Quên mật khẩu
 Register
Xem: 2470|Trả lời: 0

Thành hoàng đất Thăng Long xưa

[Sao chép liên kết]
Đăng vào 7-2-2014 08:17:19 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Thành hoàng là vị thần bảo hộ cho cuộc sống yên bình của nhân dân trong một làng, hoặc một vùng đất. Mỗi vị thành hoàng đều có sự tích và công trạng riêng và vị Thành hoàng Thăng Long được tôn thờ chính là người có công trong việc bảo vệ cho cuộc sống người dân tại vùng đất Thăng Long – Kẻ Chợ ngay từ thời kỳ Bắc thuộc.

Vào khoảng thiên niên kỷ thứ 1, tại điểm giao lưu con sông Cái (chưa có tên là Hồng Hà) và nhánh sông con (sau này là sông Tô Lịch) có một rẻo đất cao tựa con đê ngăn nước sông Hồng. Mảnh đất này có địa thế bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tiện cho việc thông thương lên rừng xuống biển nên đã thu hút nhiều người chuyên buôn bán, thợ thủ công có tay nghề giỏi từ các địa phương xa gần tìm đến định cư làm ăn lâu dài nên nơi này càng đông vui tấp nập. Những làng xã nông nghiệp xung quanh đã có tên như Kẻ Láng, Kẻ Mơ… thì nơi đây cũng đặt một cái tên rất nôm na là Kẻ Chợ tức Làng Chợ.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khu Kẻ Chợ đã trở thành một nơi mà bọn phong kiến phương Bắc tập trung để đàn áp, vơ vét, bóc lột của cải. Và chính trong khoảng thời gian nghìn năm Bắc thuộc đó, người dân Kẻ Chợ không phân biệt già trẻ, gái trai đều tham gia chống lại sự bóc lột, tàn phá của kẻ thù.

Dưới thời cai trị phương Bắc, ở khu phía Nam sông Hồng có huyện Tống Bình được xây cạnh Kẻ Chợ - khu kinh tế phồn thịnh để dễ bề vơ vét, bóc lột. Bấy giờ có một ngư dân ở Kẻ Chợ tên là Tô Lịch, nhà ở gần sông Con thông ra sông Cái, rất được nể trọng, dân tìm đến xin được chỉ bảo cách chống giặc. Với người dân buôn bán, ông khuyên: “Cái ăn, cái mặc giặc bắc đều cần, vậy hãy bảo nhau nhất tề không đem hàng bán nhiều ở chợ mà bán trao tay ở chỗ khác, đòi chúng phải hạ thuế mới mở cửa buôn bán”.


Đền Bạch Mã xưa (bên phải ảnh)

Với dân cày ông bảo: “Đến mùa gặt chỉ nộp một phần, còn giữ lại để ăn. Chúng bắt mọi người phải khơi sâu thêm hào, sau rặng tre cần thì đắp thêm lũy đất kiên quyết đánh trả quân giặc đến cướp phá. Có thể chúng mới chịu nhân nhượng…”. Mọi người làm đúng như lời dạy của Tô Lịch. Các làng xã ở xa cũng theo gương đó mà kiên quyết không chịu nộp tô thóc, hoặc chỉ nộp rất ít.

Kết cục, giặc phải lùi bước, dân chúng nhờ đó mà dễ thở hơn. Biết Tô Lịch chủ mưu, giặc đến mua chuộc, hứa hẹn chức tước, vàng bạc nhưng ông đều từ chối. Về sau, giặc tìm cách giết hại ông. Dân chúng Kẻ Chợ và các vùng lân cận thương tiếc bèn lập đền thờ Tô Lịch trên nền nhà cũ của ông, nay là đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Con sông phía sau nhà mà sinh thời ông thường thả lưới, buông câu được mang tên là sông Tô Lịch.

Nhiều thế kỷ sau, hết nhà Tùy đến nhà Đường xâm chiếm nước ta. Bọn đô hộ nhà Đường đổi tên nước ta là An Nam đô hộ phủ và đắp La Thành vây kín khu Kẻ Chợ để kiềm chế nhân dân nhưng không ngăn được các cuộc chống đối của người dân Kẻ Chợ và vùng ven. Biết dân Kẻ Chợ vẫn một lòng sùng kính Tô Lịch, quanh năm thắp hương ở đền thờ ông, tên quan đô hộ Lý Nguyên Gia bèn bịa ra chuyện có một vị thần cưỡi ngựa trắng trong mây ngũ sắc xưng là Long Đỗ xuống báo mộng cho hắn và tự nhận làm Thành hoàng Kẻ Chợ. Báo mộng cho hắn tức là đã quy phục Thiên triều còn Tô Lịch đã chống đối thiên triều nên không bao giờ được phong là một vị thần.

Tuy nhiên, nhân dân ta vẫn một lòng thờ vị thần Tô Lịch. Đến lượt tên đô hộ Cao Biền sang, y cho mở rộng La Thành tức là Đại La để mở rộng sự kìm kẹp của chúng. Vào đợt tháng sáu nước lên, Cao Biền cưỡi thuyền đi dạo, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo kỳ dị, tắm ở giữa dòng sông, cười nói tự nhiên. Cao Biền hỏi tên thì cụ già đó đáp: “Ta họ Tô tên Lịch”, hỏi người đó nhà ở đâu thì cụ già đáp: “Nhà ở trong sông này”. Dứt lời lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Cao Biền biết là thần sông bèn đặt tên sông là Tô Lịch. Tên này nham hiểm hơn, cho đúc tượng của thần Tô Lịch nhưng không phải để thờ mà là để yểm bùa cho mất thiêng. Dần dần ngôi đền thờ Tô Lịch cũ trở thành nơi thờ vị thần của phương Bắc, bọn đô hộ đến đó tế lễ rất đông còn dân ta đến đó tế lễ để nhớ đến thần Tô Lịch – thành hoàng của Kẻ Chợ.


Sông Tô Lịch

Nhiều khi thành hoàng Tô Lịch bị đồng nhất với thần Long Đỗ tức vị thần của núi Long Đỗ (hay còn gọi là Núi Nùng). Khi Cao Biền mở rộng La Thành, nửa đêm nằm mộng thấy có vị thần đến xem thành và nói: "Ta là Long Đỗ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành thì đến xem chơi, chớ có ngờ". Biền tỉnh dậy than: "Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt ta, sự này là điềm lành hay điểm gở?". Cao Biền bèn dựng đền, đắp tượng thờ rồi lấy một nghìn cân sắt, đồng làm bùa trấn yểm. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên quật đổ cây to, tung đất, làm tất cả đồng sắt trấn yếm đều biến thành tro bụi. Biền than thở: "Ta phải về Bắc thôi", sau quả nhiên Cao Biền bị triệu về nước.



Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành  nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ. Đêm đó, vua nằm mộng thấy thần đến chúc mừng rồi dặn nhà vua cứ theo dấu vó ngựa đắp. Có con ngựa trắng từ đền đi ra, đi theo hướng Tây, vòng về hướng Đông, trở về điểm xuất phát rồi biến vào đền. Nhà vua y lời thần, bèn cho đắp thành xây lũy theo vết chân ngựa để lại, xây đến đâu chắc đến đấy. Lý Thái Tổ sai tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng đại vương, tức Thành hoàng của cả thành Thăng Long. Ngôi đền này vì thế cũng được gọi là đền Bạch Mã.

Theo quan điểm của Giáo sư sử học Lê Văn Lan thì cũng cho rằng thần Tô Lịch và thần Long Đỗ là một. Ông cho rằng tên gốc của thần là Tô Lịch, vốn là vị già làng của một thôn làng bên bờ sông Tô, một "làng Hà Nội gốc", được gọi là "hương Long Đỗ". Cư dân hương Long Đỗ đã chọn ngọn Núi Nùng và dòng sông Tô Lịch làm nơi dựa phong thủy ở chính giữa trời đất. Người đứng đầu làng sau đó đã trở thành phúc thần, che chở cho cả vùng đất rồng thiêng ngày càng mở rộng quanh chỗ rốn Rồng.

Ngày nay đền Bạch Mã đã trở thành một khu di tích lịch sử được nhiều người biết đến. Đây là một trong “Thăng Long tứ trấn” và trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội đối với mỗi du khách khi đến khu phố cổ Hà Nội.
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 13-11-2024 01:55 PM , Processed in 0.020908 second(s), 20 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách