|
2
• Vũ ngồi dưới gốc cây bàng đợi Vọng. Cạnh nó, Côn đang lẩm nhẩm ôn bài cách trí. Còn hai mươi phút nữa mới chào cờ. Ước gì không phải học sáng nay. Vũ thầm thì thế. Mắt nó không ngớt hướng ra cổng trường.
- Sao hôm nay con nhà Vọng đến chậm thế hở Côn ?
- Tao biết đâu.
Vũ cáu sờn :
- Thôi mày đừng ôn bài cho tao nhờ tí.
Côn vui vẻ chiều bạn. Bao giờ nó cũng nghe lời thằng Vũ như nghe lời anh nó. Không hẳn nó sợ thằng Vũ nhưng chắc chắn nó yêu thằng Vũ, phục thằng Vũ hơn tất cả tụi bạn của nó.
Thỉng thoảng có thằng bạn mới nào hỏi "mày chơi với thằng Vũ lâu chưa" nó đều lắc đầu, nghĩ ngợi. Nó quên thật. Côn không nhớ bắt đầu chơi với Vũ tự ngày nào. Trong trí óc của nó, Côn chỉ còn nhớ một ván đáo lớn gần năm đồng bạc xu, đi không hết phải chồng vợi trên sân. Thằng Vũ chơi ván đáo đó. Côn chầu ngoài.
Mấy đứa giao hẹn trước khi chơi là nếu hết tiền nộp mỗi lần chơi hỏng thì đương nhiên thua. Ba thằng phạm luật ra rìa, cay cú lắm. Còn trần si thằng Vũ chọi với thằng Quý. Ván đáo mỗi lúc một sôi nổi. Cổng trường khép kín hơn nửa giờ mà bọn học trò còn quây quẩn ngồi xem "ván đáo lịch sử".
Thằng Quý chuyên môn chơi bẩn. Nó cậy nhiều tiền, đi tưới lên rồi không chọi, hy vọng thằng Vũ ham ăn, chọi liền tù tì và sẽ cạn tiền nộp phạt. Vũ biết, song cứ tỉnh khô. Nó gieo tiền rất khéo, gặp dịp ngon ăn. Vũ mừng quá hóa chọi hỏng. Thằng Quý sướng nhảy rối rít. Nó đòi tiền giam. Vũ cháy túi, tai nó đỏ bừng, mặt nó tái đi, uất ức.
Đúng lúc bị bắt bí ấy. Côn móc túi dúi vào tay thằng Vũ một đồng. Không hỏi han, không ngạc nhiên gì cả, Vũ ném đồng bạc giấy xuống sân, nhổ nước bọt, gân cổ dọa :
- Ông còn chơi đến tối, hết cả củ "thìu biu" đây này !
Ván đáo tiếp tục. Kết cuộc thằng Vũ thắng. Thu tiền đầy túu xong xuôi. Vũ mới nhìn ân nhân của nó. Mắt nó chớp mau, cảm động. Ván đáo vãn người, hai đứa trẻ nán lại, im lặng. Vũ trao đồng bạc cho Côn. Hai đứa cùng ngượng ngùng sóng đôi bước trên đường về. Vũ mở đầu :
- Tại sao "đằng ấy" cho tớ mượn tiền ?
- Tại tớ ghét con nhà Quý.
- Tại sao "đằng ấy" ghét con nhà Quý ?
- Tại nó đánh đáo gạo.
- Nhỡ tớ thua "đằng ấy" có đòi tớ không ?
- Không.
Vũ mỉm cười. Nó định nói "Đằng ấy nói phét" vì nó nghĩ rằng một đồng chứ đâu phải một xu, một hào mà thằng Côn không đòi. Vũ nhìn thẳng vào đôi mắt thằng Côn khiến thằng Côn bẽn lẽn cuối xuống.
- Chắc nhà "đằng ấy" giầu nhỉ ?
Côn thành thực :
- Ừ, mỗi ngày ba tớ cho hai đồng. Còn "đằng ấy" mỗi ngày lĩnh mấy đồng ?
- Nhà tớ không giàu cũng không nghèo. Ba tớ đi vắng luôn, dì tớ mỗi sáng năm hào thôi.
- Thế mẹ "đằng ấy" đâu ?
- Mẹ tớ chết rồi !
Côn len lén nhìn Vũ. Nó buồn buồn. Vũ thấy hai đứa cứ sóng đôi về cùng đường, nó hỏi :
- Nhà "đằng ấy" ở phố nào ?
- Phố Lý Thường Kiệt.
- "Đằng ấy" ở cùng phố tớ, nào sang nhà tớ chơi nhé !
- Ừ.
- Này !
- Gì ?
- Tớ hỏi thật, nhỡ tớ thua "đằng ấy" tính sao ?
- "Đằng ấy" có thua đâu mà tính.
- Nhưng nhỡ cơ mà ?
- Nhỡ sao được, "đằng ấy" chơi đáo "mả" khét tiếng.
Hai đứa bé lại nhìn nhau, cười rúc rích. Từ hôm ấy, Vũ chơi thân với Côn. Càng thân nhau, càng mến nhau. Cho nên hễ Vũ muốn gì là Côn chiều ngay.
Vũ toan rủ Côn rời gốc cây bàng thì thằng Vọng đã khúm núm từ ngoài cổng lững thững bước chân vào sân trường, hai tay vẫn thủ trong áo dài như thường lệ. Tộp nghiệp thằng Vọng, con nhà nghèo lại ghẻ, Vọng sợ bạn bè ghê tởm nó nên nó cứ dấu diếm.
Trong lớp học, dù cái ghẻ đào hào khơi sông trên bàn tay nó, ngứa đến mấy chăng nữa, nó cu!ng chỉ cắn răng chịu đựng, không dám gãi, tuy gãi thì sướng lắm, hả hê lắm. Luôn luôn nó đút tay trong áo dài. Giờ ra chơi nó lén vào cầu tiêu hay thâm thụt gần bờ dậu rs^m bụt gãi bằng thích, gãi sứt cả máu, gãi đỏ bầng đôi bàn tay.
Bọn học trò lớp nhì hai có đứa đọc truyện "Ghẻ đặc biệt" của Tô Hoài đăng ở "Phổ thông bán nguyệt san", nó bỗng thấy thằng Vọng giống nhân vật Hoa trong truyện từng ly từng tí. Cũng bẩn thỉu, cũng bị ghẻ, cũng dấu tay, cũng gãi nơi vắng vẻ. Thế là chúng nó đồn nhau, chúng nó xúi dục nhau làm sống lại thằng Hoa của Tô Hoài trong trường tiểu học công lập thị xã Thái Bình. |
|