Hãy chọn Truy cập mobile | Tiếp tục

Nét Đẹp Việt Nam

 Quên mật khẩu
 Register
Xem: 9754|Trả lời: 1

Tác giả của những dòng sông quê hương

[Lấy địa chỉ]
Đăng lúc 19-7-2009 21:42:10 | Xem tất |Chế độ đọc
Nhớ con sông quê hương
Tế Hanh

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống dòng sông ấm áp

Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy.

Bạn bè tôi túm năm tụm bảy
Bầy chim non bay lượn trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ.

Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến.

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông...
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc.

Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền Nam
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết.

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới.

Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ đến nơi tôi hằng mong ước.

Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương.


Đôi nét về tác giả
Tế Hanh (20 tháng 6 năm 1921 - 16 tháng 7 năm 2009)
Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, quê làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Quê hương Ông là một ốc đảo và cũng là một thắng cảnh của vùng Dung Quất, Quảng Ngãi ngày nay. Nằm giữa dòng chảy của con sông Trà Bồng ( hay Châu Tử hoặc Châu Ổ ), nó hiền hòa chảy qua quê Ông trước khi đổ ra biển qua cửa Sa Cần ( Thể Cần hay Thái Cần ) nơi đã chứng kiến diễn biến của lịch sử dân tộc: năm 1741, vua Lê Thánh Tông đã bắt sống vua Chiêm và 3 vạn quân.
Thuở nhỏ học trường làng, trường huyện sau ra học tại trường Quốc học Huế. Ông sáng tác thơ từ sớm và đã đứng trong phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào giành giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, Tế Hanh đã trải qua các công tác văn hoá, giáo dục ở Huế, Đà nẵng, là Ủy viên giáo dục trong Uỷ ban lâm thời thành phố Đà nẵng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1947, ông làm việc trong Ban phụ trách Trường trung học bình dân Trung bộ, năm 1948, ông ở trong Ban phụ trách liên đoàn văn hoá kháng chiến Nam Trung bộ ủy viên thường vụ chi hội Văn nghệ Liên khu V. Năm 1957 khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông là Ủy viên thường vụ Hội khoá I, II, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986).
Ngoài thơ, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết tiểu luận phê bình văn học, thơ thiếu nhi.
Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996
Tác phẩm chính
    * Nghẹn ngào (1939)
    * Hoa niên (1944)
    * Lòng miền Nam (1956)
    * Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1960)
    * Hai nửa yêu thương (1967)
    * Khúc ca mới (1967)
    * Đi suốt bài ca (1970)
    * Câu chuyện quê hương (1973)
    * Theo nhịp tháng ngày (1974)
    * Giữa những ngày xuân (1976)
    * Con đường và dòng sông (1980)
    * Bài ca sự sống
    * Tuyển tập Tế Hanh (tập I-1987)
    * Thơ Tế Hanh (1989)
    * Vườn xưa (1992)
    * Giữa anh và em (1992)
    * Em chờ anh (1993)
    * Tuyển tập Tế Hanh (tập II-1997)
Thành tựu nghệ thuật
Được biết đến với bài thơ đầu tiên Những ngày nghỉ học từ năm 17 tuổi (1938).[1] Giới phê bình và bạn đọc đều cho rằng Tế Hanh thành công trong cả phong trào Thơ mới và sau cách mạng tháng Tám. "Mảnh hồn làng" của ông đã ghi dấu ấn rất riêng trong phong trào Thơ mới và sau đó những bài thơ của ông đã đóng góp đáng kể cho thơ ca hiện đại Việt nam. Cho dù sau cách mạng tháng Tám, bút pháp của ông thay đổi hẳn nhưng cái tinh tế, tình yêu của ông dành cho đất nước, quê hương và tất nhiên cho người phụ nữ trong thơ Tế Hanh thì vẫn đâm chồi nảy lộc. Sau Cách mạng tháng Tám, Tế Hanh có nhiều bài thơ hay về quê hương, đất nước, về cuộc chiến tranh chống Mỹ (Nhớ con sông quê hương, Đi suốt bài ca...) nhưng những sáng tác của ông dành nhiều cho thơ tình, theo nhà thơ Ngô Văn Phú thì "có thể nói sau Xuân Diệu, anh là người làm thơ tình nhiều nhất" . Thơ tình của Tế Hanh không lãng mạn bay bổng cũng không dằn vặt khổ đau mà rất tự nhiên, gắn với hoàn cảnh, cuộc sống cụ thể, thế nhưng chính những điều tưởng như bình thường ấy lại biểu hiện được tình yêu, một trong những nhiệm vụ luôn luôn khó khăn đối với người cầm bút. Chính vì thế nhiều bài thơ tình của ông như: Vườn xưa, Anh đến với em là lẽ tất nhiên... được yêu thích.
Đăng lúc 2-1-2010 00:15:08 | Xem tất
Cám ơn bạn nhiều nha. Thanks
Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Register

Quy tắc điểm

Phòng tối|iPhone|Archiver|G+|Youtube|Facebook|Twitter|Contact| Netdepviet.org

GMT+7, 29-3-2024 10:15 PM , Processed in 0.020468 second(s), 17 queries .

Powered by Discuz! X3.2

© 2006 Made with in Hanoi,Vietnam and Contents are published by all members

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách