trách mà phần lớn người “mê” giọng hát ông đa số có trình độ hiểu biết âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển Tây Phương. Ðặc biệt nữa, Anh Ngọc thường chọn những bài khó diễn tả vì đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Ông không thích hát những bài dễ dãi, nghe rồi là quên.

    Hãy nghe lại các ca khúc như “Trương Chi” của Văn Cao, “Nguyệt Cầm” của Cung Tiến, hay “Ngậm Ngùi” do Phạm Duy phổ thơ Huy Cận, “Nhớ Bạn” của Vũ Thành và “Tạ Từ” của Tô Vũ... Chúng ta sẽ giật mình vì tiếng hát Anh Ngọc chất chứa một niềm u uẩn, một nỗi cô đơn đến lạnh mình. Và ông diễn tả được ý nhạc ấy từ một ý thức về kỷ luật trong nghệ thuật. Kết cuộc là một khí tiết trượng phu trong cách hát. Không là nhân vật Kiều Phong trong truyện thì là ai đây?

    Giọng ca Anh Ngọc độc đáo tới mức mà dù vì mến mộ vẫn không ai bắt chước được! Trong khi sau này rất nhiều người vì cũng cố bắt chước giọng Tuấn Ngọc, một giọng hát cũng hiếm quý của nền nhạc Việt. Tuy bắt chước không thể giống hẳn, nhưng đã “hao hao”... Người bắt chước cố nhiên phải yêu giọng mến người, nên Tuấn Ngọc cũng đừng buồn... là mình có quá nhiều âm bản!

    Vào thời đại của Anh Ngọc, sự trình diễn trên sân khấu không rộng rãi như hiện tại, nhưng nhân dáng cao gầy, lịch lãm của ông đã là hình ảnh khó quên của khán giả thời đó.

    Anh Ngọc là người có thể gợi nhớ hình ảnh của Hà Nội văn vật trong cách ông chọn lựa ca khúc và Sài Gòn văn minh qua cách ông trình bày những ca khúc ấy. Dáng dấp của ông và nghệ thuật của ông khiến chúng ta hiểu chữ “tài tử” theo đúng nghĩa tài hoa, có lẽ đang lạt phai dần trong trí nhớ chung...

Quỳnh Giao
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 16:43:21 | Hiển thị tất cả tầng
BĂNG CHÂU

Vào đầu thập niên 70 tại Sài Gòn có sự xuất hiện của một khuôn mặt trẻ trung, còn mang dáng dấp một nữ sinh với những nét đẹp tươi sáng mà nhu mì, rạng rỡ nhưng vẫn còn phảng phất hương lúa ngọt ngào của miền Tây trù phú. Đó là nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh và kịch nghệ, Băng Châu. Khi lên Sài Gòn thì Băng Châu đã bước chân vào một khúc quanh quan trọng cho cuộc đời của cô. Băng Châu được nhạc sĩ Châu Kỳ mời xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình "Tiếng Thùy Dương" của ông với nhạc phẩm "Nhớ Nhau Hoài" của Anh Việt Thu. Và khi về với chương trình "Trường Sơn" của Duy Khánh thì mọi người đã nhắc nhở đến nhiều về sự xuất hiện mới mẻ này trong làng Tân Nhạc.

Qua đến năm 1971 thì tên tuổi của Băng Châu mới thật sự được nổi bật với nhạc phẩm "Qua Cơn Mê" của Trịnh Lâm Ngân. Băng Châu khởi nghiệp ca hát vào năm 1970, được các nhạc sĩ Châu Kỳ, Khánh Băng và nhất là Duy Khánh nâng đỡ. Cô cộng tác với ban nhạc Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ và ban nhạc Trường Sơn của Duy Khánh. Băng Châu có một khuôn mặt gợi cảm với sóng mũi cô hơi dài và thanh tú. Cặp môi cô đầy đặn, khi khép kín miệng thì cặp môi ấy đẹp hơn là lúc nở nụ cười. Giọng hát Băng Châu mềm mại ngọt ngào. Cô được cái ưu điểm là dàn trải làn hơi đâu ra đó. Tiếng hát của Băng Châu là tiếng hát buồn man mác của người cô phụ đêm đêm chong đèn ngồi bên song cửa nhìn bóng trăng tà ngoài song và đối diện với ngọn hàn đăng trong cô phòng.

Tiếng hát cô lúc buồn theo mùi hương nguyệt quí ngào ngạt tỏa ra chung quanh khuôn viên của căn nhà kia, từ lúc đèn đêm thắp sáng cho tới lúc cửa sổ khép kín và ánh đèn trong hương khuê phụt tắt. Đó là lúc hương cau, hương bưởi và hương dạ lý thay nhau lan tỏa trong sương khuya và trong những cơn gió mỏng hiu hiu. Những mùi hương ấy ở chốn cùng thôn tuyệt tái thì ngoài nàng ra không có ai thưởng thức chúng, cho nên đó cũng chỉ là những thứ hương bị quên lãng và bị nhốt chung một phận buồn như nàng. Ngay sau lần đầu xuất hiện trên truyền hình, khuôn mặt của Băng Châu đã lọt vào mắt đạo diễn Lê Dân và cô được mời đóng phim "Trần Thị Diễm Châu", Trước khi đưa quyển “Châu Kool” của nhà văn Duyên Anh lên màn bạc, Đạo diễn Lê Dân đã đi lùng trong hàng ngũ các nữ nghệ sĩ cải lương, các nữ minh tinh màn bạc, các nữ ca sĩ để tìm một cô có vóc dáng và nhân diện có thể đóng vai từ một thiếu nữ ngây thơ, đến một người đàn bà bụi đời được thể hiện qua nữ nhân vật Trần Thị Diễm Châu có cái hổn danh là Châu Kool (vì ưa hút thuốc lá Kool). Ông gặp được Băng Châu. Cô là hiện thân pha trộn của ba mẫu người đàn bà khác nhau. Khi đóng vai Diễm Châu nữ sinh, cô có vẻ ngây thơ trong sáng và hành xử rất hồn nhiên. Khi đóng vai Diễm Châu thiếu phụ đa tình, cô thể hiện được mẫu người tình tứ thập phần gợi cảm. Khi đóng vai Diễm Châu nữ chúa trong làng dao búa cô thể hiện được vẻ dữ dằn sắt đá.

Cuốn phim “Trần Thị Diễm Châu” vừa khi trình chiếu ở Sài Gòn thì tên tuổi của Băng Châu đã trở nên quen thuộc. Sau đó, cô được mời xuất hiện trong nhiều cuốn phim khác như "Trường Tôi", "Bốn Thủy thủ Sợ Ma", "Năm Vua Hề Về Làng"... Và từ đó, tên tuổi Băng châu lại nổi bật thêm trong lĩnh vực điện ảnh. Sau năm 1975, điện ảnh cách mạng đã góp phần tạo được dấu ấn thật xuất sắc qua những vai diễn đa dạng trong các bộ phim: Mối Tình Đầu (diễn cùng Thế Anh, Như Quỳnh…), Giữa Hai Làng Nước( diễn cùng Nguyễn Chánh Tín)…Băng Châu vẫn tham gia ca hát, diễn kịch, cô là một ca sĩ duyên dáng của đòan kịch nói Bông Hồng, nghe Băng Châu hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” rất ấn tượng và khả ái. Băng Châu đến Mỹ và cư ngụ ở Utah trong ba tháng sau đó về cư ngụ tại Nam Cali cho đến nay. Cô đã từng theo học ngành điện toán trong 3 năm trước đây vì cô không nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục cuộc đời ca hát ở hải ngoại. Ra hải ngoại, Băng Châu cũng vẫn hoạt động nghệ thuật trình diễn. Cô đã cộng tác với các trung tâm băng nhạc như Thanh Lan, Thúy Anh, Làng Văn. Ba cuốn băng nhạc của trung tâm Hạ Trắng dành riêng cho cô là “Lời Này Cho Anh”, “Lời Cho Người Tình Xa” và “Em”. Cô còn cộng tác với trung tâm băng hình Hải Đăng qua vở hài kịch “Share Phòng Lộn - Share Tình Lầm” của Nguyễn Minh Phương với Mai Lệ Huyền, Kim Xuyên Lan, Lucie Hương, Văn Chung, Hương Huyền, Linh Tuấn, Bảo Hiền. Trong vở kịch này cô cắt tóc theo kiểu demi-garcon nên khuôn mặt cô hơi dài. Tuy nhiên cô mặc chiếc robe rất đẹp, ôm sát nách thân hình tươi mát và thon gọn của cô. Áo có phần trên hở ức, hở nách như áo chấn thủ, phần dưới có xẻ ở ống chân. Qua chiếc áo ấy, cô gieo cho khán thính giả cảm giác mát rượi dù nó chỉ có màu chàm đậm nổi những vạch trắng nằm ngang.

Trong băng hình “Đêm Sài Gòn 2” của trung tâm Asia, Băng Châu xuất hiện ở màn đơn ca bài “Chuyện Tình Không Suy Tư”. Cô mặc chiếc áo nhung hở ức màu sậm mà ánh đèn rọi màu đỏ biến nó cùng mái tóc của cô trở thành màu hung hung. Áo buông dài, phủ cả mắc cá, nhưng có chẻ ở phần ống chân. Lại nữa, áo có những nếp xếp duyên dáng từ ngực vắt qua bờ vai làm nổi bật cốt cách thanh lịch của cô. Làn hơi trong, giọng hát của cô vẫn còn khỏe, nhưng cô ngân nga hơi khó khăn hơn xưa. Hiện nay, Băng Châu vẫn tham gia họat động văn nghệ, cô thu băng, làm đài phát thanh, đóng kịch cho một số băng video và vẫn được những trung tâm mời cộng tác. Cô cho biết thời gian này mặc dù không tràn trề danh vọng như trước kia nhưng cô cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc bên cạnh hai người con của mình./.
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 16:44:59 | Hiển thị tất cả tầng
Tiểu sử chế linh

Chế Linh chào đời và lớn lên ở làng Hữu Đức, tỉnh Phan Rang, bố mẹ anh là người Chàm. Bố anh mất sớm khi anh mới được 4 tuổi và mẹ anh cũng qua đời vào năm 1979. Anh là con giữa trong gia đình có 3 người con, anh trai và em gái anh còn ở Việt Nam. Sau khi học hết bậc tiểu học Pháp ở trường làng và được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý, Chế Linh theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề, Phan Rang. Tháng 8 năm 59 anh quyết định vào Sài Gòn một mình thay vì lên Đà Lạt hoặc Nha Trang như ý muốn của gia đình. Tại Sài Gòn, anh đã trải qua biết bao nhiêu cực khổ đi mưu kế sinh nhai, từ làm đầu bếp, giữ trẻ. Anh rất chịu khó, siêng năng trau dồi kiến thức cho bản thân của mình trong những hoàn cảnh vô cùng cực khổ trong đời. Năm 1962, anh đã gặp lại vị linh mục người Pháp đã dạy anh trước kia ở trong làng, từ vùng Cao Nguyên Ban Mê Thuộc về Sài Gòn. Vị linh mục này nhận nuôi anh và khuyến khích anh theo học tiếp. Một thời gian sau anh về ở với người anh, cho đến lúc này Chế Linh mới liên lạc với gia đình để sau đó nhận được thêm tiền của bố mẹ anh gửi lên cho ăn học tiếp. Với sự chỉ dẫn của người cháu họ, Chế Linh đã cố gắng và nhảy lớp để bắt kịp tuổi. Sau khi thi rớt tú tài ban Văn Chương vào cuối năm 1962, anh không phải nhập ngũ vì chính sách thời đó miễn dịch cho người Chàm. Người anh bà con có ý định giới thiệu Chế Linh với cô em vợ để đi đến việc hôn nhân nhưng anh không bằng lòng. Mẹ anh cũng muốn như vậy và một lần nữa Chế Linh bỏ nhà ra đi. Một thời gian sau, Chế Linh được Duy Khánh hướng dẫn bước vào lãnh vực ca nhạc để sau này trở nên một ca sĩ tên tuổi. Từ ngày đó đến nay, cuộc đời ca hát của anh đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Hiện nay, Chế Linh cự ngụ tại Toronto, điều hành một phòng thu thanh riêng và cộng tác với một số trung tâm băng nhạc và video tại Hoa Kỳ.
    1964-65: Thu rất nhiều dĩa hát
    1972: Ðoạt giải Kim Khánh – Huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca – do Nhật Báo Trắng Ðen tổ chức.
    1972: Mùa hè đỏ lửa – chính phủ VNCH cấm hát vì tiếng hát không phù hợp với anh em chiến sĩ.
    1975: Hy vọng được “giải phóng” tiếng hát của mình, nhưng ngược lại bị bắt bỏ tù tại Sông Mao, Mỹ Ðức với tội phản động.
    1978: ra tù sau 28 tháng biệt giam.
    1980: Vượt biên sang Mã Lai, sau đó định cư tại Toronto, Canada
    Hiện Tại: Vẫn ca hát và viết nhạc

Source: Trường Kỳ, VietMedia
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 16:46:34 | Hiển thị tất cả tầng
DIỆP THANH THANH


Diệp Thanh Thanh - mà tên thật là Mỹ Hảo Hồ, Hồ là họ, thân phụ hoạt động trong ngành tâm lý chiến, quân đội VNCH và mẹ là nghệ sĩ Ngọc Diệp.

Cô cũng là cháu nội nhạc sĩ Thu Hồ, và gọi nữ ca sĩ Mỹ Huyền bằng cô, nên rõ ràng trong người của cô ca sĩ này có “tràn trề” dòng máu của văn nghệ rồi, nên không lạ gì khi Diệp Thanh Thanh thú nhận không gặp mấy khó khăn khi muốn bước vào con đường ca hát, trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Diệp Thanh Thanh và 3 chị em cùng bố mẹ đã đến Hoa Kỳ vào năm 1989, do sự bảo lãnh theo diện đoàn tụ gia đình (ODP) của một bà cô đầy máu văn nghệ khác, là Hồ Mỹ Hà, tay nghề chính là chuyên viên địa ốc, và chủ nhà hàng... nổi tiếng của vùng Little Saigon, Nam California.

Sau khi tiếp tục học bậc trung học, học lên college, tiếp tục học nghề chuyên môn, thích hợp với cuộc sống mới tại Hoa Kỳ, Diệp Thanh Thanh mới nhớ lại giấc mơ thích hát từ hồi nhỏ, khi cô tham gia vào các nhóm nhỏ hát trong nhà thờ, sinh hoạt ca đoàn ở Sàigòn... cô bèn thu lại tiếng hát của cô vào một cuộn băng, và gởi cuộn băng mẫu này đến cho Trung Tâm Asia và liền được chú ý đến ngay.

Vào năm 1998 cô đã được xuất hiện ngay trong cuốn DVD Asia 19, và kéo dài cho đến nay, dù có một khoảng thời gian gián đoạn, vì Diệp Thanh Thanh muốn đi tìm khung trời mới, tức thử đi hát tự do.

Diệp Thanh Thanh thường thích, và nổi bật qua dòng nhạc tình tự quê hương, nhạc mùi, nhạc lính của các nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân, Phạm Thế Mỹ, Thu Hồ, Anh Bằng (cũng là cây đại thọ trong Trung Tâm Asia hiện nay).

Về CD, Diệp Thanh Thanh có hát chung trong một số CD, còn phát hành CD riêng thì cho đến nay có 2, đó là CD “Con Gái Nhà Lành” (năm 2000) và CD “Nhớ Chăng... Lần Ðầu Nói Dối?” phát hành Tháng Ba, 2008, với nhiều bài hát quen thuộc được ưa thích từ trước năm 1975, như “Lần đầu Nói Dối”, “Chiều Trên Bản Thượng”, “Tình Lúa Duyên Trăng”... xen kẽ với các sáng tác mới.

Diệp Thanh Thanh cũng còn có tài đóng hài kịch, như từng chứng minh qua vở hài kịch ngắn “Trái Tim Còn Trinh” (đóng với ca sĩ Khánh Hoàng) nói về việc tìm bạn trên Internet... tuy rằng cô ít có dịp thi thố.

Cùng với Khánh Hoàng, hiện cũng là một xướng ngôn viên của đài phát thanh Little Sàigòn Radio, Diệp Thanh Thanh, đang phụ trách chương trình “Ðiện Ảnh Á Châu” (trên đài truyền hình Việt ngữ VHN), thường phát vào mỗi chiều Thứ Bảy, vào lúc 4 giờ 30 chiều, giờ California, và được đông đảo khán giả đón coi, vì nói nhiều đến các bộ phim Á Châu đang ăn khách, như của Nam Hàn, Hồng Kông, Ðài Loan...
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 16:49:08 | Hiển thị tất cả tầng
DON HỒ

Don Ho với tên thật là Dũng (khi phát âm theo tiếng Mỹ, có âm giống như “Don” nên anh đã chọn tên này làm tên đi hát), đặt chân đến Hoa Kỳ vào đầu thập niên 80. Anh và gia đình cư ngụ tại San Diego (California), và theo học trung học tại đây. Trong một lần lên hát chơi trong một tiệc cưới, Dũng được bạn bè khích lệ rất nhiều vì anh có một giọng ca tốt. Và đó cũng là dịp đã đưa đẩy anh vào làng ca nhạc để sau đó anh cùng gia đình rời lên quận Cam (Orange County) cư ngụ cho đến nay.

Trong những năm trung học, Don Ho đã là thành viên của một nhóm hợp xướng học sinh có tên là Chambers Singers. Vốn có năng khiếu về nghệ thuật, anh đã nhận được một học bổng về ngành này do một trường nghệ thuật ở New York cấp phát. Tuy nhiên vì quá đam mê ca nhạc, nên anh đã quyết định ở lại California để hoạt động với mục đích trở thành một ca sĩ nhà nghề

Kể từ năm 89, Don Ho bắt đầu xuất hiện tại một số vũ trường ở miền nam California. Cho đến năm 91 thì tên tuổi anh đã bắt đầu lên cao và sau đó được mời xuất hiện lần đầu tiên trên video trong chương trình Paris By Night số 12 của trung tâm Thúy Nga với hai nhạc phẩm “Em Đẹp Như Mơ” và “Black Magic Woman”. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên anh đã chiếm ngay được cảm tình của khán giả. Với những lời yêu cầu của rất nhiều người, anh đã được mời tái xuất hiện trên chương trình “Paris By Night” số 15 vào năm 92 với nhạc phẩm “Diana”. Từ đó cho đến nay Don Ho luôn là một khuôn mặt sáng chói trong những chương trình Paris By Night của trung tâm Thúy Nga.

Vào năm 1989, Đon Hồ bắt đầu hát như là một ca sĩ chuyên nghiệp cho một số vũ trường tại Nam Cali. Sự nghiệp của anh thăng tiến rất nhanh vào năm 1991 qua báo chí và lần đầu tiên xuất hiện trong băng Paris By Night. Đon Hồ xuất với liên khúc Nhạc Trẻ Paris gồm những bài hát như: "Em Đẹp Như Mơ", "Black Magic Woman" trong băng Thuy Nga Paris 12. Ngay sau đó, khán thính giả đã yêu cầu và tán thưởng anh trở lại với Thuy Nga Paris 15. Và một lần nữa, Đon Hồ thành công xuất sắc khi thủ vai trong nhạc kịch Diana với Dalena và Trịnh Nam Sơn.

Ngay khi bắt đầu sự nghiệp, Đon Hồ thường trình diễn nhạc Mỹ và nhạc ngoại quốc vì giới trẻ rất yêu chuộng loại nhạc này. Tuy nhiên, càng về sau, Đon Hồ bắt đầu chuyển sang nhạc tình Việt Nam. Đon Hồ hình như luôn thành công trên mọi thể loại nhạc mà anh đã trình diễn. Anh cho biết anh rất có hứng thú hát nhạc trữ tình Việt Nam bởi vì những bài hát này có một âm hưởng đánh động và ghi dấu sâu sắc đến với cá nhân anh cũng như tâm hồn mọi người.
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 16:50:59 | Hiển thị tất cả tầng
DUY QUANG

Duy Quang tên thật là Phạm Duy Quang và anh dùng tên thật của mình khi ca hát. Anh sinh ngày 11 tháng 4 năm 1951 tại Bạch Mai, Hà Nội và dọn vào Sài Gòn vào thập niên 50’s với gia đình và ở tại Gia Định. Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, cha anh là nhạc sĩ Phạm Duy, mẹ là ca sĩ Thái Hằng, dì là Thái Thanh. Tất cả anh chị em trong gia đình đều theo âm nhạc trong đó có nhạc sĩ Duy Minh, Duy Hùng, và Duy Cường cùng với các em gái của anh là nữ ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo và Thái Hạnh. Năm 1978, Duy Quang sang Pháp sống một năm trước khi sang Hoa Kỳ định cư năm 1979. Anh đã sống tại Midway City, California từ đó cho tới naỵ

Là một phần tử trong gia đình âm nhạc, Duy Quang bắt đầu hát khi anh chỉ mới 5 tuổi và đã biết nhạc lý khi anh 10 tuổị Anh không được huấn luyện tại trường mà chỉ tự học mỗi lúc một ít. Một số người bạn thuở xưa của anh đều là những người đồng nghiệp như: Trung Nghĩa, Quốc Dũng, Trần Văn Tài, và Bảo Chấn… Duy Quang có năng khiếu về âm nhạc thấy rõ khi anh có thể chơi đàn Mandolin, guitar, bass guitar, trống và pianọ Ngoài khả năng về âm nhạc, anh còn có thể vẽ tranh và một số tranh anh vẽ đã được đăng trong báo nhà trường.

Duy Quang xuất hiện lần đầu tiên năm 1965 khi anh hát cho một số buổi văn nghệ tại trường. Năm 1967, anh tham gia vào ban nhạc và sau đó trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Duy Quang vẫn cho rằng năm 1968 mới chính là lúc anh thật sự bước chân vào nghề ca hát. Khi nói đến Duy Quang, có lẽ không ai không nhớ tới một tên tuổi vang bóng cùng với Julie là cặp song ca Julie Quang. Nhưng rồi hôn phối của họ đã không thành. Cho đến nay, Duy Quang vẫn là một trong những giọng ca hàng đầu tại hải ngoạị Anh vẫn mang đến cho gia đình anh rất nhiều hãnh diện cũng như anh đã ngự trị trong trái tim của hàng triệu đồng bào yêu nhạc tại hải ngoại.
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 16:53:20 | Hiển thị tất cả tầng
DUY KHÁNH

Duy Khánh (1936 - 2003), tên thật Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh Tăng Hồng, Hoàng Thanh, là một nam ca sĩ người Việt. Ông nổi danh từ thập niên 1960, với những bài hát mang âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của Phạm Duy. Ông còn được biết đến như một nhạc sĩ tài năng với hơn 30 ca khúc, nổi tiếng phải kể đến Thương về miền trung, Lối về đất mẹ, Ai ra xứ huế...
Tiểu sử

Duy Khánh sinh năm 1936 tại Quảng Trị, là con áp út trong một gia đình vọng tộc gốc làng An Cự, Triệu Phong, thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn. Năm 1964 ông thành hôn với Âu Phùng, một phụ nữ gốc Hoa, sinh ra 2 người con, một thời gian sau ly dị. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại Việt Nam. Giữa thập niên 1980 ông cưới bà Thúy Hoa rồi sống tại Vũng Tàu. Đến 1988 được bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Ông mất vào 12 giờ trưa ngày 12 tháng 2 năm 2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Orange County, California, thọ 65 tuổi.

Sự nghiệp

Năm 1952, Duy Khánh đọat giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế với bài hát Trăng thanh bình. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn để theo đuổi nghề ca hát.

Vào Sài Gòn, ông bắt đầu ghi âm đĩa nhựa và đi diễn khắp nơi, dần nổi tiếng với tên Hoàng Thanh. Ông trở thành một trong ba giọng nam được yêu thích nhất, cùng với Duy Trác, Anh Ngọc. Thời kỳ này tên tuổi của ông gắn liền với những bài có âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của Phạm Duy: Vợ chồng quê, Ngày trở về, Nhớ người thương binh, Tình nghèo, Quê nghèo, Về miền trung... rồi đổi nghệ danh là Duy Khánh. Chữ "Duy" trong Phạm Duy, còn "Khánh" là tên một người bạn thân của ông.

Năm 1965, ông cùng với nữ danh ca Thái Thanh thu thanh bản trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy. Sau đó cùng hai người hát trường ca Mẹ Việt Nam. Cho đến nay, hai bản trường ca này vẫn gắn liền với giọng hát Thái Thanh, Duy Khánh.

Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1959, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay từ hai sáng tác đầu tay: Ai ra xứ huế, Thương về miền trung.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông bị cấm hát một thời gian dài, sau đó thành lập đoàn nhạc Quê Hương, quy tụ các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân, các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến... Sau khi sang Mỹ vào năm 1988, ông hát độc quyền cho trung tâm Làng Văn, sau đó tách ra, thành lập trung tâm Trường Sơn tiếp tục ca hát và dạy nhạc cho đến cuối đời.
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 16:54:46 | Hiển thị tất cả tầng
DUY TRÁC


Duy Trác là một ca sĩ nổi tiếng, thành danh ở Sài Gòn từ những năm trước 1975. Tuy chỉ là một ca sĩ nghiệp dư, nhưng nhiều người xem Duy Trác như một trong những giọng ca nam lớn nhất của tân nhạc Việt Nam.

Duy Trác tên thật là Khuất Duy Trác, quê ở Sơn Tây, xuất thân trong một gia đình Nho giáo truyền thống. Nghề nghiệp chính của ông là luật sư, trước đó là thẩm phán ngành Quân Pháp. Ngoài ra ông còn tham gia viết báo và cũng là một dịch giả. Duy Trác bắt đầu đi hát từ những năm còn là sinh viên, khoảnh cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Tuy giọng ca của ông được rất nhiều người mến mộ, nhưng trước 1975 ở Sài Gòn, Duy Trác gần như không bao giờ trình diễn ở phòng trà hay các chương trình nhạc hội. Ông chỉ hát trên đài phát thanh và thu âm cho các hãng băng đĩa, vì vậy nhà văn Duyên Anh đã đặt cho ông biệt danh "chàng ca sĩ cấm cung". Duy Trác cũng có sáng tác một vài bài hát như Tiếng hát đêm Noel, Sài Gòn chỉ vui khi các anh về...

Sau 1975, Duy Trác có đi cải tạo nhiều năm tới 1988. Năm 1992 ông rời Việt Nam định cư tại Houston, Hoa Kỳ. Tại đây ông có tham gia trình diễn ở một vài chường trình ca nhạc và phát hành hai CD riêng Còn tiếng hát gửi người và Giã từ. Trong CD Giã từ ông đã nói lời từ biệt với âm nhạc. Từ đó Duy Trác không còn hát và hiện nay ông hợp tác với đài phát thanh VOVN - Tiếng nói Việt Nam tại Houston phụ trách một vài chương trình.
Băng nhạc và CD Duy Trác
Trước 1975
Tiếng hát Duy Trác
Tiếng hát Duy Trác 2
Tiếng hát Duy Trác - Xuân Sơn Sau 1975
Còn tiếng hát gửi người
Giã từ
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 11-12-2008 16:56:36 | Hiển thị tất cả tầng
Tiểu sử elvis phương


Khi nói đến tác phẩm "Đàn Bà" có lẽ không ai không nghĩ ngay tới một nam danh ca tài ba, Elvis Phương. là một ca sĩ hàng đầu trong nền âm nhạc Việt Nam, anh dâng hiến hầu hết đời mình cho nghệ thuật. Sau một thời gian dài vắng bóng, Elvis Phương bỗng xuất hiện trở lại với tác phẩm video và CD "Tạ Ơn Đời, Tạ Ơn Người".
    Elvis Phương mê âm nhạc từ khi anh chỉ tròn 6 tuổi và anh đã tự học hát bằng cách nghe những dĩa nhạc nổi tiếng của thời bấy giờ, nhất là của nam danh ca Elvis Presly. Năm 18 tuổi, Elvis Phương đã cãi lệnh phụ thân ở lại Việt Nam tiếp tục sự nghiệp ca hát thay vì sang Pháp để học. Tên thật của anh là Phạm Ngoc Phương và vì thần tượng của anh là danh ca Elvis Presley, anh đã lấy tên Elvis Phương khi trình diễn.
    Lần đầu tiên anh xuất hiện truớc khán thính giả là năm 1962 tại trường trung học Regina Pacis trong ngày khai giảng và anh đã trình bày nhạc phẩm "Nửa đêm Ngoài Phố" và "Ó Cangaceiro" Ban nhạc đầu tiên anh cộng tác chung là Rockin\' Stars, một ban nhạc nổi tiếng của thập niên 60. Và kế đó, anh đã cộng tác với nhiều ban nhạc nổi tiếng khác như Les Vampires và Phượng Hoàng. Vào năm 1968, ông Ngọc Chánh của Trung Tâm Shotguns đã phát hành dĩa nhạc đầu tay của Elvis Phương mang tựa đề Shotguns 26: Tiếng hát Elvis Phương. Vào năm 1977, sự nghiệp âm nhạc của Elvis Phương đánh dấu một điểm son saukhi anh cho ra đời tác phẩm "Hát cho người vượt biển". Từ đó trở đi, anh trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và xuất hiện trên rất nhiều băng nhạc, CD và video. Elvis Phương nhanh chóng trở thành một danh ca trên vòm trời âm nhạc với nhiều thể loại nhạc khác nhau như Roc \'n Roll, Pop, Dân Ca, Tiền chiến, etc. Tên tuổi anh gắn liền với những tác phẩm nổi tiếng như: "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang", "Áo Anh Sút Chỉ Đường Tà", "Đàn bà", "Đêm Nhớ về Sàigòn"...
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 21-1-2025 11:00 AM , Processed in 0.034008 second(s), 16 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách