Quên mật khẩu
 Register
Xem: 2877|Trả lời: 1

Nguyễn Sỹ Hồ - Người đưa đò cho các gia đình liệt sĩ

[Sao chép liên kết]
Đăng vào 20-5-2013 08:46:19 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Câu nói ưa thích nhất

**********************
"Cuộc đời vốn thế, một khi tiếng đập trống rỗng của những chiếc dạ dày tạm lắng xuống thì tiếng động thì thầm của những giá trị cội nguồn lại vang lên."
**********************
"Thời gian không được tính bằng năm tháng mà được tính bằng những gì anh đã làm."

Suốt bốn năm qua có một ông giáo về hưu ở Tân Uyên (Bình Dương) đã cất công lặn lội khắp nơi ghi chép, chụp ảnh mộ liệt sĩ để đưa lên blog.

Từ thông tin này, ông đã giúp thân nhân các gia đình liệt sĩ tìm ra hơn 1.000 ngôi mộ liệt sĩ.

Đó là thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ, nhà ở Tân Uyên (Bình Dương), chủ nhân của blog Người Đưa Đò và website nguoiduado.vn.

Hành trình tìm mộ anh trai

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ kể quê ông vốn ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông có người anh tên là Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1950. Năm 1969, anh của ông nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường phía Nam, sau đó biệt tin tức. Mãi đến năm 1977 gia đình ông mới nhận được giấy báo tử do Tỉnh đội tỉnh Nghệ Tĩnh trước đây gửi về. Thông tin báo tử chỉ ghi anh ông hy sinh ngày 15-10-1972 tại mặt trận phía Nam, ngoài ra không có địa điểm hy sinh cụ thể. Mỗi lần nghe ở đâu có bộ đội miền Nam xuất ngũ về, cha ông lại lặn lội tìm đến hỏi thăm nhưng tất cả đều vô vọng.

Tình cờ, một lần ông về thăm quê, biết được trước khi anh ông vào Nam chiến đấu được tặng một bằng khen “Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch mở đường thắng lợi tại mặt trận B5” do thủ trưởng Trung đoàn 271 Nguyễn Đình Ích ký tặng. “Từ thông tin nhỏ đó, tôi tìm tới Trung đoàn 271 xin lục hồ sơ và biết anh Khoa hy sinh ngày 16-4-1973 tại Long An chứ không phải ngày 15-10-1972 như trong giấy báo tử. Suốt 36 năm gia đình tôi đã làm đám giỗ cho anh sai ngày” - giọng ông Hồ nghẹn lại.

Mấy anh em ông Hồ lặn lội vào Long An để tìm kiếm, lục hồ sơ nhưng đều thất vọng. Ông quay lại Trung đoàn 271 (đóng tại Bình Dương) hai lần để lục tung đống hồ sơ của trung đoàn và phát hiện ra biên bản kiểm tra mồ mả liệt sĩ đợt 2 ở khu vực Đức Hòa (Long An). Tờ biên bản này nói anh ông được chôn cất tại xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ cùng với sáu đồng đội nữa.
Blog tìm mộ liệt sĩ: http://teacherho.vnweblogs.com/

Mấy anh em ông quay lại xã Mỹ Thạnh Tây để tìm kiếm thông tin về địa điểm chôn cất bảy liệt sĩ nhưng chính quyền ở đây cho biết không có khu nào chôn bảy liệt sĩ hết. Nếu có thì bây giờ cũng đã chuyển vào Nghĩa trang liệt sĩ Đức Huệ rồi. “Lúc đó tôi thoáng nghĩ trong đầu nếu đã có biên bản kiểm tra mồ mả thì có khả năng sẽ có sơ đồ. Tôi quyết định quay lại trung đoàn lần thứ ba để tìm kiếm. Suốt cả buổi chiều, từ trong đống hồ sơ cao ngang đầu, tôi đã tìm ra sơ đồ chôn cất bảy liệt sĩ tại ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây”.

Từ sơ đồ này, ông Hồ quay lại Long An. “Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, chúng tôi tìm được ông Sáu Dân, cán bộ địa phương thời kỳ 1972-1975. Sau khi nghe chuyện và nhìn thấy sơ đồ, ông Sáu Dân nói như reo: “Tôi chính là người trực tiếp chôn cất bảy vị liệt sĩ đó. Sau 1975, mộ phần các anh vẫn còn nguyên vẹn. Đến năm 1982 thì các anh được quy tập về Đức Huệ”. Chúng tôi cùng ông Sáu Dân lập tức đến Nghĩa trang liệt sĩ Đức Huệ để tìm mộ anh mình”.

Tại nghĩa trang Đức Huệ, ông Hồ gặp được ông Hai Cậy, nguyên Huyện đội trưởng thời kỳ 1972-1975, người trực tiếp chỉ đạo chôn cất bảy ngôi mộ liệt sĩ. Ông Hai Cậy cho biết bảy liệt sĩ thuộc Trung đoàn 271 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cử đi tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua của trung đoàn và bị phục kích…

“Nghe đến đó, nước mắt tôi nghẹn lại. Bảy ngôi mộ trước mắt, tôi không biết đâu là mộ anh mình, đâu là mộ đồng đội của anh. Tôi đành thắp hương ôm cả bảy ngôi mộ để mà khóc. Sau khi quay trở về, tôi viết thư cho thân nhân của các anh và chuẩn bị các thủ tục để xin giám định ADN. Từ kết quả giám định, đầu năm 2009, huyện Đức Huệ (Long An) đã gắn bia trả lại tên cho bảy liệt sĩ Trung đoàn 271, trong đó có anh tôi”.

Hạnh phúc của người đưa đò

Sau khi tìm được mộ của anh mình, ông Hồ gửi thông tin về các liệt sĩ của Trung đoàn 271 đăng tải trên báo Lao Động và chỉ ba ngày sau, có 15 liệt sĩ đã được người thân tìm về.

Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu ông: “Tại sao mình không lợi dụng uy thế của truyền thông để làm cầu nối giữa thân nhân và liệt sĩ. Thực ra nhiều ngôi mộ đã có tên rõ ràng trong nghĩa trang hoặc trong danh sách của các trung đoàn, quân khu cả mấy chục năm nay nhưng vì lý do nào đó mà thân nhân vẫn chưa tìm ra được. Tôi lập blog lấy tên người đưa đò với suy nghĩ thông qua kênh này mình sẽ chuyển tải thông tin, hình ảnh các bia mộ liệt sĩ lên đó, biết đâu thân nhân các liệt sĩ sẽ đọc thấy”.

Khi những bài viết kèm những thông tin về các liệt sĩ được đưa lên blog, rất nhiều thân nhân của liệt sĩ truy cập vào. Từ những thông tin, manh mối ấy có nhiều thân nhân đã tìm ra mộ liệt sĩ. Điều đó giúp ông có thêm niềm vui và nghị lực để đi khắp nơi ghi nhận, chụp ảnh và tìm kiếm thông tin đưa lên blog.

Hằng ngày ông Nguyễn Sỹ Hồ phải đọc và trả lời hàng chục lá thư của thân nhân liệt sĩ. Ảnh: HÀN GIANG

“Trong vòng chưa đầy bốn năm, tôi đã đi hàng ngàn cây số, đến các nghĩa trang để chụp ảnh khoảng 50.000 tấm bia mộ liệt sĩ. Vào các quân khu, trung đoàn, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh xin chép hồ sơ danh sách liệt sĩ và đã chuyển tải lên blog này hơn 200.000 thông tin, viết hàng chục ngàn lá thư cung cấp thông tin gửi tới các gia đình liệt sĩ” - ông Hồ kể.

Nhờ sự cần mẫn đó, ông đã đưa đò cho hơn 1.000 gia đình tìm được mộ liệt sĩ. Có ngày có đến chín ngôi mộ liệt sĩ được thân nhân tìm thấy. Trong nhật ký của ông, trong sáu tháng cuối năm 2011 có tới 250 ngôi mộ liệt sĩ được người thân tìm thấy.

Ông Hồ nói công việc ông làm chỉ là việc nhỏ nhưng đối với thân nhân các gia đình liệt sĩ, điều ông làm chẳng nhỏ chút nào. Bây giờ, ngày ngày ông đến các nghĩa trang chụp lại hình ảnh từng bia mộ, chép lại thông tin từng liệt sĩ rồi về phân chia ra thành từng tỉnh, từng khu vực, đơn vị, sau đó đưa lên blog hoặc trực tiếp gửi thư đến cho các gia đình, thân nhân liệt sĩ.

Ông Hồ kể về trường hợp con trai của đồng đội cùng hy sinh với anh mình được ông nhận làm con nuôi: “Sau khi tìm được mộ anh trai và gửi thư đến sáu gia đình thân nhân liệt sĩ, gia đình liệt sĩ Lê Văn Huân (Thanh Hóa) hồi âm cho tôi sớm nhất. Bố anh Huân từng mòn mỏi chờ tin con mình và đã mất trước lúc tìm được mộ con một năm.

Ngày nhận thư, con trai anh Huân, cháu Lê Văn Lâm, cho biết bố về phép và sinh ra mình, hai bố con chưa gặp nhau một lần. Cháu chỉ biết mặt bố qua bức chân dung vẽ truyền thần. Hôm Lâm cùng người thân vào đến nhà tôi thì trời đã chập tối. Sáng sớm hôm sau chúng tôi đến nghĩa trang Đức Huệ. Vừa tới nơi, trời nắng như đổ lửa nhưng Lâm nằm dài trên mộ bố khóc thảm rồi ngất lên ngất xuống. Nhìn cảnh này ai nấy đều không cầm được nước mắt”.

Mới đây, ông Nguyễn Sỹ Hồ đã “nâng cấp” blog Người Đưa Đò thành website nguoiduado.vn. Bây giờ, mỗi ngày có tới hàng chục ngàn lượt truy cập vào trang web này để tìm thân nhân liệt sĩ. “Mỗi lần chứng kiến cảnh thân nhân các liệt sĩ gặp được mộ của con, em, cha, chú… họ, lòng tôi lại xúc động, nghẹn ngào. Đó cũng là chút hạnh phúc, ấm lòng của kẻ đưa đò như tên của trang web tôi lập ra” - ông Hồ nói.
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 20-5-2013 08:49:05 | Hiển thị tất cả tầng
Thay lời tri ân
Tôi có thể nhắm mắt xuôi tay

Tôi là cha đẻ của liệt sĩ Đàm Công Môn (Đoàn Kinh Môn). Năm nay tôi đã 87 tuổi, việc tìm được hài cốt con tôi, hơn thế nữa hài cốt con tôi đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An là điều mà chỉ trong mơ gia đình tôi mới dám nghĩ tới. Suốt 37 năm qua tôi chỉ đinh ninh một điều rằng con trai mình đã chiến đấu tại chiến trường miền Nam và hy sinh ngày 19-8-1972 (theo giấy báo tử). Còn hy sinh trong trường hợp nào, xác còn hay mất, hiện con tôi đang yên nghỉ ở đâu, đã từng có một nén nhang nào thắp lên nấm mộ chưa… thì đành chịu. Điều này luôn canh cánh trong lòng tôi suốt mấy chục năm qua chưa hề nguôi ngoai. Bây giờ thì tôi có thể nhắm mắt xuôi tay thanh thản bởi con tôi đã trở về sau bao nhiêu năm xa cách…

(Trích thư của cụ Đàm Công Tuyên, thôn Ngọc Xá, xã Hoài Thượng (Thuận Thành, Bắc Ninh) gửi ông Nguyễn Sỹ Hồ để cảm ơn ông Hồ đã tìm được mộ con trai cho mình)

"kính chào bác si hồ!

lời đầu tiên gia đinh chúng tôi không biết nói gì hơn. ngoài lời cảm ơn sâu sắc. nhơ những thông tin quy báu của bác. Mà gia đình chúng tôi có hy vọng tìm lại được phần mộ của người bác đã hi sinh hơn  40 năm nay.mặc rù gia đình tôi mấy thế hệ đi  tìm kiếm. có hai ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa tranh ls dương minh châu. một ngôi là  nguyễn văn đôi.là ông bac ruột của tôi. và một ngôi là liệt sĩ. Nguyên văn thiêm, đều là người huyên gia viễn ninh binh.  nhưng tện thực tế là nguyễn văn đợi. và nguyễn văn thiên. đều là người xà gia tiến. huyễn gia viễn. tỉnh ninh binh.gia đinh tôi cũng đã lên huyên và xác đinh thực tế.thì không có người ở địa phương .tên dôi. và tiên thiêm.nê tôi xac định rằng hai ngôi mộ trên đích thưc là hai ngôi mộ mà gia đình chung tôi đang tì kiếm.và ngày mai chúng tôi sẽ lên để xác định thực tế.gia đinh từ khi có được thông tin của bác toàn thể gia đinh mọi người đề phấn khởi.vậy cho nên niềm vui mà gia đinh chúng tôi có được là đều nhờ công lao to lớn của bác.và chúng tôi không biết nói gì hơn ngaoi2 câu xin chân thành cảm ơn bác! Chúc bac toàn thể cac cộng tac viên manh khỏe hạnh phục. và đem thêm nhiều niêm vui tới moi người. chao bac./."
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 21-12-2024 09:08 PM , Processed in 0.018151 second(s), 18 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách