|
Hát trống quân đã xuất hiện ở Hát Môn - Huyện Phúc Thọ từ thuở xa xưa. Đến nay các cụ trưởng lão, cao niên trong làng cũng chỉ nhớ ngày cũ, cứ vào mùa thu, khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 sang đầu tháng 10 âm lịch, việc đồng áng đã vãn, tiết trời khô ráo, mát mẻ, các xóm bắt đầu tụ tập lại. Thời gian hát chủ yếu vào các buổi tối từ mùng 10 đến 20 hằng tháng.
Hát trống quân, một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo dân gian Bắc bộ.
Nhạc cụ hát trống quân rất cổ, rất độc đáo. Có thể gọi là cây đàn bằng đất, không thể mang đi nơi khác được. Người hát ở đâu thì làm trống đất ngay ở đó, sân đình hoặc cổng chùa, cổng xóm, đầu làng… Để có một chiếc trống, người ta đào hố dưới mặt đất, rộng từ 20 đến 25cm, sâu 20cm, bên dưới khoét tròn thành hàm ếch để tạo độ âm vang, trên đậy tấm ván gỗ sung hình tròn mỏng độ 1cm, vừa kín mặt hố, không để các khe hở xung quanh. Có nơi họ còn bỏ vào dăm bảy chiếc vỏ ốc để tạo âm thanh khác nhau. Phía trên dùng sợi dây mơ tía hoặc dây mây già, phơi kỹ, dài 1,5 đến 2m, hai đầu buộc vào cọc tre kéo căng qua mặt trống đóng xuống đất. Giữa mặt trống có chiếc lẫy bằng tre hoặc gỗ dài 15 đến 20cm, kéo sợi dây cho thật căng, đầu dưới lẫy nằm giữa tâm mặt trống. Người hát dùng thanh gỗ gõ trên dây đàn làm nhịp hát, tạo nên âm sắc bổng trầm, khoan nhặt, thiết tha. Cũng có người để lẫy chia dây đàn bên dài bên ngắn (2/3), tạo thành âm thanh bên đục bên trong.
Tiếng đàn, câu hát trống quân cất lên trong đêm thanh vắng, lôi cuốn nam thanh nữ tú kéo về tụ hội tỏ tình, ca ngợi quê hương, đất nước để lại biết bao kỷ niệm.
Người chơi hát trống quân thường được chia làm hai bên, thường là bên nam và bên nữ, mỗi bên cử ra một người có tài thơ văn để ứng đối với nhau từng câu. Lời hát chỉ là hai câu thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Cái hay, cái khó là người hát phải nhanh trí vận nối được vần, chữ cuối của người hát trước (câu tám) phải vần với chữ cuối dòng đầu (câu sáu) của người hát sau. Thí dụ:
Người trước hát: May như bắt được kim vàng/May sao lại gặp được chàng ở đây...
Người sau hát tiếp: Cũng là bà Nguyệt se dây/Se cho mình đến chốn này với ta.
Chữ “đây” của người hát trước vần với chữ “dây” của người hát sau. Thế mới đạt cả vần cả ý.
Hai bên đối đáp, có một người ngồi giữa đánh đàn, người này rất quan trọng, gọi là kép. Kép là nhân vật đẹp về ngoại hình, lại có giọng hát hay, có nhiệm vụ chuyển lời thơ của người chơi thành giai điệu hát trống quân kiểu như kẻ xướng, người họa, đồng thời đánh đàn điêu luyện, dẻo dai nâng bổng lời hát thêm hấp dẫn. Kép giỏi còn chỉnh sửa lời thơ chưa vần, chưa hợp người chơi vừa xướng lên. Câu thơ tăng thêm giá trị làm người hát, người nghe đều thích thú.
Theo các nghệ nhân hiện còn ở Hát Môn, hát trống quân ở đây thường phải qua 3 bước:
Thứ nhất, là hát chào hỏi, có tính chất làm quen, thăm dò nhau nên rất ý nhị và khiêm nhường: Tháng Tám anh đi chơi xuân/Đồn đây mở hội trống quân anh vào. Thoạt vào chào cửa tam quan/Hai chào các bạn hồng nhan chơi bời….
Thứ hai là hát kết bạn, phần chính nên rất phong phú, sôi nổi, đôi khi còn gay cấn trong những câu hát đối.
Sau khi hát chào hỏi, hiểu biết nhau, họ hát giao ước với nhau những điều cấm kỵ. Ví dụ Hát Môn thờ Hai Bà Trưng là Thành hoàng, lời hát có chữ “Nhị” thì phải hát lệch thành “Nhợi” hoặc những câu thơ văn đã in thành sách như Truyện Kiều, Tống Trân… thì không hát mà phải vận lời mới để nội dung cuộc hát gần gũi mà hấp dẫn. Như thế người chơi phải suy luận sáng suốt, hút người đến xem. Cuối cùng mới phân giải được bên thắng, bên thua.
Nội dung lời hát chuyển dần thành những ước nguyện.
Ước gì ta lấy được nàng/Mùa nào thức ấy gửi sang làm quà…
Đến hát yêu: Một yêu cái cảnh huê tình/Hai yêu ta đứng với mình hôm qua.
Rồi lại hát nhớ: Nhớ chàng lắm lắm chàng ơi/Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than/Nhớ em là gái thuyền quyên/Anh đã đi ngủ, dậy liền đi ra…
Đến hát thương: Cây sơn lâm lá cội sơn vàng/Cây bao nhiêu lá, thương chàng bấy nhiêu.
Và hát tìm: Tai nghe tiếng hát đâu đây/Ta về ta sắm thuyền mây đi tìm…
Hát trống quân đến đoạn cao trào, gay cấn giữa hai bên là hát đố và hát giảng: Quả gì ngọt lắm chàng ơi?/Quả gì anh để hành ngơi trong nhà?
Hoặc: Cái gì sắc như dao cau/Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?
Khi thì bên nam hát đố, bên nữ hát giảng và ngược lại, đến khi một trong hai bên bí vận không giảng được, đành phải chịu thua cuộc.
Cuộc chơi chuyển sang hát họa sông thì bên nam họa núi, rồi họa chợ, họa trời… Rồi họ lại khéo léo chuyển sang các bài hát thách cưới, rất trào lộng, hóm hỉnh làm cho cuộc hát tưởng như không thể dứt ra được:
Cưới em chín tấm lụa đào/Chín mươi hạt ngọc, chín mươi ông sao trời.
Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi/Xin chàng chín chục con dơi góa chồng.
Cuộc hát càng khuya càng say đắm, họ say nhau vì nết, say nhau vì tài đối ứng thông minh thanh thoát, có khi thâu đêm, gà gáy sáng mới chịu ra về. Ngày hôm sau không bỏ công việc đồng áng, tối lại hẹn hò nhau ca hát tiếp theo. Trước lúc chia tay là bài giã bạn:
Đêm thanh gà gáy cũng thanh/Hàng xóm ngủ cả, xung quanh ngủ rồi.
Còn chàng với thiếp mà thôi/Chàng về đi ngủ, thiếp tôi ra về.
Hoặc hò hẹn: Anh về, anh bẻ cành lá anh cắm xuống đây/Đến mai em cứ chốn này mà ra.
Các cuộc hát trống quân ở Hát Môn trước năm 1954 lôi kéo cả lính Tây đóng ở bốt Kim Lũ, xã Thượng Cốc cách hàng chục cây số xuống xem và hòa vào. Thế là có những câu “hát nhịu”, pha phách:
Em là con gái Tu - Ven/Bông - sua, em muốn kết duyên với chàng.
Vi-tơ-lanh gửi bức thư sang/Cát-đờ-mi mấy chữ cho chàng xem qua…
Thế mới biết hát trống quân ở Hát Môn có sức hấp dẫn đến dường nào. Song do sự biến đổi của xã hội, từ khoảng những năm sáu mươi thế kỷ trước nó bị mai một. Những đêm trăng thanh gió mát ắng lặng. Cả nơi sinh hoạt tôn giáo, lễ hội hằng năm ở đền thờ Hai Bà Trưng, Phủ quận công, cổng chùa, đầu xóm… cũng không thấy ai tỏ bày gì.
May là trống quân chưa đến nỗi dứt áo đi hẳn. Thời thế đảo chiều, cho phép nó quay lại. Người hát năm xưa nay còn khá nhiều, từ sáu chục đến tám chín chục tuổi vẫn nhớ đầy đủ cách thức cùng lời hát xưa. Một câu lạc bộ trống quân được thành lập, nhanh chóng tìm lại chỗ đứng của nghệ thuật cổ truyền. Các nghệ nhân Nguyễn Khắc Bịch 84 tuổi, Nguyễn Đăng Đám 85 tuổi, Đặng Thị Vo 74 tuổi, Nguyễn Thị Loan 74 tuổi, Nguyễn Lương Hồng 72 tuổi… phấn khởi diễn lại trình tự cuộc hát. Ông Nguyễn Đình Đạo dành nhiều thời gian ghi chép những bài cổ. Các ông Đinh Tất Thắng 68 tuổi, Trần Quang Hữu 76 tuổi tìm vật liệu, khoét trống đất, sao cho nó có âm vang và nguyên dạng ngày xưa. Trong tuần trăng tháng Tám âm lịch năm ngoái, múa sư tử, rước đèn ông sao, hát trống quân… sống động ở Hát Môn đã khơi lại không khí nô nức trong đông đảo thanh, thiếu niên và nhân dân.
Hát trống quân, nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống đã xuất hiện rất lâu đời ở vùng Đồng bằng Bắc bộ. Ở Hát Môn, loại hình này giữ được những nét nguyên dạng, xa xưa của cư dân nông nghiệp vùng bãi bồi ven sông Hồng, sông Đáy. Nhạc cụ đơn giản, dễ làm, mặt trống bằng gỗ dễ kiếm, dây mây, dây mơ ngay ở vườn nhà, nên các cuộc hát rất dễ di chuyển. Trống quân không mang yếu tố tâm linh, tôn giáo mà là những cuộc tỏ tình của trai gái trong làng. Cuộc hát chơi thoải mái mang tính giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc. Lời hát mộc mạc nhưng rất trí tuệ, khuyến khích tri thức học vấn và sự sáng tạo ngôn ngữ, hiểu biết các địa danh và phong tục tập quán của địa phương, qua đó đề cao tính nhân văn, trào lộng, yêu đời và yêu quê hương. Cuộc hát tạo cơ hội cho bao lứa đôi kết bạn, kết duyên trong sáng mà ân tình.
“Người chơi vừa được hưởng thụ vừa sáng tạo văn hóa”, hát trống quân ở Hát Môn chứng minh đặc thù của văn nghệ dân gian là vậy. |
|