|
Xin giới thiệu một số tác phẩm phẩm dành cho các teen đang ở những bậc thang cuối cùng của teen. Đây là loại sách dành cho tuổi mới lớn: TUỔI HOA (trước 75)). Trong Topic này xin hân hạnh chia sẻ cùng các bạn đang trong độ tuổi ...Mực tím. Sách Hoa Tím
TRĂNG BA MƯƠI
Tác giả Thuỵ Ý
(Sưu tầm)
Chương 01
- Thưa anh, Hồng Quỳnh có nhà không ạ?
Người con trai ngước lên trả lời tôi:
- Em nó vừa chạy qua nhà bên cạnh chắc về ngay bây giờ. Cô ngồi chơi đợi nó chút nhé.
Tôi dạ. Ngồi vào ghế đối diện chiếc canapé của anh ta. Tôi nhìn cuốn sách trên tay với dòng chữ đề tặng Quỳnh “ Thương cho Hồng Quỳnh – Cô bé dễ thương nhất đệ nhị C3” dưới đó là hai chữ Hạ Mai được tôi ký thật bay bướm. Chắc Quỳnh sẽ vui lắm, nó không ngờ tôi mò xuống cái tỉnh lẽ buồn hiu này để thăm nó.
- Hình như cô chưa đến đây lần nào phải không?
Tôi giật mình nghe tiếng hỏi, gật đầu:
- Vâng. Em học chung với Quỳnh ở Sàigòn.
- Thảo nào nghe giọng nói cô là lạ. Tôi là anh Hồng Quỳnh – tên Nghiễm.
Tôi reo lên:
- Anh Nghiễm. Quỳnh nó nhắc anh với em hoài đó. Bây giờ em mới biết anh – Em tên Hạ Mai.
- Hồng Quỳnh nó thương tôi lắm. Các cô bạn nó thỉnh thoảng cũng đến nhà chơi nên tôi nhận ra giọng. Chỉ có cô…
- Em mới đến lần đầu.
Bất chợt tôi im lại. Một dấu hỏi nẩy sinh. Tại sao anh Nghiễm lại không nói “thấy” cô là lạ mà lại là “nghe” giọng cô là lạ? Như thế?!...Có lẽ nào?! Ừ, có lẽ nào anh Nghiễm… mù?! Không, không thể được. Đôi mắt anh vẫn mở lớn… Ồ! Sự mở lớn bất động. Đôi mắt chết ! Trời ơi !
Tôi cắn môi, dằn tiếng kêu thương cảm. Anh Nghiễm tiếp:
- Quỳnh nói về tôi sao cô? Một người anh mù lòa mà nó đã chịu khổ để lo lắng thật nhiều?
Tôi bối rối:
- Không ạ… Thưa anh, Quỳnh không bao giờ nói với em nỗi bất hạnh của anh. Nó chỉ nói nhà có ba anh em, anh Nghiễm lớn nhất, đến chị Xuân Quỳnh và Hồng Quỳnh là em út. Em út nên cả nhà đều cưng nhiều, nhất là anh Nghiễm.
Nụ cười trên môi anh Nghiễm heo héo, thật dễ thương, làm tôi hình dung đến nụ cười của Bá Tước A Tố trong “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, nó làm cho gương mặt hơi dài của anh trở nên quý phái lạ lùng. Anh Nghiễm hỏi:
- Xuân Quỳnh lập gia đình còn Hồng Quỳnh đi học xa. Hai năm nay má tôi phải mang mấy đứa cháu họ về ở trong nhà cho vui.
- Sao bác và anh không để Hồng Quỳnh học ngay trường tỉnh cho gần? Ở đây cũng có đệ nhị cấp mà.
- Con bé cứ nằng nặc đòi học Sàigòn. Nó bảo học ở đây rồi nó thành chị nhà quê, với lại nó lên ở với chị thì cũng được nên mà, tôi chìu ý.
Anh chép miệng:
- Chỉ có tôi, mang nỗi bất hạnh triền miên. Cuộc sống chỉ là bóng tối nên ở đâu thì cũng vậy.
- Anh thử hy vọng ở sự tiến triển của khoa học. Em thấy… không đến nỗi nào.
- Trường hợp tôi khó lắm Mai ạ. Vì dây thần kinh bị hỏng. Vả lại nếu ở các nước văn minh có đủ phương tiện chữa thì mình không đủ tài chánh để đi.
Tôi nghe buồn cho anh. Dường như đoán được ý tôi, anh lảng qua chuyện khác:
- Tên của Mai nghe hay quá hả. Hạ Mai, nghe vừa dễ thương vừa kiêu hãnh.
Tôi muốn cám ơn Nghiễm về lời khen tế nhị đó nhưng Hồng Quỳnh đã về với tiếng reo hồn nhiên quen thuộc:
- Hạ Mai ! Mày đến bao giờ?
Tôi ra cửa đón Quỳnh, cười vui:
- Tao vừa đến tí là mày về.
- Vậy hả? Sao mày không đánh điện cho tao đi đón?
- Muốn dành cho mày một ngạc nhiên.
Quỳnh siết tay tôi:
- Cám ơn mày, Hạ Mai . À, hành lý mày đâu?
- Để ở nhà chị Hảo.
- Tao quên mày có chị Hảo ở đây. Nhưng chắc mày bò về tận đây đâu phải vì chị ấy.
- Nhất định rồi. Không có mày sức mấy tao xuống đây. Hè này anh Hải tổ chức đi Đà lạt, tụi nhóc khoái quá trời.
- Sao mày không đi Đà lạt với gia đình cho vui?
- Tao thích nghỉ hè với mày hơn.
Quỳnh kéo tôi trở vào phòng khách. Anh Nghiễm vẫn ngồi bất động trên ghế. Quỳnh hướng về phía anh nói lớn.
- Anh Nghiễm, Hạ Mai bạn em.
Giọng anh thật diụ dàng:
- Anh vừa nói chuyện với Mai.
- Hè này famille của Mai đi Đà lạt mà nó hy sinh xuống đây nghỉ hè với em đó. Anh coi em “hách” không. Ai cũng thương em hết hà.
- Mừng cho cô.
Anh Nghiễm tiếp với tôi:
- Đà lạt là nơi lý tưởng cho những người đầy đủ phương tiện. Còn miền quê như Cao Lãnh này hợp với những tâm hồn bình dị, mến gió đồng nội, dòng sông, hương lúa.
- Anh nói chuyện như một văn sĩ.
- Mày không biết chứ, hồi còn đi học anh Nghiễm chuyên môn nhất văn chương đó.
- Thôi đừng quảng cáo cho anh, Hồng Quỳnh. Khôn khéo Hạ Mai tưởng thật thì khổ.
- Sao lại không thể như vậy? Em nghĩ anh vẫn có thể viết được. Em đã thấy một người bị trường hợp như anh dùng máy chữ và dùng rất thông thạo.
Hồng Quỳnh nhìn tôi, nó ghé tai nói nhỏ:
- Mày biết rồi hả?
- Gì cơ?
- Anh Nghiễm bị mù.
- Chuyện có gì lạ đâu, sao mày thắc mắc, nhưng phải nói là mới thoạt nhìn không ai biết là anh bị mù đâu. Mắt anh vẫn mở, chỉ thiếu linh động thôi.
- Mày thấy anh tao ra sao?
- Dịu dàng. Và trên nét mặt anh tao thấy một vẻ gì vừa ấm áp trìu mến, vừa lạnh lùng xa vắng. Y như nhân vật A Tố của Dumas.
- Mày chỉ giàu tưởng tượng. Ngày xưa chưa bị tật nguyền anh tao rất đẹp trai. Cũng là một type lý tưởng cho các cô. Tiết rằng mười mấy năm rồi anh bị mất ánh sáng.
Anh Nghiễm đứng lên đi ra cửa. Anh đi thong thả và không cần phải cầm cây để dò đường. Tôi nghĩ thời gian quá dài đã giúp anh quen thuộc tất cả đường lối trong nhà. Đi ngang chỗ Quỳnh và tôi anh nói:
- Quỳnh mời Hạ Mai chiều nay ăn cơm nhé. Em thử trổ tài nấu nướng để thưởng công Hạ Mai từ Sàigòn xuống đây thăm em chứ.
- Em nấu ăn được rồi nhưng với điều kiện anh Hai phải đi câu cá.
- Bậy nào.
- Chứ gì nữa. Hạ Mai sẽ thấy món ăn ngon hơn nếu đó là cá của anh câu và do em nấu. Đồng ý không Mai.
Tôi chưa biết nói sao, Quỳnh tiếp:
- Đi nha anh Hai. Em rủ Hạ Mai đi luôn. Mình câu cá xong là mình nấu ăn liền, ngon hết sẩy. Để em soạn đồ câu.
Không đợi anh trả lời, Quỳnh nhảy chân sáo ra sau nhà. Tôi hỏi anh Nghiễm:
- Anh thích câu cá hở anh? Em thấy đó là một môn giải trí thoải mái.
- Thỉnh thoảng Mai ạ. Đôi khi không biết làm gì để đốt thời gian.
Hồng Quỳnh trở ra, cần câu trên vai và giỏ mồi trên tay. Nó nhìn tôi từ đầu đến chân bật cười:
- Trời đất, công chúa. Đi đâu mà mặc quần pant áo chemise thì đúng là công chúa rồi.
Tôi đỏ mặt:
- Tao sang thăm mày, đâu biết được theo anh Hai đi câu.
Tôi bắt chước Quỳnh, gọi anh Nghiễm bằng tên thứ. Anh cười, chiều ý em gái nhận giỏ mồi câu ở tay Hồng Quỳnh. Con bé nhí nhảnh như sáo con:
- Hạ Mai, rồi mày sẽ thấy miền quê tao, đẹp không chịu được. Ngoài gió mát sông lành còn có những di tích lịch sử. Mộ ông Thiên Hộ Dương nè, Đồng Tháp Mười nè.
- Tiếc quá. Mai đến lúc này tình hình không được an ninh. Nếu không mình vào tận Đồng Tháp Mười coi cho biết.
- Mày phải thấy muỗi ở đây, lớn bằng con.. gà mái ấy. Đây còn đỡ, vào miệt Tân Châu Hồng Ngự hay Gãy cờ đen thì phải biết, trâu phải ngủ mùng.
Tôi nghe những địa danh thật xa lạ. Xa lạ như Pleine, như Puprang, Chu Pao mà tôi nghe qua tin tức chiến sự. Đất nước bao la quá. Sàigòn thủ phủ và Sàigòn hẹp bé, chật ních, không một gang tay đất trống, trong khi quê hương còn ngút ngàn những vùng đất chưa khai phá thật trù phú. Con đường đất hẹp đưa ba anh em đến một con lạch khá lớn, chung quanh sậy cao quá đầu. Quỳnh tìm một khoảng trống trải tấm vải dầu xuống.
- Hạ Mai, mày ngồi đi. Để tao móc mồi cho anh Hai câu.
Tôi nghe lời, ngồi xuống cạnh nó. Quỳnh nhanh nhẹn móc mồi vào lưỡi câu, trao cần cho anh Nghiễm:
- Ráng câu con cá trê nha anh Hai, em nướng làm nước mắm gừng… hấp dẫn khỏi chê.
Anh Nghiễm quăng lưỡi câu xuống going nước, vừa nói:
- Hạ Mai chưa ăn mà nghe em quảng cáo nãy giờ chắc cũng no rồi.
- Giật đi anh Hai, lưỡi câu bị ăn rồi đó, em thấy giây cước giật kìa.
Tôi reo lên, Hồng Quỳnh đưa ngón tay lên miệng:
- Suỵt, để yên cho cá nó ăn. Mày la cá nó biết có người câu nó lặn mất hết.
Tôi mở lớn mắt:
- Ơ hay, làm sao cá nó nghe được tiếng người?
Anh Nghiễm giải thích:
- Nghe được hay không mình cũng không chắc Mai ạ. Nhưng theo những người có kinh nghiệm thì không nên nói lớn, cá nó sẽ bỏ mồi đi nơi khác.
Hồng Quỳnh dẫn chứng:
- Mày biết con chuột chứ gì? Mày mà muốn bẫy nó là phải im hơi lặng tiếng, chứ đã nói lên là “bẫy chuột” là đừng có mong, tụi nó “dội” hết.
Tôi nghe mà không cãi, bởi những kinh nghiệm đó thật vô dụng cho một người ở thành phố như tôi. Những trò giải trí của tôi là ciné, đọc sách, dạo phố. Thỉnh thoảng có đi picnic hay chơi patin thì cũng không có câu cá trong đó. Chuột lại là thứ tôi sợ nhất nên nếu ở nhà có bẫy cũng không có tôi dự vào.
Khoảng một giờ sau chúng tôi trở về với giỏ cá khá nặng. Hai con cá lóc nhỏ, một con lớn, mấy con cá trê, cá rô. Quá đủ để Hồng Quỳnh trổ tài nấu nướng.
Tôi giúp Hồng Quỳnh làm bếp. Tôi không quen làm cá nhưng có thể lặt đậu, gọt khoai dùm nó, thức ăn toàn là của nhà, từ củ khoai lang đến trái cà chua, từ trái ớt đến cây xà lách.
Bữa ăn thân mật, vui nhộn, mẹ Quỳnh nói bà có thêm một đứa con gái là tôi. Anh Nghiễm than một cô em gái đã chiều muốn hụt hơi, hai cô chắc chết.
*
- Hạ Mai, em không thể nào qua một nỗi kinh hoàng như anh lúc đó đâu.
Tôi ngồi đối diện anh Nghiễm trong vị thế lần gặp gỡ đầu tiên. Anh đang kể về tai nạn khủng khiếp của mười bốn năm về trước, tai nạn đã biến anh thành một kẻ mù lòa.
- Phải Mai ạ. Nỗi đau đớn của những ngày đầu tiên trên giường bệnh anh chịu được. Chỉ có gần hai tháng sau bác sĩ mới cho anh hay biết một sự thật đau lòng. Ông nói anh trước ngày mở băng mắt:
- Cậu Nghiễm ! Suốt hai tháng qua cậu đã thấy sự cố gắng của tôi trong việc trị bệnh. Tôi đã bằng đủ mọi cách cứu cậu thoát khỏi tử thần, làm lành những vết sẹo trên gương mặt tuấn tú của cậu. Chỉ có đôi mắt…
Ông ngừng lại. Bàn tay ông siết chặt tay anh:
- Cậu phải can đảm, cậu Nghiễm. Tôi rất buồn vì khoa học chưa phục vụ đúng mức đòi hỏi của con người.
Anh run lên, lắp bắp:
- Bác sĩ nói thế… có nghĩa là…
- Dây thần kinh bị hỏng, tôi đành bất lực.
- Anh nhớ mình chỉ kêu lên được hai tiếng “trời ơi” rồi lịm đi. Nỗi đau đớn như một vết dao rạch sâu trong tim anh. Anh sống mà như đã chết những ngày sau đó. Nhiều khi anh bấm mạnh vào tay, vào đùi để hy vọng rằng mình đang mơ… mình sẽ tỉnh để thấy rằng nỗi bất hạnh chỉ là cơn ác mộng. Nhưng không, đó là một cơn ác mộng trong thực tế. Cơn mơ sẽ kéo dài suốt đời anh và cực hình đó cũng sẽ đeo đẳng cho tới bao giờ anh nhắm mắt. Cuộc sống chỉ còn là ngục tù với những xiềng xích từng đường gân máu, níu kéo nỗi khắc khoải không lúc nào ngưng nghỉ. Anh thấy mình như bị chôn sống, có cảm giác nghẹt thở trong sáu tấm ván quan tài. Anh gào thét, cấu xé, mong làm rách toạc cái màn đen khốn nạn trong mắt anh. Nhưng tất cả đều vô ích. Cả tử thần cũng trốn tránh anh…
Anh Nghiễm ngừng lời. Điếu thuốc lá cháy quá nửa được anh gắn lên môi. Làn khói nhẹ và gương mặt người con trai như đăm lại sau chất khói mù mờ tản mạn.
- Chắc anh phải qua một thời gian khó khăn lắm?
Anh Nghiễm trả lời tôi bằng một cái gật đầu. Anh tiếp:
- Khi thấy mình phải sống anh không hiểu rồi những chuỗi ngày dài sau đó sẽ ra sao. Rồi tất cả cũng qua đi trong sự cố gắng của anh và gia đình. Tất cả những người trong gia đình đều đổ dồn tình thương cho anh, lo lắng cho anh. Chính đó là niềm an ủi vô biên và cũng là sự bứt rứt khôn cùng đối với anh. Anh có cảm tưởng mọi người lo cho anh vì thương hại. Anh chối từ sự lo lắng đó. Anh muốn được yên một mình. Nhưng khi mọi người chìu anh, để anh yên thì anh lại cho rằng bị bỏ rơi vì mình là kẻ tật nguyền, vô dụng.
Tôi buột miệng:
- Khổ ghê anh nhỉ. Nếu em là anh, không biết em sẽ ra sao lúc đó.
- Mình không làm gì được đâu Mai. Bất lực hoàn toàn. Đành chấp nhận sự khe khắt của định mệnh vậy thôi. Lúc đầu anh cũng trông cậy vào thời gian, để gia đình lo cách chạy chữa. Nhưng bao nhiêu bác sĩ đều lắc đầu. Gia đình tiêu tốn khá nhiều mà anh vẫn không tìm được ánh sang. Rồi thời gian đốt dần nguồn hy vọng. Anh từ bi quan trở nên an phận. Bây giờ thì anh sống như thế này. Kiếp đời không biết kéo dài đến bao giờ
Tôi bất chợt hỏi anh một câu không định:
- Anh không có bạn gái sao?
- Hầu như là không. Trước khi bị mù thì anh ở lứa tuổi ham mê thể thao, con trai 15,16 mê đá banh, mê tắm sông, đánh lộn hơn là mê gái. Còn từ tuổi lớn thì đã sống trong bóng tối mất rồi. Có ai đến với anh đâu.
Tôi chua xót thở dài. Biết nói gì đây để an ủi Nghiễm? Tôi không đủ ngôn từ để diễn đạt. Tôi không nghĩ là Nghiễm đã nói thật rằng anh hoàn toàn không có bạn gái, chỉ có thể nói là anh rất khó tính trong lãnh vực đó. Anh từ chối chỉ vì bị mặc cảm mình là kẻ tật nguyền. Tôi không trách anh vì ai ở hoàn cảnh anh cũng như thế.
Tôi đã quen với gia đình Nghiễm hơn mười ngày rồi. Thời gian đủ để tôi trở thành thân thiết với mọi người. Hồng Quỳnh vui hơn bao giờ hết, nó quấn quít bên tôi, hai đứa không rời nhau trừ những lúc nó bận công việc. Tôi mang tiếng ở nhà chị Hảo nhưng ít khi có mặt tôi ở nhà. Chỉ có buổi tối mà đôi khi tôi còn ở lại ngủ với Quỳnh, hai đứa rù rì hết chuyện này đến chuyện khác.
Mãi rồi Nghiễm trở thành một hình ảnh quen thuộc đối với tôi. Buổi sáng tôi đến đã thấy anh ngồi trên canapé, đôi khi anh ra tận cổng đứng đón. Chiều, anh và Hồng Quỳnh đưa tôi về tận nhà. Những con đường trong xóm đã trở nên quá quen thuộc đối với Nghiễm, quen thuộc như chính nhà anh nên Nghiễm chỉ cần đi thong thả mà khỏi dùng đến gậy dò đường. Anh đi như một người nhàn du. Trong xóm ai cũng biết anh nên không có vấn đề trở ngại. Thỉnh thoảng những người bạn trong xóm hay những bạn học ngày xưa của anh ở xa về đến mời anh đi uống rượu. Hồng Quỳnh khoe với tôi anh uống rượu chì lắm, không say bao giờ.
Gió miền quê làm tôi trở nên mạnh khỏe hơn. Tôi ăn được cơm vì không có gì để ăn vặt. Ở nhà tủ lạnh để đủ thứ trái cây, và tôi no vì chuối, vì lê, vì đu đủ… Gió miền quê mát dịu, trong lành cũng làm tôi ngủ ngon hơn. Ở quê có gà gáy sáng và người ta đi làm việc thật sớm mà vẫn không gây tiếng động, ồn ào như thành phố.
Năm thi mười họa mới có một chiếc xe hơi từ tỉnh, từ quận về, ghé thăm bà con, con nít chạy ra coi “dân thành phố” ăn mặc. Tôi có những bộ đồ hợp thời trang được mang từ Sàigòn xuống đã được xếp kỹ vào đáy rương để thế bộ đồ áo bà ba trắng, quần dài đen của Hồng Quỳnh. Nó nói “nhập gia tùy tục”, phải giống người ta để tránh cái nạn dòm ngó.
Hôm đầu tiên tôi mặc áo bà ba “trình diện” má Quỳnh, bà cụ kêu lên:
- Cháu Mai mặc quần thành phố thì đẹp, mà mặc đồ dân quê coi cũng xinh đáo để chớ. Coi thùy mị như con ông Tám Tỵ hả Quỳnh?
Hồng Quỳnh cãi:
- Hạ Mai dễ thương hơn con nhỏ đó nhiều chớ má. Bao nhiêu con gái đẹp đất Cao Lãnh lấy chồng bỏ xứ hết rồi, còn lại cô ta coi “đường được” nên mới lên mặt lối. Không bằng… một góc bạn con.
Tôi bấm Quỳnh:
- Mày nói gì kỳ vậy, không sợ má giận à. Người ta là người ta, mình là mình, có gì đâu mà cãi loạn lên.
Quỳnh nhăn mặt:
- Tao ghét nhỏ đó, xấu như gì mà lối. Bị cả xóm toàn quỉ dạ xoa nên thấy nó khá. Mỗi người khen một câu làm cô ả lên mây.
Má Quỳnh lắc đầu:
- Má không hiểu sao con ghét nhỏ Lệ đến thế. Nó vẫn tử tế với gia đình mình…
Quỳnh bướng:
- Thôi con chả nói nữa, không ưa là không ưa.
Rồi nó nhìn tôi tấm tắc:
- Mày mặc đồ này hay ghê à Mai. Mấy cậu trai làng mà thấy cô thôn nữ như mày chắc mệt.
- Thôi cho tao xin, cho uống nước đường hoài.
- Tao nói thiệt mày không tin hở? Không tin hỏi anh Hai coi.
Nó ngưng bặt. Chợt nhận ra sự hớ hênh của mình. May mà lúc đó không có Nghiễm ở đó, đỡ cho anh khỏi tủi vì câu nói vô tình của em gái.
Nhưng rồi sau đó anh Nghiễm cũng được biết rằng tôi mặc áo bà ba và mặc… rất đẹp, dĩ nhiên là Hồng Quỳnh đã líu lo một đường quảng cáo. Anh Nghiễm nói với tôi:
- Anh rất tiếc không được nhìn Hạ Mai làm cô thôn nữ. Chắc là xinh ghê lắm.
- Quỳnh đang cười em vì mái tóc ngắn đấy. Các cô ở đây toàn tóc dài không à.
- Hạ Mai là Hạ Mai, làm sao so sánh với người khác được. Anh vẫn thấy đẹp những người con gái có gương mặt hợp với mái tóc ngắn.
Bao giờ Nghiễm cũng khen tôi một cách tế nhị. Tôi sung sướng ửng hồng đôi má. Giá lúc đó Nghiễm nhìn thấy tôi chắc anh không đến nỗi thất vọng
[ Last edited by anhz27 at 2009-6-11 09:01 PM ] |
|