Quên mật khẩu
 Register
Xem: 3007|Trả lời: 0

Núi Nùng (núi Sưa)

[Sao chép liên kết]
Đăng vào 26-11-2012 14:23:37 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Núi Nùng, sông Nhị là những núi sông tiêu biểu của Hà Nội - Thăng Long xưa. Ca dao Hà Nội xưa có câu:

Dạo xem phong cảnh Long Thành

Đủ mùi đường phố, đủ vành núi sông

Nhị Hà quanh bắc sang đông

Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

Nùng sơn, Long đỗ đây đây

Tam sơn núi đất cao tầy khán sơn...


(Dạo xem phong cảnh Long Thành)

Vậy núi Nùng ở ngay trong thành cổ Hà Nội. Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn, tập II, trong mục Núi, sông, có chép: “Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính thiên, bản triều (Nguyễn) đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ, năm Thiệu Trị thứ ba, đổi gọi là điện Long Thiên, điện Đình ở núi Nùng, có xây bệ cao chín bậc, tả hữu có hai con rồng, dài hơn một trượng, chế từ đời Lý.

Tương truyền, đời Lê Thống Nguyên, nhà Mạc cướp quyền, khi Mạc Đăng Dung theo từng bậc bước lên bệ, bị con rồng cắn xé áo long cổn, Dung tức giận, sai người lấy búa bổ vào rồng, nay vết sứt vẫn còn! (trang 170)


Điện Kính thiên là nơi coi chầu của đời Lê, cũng chính là điện Càn Nguyên của đời Lý. Hai con rồng đá hiện nay vẫn còn. Như vậy, thì núi Nùng cũng không cao. Xét toàn bộ đất Hà Nội - Thăng Long, thì núi ở mạn Tây Bắc, ngay trong hoàng thành, bởi đó là một nơi địa linh phong thủy tốt, nên mới được dựng làm ngôi điện chính của hoàng thành.

Theo các nhà phong thủy (thầy địa lý) thì một ngôi dương cơ, bằng 10 ngôi âm phần; điện đặt ở chỗ này, trên núi Nùng, chính là chọn được ngôi dương cơ tốt, cho nên mới trở thành kinh thành của mấy triều đại Lý Trần Lê (kể cả nhà Hồ và nhạc Mạc sau này)... Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lại được chọn làm Thủ đô và bây giờ trở thành thành phố hòa bình, đáng được xếp vào loại một trong những cố đô lâu đời nhất...

Cái lạ của núi Nùng, còn mang ý nghĩa triết học nữa, đó là có mà như không... không mà có... Đi trên nền điện Kính Thiên, tức là đặt chân lên núi Nùng, một danh sơn của Hà Nội mà ta không biết là có núi. Và rõ ràng là đã đứng ngay trên núi mà chỉ thấy nền điện, hoàng thành...

Đất thiêng, núi thiêng mà khiêm nhường đến thế! Thiết nghĩ, sao kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, mà Hà Nội không dựng lại một điện Kính thiên, theo đúng mẫu của điện Càn Nguyên đời Lý nhỉ! Từ nay đến ngày kỷ niệm, xem ra vẫn chưa muộn!

Làm được tòa điện ấy, hẳn sẽ làm nức lòng dân chúng Thủ đô và trong cả nước... Và nếu như được âm phù, dương trợ, (mà khi có tâm, hẳn sẽ được như thế) thì vượng khí những năm sau này hẳn dồi dào hơn nữa.

Vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã là nhà chiến lược tài ba, lại chọn nơi làm hoàng thành, chọn núi Nùng để dựng điện Càn Nguyên, đều là những quyết định lớn, rất quan trọng... Những thành quả của những năm dựng nước của nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, đều khởi nguồn từ thành này, điện này... Bởi đây là nơi địa linh.

Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên tập I chép: “Tháng sáu, năm Kỷ Tỵ 1029 rồng hiện ở nền cũ điện Càn Nguyên. Vua Lý Thái Tông bảo các quan hầu rằng: “Trẫm phá điện ấy, san phẳng nền rồi, mà rồng thần còn hiện, hay là chỗ ấy là đất tốt đức lớn dấy nghiệp ở chính giữa trời đất chăng?” Bèn sai quan theo quy mô rộng hơn, nhắm hai phương hướng, làm lại mà đổi tên là điện Thiên An...” (trang 207).

Vậy điện Càn Nguyên, còn có tên là điện Thiên An, được mở rộng hơn, hướng điện được khảo cứu kỹ lưỡng hơn, sau này trở thành điện Kính Thiên do nhà Lê đổi tên... tọa lạc trên núi Nùng...
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 21-12-2024 11:05 PM , Processed in 0.017675 second(s), 20 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách