Quên mật khẩu
 Register
Xem: 2871|Trả lời: 2

Thằng Cuội , Thằng Bờm , Thằng Mõ

[Sao chép liên kết]
Đăng vào 2-2-2013 20:53:42 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Mời các bạn cùng đi tìm hiểu tiểu sử của thằng Cuội, thằng Bờm và thằng Mõ
Từ bé, chúng ta thường nghêu ngao ca hát :

   
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
    Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
    Cha còn cắt cỏ trên trời,
    Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
    Ông thời cầm bút cầm nghiên,
    Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa.


Rằm tháng tám, năm nào cũng nghe giọng ca nhi đồng hồn nhiên tươi thắm :

   
Bóng trăng trắng ngà
    Có cây đa to
    Có thằng Cuội già
    Ôm một mối mơ...

Dù Cuội có sống đến già vẫn còn bị gọi là thằng. Người ta khinh thường Cuội quá. Chắc tại Cuội có tật hay nói dối. Tuy vậy cũng có người nổi ghen thấy Cuội được sống gần Hằng Nga. Chả thế mà Tản Đà nổi cơn ngông "Muốn làm thằng Cuội" :

   
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
    Trần thế em nay chán nửa rồi
    Cung quế đã ai ngồi đó chửa
    Cành đa xin chị nhắc lên chơi
    Có bầu có bạn can chi tủi
    Cùng gió cùng mây thế mới vui
    Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
    Tựa nhau trông xuống thế gian cười.


Cuội là ai ?

Các tự điển đều giải thích rằng Cuội là một nhân vật, có sách ghi là một đứa bé con của chuyện cổ tích, ngồi dưới gốc cây đa trên mặt trăng.

Tại sao Cuội đang sống đằng sau lũy tre làng tự dưng lại bay bổng lên tận mặt trăng, sống với chị Hằng như vậy ?

Chuyện kể rằng :

Một hôm Cuội vào đốn củi trong rừng gặp một ổ hổ con. Cuội lấy rìu đập chết. Chợt có tiếng hổ mẹ rống ở đằng xa, Cuội sợ quá leo tót lên một cây ngồi nấp. Hổ mẹ lồng lộn quanh đám hổ con, rồi bỏ đi về phía bờ suối. Cuội tụt xuống theo rình. Hổ mẹ đến cạnh một cây con, đớp ít lá, mang về nhai nát, rịt cho hổ con. Chỉ một lát hổ con tỉnh lại. Mẹ con hổ bỏ khu rừng đi chỗ khác.

Cuội ra bờ suối đào cây con mang về trồng trong vườn. Từ đấy Cuội có món thuốc cải tử hoàn sinh, cứu mọi người. Cuội rất quý cây thuốc, ngày nào cũng dặn vợ phải chăm sóc nó. Cuội cấm vợ không được đái vào gốc cây vì cây sẽ dông lên trời. Nghe dặn nhiều lần, vợ Cuội phát cáu. Đã vậy thì cứ đái xem chuyện gì xảy ra ?

Vợ Cuội vừa đái vào gốc cây xong thì cây bỗng rung động, tróc gốc bay lên trời. Đúng lúc Cuội ở rừng về, chỉ kịp bám rễ cây níu lại. Nhưng cây cứ bay lên, kéo Cuội tới tận mặt trăng.

Từ đó đến giờ Cuội vẫn còn ngồi ở gốc cây, sống bên cạnh chị Hằng.

Ý nghĩa câu chuyện thật là hóm hỉnh. Cuội là đứa chuyên nói dối, lừa ngừa khác. Lần nào cũng dùng mẹo đắc thắng đám cường hào, phú hộ. Đến khi Cuội muốn hoàn lương, ra tay cứu đời, thì lại bị thất bại. Cuội thay đổi bản chất nhưng cuộc đời xung quanh thì không thay đổi. Cuội phải đi sang một thế giới khác tìm đất sống.

Mỗi đêm sáng trăng, từ trời cao Cuội ngạo mạn ngó đám đàn em của mình đang khua môi múa mép, tung hoành nơi quê hương xa vời vợi.

(Theo Nghiêm Toản, Việt Nam văn học sử trích yếu, Khai Trí, Sài Gòn, 1968).

Cuội có mặt ở Việt nam từ lúc nào ? Chắc là đã từ lâu. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳng Tịnh Của (1895) đã nói đến Cuội. Tên Cuội từ đâu ra ?

Lê Ngọc Trụ (Tầm Nguyên tự điển Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993) cho rằng chữ Cuội có gốc Hán Việt là chữ "Quải". Chữ Quải (Thiều Chửu) hoặc Quảy(Đào Duy Anh) có nghĩa là lừa dối, dụ dỗ người khác mua hàng, bắt con nít đem bán (mẹ mìn).

Trong dân gian có chuyện thằng Quải và thần mặt trăng :

"Mặt trăng tính nóng nảy, lại hay xà xuống gần dòm ngó hạ giới làm cho dân chúng khốn khổ vì nóng bức. Bấy giờ có thằng Quải định tâm cho thần một vố. Nó nắm cát trèo lên cây cao ngồi đợi. Lúc mặt trăng xà xuống, nó ném cát túi bụi vào mặt thần. Mặt trăng từ đó bị cát làm mờ đi và cũng từ đó thần không dám xuống gần hạ giới, cho nên ở hạ giới đỡ nóng bức." (Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, Văn học dân gian tập 2, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1973).

Thằng Quải chống lại thần mặt trăng, trong khi thằng Cuội thì lại bay lên sống trên mặt trăng. Nội dung hai chuyện mâu thuẫn nhau. Hay là thằng Quải và thằng Cuội chỉ là hai anh em họ của dòng họ nói dối chứ không phải là cùng một nhân vật ?

Để giải quyết mâu thuẫn, tôi cho rằng chữ Cuội còn có thể là do chữ hán việt "Cuống" mà ra. Cuống nghĩa là nói dối, lừa dối (Thiều Chửu, Đào Duy Anh).

Cũng nên nói thêm rằng thằng Cuội không dính dáng gì với hòn cuội (sỏi đá) của tiếng Việt.

Mãi đến năm 1937, tự điển Việt-Hoa-Pháp của Gustave Hue vẫn chưa có chữ cuội nghĩa là sỏi đá. Năm 1940 nhà xuất bản Tân Dân cho in "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân, trong đó có truyện ngắn Hương Cuội, kể chuyện làm kẹo mạch nha bọc cuội. Chữ cuội (tiếng Pháp là galet, calcul) chính thức có mặt trong Dictionnaire vietnamien-chinois-fran�ais của Eugène Gouin (IDEO,
Saigon, 1957) kể từ năm 1957. Đào Đăng Vỹ (Việt Pháp từ điển, Nguyễn Trung, Sài gòn, 1961) dịch chữ cuội là caillou, galet.

Phải chăng chữ cuội (sỏi đá) đã đến từ chữ calcul hoặc caillou của tiếng Pháp ? Và kẹo cuội của Nguyễn Tuân đã được gợi ý từ kẹo cuội (dragée) của Pháp ?

Ngày nay, sỏi và cuội được định nghĩa là "đá nhỏ tròn và nhẵn, thường ở lòng sông, lòng suối" và cuội là hòn sỏi lớn, sạn là hòn sỏi nhỏ (từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977)

Về kích thước hòn cuội, hòn sỏi, từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1988) mô tả gần giống Larousse (cuội : 1-10 cm, sỏi : 2-10mm).
(c)Nguyễn Dư @ Tết Kỷ Mão 2-1999.
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 2-2-2013 20:54:36 | Hiển thị tất cả tầng
Thằng Bờm
   
Thằng bờm có cái quạt mo
    Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
    Bờm rằng : bờm chẳng lấy trâu
    Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
    Bờm rằng : bờm chẳng lấy mè
    Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.
    Bờm rằng : bờm chẳng lấy lim
    Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
    Bờm rằng : bờm chẳng lấy mồi
    Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm cười.


Nhiều người nghĩ rằng bờm là cái bờm tóc. Thằng Bờm là đứa bé con để bờm.

Chữ bờm được Văn Tân định nghĩa là :

- hàng lông dài mọc trên cổ một vài giống thú
- chỏm tóc để dài, che thóp trẻ con
- nói trẻ con còn bụ sữa.

Ngày xưa, trẻ con để chỏm tóc trên đỉnh đầu hoặc hai bên đầu đến khoảng 5,6 tuổi thì bắt đầu để tóc dài. Bé hơn, chỉ độ 2,3 tuổi thì để chỏm tóc che thóp ngừa va chạm và tránh gió. Như vậy thì thằng Bờm còn là một đứa bé con còn bụ sữa, còn để chỏm che thóp. Đứa bé độ 2, 3 tuổi. Lớn hơn nữa thì ta thường gọi là bụ bẫm thay cho bụ sữa.

Một đứa bé mới 2, 3 tuổi thì chắc là chưa hiểu biết gì về giá trị của ba bò chín trâu, của ao sâu cá mè, của bè gỗ lim.v.v. Chẳng lẽ lõi đời như phú ông lại mất thì giờ làm chuyện vô ích như vậy ?

Bài ca dao chỉ tượng trưng cho một cuộc phỉnh gạt, dụ dỗ trẻ con thôi à ? Hay là nó muốn nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại sự đối đầu giữa phú ông và thằng Bờm ?

Trong xã hội xưa, phú ông đại diện một giai cấp, giai cấp địa chủ giàu có của thôn quê. Đối đầu với giai cấp này, bài ca dao đưa ra thằng Bờm đại diện cho giai cấp nông dân nghèo khổ. Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Ngọc Phan (Tục ngữ, Ca dao, Dân ca Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978) đã xếp bài Thằng Bờm vào đề tài "Những mâu thuẫn trong sinh hoạt giữa nông dân và địa chủ". Thằng Bờm là một người nghèo, một nông dân phải đối đầu với một người giàu, một địa chủ. Thằng Bờm không phải là một đứa bé bụ sữa, còn để chỏm che thóp.

Người nông dân nghèo thấu hiểu lòng dạ của phú ông. "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời trọc phú có thương dân nghèo". Họ không tin rằng phú ông rộng lượng đến độ mang cả của cải kếch xù, quý giá ra đánh đổi lấy một cái quạt mo tầm thường. Đằng sau những lời cám dỗ, thế nào chả có cạm bẫy. Vì thế mà Bờm khăng khăng không chịu.

Bờm có đầu óc thực tế, chất phác. Không để người lừa mình và mình cũng không có ý lừa người khác. Mà làm sao lừa được phú ông, làm sao mà "ăn" được phú ông. Tốt nhất là "thuận mua, vừa bán". Vả lại anh nông dân nghèo nào mà chả thích được ăn no bụng. Giá trị cái quạt mo cũng chỉ xấp xỉ, tương đương với nắm xôi thôi.

Thế là "thằng nghèo" bằng lòng đánh đổi cái quạt mo lấy nắm xôi của phú ông.

Thằng Bờm, xét về gia cảnh, có họ xa gần với thằng Bần trong câu ca dao :

    Cờ bạc là bác thằng Bần
    Cửa nhà bán hết đưa chân vào cùm.

Bờm là chữ nôm của chữ Hán Việt "Bần", nghĩa là nghèo.

Có nhiều thành ngữ nói đến phú và bần, giàu và nghèo :

    - Phú bất nhân, bần bất nghĩa.
    - Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc.
    - Phú quý đa nhân hội, bần cùng thân thích ly.

(Giàu sang nhiều kẻ tới nhà, khó khăn nên nỗi ruột già xa nhau).
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 2-2-2013 20:56:03 | Hiển thị tất cả tầng
Thằng Mõ có mặt ở nông thôn Việt Nam không biết từ bao giờ. Nhưng chắc chắn
là đã từ lâu. Vua Lê Thánh Tôn đã làm thơ nôm vịnh thằng Mõ :

      
Gớm thay lớn tiếng lại dài hơi
        Làng nước ưng bầu chẳng phải chơi
        Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi
        Kim thanh rền rĩ khắp đôi nơi
        Đâu đâu đấy đấy đều nghe lệnh
        Xã xã dân dân phải cứ lời
        Trên dưới quyền hành tay cất đặt
        Một mình một cỗ thỏa lòng xơi.


Lời lẽ có vẻ kính trọng, ngược hẳn với địa vị của Mõ trong xã hội xưa. Mõ là một nhân vật không thể thiếu trong tổ chức làng xã.

"Dưới bọn tuần đinh, làng nào cũng có một người làm nô lệ chung cho cả hàng xã gọi là đạc phu.

Khi nào trong làng có việc gì thì tên đạc phu phải đi mời mọc cả làng ra đình hội họp. Hoặc có việc gì lễ dịch báo cáo cho làng biết thì đạc phu gõ mõ đi rao suốt các ngõ. Nhà tư gia ai có việc hiếu hỉ hoặc có việc giỗ kị muốn mời làng thì cũng sai đạc phu đi mời.

(...) Đạc phu là một kẻ đê tiện hơn hết các loài người, chỉ những kẻ khốn khó mới đi nơi xa khuất chịu làm nghề ấy mà thôi. Mà ai đã nhỡ phải bước ấy thì con cháu về sau, muốn làm nghề gì mặc lòng, cũng không rửa được tiếng xấu."

(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng tháp, 1990).

Mõ gần gũi mọi người, đáng lẽ phải được mọi người đối xử tử tế, thân mật, nhưng không hiểu tại sao mõ lại bị khinh bỉ, chà đạp. Mõ bị coi là nhân vật thấp nhất trong xã hội, chỉ có quyền cúi đầu để mọi người sai bảo.

Có lẽ chính sự bất công và thiếu đạo đức của xã hội đã khơi dậy sự phản kháng của giới văn nghệ sĩ. Nhiều tác giả bênh vực mõ, tạo ra những tình huống bất ngờ để cho mõ đóng vai trò gỡ rối cho đám chức sắc trong làng.

Mọi người còn nhớ thằng Mõ của Ngô Tất Tố có tài băm thịt gà, xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ. Chỉ có thằng mõ mới gánh nổi trách nhiệm chia phần công bằng cho cả làng. Một con gà "một người ăn cố mới hết", được Mõ chặt ra chia làm 23 cỗ, 83 suất. Không có "thiên tài" băm gà của Mõ, làng nước sẽ khó tránh được những cuộc cãi nhau, tranh giành, thậm chí hại ngầm nhau.

Nhưng có lẽ giỏi nhất, thông minh nhất trong làng Mõ, thì phải gắn huy chương vàng cho thằng Mõ làng Cổ Nhuế của Hồ Hữu Tường (tôi được đọc cuốn Phi Lạc sang Tàu của Hồ Hữu Tường vào khoảng đầu thập niên 60, rất tiếc không nhớ tên nhà xuất bản). Thằng Mõ được ông tiên chỉ của làng mời làm cố vấn, giải quyết tất cả những chuyện rắc rối điên đầu. Mõ được sứ Tàu bái phục sát đất.

Nam Cao cũng đưa ra một thằng Mõ, vốn hiền lành lương thiện nhưng bị xã hội làm cho xấu đi.

Tên Mõ từ đâu ra ?

Cho tới đầu thế kỷ 20, thằng Mõ còn mang tên là mộc đạc, rồi đạc phu.

Mộc đạc nguyên nghĩa là cái chuông bằng đồng, có quả lắc bằng gỗ. Ngày xưa dùng "mộc đạc" để đánh hiệu vào học. Do đó người ta gọi thầy học là mộc đạc (Đào Duy Anh), hoặc đạc tư (Thiều Chửu), thầy giảng đạo gọi là đạc đức (Huỳnh Tịnh Của).

Ta có thể suy ra rằng ngày xưa mõ làng còn dùng chuông, trước khi dùng mõ.

Đầu thế kỷ 20, trong sách vở chưa có tên thằng Mõ. Ngược lại chữ mõ (chuông mõ) đã có mặt và được định nghĩa là đồ dùng làm hiệu lệnh, bằng bộng cây hoặc bộng tre. Chuông mõ là tiếng gọi chung đồ dùng của thầy chùa (Huỳnh Tịnh Của).

Cái mõ xuất hiện trước thằng Mõ. Nhưng có thể nào cho rằng gọi là thằng Mõ vì nó gõ mõ không ? Chắc chắn là không vì chẳng có ai dám gọi nhà sư là thằng mõ.

Muốn tìm nguồn gốc chữ Mõ chúng ta hãy tìm hiểu chính thằng mõ.

Phần đông mõ làng là những người tha phương cầu thực, từ chỗ khác tới làng kiếm ăn. Bị mọi người khinh rẻ. Làng xã chẳng cần biết và cũng không cần tra hỏi lai lịch tên tuổi. Chỉ cần nói thằng mõ, ai cũng biết nhân vật được nói tới.

Sách vở xưa dùng chữ "mỗ" để gọi những người không biết tên. Chữ mỗ là đại danh từ không chỉ rõ cái gì, người nào, được dùng khá phổ biến.

Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (Tang thương ngẫu lục, bản dịch của Đạm Nguyên, Sài gòn, 1962), đưa ra một loạt các ông bà Mỗ : ông liệt sĩ Mỗ (họ tên chưa thể tra xét được), bà mẹ phu nhân Mỗ. Thầy địa lý Tả Ao là ông Mỗ, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ông thượng thư Nguyễn Văn Giai thuở nhỏ học ông Thái học sinh Mỗ.v.v..

Có thể cho rằng chữ Mõ, chỉ một người không tên tuổi, là từ chữ Mỗ mà ra.

Xét về chức năng thì công việc của Mõ là mời làng đi họp và báo tin của làng đến mọi nhà.

Mời ai, tìm ai, tiếng hán việt là "Mộ". Chữ mộ có thể đã được chuyển qua chữ nôm thành mõ.

Mõ là người đi mời (mộ) làng nước. Về sau các đồ vật được mõ dùng, hoặc các đồ vật được dùng để làm hiệu lệnh, để rao gọi, đều được gọi là mõ. - điếm làng có cái mõ cá làm bằng đá tạc hình con cá. Tấm sắt cầm canh (chữ hán việt là thác) cũng được gọi là mõ canh. Nhà sư lúc tụng niệm chú tâm dùng mõ làm hiệu lệnh, giữ nhịp.

Bài thơ Thác thi (Vịnh cái mõ) của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu :

    Điêu đẩu thiên cao dạ chuyển canh.

Được dịch là :

    Trời cao, tiu kẻng, đêm dời canh.

Và được chú thích rằng "Điêu là cái kẻng (xưa gọi là cái tiu), đẩu là cái đấu dùng trong quân đội để đong gạo nhưng cũng dùng để gõ làm hiệu lệnh. Điêu và đẩu đều dùng như kẻng và mõ trong quân đội". (Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983).

Tóm lại, thằng Mõ, người đi mời mọi người trong làng, là do chữ mộ (mời) hoặc chữ mỗ (không tên tuổi) mà ra. Và đồ nghề của Mõ thì được gọi là cái mõ. Cái mõ có thể được làm bằng gỗ, bằng tre, bằng gạch đá hay bằng sắt.
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 15-11-2024 02:02 PM , Processed in 0.019197 second(s), 20 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách