|
LÝ
Miền Nam có rất nhiều điệu hò và lý. Những bài nào không thuộc vào hò thì là lý. Có Lý chim khuyên, Lý bông lựu, Lý chuồn chuồn, Lý cây chanh, Lý chè hương, Lý bỏ bìa, Lý con khỉ đột, Lý ngựa ô, Lý quạ kêu.
Lời ca rất mộc mạc, chỉ hai câu thơ lục bát trong bài Lý chim khuyên như:
Chim khuyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi
mà được hát thành:
Chim khuyên (quầy a) ăn trái (quây a) Nhãn lồng (à), nhãn lồng, ớ con bạn mình ơi ! Lia thia (quầy a) quen chậu (quây a) Vợ chồng (à), vợ chồng, ớ con bạn quen hơi.
Miền Trung có thể nói là trung tâm của các điệu lý và họ Lý có nghĩa là hát của giai cấp dân quê (do chữ lý làng mà ra), so với Ca Huế thuộc giai cấp vua chúa, quan liêu trí thức. Tất cả điệu lý được thoát thai từ các bài hát chèo, ca Huế, hát tuồng, và hát cải lương.
Ðiệu lý giao duyên bốn mùa hay lý vọng phu được hát theo điệu Nam ai Trung chuyển sang Ai Oán Nam khi xuống tới miền Nam và trở thành lý bốn mùa hay lý ru con. Thể thơ được dùng là thất ngôn:
Thí dụ như:
Giãi sông Ngân mây rầu rầu chuyển
Một bước đường trời biển chia hai
Hỡi nàng nàng ơi!
Anh dặn một lời xưa nhớ đừng quên.
Từ đó các nhà nho mới đem vào Ca Huế và đổi tên lại thành lý giao duyên 12 tháng như:
Ðầu tháng giêng mãn thiên xuân sắc
Ai nấy vui mưng thiếp bặt mắt trông
Qua tháng hai bông hoa nhài ướm nở
Thiếp luống trông chàng vừa trở gió đông,
v.v...
Hát giao duyên với loại thơ thất ngôn cũng được dùng trong hát chèo. Ðến khi bài Lý giao duyên được sử dụng với thể thơ lục bát qua hai câu thơ:
Ai đem con sáo sang sông
Ðể cho con sáo sổ lồng bay xa.
Thì lại được đổi lại là Lý con sáo. Ðiệu Lý con sáo rất được quãng bá ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi miền với thang âm đặc thù đã tạo ra ba điệu lý khác nhau: Lý con sáo Bắc, Lý con sáo Trung, và Lý con sáo Nam. Ngoài ra, chúng ta còn biết thêm một điệu Lý con sáo nữa là Lý con sáo Quảng.
Ở Thừa Thiên, khi hát bài lý con sáo, thay vì hát đoạn "ơi người ơi", lại hát "tang tình tang". Bài lý con sáo được gọi là Lý tình tang,và khi hát bài 10 thương thì được đổi thành lý mười thương.
Các điệu lý đều dựa trên thể thơ lục bát trên âm giai tứ cung nhu bài lý ba cô, lý lượn, hoặc âm giai ngũ cung như bài lý bắt bướm hay lý cây đa.
Nghệ thuật sử dụng thể thơ lục bát của người Việt rất tài tình. Qua hai bài Lý con sáo Trung và Nam, chúng ta nhận thấy dân tộc Việt Nam đưa vào những tiếng đệm bằng cách lập lại những chữ trong câu chẳng hạn nhu "í a, ố tang tình tang", vv mà làm cho nhạc điệu trở nên phong phú vô cùng.
Dân ca do đó đi sâu vào lòng dân và đôi khi còn ảnh hương rất mạnh vào nhạc thính phòng Ca Huế hay Ðàn Tài Tử miền Nam hoặc vào các điệu hát Chèo, Cải lương.
Hát hội
Hát hội là loại hát đối giữa trai gái tùy hứng ca hát đối đáp thi tài cao thấp trong những dịp lễ đầu xuân hay thu, hoặc khi đêm trăng thanh gió mát sau một ngày làm việc mệt nhọc ngoài đồng.
Hát hội có nhiều loại: hát trống quân, hát quan họ, cò lả ở vùng Bắc Ninh, hát đúm ở Hải Dương, hát phường vải ở Nghệ Tĩnh, hát ghẹo ở Thanh Hóa, hát xoan ở Phú Thọ, v.v..
Hát hội hay hát đối đều mang những đặc điểm chung như sau:
Người hát, làng xã, phải đối nhau chẳng hạn nhóm nam ca sĩ đối lại với nhóm nữ ca sĩ, và thuộc làng xã khác nhau
Hầu hết đều là tình ca để đưa đến hôn nhân.
Ðặc tính đoàn thể rất được nhấn mạnh, như trong quan họ có tục kết bạn và phải thuộc vào gia đình quan ho Truyền thống này được thấy ở hát ghẹo ở Thanh Hóa, và hát xoan ở Phú Thọ có tục lệ "nước nghĩa".
Thi đua là một trong những đặc tính quan trọng. Trong một cuộc hát đối, các người hát thi đua về trí nhớ, lời ca, óc nhạy bén, phải tùy cơ ứng biến, khi gặp khó khăn, tài sáng tác tùy hứng, và kỹ thuật ca hát phải có trình độ cao. Do đó, các làng xã xứ ta thường hay tổ chức hát lấy giải.
Ðặc tính bán chuyên nghiệp. Người hát quan họ phải thuộc một số bài căn bản, phải luyện tập thường xuyên. Do đó mới có tục lệ ngủ bọn, nghĩa là các người hát cùng chung một nhóm thường tựu hợp ở nhà của một người trong bọn, ăn ngủ tại đó để có thì giờ học tập với nhau và tập hát gọi là bẽ giọng.
Hát hội xảy ra trong một phạm vi địa lý nhỏ hẹp, nhứt là ở Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ miền Bắc xứ Việt Nam mà thôi.
Mỗi cuộc thi hát như thế thường chia làm ba hay bốn giai đoạn:
* Hát mời ăn trầu trong trống quân
* Hát giọng lề lối trong quan họ
* Hát dạo, hát chào, hát mừng, hát hỏi trong hát phường vải
* Hát dạo, hát mừng, hát thăm trong hát ghẹo
Sau khi hát mở đầu thì đến phần hát thi. Phần này, bắt đầu các bài hát khó vì phải sáng tác tại chỗ, như hát trả lời câu đố trong trống quân, giọng sỗng, giọng vặt trong quan họ,hát đố, hát đối trong phường vải, và hát đối, hát đố, hát xe kết trong hát ghẹo. Chẳng hạn như trong bài hát trả lời câu đố trong trống quân, bên gái ra câu đố thì bên trai phải giải cho trúng và đố lại. Bên nào không đối được thì kể như thua. Loại hát này được đệm bằng một nhạc khí đặc biệt là cây trống quân hay thổ cô. Một cây mây dài bốn, năm thước căng vòng cầu bắt ngang một cái hố được đào ngay điểm giữa cây mây. Một người hát đánh vào cây mây để đệm, tạo âm thanh giống như tiếng trống.
Cuộc thi hát tiếp tục sang giai đoạn ba với các bài hát khen tặng trong trống quân, hát mời, hát xe kết trong phường vải, và giọng hãm, giọng huỳnh trong quan họ.
Sau cùng là hát tiễn như trong phường vải, hát giã bạn trong quan họ, hát thề, hát dặn, hát tiễn trong hát ghẹo.
Hò, lý, hát hội với Trống quân, Quan Họ, Hát phường vải, Hát ghẹo, Hát xoan, cò lả,vv... rất gần với chúng ta qua lời ca đơn giản, diễn đạt tất cả hình ảnh sống động của xã hội nông thôn Việt Nam và mỗi người hát là một nhà thơ. |
|