|
Du lịch Lào Cai
Vị trí: Phan Si Păng nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn, về phía tây nam thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Ðặc điểm: Phan Si Păng là ngọn núi cao nhất trong dãy núi Hoàng Liên Sơn với độ cao 3.143m. Đây là một bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ, ẩn chứa cả một thảm thực vật với nhiều loài đặc hữu.
Với chiều dài 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp là 45km, gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất, chính là đỉnh Phan Si Păng…
Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít)…Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao khoảng 50-60m, tuổi đời tới vài trăm năm. Pơmu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai. Bên cạnh pơmu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn…Các cây lá kim ken đầy với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên cao, càng hay mưa, có năm cả Phan Si Păng mưa suốt một tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Hầu như bốn mùa, cả Sa Pa đều ngập tràn trong muôn sắc các loài hoa: lay ơn, thược dược, bgônha, estcola… là những thứ hoa dưới đồng bằng hiếm có. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau. Có nơi đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Si Păng có tới 330 loài.
Lên cao 2.400m, gió mây quyện hoà với cây rừng, có lúc xòe tay ta tưởng đã nắm được mây. Từ độ cao 2.800m, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng, trong xanh. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25-30cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên…Đất xương xẩu trơ cả gốc, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh giá…
Trên điểm cao 2.963m có cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã tới chinh phục đỉnh cao. Lên cao nữa là một khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những hòn đá nhỏ tựa chiếc bàn. Đỉnh Phan Si Păng đấy! Tiếng địa phương gọi "Hua-si-pan", nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phan Si Păng cao ngất giữa trời mây được kết cấu bởi những phiến đá như vậy.
Phan Si Păng được ví là nóc nhà Việt Nam và của Đông Dương sừng sững đang chinh phục lòng ham mê leo núi của các du khách ưa mạo hiểm.
Bản Phố
Vị trí: Bản Phố là một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Đặc điểm: Đến đây, du khách vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng vùng cao vừa được thưởng thức đặc sản Bản Phố, đặc biệt là rượu ngô Bản Phố.
Từ thị trấn Bắc Hà, rong ruổi trên con đường quanh co, uốn lượn bám vào sườn núi Hoàng Liên Sơn khoảng 4km, phía dưới là thung lũng xanh mướt một màu của ngô và lúa non...; hai bên đường là những cánh rừng mận Tam hoa ngút tầm mắt đang mùa trĩu quả, du khách sẽ tới xã Bản Phố.
Nhìn từ xa, Bản Phố giống như một bức tranh đẹp và sinh động: Hòa lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp, là những nếp nhà của người Mông giống như những tổ chim bám vào sườn núi.
Bản Phố là địa danh quần cư lâu đời của người Mông, có khoảng hơn 500 hộ gia đình với trên 3.000 nhân khẩu. Theo tiếng Quan Hoả - thứ ngôn ngữ chung của một số dân tộc sống trên dải biên cương phía bắc, từ “Phố” dùng để chỉ nơi tập trung dân cư và có hàng quán.
Người Mông Bản Phố sống ở nhà trệt với cấu trúc theo lối xứ lạnh: Họ làm nhà ở trên cao, bám vào vách đá hay sườn núi, nền nhà của họ thường thấp hơn và kín gió, nguyên liệu làm nhà chủ yếu là bằng gỗ; trong nhà luôn có lò sưởi, có thịt sấy ăn quanh năm, có món "mèn mén", món "thắng cố" độc đáo.
Người Mông thích sử dụng nhiều loại nhạc cụ, đặc trưng nhất là khèn và đàn môi. Vào những dịp Tết hay những ngày chợ phiên, các nam thanh nữ tú người Mông thường thổi khèn gọi bạn và cất lên những câu hát giao duyên.
Trang phục của người Mông ở Bản Phố khá đặc sắc. Họ may bằng vải lanh tự dệt. Nữ mặc váy xoè rộng, áo xẻ ngực với những họa tiết hoa văn sinh động, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân. Nam mặc quần, áo chủ yếu là màu đen.
Người Mông sống nhờ vào nghề làm nương rẫy du canh, trồng lúa nước trên những ô ruộng bậc thang, trồng lanh lấy sợi dệt vải và trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, người Mông Bản Phố còn sở hữu một loại sản phẩm thủ công đặc trưng, hiện nay đã nổi danh trong cả nước và thu hút nhiều du khách quốc tế, đó là sản phẩm rượu ngô Bản Phố.
Bước vào ngôi nhà của người Mông Bản Phố, du khách sẽ thấy ngay một gian bếp nằm ở đầu hồi; đây chính là nơi nấu rượu. Hương ngô, hương rượu thoang thoảng khắp không gian vùng cao, nhất là vào dịp chợ phiên Bắc Hà, Cán Cấu và những ngày giáp Tết.
Về phương thức, rượu Bản Phố không cần làm cầu kỳ, phức tạp; tuy nhiên, để có hương vị mang đặc trưng riêng của vùng Bản Phố, loại rượu này cần phải có bí quyết gia truyền mà nếu có đem công thức đến nơi khác làm cũng không tạo được hương vị như ở nơi đây.
Theo người dân Bản Phố cho biết, để có được rượu ngô Bản Phố; trước tiên, ngô phải được trồng và phát triển nhờ vào khí hậu nơi đây. Khi đến giai đoạn làm rượu, người ta phải lấy nước từ dòng suối Hang Dể, phải ngâm ngô trong sương lạnh nơi Bản Phố và phải dùng hạt Hồng my - loại hạt có hình thù giống hạt kê và có mùi thơm đặc biệt, được trồng xen kẽ trên các nương ngô, dùng để làm men rượu.
Dụng cụ dùng để nấu rượu là một chảo gang lớn, được quây xung quanh bằng chiếc thùng gỗ đóng đai rất kín, đặt trên lò đất đắp rộng chừng 3m² và lửa phải cháy liên tục, như vậy mới đảm bảo được chất lượng của rượu. Cứ 3kg ngô là làm được 1 lít rượu khoảng 40-45º, có nhà làm kỹ được loại rượu 60º, mỗi nhà mỗi phiên chợ thường nấu khoảng 20 lít.
Điểm đặc biệt khi đến Bản Phố, khi du khách bước vào bếp của người Mông trong lúc họ đang nấu rượu, du khách sẽ thấy ở trên trần bếp treo lủng lẳng nhiều xâu thịt đủ loại: trâu, bò, dê, lợn... Đây là thứ thịt xông khói rượu có hương vị cực kỳ đặc biệt mà có lẽ không đâu có được. Không những thế, chủ nhà còn rất ân cần mời du khách thưởng thức ly rượu vừa mới cất xong vẫn còn hơi ấm với đồ nhằm là đĩa thịt hun khói rượu.
Cùng với mận Tam Hoa, lê, đào, rượu ngô Bản Phố đã theo chân du khách khắp mọi miền đất nước, dù chỉ uống một lần hẳn nhớ mãi không quên.
Lũng Pô
Từ Hà Nội, chúng tôi gồm 5 người bạn trẻ quyết định đi lên đỉnh Lũng Pô của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Quyết chí đến "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" (*).
Sân ga Lào Cai đón chúng tôi với vẻ nhộn nhịp vốn có. Sau khi ăn sáng, chúng tôi qua cầu Cốc Lếu bắt đầu hành trình đi về phía thượng nguồn Sông Hồng tại VN. Chúng tôi đi theo con đường chạy ngang bản Qua, trung tâm huyện Bát Xát, gặp Chợ Vược, chủ yếu bán đồ nhu yếu phẩm cho bà con dân tộc Dao đỏ và người Mông xung quanh vùng.
Từ chợ, chúng tôi tiếp tục lên đường đi về phía Bản Xèo - Dền Sáng. Con đường cấp phối rất xấu với lổn nhổn đá hộc lớn bé nằm chơ vơ giữa đường. Chúng tôi lên cao dần theo những con đường ngoằn nghèo, có những nơi độ dốc lên tới 12%, chênh vênh bên vách đá.
Đường lên Y Tý
Dừng chân ăn trưa tại Y Tý, một xã của huyện Bát Xát ở độ cao trên 2.660 m. Dù mặt trời đã lên khá cao và nắng chiếu gay gắt nhưng vẫn không xua hết được cái giá rét của vùng núi cao nơi biên cương vực sâu. Dọc đường đi, chúng tôi gặp nhiều tốp phụ nữ người Dao, Mông, Hà Nhì ngồi trên sườn núi vừa phơi nắng vừa thêu thùa. Từ trên cao, những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất miền Tây Bắc như những vòng cung chồng lên nhau và lên cao mãi.
Rời Y Tý, con đường ngày một xấu hơn, những cú xóc khiến tay lái chúng tôi có lúc lạc vào lề đường. Những con đường hình chữ Z cứ miệt mài vắt mình ngang sườn núi. Chúng tôi vẫn tiếp tục chạy xe qua Ngải Thầu, A Lù, A Mú Sung để tiến về Lũng Pô.
Chúng tôi gặp sông Hồng tại địa giới của hai xã A Mú Sung và Nậm Chắc. Dòng sông lặng lẽ và êm ả trôi đi giữa hai bờ lau lách. Bên này là con đường của VN thấp thoáng trong màu xanh của rừng. Bên kia là con đường xuyên Á trên đất Trung Quốc đang được xây dựng rất hoành tráng. Đến địa phận thôn Mà Cò lại phát hiện ra chúng tôi đang di chuyển cùng hướng với dòng chảy. Như vậy là đầu nguồn sông Hồng đang ở phía sau lưng.
Từ cột mốc số 93 trên tuyến biên giới, chúng tôi quay ngược xe chạy lại trên con đường ngập bụi và đá sỏi. Sau gần 4 km, rẽ tiếp vào con đường bê tông chúng tôi gặp hai ngã ba liên tiếp dưới biển báo vành đai biên giới, cách trạm kiểm soát biên phòng Lũng Pô không đầy 100 m. Có duy nhất một nóc nhà dân nằm gần đó. Sau khi hỏi một số thông tin, chúng tôi đi tới trạm Lũng Pô.
Anh chiến sĩ trực trạm biên phòng dẫn chúng tôi theo một lối mòn của dân địa phương để tới biên giới nằm ngang trên sông Hồng giữa VN và Trung Quốc. Ai cũng háo hức và cảm động vì sắp đi tới điểm đầu nguồn của dòng sông Nhị Hà tại VN. Qua cột mốc số 92 và một gốc cây khá to, cũng là điểm mốc tự nhiên đánh dấu đường biên giới ngang trên sông giữa hai quốc gia, chúng tôi chạy ùa xuống một bãi cát trắng và khá rộng rãi nằm sát bên dòng chảy. Ngay tại nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt này, còn có dòng suối Lũng Pô chảy ra từ trên núi tạo thành một ngã ba sông rất thơ mộng và bình yên.
Một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa. Tuoitre.com.vn |
|