Quên mật khẩu
 Register
Xem: 5328|Trả lời: 0

Đặng Thái Sơn và một Chopin khác nữa

[Sao chép liên kết]
Đăng vào 28-2-2009 10:57:39 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Đặng Thái Sơn
Sinh ngày: 2 tháng 7 năm 1958 tại Hà Nội.
Là một nghệ sĩ dương cầm Việt Nam. Ông nổi danh khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin (tháng 10 năm 1980) ở Warszawa (Ba Lan). Đó cũng là lần đầu tiên, một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải của một trong những kỳ thi dương cầm nổi tiếng quốc tế.
Website: www.dangthaison.net - Let the music enrich our lives


Ông xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, cha ông Đặng Đình Hưng là nhà thơ và mẹ (Thái Thị Liên) là nghệ sĩ piano. Hai anh chị của ông là Đặng Hồng Quang (con riêng ông Hưng) và Trần Thu Hà (con riêng bà Liên) cũng đều đi theo nghiệp dương cầm. Ban đầu Đặng Thái Sơn học piano với mẹ. Năm 1965, ông bắt đầu học nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (lúc đó dời sang huyện Yên Dũng, thuộc tỉnh Hà Bắc cũ, trong địa phận tỉnh Bắc Giang ngày nay, cách Hà Nội 70 cây số). Ông được nhạc sĩ dương cầm Isaac Katz khám phá vào năm 1974. Năm 1976 Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, dưới sự hướng dẫn của Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov. Năm 1983, khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovky, ông nhận lời mời sang giảng dạy tại Nhạc viện Tokyo (Nhật Bản).

Kể từ khi đoạt giải Chopin, ông đã trình diễn hầu như ở tất cả các những phòng hoà nhạc nổi tiếng như Lincoln Center (New York), Jordan Hall (Boston), Barbican Centre (London), Salle Pleyel (Paris), Herkulessaal (München), Musikverein (Wien), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House Sydney (Sydney) và Suntory Hall (Tokyo). Ông đã tham gia các dàn nhạc lớn như Orchestre Symphonique de Montréal, BBC Philharmonic, Praha Symphony Orchestra, Moskva Philharmonic Orchestra cũng như Virtuosi of Moscow, Wiener KammerOrchester, Orkiestra Filharmonii Narodowej w Warszawie và Sydney Symphony... và đã thu âm tại Grammophon, Melodia, Polskie Nagrania, CBS Sony và các hãng thu nhạc nổi tiếng khác.

Năm 1984, Đặng Thái Sơn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Khi đó ông mới 26 tuổi và là nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất khi được trao tặng danh hiệu này từ trước đến nay.

Sau 10 năm sống ở Nga (1977-1987) ông dạy nhạc tại Kunitachi Music College (Tokyo). Năm 1991, ông định cư tại Montréal và dạy ở Đại học Montréal. Từ năm 1995, cùng với mẹ, Đặng Thái Sơn đã nhập quốc tịch Canada. Tháng 10 năm 1999 ông đã dạy một khóa nhạc chuyên nghiệp ở Berlin cùng với Murray Perahia và Vladimir Davidovich Ashkenazy. Năm 1999 Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Frédéric Chopin. Từng là giám khảo trong nhiều cuộc thi âm nhạc, nhưng Đặng Thái Sơn cũng chính là người Á Đông đầu tiên được chọn vào ban giám khảo Concours Chopin năm 2005.

Những bài trình diễn của ông thường là những bài nhạc dương cầm của Frédéric Chopin, hay là của những nhạc sĩ trường phái lãng mạn và ấn tượng, cũng như những bài nhạc hoà tấu dương cầm của hầu như tất cả những nhà soạn nhạc nổi tiếng (Beethoven, Chopin, Schumann, Grieg, Mozart, Rachmaninov, ...).

Hiện nay, Đặng Thái Sơn vẫn đang giảng dạy tại Đại học Montréal. Ông còn tham gia nhiều hoạt động tại Nga (nơi ông coi là quê hương thứ 2 của mình) và Việt Nam: quyên góp tiền để ủng hộ xây dựng lại Nhạc viện Tchaikovsky vì bị hỏa hoạn; cùng một nhóm bạn người Nhật đã thành lập một quỹ từ thiện chủ yếu giúp đỡ Nhạc viện Hà Nội; cũng từ quỹ từ thiện này, Đặng Thái Sơn kêu gọi chính phủ Nhật hỗ trợ sách nhạc, đàn... cho một số trường tại Việt Nam. Hàng năm, ông thường về Việt Nam để tham gia vào các buổi hòa nhạc lớn.
(c) Wikipedia


Tối 27/2/2009, NSND Đặng Thái Sơn trở lại với khán giả Hà Nội bằng một đêm độc diễn những tác phẩm của Maurice Ravel, Gabriel Faure và Frederic Chopin.

Trước đêm diễn, NSND Đặng Thái Sơn đã nói nhẹ nhàng như nói với chính mình rằng "Chẳng đòi hỏi gì nhiều, hãy cho tôi một không gian tĩnh lặng để chỉ còn hồn nhạc và cảm giao" và phần I của chương trình đã chứng minh điều anh nói hoàn toàn chân thành, chính xác. Âm nhạc của Maurice Ravel không phải để phô trương tài nghệ hoặc làm bùng nổ những cảm xúc mãnh liệt mà là sự chiêm nghiệm về ý nghĩa thực của đời sống con người trong cõi người ta.

Những nhạc phẩm vĩ đại như Những chiếc gương, Những con bướm đêm, Những con chim buồn, Một con thuyền giữa đại dương, Thung lũng chuông... là tự nghiệm sinh, là cái tôi cá nhân đối diện với thế giới bên ngoài để xác định bản chất mối quan hệ giữa nó và cái thế giới ấy.  Cái thế giới nội tại của Ravel (âm nhạc trìu tượng) rất khác với thế giới đẹp đẽ, lộng lẫy và say đắm của Chopin thời trẻ (âm nhạc lãng mạn) nhưng Đặng Thái Sơn đã thể hiện bản lĩnh bậc thầy của mình qua cách chơi tinh tế đến mức tưởng như ông cộng thêm giá trị tự nghiệm sinh cho âm nhạc của Chopin.

Về kết cấu các nhạc phẩm Ravel trong chương trình này cũng có điểm khác lạ. Thông thường, giống như nhận thức của con người về cõi nhân sinh, sẽ đi theo chiều thuận từ những nghiệm sinh bậc thấp (Những chiếc gương, Những con bướm đêm) lên cao dần (Những con chim buồn, Một con thuyền giữa đại dương; Thung lũng chuông) và kết lại bởi minh triết mang tính giễu nhại tràn đầy niềm vui sướng của nhận thức (Khúc Serenade của chàng nghệ sĩ hài). Nhưng Đặng Thái Sơn lại đảo vị trí cho Khúc Serenade của chàng nghệ sĩ hài lên trước để kết lại bằng Thung lũng chuông mang âm hưởng buồn bã như ánh hoàng hôn đang dần tắt, như tia sáng cuối cùng đang đi vào tĩnh lặng vĩnh hằng.

Một kết thúc dễ cảm nhưng không dễ hiểu chút nào: Những hợp âm rải kết thúc cứ nhỏ dần, nhỏ dần đến mức mơ hồ khiến cả khán phòng chìm trong sự im lặng đáng sợ, khán giả không biết và không tin đấy là kết thúc.

Những ai đã nghe Jean Yves Thibaudet chơi nhạc Ravel cũng tại Nhà hát lớn này năm 2006 (chùm 3 thi phẩm dành cho piano "Garpard de la nuit") chắc chắn sẽ nhận thấy sự khác biệt thú vị qua cách chơi của Đặng Thái Sơn lần này. Với Jean Yves Thibaudet, chúng ta cảm nhận tài nghệ của ông qua độ khó đòi hỏi kỹ thuật chơi của bậc thầy và ta thấy mình đang cùng ông mạo hiểm thăm dò bản ngã sâu tối của con người. Với Đặng Thái Sơn lần này, hầu như người nghe không để ý tới kỹ thuật chơi piano của bậc thầy danh tiếng mà chỉ còn niềm vui sướng thăng trầm qua hành trình nhận thức ý nghĩa thực, sâu kín của cõi người ta.

Phần nhạc Chopin không chỉ là sở trường của Đặng Thái Sơn mà còn rất quen thuộc với công chúng yêu âm nhạc Hà Nội. Ngay từ những giai điệu đầu tiên, công chúng đã bị mê hoặc và niềm cộng cảm lan khắp khán phòng. Ngay cả những nhạc phẩm quen thuộc đã làm nên danh tiếng của Đặng Thái Sơn này thì đêm nay Đặng Thái Sơn cũng chơi khác trước.

Không còn sự phô trương qua cảm xúc hưng phấn tươi sáng, thế giới hiện lên không lỗng lẫy đắm say như những lần anh chơi Chopin trước đây nữa mà chỉ có niềm vui sướng tự nhiên của một kẻ tự nghiệm sinh đang chân thành đối diện với sự thật giản dị của cuộc đời. Qua tài năng bậc thầy của Đặng Thái Sơn, chúng ta trở nên giàu có hơn bởi anh đã đem đến cho ta một Chopin khác nữa.
(c) Quang Minh VNE
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 15-11-2024 09:20 PM , Processed in 0.019866 second(s), 17 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách