|
Cây ngâu còn gọi là mễ tử lan, túy mễ lan, ngư tử lan, lan hoa mễ, mộc châu lan, châu lan, thụ lan, thiên lý hương.
Đây là loại cây thân mộc cỡ trung bình cao 5-6m, thuộc họ xoan, sống nhiều năm, là thứ cây cảnh được trồng khá phổ biến.
Hoa ngâu nhỏ, màu vàng mọc thành chùm ở kẽ lá, rất thơm, thường được dùng để ướp trà và làm vị thuốc, mùa hoa vào tháng 7, tháng 8. Hoa ngâu có vị cay ngọt, tính bình, giải uất kết, làm thư giãn bên trong người, giúp tỉnh rượu, sạch phổi, tỉnh táo đầu óc, sáng mắt, ngưng phiền khát. Chữa chứng đầy trướng khó chịu ở ngực, chứng nghẹn hơi mới phát, chữa ho hen và váng đầu.
Lá cây ngâu chữa ngã, đòn đau, nhọt độc.
Liều dùng: Nấu uống hoặc nấu thành cao bôi đắp.
Phụ nữ có thai tránh dùng hoa ngâu, lá ngâu.
Chữa tăng huyết áp: Hoa ngâu 10g, hoa cúc 30g. Hai thứ gộp chung, chia làm 3 phần bằng nhau. Khi dùng cho 1 phần vào tách, rót nước sôi già ngâm, để nguội uống. Uống hết 3 phần thuốc đó trong 1 ngày.
Chữa chứng bế kinh: Hoa ngâu 10g, rượu 50g. Cho hoa vào rượu, thêm vào chút nước, nấu cách thủy đến khi hoa chín nhừ, để nguội uống. Uống trước ngày có kinh 3 ngày, uống liền trong 5 ngày, ngày uống 1 lần.
Chữa chứng thương tích do vấp ngã, bị đòn: Hoa ngâu, lá ngâu mỗi thứ 50g. Gộp chung cả hai thứ, cho vào một lượng nước vừa phải nấu chín, chắt lấy nước, đổ nước vào nấu tiếp, nấu đủ 3 lần, gộp chung nước thuốc chắt 3 lần, trước tiên nấu bằng lửa mạnh (vũ hỏa), sau nấu bằng lửa yếu (văn hỏa) thành cao. Mỗi lần dùng, quết một ít cao này lên vải lụa mỏng đắp vào chỗ vết thương sưng đau, ngày đắp thuốc cao này 1 lần.
Chữa chứng say rượu: Hoa ngâu, hoa sắn dây (cát hoa) mỗi thứ 10g. Gộp chung cả hai thứ vào ly, rót nước sôi già vào ngâm uống.
Ngoài ra nhân dân còn dùng hoa ngâu để ướp trà, uống rất thơm và mát.
Theo SK&ĐS |
|