|
"Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau"
Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng một lần ao ước được đi "từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái" để thấy rằng quê hương mình "liền một dãy xanh xanh". Về mũi Cà Mau, nơi được nhà thơ Xuân Diệu ví như Mũi tàu Tổ quốc vươn mình giữa sóng biển bao la. Một lần về thăm mũi Cà Mau để thấy bạt ngàn rừng đước, vun vút rừng tràm, hàng năm phù sa vẫn âm thầm lắng tụ mở rộng vùng đất cuối trời hàng trăm mét và để một lần được nghe câu hát " Anh đến quê em đất Mũi Cà Mau, có thấy bao la cánh đồng muối trắng. Miền quê hương em cá bạc tôm vàng, miền quê hương em đất cũng sinh sôi. Ở xa anh mong đến được quê mình, càng thêm yêu đấu quê chúng ta Cà Mau ..."
Vị trí địa lý
Mũi Cà Mau hướng về phía tây, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Bên trái mũi là biển Đông, bên phải là biển Tây, tức Vịnh Thái Lan.
Tọa độ: 8°37'30' ' độ vĩ Bắc, 104°43' độ kinh Đông.
Hiện nay nếu xét chi li thì mũi Cà Mau không phải là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam, mà chỉ nằm ở vùng cực Nam của Việt Nam. Điểm cực nam trên đất liền của tỉnh Cà Mau nằm ở xã Viên An huyện Ngọc Hiển, có độ vĩ 8°30' Bắc. Mũi Cà Mau là điểm cực Tây của tỉnh Cà Mau.
Trước đây một số tài liệu nói rằng điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam là xóm Rạch Tàu, cũng thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, ở tọa độ 8°34' (hoặc 8°30') độ vĩ Bắc, 104°40' (hoặc 104°50') độ kinh Đông.
Theo ghi nhận của Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau năm 2006, hệ sinh thái nơi đây có 22 loài cây ngập mặn, 13 loài thú, 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 14 loài tôm, 175 loài cá, 133 loài động thực vật phiêu sinh. Nhiều loài chim quý có tên trong Sách đỏ như giang sen, bồ nông chân xám cũng được ghi nhận nơi đây.
Được gọi là vùng “đất nở”, bãi bồi phía tây Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích 6.500 ha vẫn hàng năm lấn biển, mở rộng nơi trú ngụ và phát triển của nhiều loài thủy sinh quý, là nơi cung cấp con giống thiên nhiên cho tỉnh Cà Mau và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Theo đánh giá của UNESCO: Mũi Cà Mau thể hiện sự liên kết các hệ sinh thái ở những vùng phù sa mới. Giá trị bảo tồn của Mũi Cà Mau còn thể hiện ở vai trò là nơi tiếp giáp giữa rừng đước và rừng tràm, và là nơi sinh sản và phát triển của các loài thủy sinh.
UNESCO cho rằng, cần có kế hoạch phát triển bền vững khu vực này với trọng tâm là du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa, đồng thời cần đào tạo để cải thiện nông nghiệp và nghề cá nơi đây.
Những hình ảnh quyến rũ của miền đất phương Nam tận cùng tổ quốc, do bạn đọc Đinh Tiến Hòa chia sẻ.
Rẻo đất cuối cùng của tổ quốc.
Một nhà hàng vươn ra biển.
Hàng rào ngăn nước biển xâm lấn.
Trẻ em vùng đất mũi.
Biểu tượng con tàu trên cực nam.
Người dân sống trên sông nước là chính.
Một khu dân cư ở Mũi Cà Mau.
|
|