|
BÌNH VÔI VIỆT NAM
Bình vôi là những chiếc bình bằng gốm sứ hay đồng thường có thân hình cầu dùng để đựng vôi đã tôi phục vụ cho tập tục ăn trầu của người Đông Nam Á. Đối với người Việt, bình vôi được gọi trang trọng là Ông bình vôi, được coi là một thành viên rất gắn bó trong gia đình. Những bình vôi không còn sử dụng nữa vẫn được lưu giữ trong nhà, hay gửi ở đình làng ...
Ăn trầu là một tập tục xuất hiện từ rất lâu đời ở khu vực Đông Nam Á. Hơn thế nữa, miếng trầu còn là chiếc cầu nối trong các mối quan hệ xã hội ở mọi cấp độ. Chính vì vậy mà người xưa có câu : "Miếng trầu là đầu câu chuyện", và cũng chính là lý do ra đời của hàng loạt các vật dụng cần thiết phục vụ cho tập quán này. Bình vôi là một trong số các vật dụng ấy. Bình vôi thường có hình cầu, trên thân bình có một lỗ nhỏ, tuy nhiên, cũng có loại bình vôi có nắp đậy, dùng để chuyên vôi mới tôi. Bình vôi có thể được làm từ các chất liệu như bằng gốm sứ hay bằng đồng. Kích thước của bình vôi cũng rất đa dạng và phong phú, có chiếc là bình cá nhân, kích cỡ vừa phải, nhưng có những chiếc bình thuộc nghi lễ, thường có kích cỡ rất lớn.
Tất nhiên, bình vôi không chỉ đơn thuần là một vật chứa vôi phục vụ tập tục ăn trầu cổ xưa, mà còn có mối liên hệ khăng khít với truyền thống và văn hoá. Trước tiên ta hãy xem xét đến cách mà người Việt thường gọi bình vôi. Khi nói tới bình vôi, người Việt thường dùng đại từ Ông thay vì dùng lượng từ Cái thông thường. Khi gọi bình vôi là Ông bình vôi là người ta đã sử dụng biện pháp nhân cách hoá chiếc bình. Vì vậy, Ông bình vôi được coi là một thành viên trong gia đình. Ông bình vôi tiêu biểu cho nhiều truyền thống lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Bình vôi có nắp thường xù xì và vì thế nên rất hiếm khi bị vỡ, nhưng một khi đã vỡ là mang một điềm báo về sự chẳng lành. Người ta không bao giờ vứt bình vôi mà thường giữ trong nhà, gửi trong làng hoặc đền thờ thành hoàng làng. Những bình vôi không dùng nữa thường được xếp quanh gốc tre đầu làng.
Để lấy được vôi trong bình người ta dùng một chiếc chìa vôi nhỏ đưa qua cái miệng nhỏ trên thân bình, mỗi khi chiếc chìa vôi đi qua miệng bình, hoặc cũng do chủ ý của người sử dụng mà vôi bị quệt lại miệng bình, và như thế theo thời gian miệng bình dày lên hình thành cổ bình, thậm chí lấp kín miệng bình, đó là lúc chiếc bình không còn sử dụng được nữa. Thật đúng với nhận xét một nhà thơ Việt Nam vào những năm 1940:
"Đời người có thể kéo dài hàng trăm năm,
Giống như bình vôi vậy.
Càng sống lâu, càng giàu kinh nghiệm,
Càng sống lâu, càng thấy mình nhỏ bé"
Mặc dù ăn trầu là một tập tục của cả vùng Đông Nam Á, nhưng bình vôi gốm của Việt Nam không phải là một mặt hàng phục vụ cho các thị trường mậu dịch gốm thế kỷ 15. Chỉ có một số rất ít được xuất khẩu. Một số rất ít bình vôi được tìm thấy tại di chỉ tàu đắm như tại di chỉ tàu đắm Pandanam ở Philippines, đồng thời cũng có thể tìm thấy tại các di chỉ Cù Lao Chàm ở Việt Nam. Ở cả hai di chỉ này, có một số bình vôi còn đang đựng vôi, điều đó giúp khẳng định đây là vật dụng cá nhân của các thuỷ thủ trên tàu. Trong trường hợp này, bình vôi giúp xác định được nguồn gốc của thuỷ thủ trên tàu.
Lại có một chiếc bình vôi mất quai khác được tìm thấy ở Indonexia, và thường bị nhầm là bình nhỏ nước. Trên thực tế, bình vôi cũng thường dùng làm bình nhỏ nước. Trong nhiều năm gần đây, các nhà quí tộc ở Nhật Bản sưu tầm bình vôi và sử dụng bình vôi làm bình chuyên nước và là đối tượng đàm đạo trong trà đạo. Khi nghi lễ trà đạo kết thúc, bình vôi không được dùng để chứa vôi mà được dùng để cắm hoa.
Thời hiện đại có rất nhiều người Việt Nam trở thành nhà sưu tập bình vôi, cùng với nhịp độ tăng trưởng của kinh tế, cùng những chương trình tái thiết đất nước, bình vôi được tìm thấy ở rải rác khắp đất nước. Bình vôi rất đa dạng phong phú về kiểu dáng và lối trang trí. Có chiếc có quai xách, có chiếc không có quai xách. Hoạ tiết trang trí cũng rất đa dạng mô phỏng theo cành và cây cau, dây trầu không...
Cổ ngữ Việt Nam có câu "Bỏ thuốc tậu trâu, Bỏ trầu tậu ruộng" để nhắc nhở những ai quá nghiền trầu và thuốc. Nhưng thuốc hiện nay đã trở nên không còn được say mê ưa chuộng như xưa kia nữa, và thời thế đã thay đổi. Hình ảnh về một cụ già ngồi têm trầu trong đình làng Đồng Kị năm 1994 với vật dụng đựng vôi là một lon Côca cho thấy rằng, dường như khi không có bình vôi thì bất cứ thứ gì cũng có thể thay thế được. Những thay đổi ở Việt Nam diễn ra gần đây đã làm sống dậy những truyền thống cổ xưa. Đây cũng chính là lúc nhà nước khuyến khích các thợ gốm duy trì sản xuất ra các vật dụng văn hoá truyền thống như bình vôi. |
|