Quên mật khẩu
 Register
Xem: 6589|Trả lời: 1

Lê Xuân Vi - tổng công trình sư địa đạo Vịnh Mốc

[Sao chép liên kết]
Đăng vào 21-4-2009 16:20:02 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Địa đạo Vịnh Mốc nằm ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ở Vĩnh Linh có tới trên 60 địa đạo lớn nhỏ như địa đạo Tân Mỹ, Địa đạo Mụ Giai, địa đạo Tân Lý, trong đó Địa đạo Vịnh Mốc là làng hầm vững chắc nhất, tồn tại cho đến tận hôm nay. Địa đạo được đào từ năm 1965 đến 1967 gồm 3 tầng, có bậc thang lên xuống lượn xoắn ốc. Tầng 1 và 2 đều có giếng nước, nhà vệ sinh.

Trục chính dài 2.034 m, nằm ở độ sâu 20-28 m, chiều rộng 1-1,2 m, cao 1,5-4,1 m, trong khu vực có diện tích khoảng 1 km². Hai bên vách cứ cách 3 m được khoét một hầm để làm nhà ở.

Trung tâm của địa đạo có hội trường 150 chỗ, bệnh xá, nhà hộ sinh. Nhiều trục nhánh với 11 cửa thông ra biển hoặc lên trên mặt đất. Trong gần 2000 ngày đêm tồn tại (1965 - 1972), địa đạo đã đón 17 đứa trẻ ra đời an toàn.
Địa đạo là nơi ở của nhân dân trong những năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất trong địa đạo sống khoảng 1.200 người, đây cũng là kho chứa hàng tiếp tế cho chiến trường Miền Nam và đảo Cồn Cỏ.
Từ năm 1966 đến năm 1972 Quân đội Mỹ đã trút xuống đây hơn 9.000 tấn bom đạn.
Địa đạo Vịnh Mốc được nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử.

Ở cái tuổi 80, vị đồn trưởng đồn 140 năm xưa, thương tật đầy mình nhưng ông Lê Xuân Vi còn rất nhanh nhẹn, nhớ như in từng sự kiện đã đi qua trong cuộc đời mình.

Sáng kiến thông minh
Năm 1966, ông Vi là đồn trưởng đồn công an vũ trang 140, đóng ngay tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch bây giờ. Ông còn ghi lại tất cả những sự kiện liên quan đến địa đạo Vịnh Mốc trong cuốn sổ tay. Ông nói, quân Mỹ ném bom quá ác liệt, phải đào hầm trú ẩn, bảo toàn lực lượng. Ngày 18-2-1966, chính ông đã ra lệnh cho các chiến sĩ lực lượng vũ trang đồn 140 khởi công đào địa đạo Vịnh Mốc. Ban đầu địa đạo chỉ là một chiếc hầm chữ U, có chiều dài mỗi cạnh 10 m, hướng ra phía biển. Đào xong hầm, cẩn thận, ông Vi đề nghị các chiến sĩ phải đứng trong hầm chữ U quan sát địch từ ngoài biển đi vào.
Sáng kiến đào hầm chữ U của ông Lê Xuân Vi lúc bấy giờ được giữ bí mật cho đến một tháng sau, tại Hội nghị Quân chính lực lượng vũ trang Vĩnh Linh vào tháng 3-1966, ông mới đưa ra báo cáo, ngay lập tức được hưởng ứng.

Sau hội nghị này, ông Lê Xuân Vi chỉ đạo các chiến sĩ vũ trang đồn 140 hướng dẫn người dân ở các thôn Vịnh Mốc, Sơn Trung và Sơn Hạ tập trung đào địa đạo trú ẩn để bảo toàn mạng sống cho bà con. Lúc ấy, quân Mỹ ngày đêm đang tăng cường ném bom ác liệt xuống vùng đất giới tuyến.

Từ hầm chữ U đến địa đạo

Để có một địa đạo nổi tiếng như bây giờ, ngày đó, ông Lê Xuân Vi tự phác họa ra một sơ đồ đường hầm theo hướng Đông- Tây, bắt đầu từ hầm chữ U. Lộ trình của địa đạo được thiết kế tỉ mỉ từ đường giao thông hào phía trên, đến hầm lán trại, hầm chữ A, cuối cùng mới đến địa đạo, theo phương châm tránh và phòng. Do vậy, Mỹ có phát hiện địa đạo cũng rất khó vào được khu vực trung tâm đầu não của ta dưới lòng đất.

Ông Vi lý giải việc chọn đào địa đạo theo hướng Đông - Tây, vì nếu Mỹ ném bom từ biển vào có thể chỉ phá được một đoạn ngắn hầm phía Đông mà thôi. Phía Tây, nằm sâu trong đất liền sẽ an toàn. Vị trí đào hầm được ông chọn nằm ngay dưới đường đi, có hai hàng tre bao phủ xung quanh. Đất đào tầng thứ nhất, thứ hai của hầm mang đổ ngay phần đường phía trên để địa đạo được đắp dày đất hơn. Khi Mỹ ném bom xuống địa đạo gặp phải lớp đất dày và rễ tre bện chặt sẽ ngăn cản sức công phá của bom. Mọi tính toán của ông Vi hết sức chi li, khoa học. Dưới đường đi là trục chính của địa đạo. Lỗ thông hơi phải cách trục chính đúng 5 m và được đào sâu hơn so với đáy địa đạo 0,5 m, phòng khi Mỹ ném bom bi cũng không vào được địa đạo mà chỉ lọt xuống đáy lỗ thông hơi.

Kết thúc tầng 2, ông Lê Xuân Vi tiếp tục chỉ huy lực lượng công an và người dân Vịnh Mốc đào thêm tầng 3 của địa đạo với chiều sâu cách mặt đất đến 25 m. Dụng cụ đào hầm chỉ là cuốc, xẻng, xe cút kít để vận chuyển đất đào. Đất đào ở tầng 3 (tầng sâu nhất) được đem đổ ra biển rồi lấp cát trắng xóa dấu vết. Toàn bộ công trình địa đạo có đến 10 hạng mục từ hầm cá nhân, hội trường, hầm chiến đấu, khu cứu thương, khu sinh hoạt gia đình, khu vệ sinh, giếng lấy nước... với nhiều cửa vào.

Đào xong địa đạo rồi nhưng ông Vi lại tính toán cẩn thận hơn, nếu quân giặc tập kích từ biển vào thì mình ở trong hầm không có đường thoát. Thế là ông cho đào tiếp một đường rút lui theo hướng lên mặt đất với chiều dài gần 60 m. Có 2 tổ xung kích gồm 6 người đứng từ độ sâu 25 m (đáy tầng 3) đào ngược lên mặt đất. Đúng một tháng sau, vào đầu năm 1967, đường thoát hiểm lên mặt đất được hoàn chỉnh với kích thước đường hầm rộng 0,85 m, cao 1,6 m. Thật ra, không phải đến hôm nay ông Lê Xuân Vi mới được gọi là tổng công trình sư địa đạo Vịnh Mốc, mà ngày trước, khi mới hoàn thành công trình này, người dân vùng giới tuyến Vĩnh Linh đã dành cho ông sự tôn kính đặc biệt về khả năng sáng tạo đường hầm trong lòng đất. Lúc ấy nhiều người còn gọi ông là “người đi xuyên lòng đất”.

Người không có nổi một tấm giấy khen

Ông Vi kể rằng ông là người ở phía bờ Nam, xã Hải An, huyện Hải Lăng, vượt sông Bến Hải ra miền Bắc hoạt động cách mạng. Nhờ trí thông minh tuyệt vời và đôi mắt tinh anh của mình mà ông đã giúp bà con ven biển Vĩnh Linh chọn vị trí và xây dựng được một hệ thống địa đạo nổi tiếng khắp thế giới như bây giờ.

Thế rồi, vào năm 1972, trong một lần đi công tác ở phía Nam, ông giẫm phải mìn, bị thương, mắt hỏng nặng, tỉ lệ thương tật đến 95%. Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông đón nhận niềm vui ấy gần như chỉ bằng cảm giác ngây ngất và sự hồi hộp của con tim người trong cuộc. Không được mấy năm sau hòa bình,vết thương tái phát nặng làm đôi mắt ông mù hẳn. Không xót xa, không than trách thân phận, như ông thường nói: “Chiến tranh mà, người được kẻ mất là chuyện thường”. Nhưng điều kỳ lạ là với công trạng của ông, địa đạo Vịnh Mốc đã cứu sống hàng ngàn người dân, vậy mà đến nay chẳng có cơ quan nào khen thưởng cho ông, dù chỉ là một tấm giấy khen.
Du khách quốc tế “chen nhau” xuống địa đạo Vịnh Mốc

Bốn mươi năm sau, khi ngồi kể lại chuyện cũ, ông Lê Xuân Vi nói rằng kỷ niệm vui nhất trong những ngày ở địa đạo của mình là vào năm 1967, vợ ông, bà Nguyễn Thị Tiệp, sinh cho ông một đứa con trai đầu lòng ngay trong lòng địa đạo, được ông đặt tên Lê Xuân An. Hiện tại anh An đang công tác tại VKSND thị xã Đông Hà. Anh An nay đã lấy vợ và sinh được cho ông một đứa cháu trai mà khi ngồi đối diện với tôi, ông bảo rằng đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời mình.

Vĩ thanh

Ngôi nhà xây cấp 4, cũ kỹ nằm gần cuối con hẻm của đường Tôn Thất Thuyết, thị xã Đông Hà là nơi vợ chồng ông đang ở với người con trai của mình. Mắt mù, tai lảng nhưng ông vẫn cố gắng tham gia hoạt động xã hội. Mấy năm làm chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Trị, thấy hội không có chỗ hoạt động, ông đã đi khắp mọi nơi, vận động xin được vốn tài trợ nước ngoài về xây trụ sở làm việc cho anh em rồi mới nghỉ ngơi công việc xã hội.

Bây giờ tuy đã già yếu, nhưng ông Lê Xuân Vi vẫn còn minh mẫn. Ông nói rằng: “Tôi rất vui khi địa đạo Vịnh Mốc được đưa vào khai thác du lịch, nhưng chỉ buồn một điều, mình là người thiết kế kỹ thuật và tự tay cùng anh em thi công công trình địa đạo, nhưng khi tôn tạo địa đạo này, những người có trách nhiệm của ngành văn hóa Quảng Trị không hề thăm dò ý kiến của tôi. Họ đã làm hỏng địa đạo, nhiều chỗ trong địa đạo không còn được như xưa” .
Đăng vào 4-1-2010 02:47:01 | Hiển thị tất cả tầng
Chúc bạn vui vẻ. Cám ơn.
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 15-11-2024 09:45 PM , Processed in 0.019487 second(s), 17 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách