|
Những trò chơi dân gian
Trong muôn vàn trò chơi tuổi nhỏ, ai sinh ra và lớn lên ở miền quê đều chẳng một lần hát những khúc đồng dao. Đây là loại dân ca thường chỉ dành riêng cho trẻ em hát (tất nhiên người lớn hát trước rồi trẻ em mới hát sau). Đồng dao cũng giống như những bài học thường thức, dạy cho trẻ biết làm quen và quan sát những gì gần gũi, đơn giản xung quanh mình: từ các thứ cây, giống vật, các nghề, hoa quả…; đồng thời qua ca hát, con trẻ cũng tạo ra nhiều trò chơi lý thú, dân dã, có phần tinh nghịch, nhờ vậy mà nhớ mãi không quên.
Một trò chơi dân dã gắn liền với bài đồng dao “Rồng rắn lên mây”
Luật chơi
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
Người đóng vai thầy thuốc trả lời:
- Thấy thuốc đi chơi ! (hay đi chợ, đi câu cá , đi vắng nhà... tùy ý mà chế ra). Đoàn người lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời:
- Có !
Và bắt đầu đối thoại như sau : Thầy thuốc hỏi:
- Rồng rắn đi đâu?
Người đứng làm đầu của rồng rắn trả lời:
- Rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con.
- Con lên mấy ?
- Con lên một
- Thuốc chẳng hay
- Con lên hai.
- Thuốc chẳng hay
Cứ thế cho đến khi:
- Con lên mười.
- Thuốc hay vậy.
Kế đó, thì thầy thuốc đòi hỏi:
+ Xin khúc đầu.
- Những xương cùng xẩu.
+ Xin khúc giữa.
- Những máu cùng me.
+ Xin khúc đuôi.
- Tha hồ mà đuổi.
Lúc đó thầy thuốc phải tìm cách làm sao mà bắt cho được người cuối cùng trong hàng.
Ngược lại thì người đứng đầu phải dang tay chạy, cố ngăn cản không cho người thầy thuốc bắt được cái đuôi của mình, trong lúc đó cái đuôi phải chạy và tìm cách né tránh thầy thuốc. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó phải ra thay làm thầy thuốc.
Nếu đang chơi dằng co giữa chừng, mà rồng rắn bị đứt ngang thì tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.
Ký ức tuổi thơ có những hình ảnh tắm trần, phơi nắng, cỡi trâu, thả diều, bắt cá be bờ. Và những khúc đồng dao đằm sâu kỷ niệm vẫn theo ta suốt cả cuộc đời. Trò chơi nu na nu nống ngày nào vẫn thấp thoáng hiện về sống động:
Nu na nu nống
Cái bống nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi Phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Nhà mẹ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tây xòe chân rụt!
Chân ai còn lại sau cùng không kịp thời rụt về coi như bị đem ra chia phần “cháy”, giống như chia phần cháy của nồi chè bị khê dưới đáy. Âm thanh của những cái miệng chúm tròn giả bộ chép chép để ăn nghe mới ngộ nghĩnh làm sao!
Có trò chơi chỉ là động tác đứng lên ngồi xuống, vậy mà qua con mắt trẻ thơ cùng với bài đồng dao vần vè, nhịp nhàng, cả một không gian như sáng bừng lên, tươi tắn lạ thường:
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Qua cửa nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ngồi xẹp xuống đây
Ai không ngồi xẹp đúng lúc là bị phạt, hoặc cõng bạn đi mấy vòng, hoặc nhảy cò cò rồi cười ngất nghểu.
Có những đêm trăng sáng, cơm nước đã xong, bọn trẻ con xúm xít cùng nhau ngắm trăng mà hát:
Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Lời hát nghe bình dị, dễ nhớ nhờ sự êm dịu của tiết tấu. Ngoài việc giúp cho trẻ làm quen với loài vật như “Con vỏi con voi/ Cái vòi đi trước/ Hai chân trước đi trước/ Hai chân sau đi sau/ Còn cái đuôi đi sau rốt”, có bài đồng dao khiến cho thế giới tuổi thơ phảng phất nét thần tiên:
Ông tiển ông tiên
Ông có đồng tiền
Ông giắt mái tai
Ông cài lưng khố
Ông ra ngoài phố
Ông mua miếng trầu
Ông nhai nhóp nhép
Vậy đó, không hiểu từ bao giờ những khúc đồng dao cứ thấm vào máu thịt, chảy sâu vào tận tâm hồn thơ dại của mỗi người. Trẻ con lớn lên, xa làng xa quê, thế nhưng vẫn thuộc và mang theo suốt đời câu hát đồng dao một thuở. Ngày nay, trong nhịp sống sôi động ở nhiều đô thị cũng như thôn quê, những khúc đồng dao cứ thưa dần, hiếm khi ta mới được nghe lại. |
|