|
Có một chốn bình yên để chúng ta tìm về khi tóc đã ngã hai màu sương khói, khi bên kia bia đá thời gian đã gõ nhịp không đều. Đó là quê hương với lũy tre làng từng vươn những cánh tay dài vẫy chào người ra đi và đón chào người trở lại. Đằng sau đó có bao nhiêu nước mắt những mẹ già tiễn con ra trận. Có ánh mắt người vợ trẻ đăm đắm đợi bình minh khi biết chồng mình đã hy sinh vì Tổ quốc. Và trên những ngã đường quê, người dân vẫn thảnh thơi đi cày bừa-cấy-gặt. Những vụ mùa bội thu được tính bằng mồ hôi, nước mắt, trong những bát cơm gạo tám thơm lừng có cả giá rét mùa đông hối thức. Chuyện với làng quê vừa thân thương vừa gần gũi. Ai xa quê mà chẳng nhớ rằng quê hương là nơi bình yên và lắng đọng tìm về.
Sau lũy tre làng, người ta sống mộc mạc hơn thì phải. Những chuyện buồn vui cứ được bộc bạch một cách thoải mái, vì thế mà đầu làng biết chuyện cuối làng chăng? Nếu làm phép so sánh hơn thì có lẽ người thành phố ít quen biết nhau thì phải. Mẹ tôi vẫn dạy rằng con người ta sống chết ba tấc đất, người trong làng cơm cháo có nhau. Không biết trong cách nghĩ của mẹ tôi hồi ấy có chút nào hướng ra thành phố... Tôi không biết một ngày kia, sau luỹ tre làng có còn tiếng hát ầu ơ của người vợ trẻ ru con mỗi mai sớm trinh nguyên. Và lũ trẻ xóm nghèo có còn cắt diều giấy thả dọc bờ tre trong cái nắng chói chang của mùa hè. Nơi cánh đồng tình yêu tuổi thơ, kỷ niệm cứ hiện lên rành rọt mỗi khi có dịp quay về. Làng đã không còn trong ký ức của bốn mùa phôi thai kỷ niệm. Những con nước sông lên đầy như chở nặng tình thương của biển của sự sống vĩnh hằng đi đến mọi miền quê.
|
|