|
Khi trẻ đã lớn, đã đi học và có nhiều bạn cùng lứa, có rất nhiều trò chơi dùng những thứ kiếm được ngay chung quanh hoặc tự chế lấy, ví như bắn ná làm bằng nạng ổi, bắn súng bẹ sống lá chuối, bắn súng ống hóp đạn hạt sầu đông hoặc hạt mâm xôi, bắt chuồn chuồn, buôn bán bằng hoa lá, cái lung tung/ cái trống bỏi, chong chóng bằng lá dừa, cái tó he hay con gà đất có gắn ống cói ống sậy thổi te te, con giống, cối xay làm bằng hạt xoài cưa hai, đánh căn với hai khúc tre hay gỗ, đánh bi, đánh cờ chân chó, cờ gánh bằng vỏ nghêu vỏ sò, đánh đáo, đánh đu dựng bằng tre, đánh trận giả với cây cành hoa lá như Cờ Lau Tập Trận của đinh Bộ Lĩnh thuở còn chăn trâu, đánh thẻ, đánh vụ làm bằng gỗ, đá kiện làm bằng đồng xu buộc lông, đá cầu lông, đạp mạng, đạp lon, đi chợ về chợ, kéo co với giây dừa, làm hùm bắt lợn, lộn cầu vồng, lộn chuồn chuồn, liệng cống, năm tiền liền quan, ném còn làm bằng vải vụn, ném vòng làm bằng tre hoặc mây vào cọc tre hay gỗ, nhảy giây làm bằng giây dừa, nhảy lò cò với mảnh ngói mảnh sành mảnh sứ , rải ô quan/ rải ô làng dùng sỏi, sạn hay hạt đậu, xây khăn/ bỏ khăn/ chuyền khăn, thả diều làm bằng tre dán giấy ... vô số kể.
Cờ Lau Tập Trận, tranh Võ đình
Những trò chơi hầu hết cần vận dụng đầu óc bén nhạy tinh tế tính toán chính xác, điều động tay chân nhanh nhẹn, thích nghi với môi trường thiên nhiên và luyện tập quen dần với đời sống tập thể trong cộng đồng. Hát chơi mà học thật.
Đá cầu bằng đồng xu, tranh dân gian Henry Oger
Bài đồng dao trò chơi Xây khăn trong Nam, trẻ ngồi thành vòng tròn, một em cầm khăn chạy ngoài, cùng đọc cho đến hết thì bỏ khăn sau lưng một bạn. Em này phải chú ý theo dõi để nhặt khăn chạy vòng, nhường chỗ cho bạn, nếu không biết sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Xây khăn, khăn nổi khăn chìm
Ba bên bốn phía đi tìm cái khăn
Thằng chăn bận áo rách vai
Không ai may vá, thằng chăn bận hoài
Trò chơi Chuồn chuồn miền Trung và Lộn Cầu Vồng ngoài Bắc có cách chơi giống nhau nhưng khác bài đọc:
- Chuồn chuồn đạp nước kim cang/ bên tê mở cửa bên ni sang lòn
- Lộn cầu vồng nước trong nước chảy
Có anh mười bảy có chị mười ba
Hai chị em ta cùng lộn cầu vồng
Bài đồng dao trò Dung giăng dung giẻ đọc khi đi quanh nhiều vòng tròn, những vòng này luôn thiếu một để đến cuối khi ngồi xệp xuống sẽ có một em chậm chạp bị loại:
Dung giăng dung giẻ/ dắt trẻ đi chơi
đi tới cổng trời/ gặp cậu gặp mợ
Cho cháu về quê/ cho dê đi học
Cho cóc ở nhà/ cho gà bới bếp
Ngồi xệp xuống đây!
Một bài đồng dao về cuộc sống luẩn quẩn loanh quanh trong nhà ngoài vườn trong xóm ngoài làng là Ông Ninh Ông Nang được Lê Thương phổ nhạc:
Ông Nỉnh ông Ninh/ ông ra đầu đình/ ông gặp ông Nảng ông Nang
Ông Nảng ông Nang/ ông ra đầu làng/ ông gặp ông Nỉnh ông Ninh
Nang Ninh đầu đình/ và Ninh Nang đầu làng
Nang Ninh làng đình/ rồi Ninh Nang đình làng
Nang Ninh làng đình Nang Ninh/ Ninh Nang đình làngNang Ninh
Nang Ninh làng đình Ninh ...
Cô Chiểu cô Chiêu/ cô qua cầu Kiều/ cô gặp cô Thỏa cô Thoa
Cô Thỏa cô Thoa/ cô qua vườn cà/ cô gặp cô Chiểu cô Chiêu
Thoa Chiêu cầu Kiều/ và Chiêu Thoa vườn cà
Rồi Thoa Chiêu cầu Kiều/ rồi Chiêu Thoa vườn dừa
Cả Chiêu Thoa cầu Kiều Chiêu Thoa/ Thoa Chiêu vườn cà Chiêu Thoa
Thoa Chiêu vườn cà Thoa ...
Em Thở em Thơ/ em qua hàng dừa/ em gặp em hải em Hai
Em Hải em Hai/ em qua vườn xoài/ em gặp em Thở em Thơ
Thơ Hai vườn xoài/ và Hai Thơ vườn dừa
Rồi Thơ Hai vườn xoài/ và Hai Thơ vườn dừa
Cả Thơ Hai vườn xoài Thơ Hai/ Hai Thơ vườn dừa Thơ Hai
Thơ Hai vườn xoài Thơ ...
Một bài đồng dao khác được phổ nhạc là Thằng Bờm, nói lên đầu óc thực tiễn của dân quê không cần xa hoa phù phiếm cung ngũ long lầu ngũ phụng dinh thự cao ốc hay đặc sản miếng ngon vật lạ, mà chỉ muốn no bụng:
Thằng Bờm có cái quạt mo/ phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ phú ông xin đổi một đôi chim mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi... Bờm cười!!!
Thuở nhỏ tôi nghịch ngợm hát bài đồng dao Thằng Bờm và có nhịp điệu khác: Thì ra mo cau vàng mới tinh/ phú ông lập tâm mua liền! Thằng Bờm mà biết cóc chi/ Thằng Bờm mà biết cái cóc chi! Chăng chẳng lấy trâu/ Bờm rằng thì là Bờm chăng chẳng lấy trâu đâu!!!
Trò chơi tôi thích nhất hồi còn tiểu học là đánh thẻ chuyền/ đánh banh đũa, nhưng đến nay không nhớ được trọn bài đồng dao đọc đệm. Duyên may quen một gia đình nhà quê mộc mạc, bà mệ tám mươi sáu và bà mạ sáu mươi, không biết đọc biết viết nhưng còn nhớ kỹ. Bỏ một ngày thăm hỏi cùng ôn trí nhớ, ghi trọn được trò chơi này.
Dùng tay phải nắm nguyên bó đũa 6 chiếc hoặc nhiều hơn, cùng một trái banh, có khi chỉ là quả chanh hay một bó vải vụn cuộn thành hình trái banh. Vừa thảy banh lên là trải đũa ra nhanh cho kịp bắt chụp lại trái banh, rồi lần lượt ném banh vừa bắt từng cây đũa một, rồi hai, ba, bốn ... tức là phải tính chính xác làm sao vừa ném banh lên là phải nhanh mắt nhanh tay tính toán nắm đúng số đũa cần lấy đưa ngay sang tay kia và kịp thời bắt chụp lại trái banh. Trò chơi này hình như chỉ có trẻ Việt Nam ta yêu thích và hợp với con gái. Bài đồng dao đọc theo lúc ném banh, bắt đầu ném banh và bắt một đũa, đọc tối đa đến cuối câu phải tóm lại được trái banh, nếu trật phải nhường người kia chơi:
Cái mốt (bắt một đũa)
Cái mai/ con trai/ con hến
Con nhện/ giăng tơ/ quả táo/ cái gáo
Lên đôi (bắt hai đũa)
đôi cái mõ/ đôi nồi chõ
đôi thổi xôi/ đôi nấu chè/ đôi cành tre
Lên ba (bắt ba đũa)
..........
Khi nhặt hết đũa thì bỏ tất cả xuống để ném banh bốc cả nắm đổi sang các giai đoạn kế tiếp là con ba lại, con gang, sang tay cầm, kẹp nách, cầm quạt rẽ xương, sang tay giã, giã đơn hoặc giã đôi tùy giao ước ban đầu, nhập giã, rút ống, nhập ống, sang tay tao tức là chuyền. Mỗi giai đoạn này đọc tên báo sự thay đổi chuyển tiếp. Giai đoạn chuyền, một vòng hoặc hai vòng tùy giao ước trước khi chơi, vừa chuyền vừa ném banh rồi chụp banh lại và đọc:
Chuyền chuyền một/ chuyền chuyền hai/ chuyền chuyền ba
Chuyền chuyền bốn/ chuyền chuyền năm/ chuyền chuyền sáu
Cuối cùng là nẻ hay khẻ, tức là đập cả bó đũa vào chân người thua cuộc, vừa đập vừa thảy banh vừa đọc đoạn cuối bài đồng dao:
Qua cầu, lặn cỏ/ núi đỏ như ma/ hầm sa/ mây sắc
Bắt con cá, chặt đuôi, chặt đầu
Têm miềng trầu, hầu chén rượu
Ai có tiền, ngồi liền lên ghế
Ai không tiền, liệu thế liệu thần
Sang tay nẻ, khẻ chân
Nẻ / khẻ chân xong là thắng, đoạn đồng dao cuối này lại khác nếu do các nữ sinh Đồng Khánh mà nay là những mệ có cháu nội ngoại đề huề:
Ai muốn cao, ngồi ghế / ai muốn thấp, ngồi đòn
Ai muốn đỏ, bôi son / ai muốn vàng, bôi nghệ
Qua cầu Chợ Kệ / về cầu Thanh Lương
Sang tay bắt con một. - Ăn! (tức là thắng)
Đoạn cuối lúc nẻ, mấy mệ ngoài Bắc lại đọc khác:
Đầu quạ quá giang/ sang sông về đò
Cò nhẩy gãy cây/ mây bay bèo trôi
Ổi xanh, hành bóc/ róc vỏ, đỏ lòng
Tôm cong đít vịt
Sang cành nẻ/ bẻ cành xanh
Vét bàn thiên hạ (tức là thắng)
Trong số 54 sắc dân sinh sống tại Việt Nam, người Mường là chị em của người Việt, cùng thờ Vua Hùng, cùng chung truyền thuyết một mẹ trăm con, cùng mặc yếm váy và áo tứ thân và đặc biệt cùng nói chung ngôn ngữ. Trẻ con Mường cũng có đồng dao kèm trò chơi. Ghi lại sau đây một:
Lếu lêu làng lôộc
Tộc ngộc ngọn cơn bo (cây hoang nhỏ có trái trẻ hay hái ăn)
Bò ăn no bò ngứa củ ráy
Ngứa củ ráy ngứa cả cơn rư (cây nưa)
đưa bò về Mường Tráng
Tám mươi người kiếm cỏ/ bò đỏ bò nhà lang
Bò vàng, bò nhà đạo Ống
Tùng tùng tùng tùng/ ai đánh trống mường trên
Lền khên con ca trống gáy (con gà)
Gáy gáy trong rẫy ngoài mường/ vườn như vườn nhà ai
Ông mo biểu mụ máy/ trấy bín biểu trấy bù (trái bí/bầu)
Măng mu biểu măng nứa/ bố đạo biểu mệ nàng
Quan sang biểu kẻ khó/ bó ló biểu bó nếp (bó lúa)
Cơm nếp biểu cơm chim/ cào cào biểu châu chấu (một loại gạo ngon)
Cắt nứa rào cho ta chào cấm/ lấy lưỡi lấm cho ta cầm tiền
Lấy lưỡi liềm cho ta cắt bái (cỏ tranh)
Lấy lưỡi hái cho ta hái ló (lúa)
Náng lấy chó cho ta ăn thịt / náng con vịt cho ta ăn đùi (nướng)
Nuôi con ca cho ta lấy mỡ (gà)
Dệt lấy mớ lụa điều/ dệt nhiều nhiều cho ta cưới vợ ...
Trẻ con miền Bắc ngày trước rất thích chơi Phụ đồng Phụ chổi, có tính cách huyền bí như lên đồng. Bài đồng dao được đọc đi đọc lại cho đến khi đứa trẻ ngổi đồng được vía nhập:
Phụ đồng phụ chổi/ thổi lổi mà lên
Ba bề bốn bên/ sôi lên cho chóng
Nhược bằng cửa đóng/ phá ra mà vào
Cách chuôm cách ao/ cách ba ngọn rào
Cũng vào cho lọt
Cái roi von vót/ cái vọt cho đau
Hàng trầu hàng cau/ hàng hương hàng hoa
Là đồ cúng Phật
Hàng chuối hàng mật/ hàng kẹo mạch nha
Nào cô bán quế/ vừa đi vừa tế
Một lũ học trò/ người cầm quạt mo
Là vợ Ông Chổi
Thổi lổi mà lên ...
Một trò chơi được đám trẻ gái yêu thích, cách chơi giống nhau nhưng ngoài Bắc gọi là là Trồng Nụ Trồng Cà/ Trồng Nụ Trồng Hoa, và miền Trung gọi là đi Chợ Về Chợ. Phải có bốn em, chia làm hai cặp. Một cặp ngồi, lần lượt duỗi chồng từng bàn chân lên nhau rồi chồng bàn tay làm hoa, trong khi cặp kia đi qua đi lai rồi nhảy qua nhảy lại, vừa đọc:
đi chợ/ về chợ (chưa đưa chân)
đi canh một/ về canh một (đưa một bàn chân)
đi canh hai/ về canh hai (chồng thêm một chân, là hai bàn chân)
đi canh ba/ về canh ba (chồng thêm, ba bàn chân)
đi canh tư/ về canh tư (chồng thêm, bốn bàn chân)
đi sen búp/ về sen búp (chồng thêm một bàn tay chụm lại)
đi sen nở/ về sen nở (chồng thêm bàn tay hơi xòe nở)
đi sen tàn/ về sen tàn (bàn tay hoa nở xòe rộng hết cỡ) |
|