|
Không thể phủ nhận, phim truyền hình có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đông đảo công chúng. Hàng năm, có hàng nghìn tập phim được phát sóng trên các Đài truyền hình Trung ương và địa phương. Không chỉ phản ánh cuộc sống, phim truyền hình còn tác động mạnh tới tâm tư, tình cảm và lối sống của các đối tượng mà mình hướng tới.
Tuy nhiên, nếu theo dõi những phim truyền hình phát sóng thời gian qua, ta sẽ thấy các nhà làm phim dường như chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này.
Xin bắt đầu bài viết bằng bộ phim truyền hình "13 nữ tù" đang được phát sóng vào chiều thứ bảy và chủ nhật trong chương trình "Rubic 8". Phim kể về hành trình trốn chạy của 13 nữ tù nhân. Xen kẽ giữa hành trình ấy là hồi tưởng nguyên nhân vì sao những phụ nữ ấy vướng vào vòng lao lý. Điều đáng nói: Tất cả đều là nạn nhân của những vụ ngoại tình. Người thì chính họ ngoại tình, người thì chồng, người thì mẹ, người thì cha ngoại tình... Xin không bàn đến những chi tiết vô lý, vì ngay từ đầu những người thực hiện bộ phim đã "rào" trước: "Đây là một câu chuyện không có thực". Chỉ xin có ý kiến về cách mà những nhà làm phim đưa ra.
"13 nữ tù"
Trong số 13 nữ tù, có hai nhân vật là chị em Hoa và Hạnh phải vào tù vì đã ra tay sát hại người tình của cha mình. Sự thực hiện nay, ngoại tình không phải là chuyện hiếm, nhưng cách mà các nhân vật thể hiện thì khán giả thấy… lạ. Người cha của Hoa, Hạnh là một người đàn ông tốt, yêu vợ, thương con nhưng chưa bao giờ khán giả thấy ở ông có một biểu hiện - dù là nhỏ nhất - của sự day dứt, trăn trở khi làm cái việc lẽ ra là có lỗi với gia đình êm ấm của mình, có lỗi với người vợ dịu hiền, yêu thương.
Nhưng đó chỉ là một chuyện. Thái độ của người phụ nữ - người tình của ông bố mới khiến người xem thấy... bực mình. Biết chuyện bố ngoại tình, hai cô con gái gặp người phụ nữ ấy nói chuyện, cô ta (được xây dựng là một người tốt) không hề tỏ thái độ áy náy hay băn khoăn gì.
Tới khi người vợ biết chuyện, với hy vọng cứu giữ hạnh phúc để những đứa con gái đang lứa tuổi nhạy cảm không thất vọng về bố, người vợ đã đến gặp người tình của chồng với một thái độ hòa nhã, lịch sự. Thế nhưng, cô người tình đã đốp lại người phụ nữ tội nghiệp, đau ốm ấy bằng một tuyên bố: "Tôi không thể cắt đứt tình cảm với anh ấy được". Không chỉ có vậy, cô ta còn cho rằng, cô không chỉ là người tình mà còn là người bạn có thể sẻ chia với người chồng mọi chuyện (điều mà theo cô do người vợ không làm được)... Kèm theo những lời nói đó là một thái độ trâng tráo, thách thức.
Tất nhiên, có thể tác giả muốn đẩy mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm để dẫn tới xung đột, nhưng điều đó khiến người xem thấy phản cảm. Người xem có cảm nhận rằng, ngoại tình là một điều hiển nhiên và không có gì là xấu cả.
Ở bộ phim "Lập trình cho trái tim" (phần 2) cũng khiến khán giả có những cảm nhận tương tự. Những thiện cảm dành cho các nhân vật có từ phần một đã dần bị mất đi khi theo dõi phần 2. Một cô Tố Uyên sẵn sàng ngoại tình lộ liễu ngay trước mắt chồng chỉ vì chồng mê chơi game.
"Lập trình cho trái tim"
Một Vũ Vũ thay vì tiếp tục là một cô gái thông minh, cá tính như ở phần một thì lại trở thành một người vợ biếng lười việc nhà và đểnh đoảng tới không thể chấp nhận nổi. Người ta có thể thông cảm một người phụ nữ còn vụng việc nhà nhưng cô ta phải có ý thức thu vén, chăm chút gia đình chứ không thể quá lười nhác (nhất là cô ấy lại xuất thân từ một gia đình nghèo ở nông thôn). Đã thế, cô vợ Vũ Vũ chỉ "nhanh" mỗi việc so sánh, bì tị và chia việc nhà cho chồng.
Bên cạnh cách thức phản ánh ngoại tình như một điều hiển nhiên, không có gì phải chê trách thì các nhà làm phim cũng khá phóng khoáng khi cho các nhân vật của mình cứ yêu nhau là ăn ở với nhau như vợ chồng. Nhân vật Uy Long và Lưu Sự trong phim "Có lẽ nào ta yêu nhau", Mai Lan và An Đông trong "Cô gái xấu xí"… tiêu biểu cho tình trạng này.
Đó là chưa kể, cứ yêu nhau là... lên giường như ở phim nào cũng có hiện nay. Tất nhiên, những hiện tượng này đều có trong thực tế, nhưng đâu đến mức "phổ biến" như vậy, lại càng không nên cổ xúy. Liệu các nhà làm phim có bao giờ nghĩ rằng, khi mà hiện tượng các cô bé, cậu bé đang trên ghế nhà trường vào nhà nghỉ nhiều hơn thư viện như hiện nay có một nguyên nhân từ chính sợ dễ dãi của những người làm phim?
Trước đó, phim "Vòng nguyệt quế" cũng đã tạo những dư luận không đồng tình về lối sống của một số nhân vật trong phim. Điều đáng nói, đó đều là những nhân vật được học hành tử tế, có trình độ và đều làm việc ở các cơ quan văn hóa.
"Có lẽ nào ta yêu nhau"
"Cô gái xấu xí" "Vòng nguyệt quế"
Một cô nhà văn Hạ Liên vì lợi nhuận và danh tiếng sẵn sàng lên giường với đàn ông có tiền, có địa vị, ghen tuông đến mức vô văn hóa. Cô sinh viên Ngọc Hân hay còn gọi là nhà văn trẻ Đông Bích chỉ vì bố mẹ mắng vài câu mà dễ dàng bỏ nhà, đi thuê nhà sống tự do, yêu đương bất chấp già, trẻ, hỗn láo với cả thầy giáo. Nhà thơ Thái Bạch vô gia cư, thất nghiệp, không tự biết trách nhiệm với cuộc sống của mình, suốt ngày như đi trên mây gió với những vần thơ tình nhạt nhẽo, sáo rỗng. Dịch giả Phan Long có vẻ lịch lãm, đạo mạo nhưng sẵn sàng rũ bỏ người tình để quyến rũ cô gái chỉ bằng tuổi con mình...
Phim về người lớn đã vậy, phim về lứa tuổi học sinh cũng không tránh khỏi tình trạng này. Lẽ ra ở lứa tuổi ấy thì việc học hành, xây đắp trong tâm hồn các em những lý tưởng cao đẹp mới là điều quan trọng nhưng xem phim truyền hình Việt thì không phải vậy. Bộ phim "Bộ tứ 10A8" đang phát sóng vào lúc 22h10" trên VTV3 hiện nay là một ví dụ.
Đây là một bộ phim đậm chất teen nhưng điều khiến các khán giả "choáng" là việc các nhân vật trang điểm, ăn mặc rất cầu kỳ, rất mốt heo xu hướng các "hotgirl", "hotboy" hiện nay. Tóc làm cầu kỳ, keo vuốt bóng mượt, váy ngắn ngang... đùi trông như học sinh Hàn Quốc hay Nhật Bản. Điều quan trọng nhất là việc học tập thì lại không thấy phim phản ánh đến và với những phục sức cầu kỳ ấy, khán giả không thể không đặt câu hỏi: Không hiểu thời gian đâu để dành cho học tập.
Chưa kể, nội dung của phim xoay quanh 4 nhân vật chính là Phan Linh - La La - Mai Lâm - Đô Đô nhưng các nữ sinh thì chỉ cố làm dáng để thu hút sự chú ý những anh chàng đẹp trai của trường và đau khổ khi những "chàng" này không để ý đến… Và chắc chỉ có ở phim Việt mới có chuyện lớp trưởng Mai Lâm ra hiệu cả lớp đứng dậy chào thầy cô bằng cách giơ tay búng tanh tách, cũng như cô nàng suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện may vá…
Đành rằng hiện nay có một số bạn trẻ có lối sống hưởng thụ, thích chơi trội, thể hiện mình bằng đầu tóc, quần áo, nhưng đó không phải là số đông, là điển hình cho lớp trẻ hiện nay.
Với những bộ phim cho lứa tuổi học sinh thì các nhà làm phim dường như quá chú trọng tới lối sống của học sinh thành thị. Trong khi đó một lượng học sinh không nhỏ ở nông thôn không thấy mình trong đó. Không có những gương cậu bé, cô bé vượt lên hoàn cảnh khó khăn, điều kiện thiếu thốn để học giỏi, càng không thấy sự nghị lực đáng khâm phục mà chỉ thấy các em giỏi ăn chơi, sành điệu quá.
"Bộ tứ 10A8"
Nói gì thì nói, nghệ thuật là để hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ, tới những giá trị đạo đức tốt đẹp và phim ảnh có chức năng ấy. Dường như các nhà làm phim đã quá chú trọng đến yếu tố câu khách, hấp dẫn mà quên đi giá trị giáo dục, những giá trị nhân văn mà mỗi bộ phim mang lại.
Có thể lý giải tại sao bộ phim truyền hình "Những nàng công chúa nổi tiếng" được phát trên truyền hình VTV3 lúc 22h, lại thu hút được sự quan tâm của hàng triệu lượt khán giả ở nhiều nước trên thế giới mà không cần phải sex, phải hở, không phải đầu tư trang phục, hay ngoại cảnh...
Bộ phim xoay quanh những tình huống rất đời thường giản dị mà lại thú vị gây cười. Những nhân vật cũng như bao con người trong đời sống thường nhật có những điểm tốt nhưng cũng có những sai lầm phải day dứt, trả giá. Họ đã khiến khán giả phải hồi hộp chờ đón từng tập phim lúc đêm khuya, cùng họ trải qua một cuộc sống thú vị, chan chứa tình người hướng đến những giá trị đạo đức bền vững. Liệu điều đó có quá khó với những người làm phim Việt?
Theo Tường Hương |
|