|
Chiến tranh chống Mỹ
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau chiến dịch này, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.
Từ năm 1954-1976, Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng. Ông còn là Phó thủ tướng Chính phủ, sau là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ năm 1955 đến năm 1991).
Từ tháng 3/1960, Võ Nguyên Giáp chịu sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và nhà lãnh đạo mới là Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động, một nhà cách mạng theo đường lối cứng rắn đã trải qua những nhà tù khắc nghiệt nhất, tận mắt chứng kiến tình cảnh người cộng sản miền nam sau Hiệp định Geneve trong Phong trào Tố cộng - Diệt cộng do Ngô Đình Diệm phát động và nguyện đem sức mạnh to lớn của Đảng Lao động để xóa bỏ chế độ Việt Nam Cộng hòa, thống nhất Việt Nam dù phải đối mặt với Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.
Dù có thói quen viết hồi ức, Võ Nguyên Giáp vẫn chưa xuất bản cuốn nào về giai đoạn 1954-71. Đây là thời kỳ Lê Duẩn từ vị trí lãnh đạo Trung Ương Cục Miền Nam tiến đến điều hành Bộ Chính trị. Một mặt, nhà lãnh đạo này xem trọng Võ Nguyên Giáp, một mặt, vẫn giữ ấn tượng về việc Việt Minh rút ra bắc theo Hiệp định Geneve, để Mỹ Diệm chia đôi đất nước. Theo hồi ức các tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, theo nguồn của sử gia, suốt cuộc chiến tranh đánh Mỹ, Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn luôn đấu tranh khi âm thầm, khi quyết liệt trước các quyết định quân sự. Trong đó, dường như Võ Nguyên Giáp thuộc phái ôn hòa trong khi Lê Duẩn thuộc phái cấp tiến [cần dẫn nguồn]. Có thể chia sự hợp tác giữa 2 nhân vật quyết định chiến tranh ở cấp cao nhất này thành 3 giai đoạn:
Từ năm 1954-64, thời gian Lê Duẩn chưa nắm hoàn toàn thực quyền chính trị và Võ Nguyên Giáp với tư cách người chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nhất trí hầu hết các điểm về đường lối quân sự;
Từ năm 1965-72, thời gian Lê Duẩn nắm toàn quyền chính trị và ý kiến Võ Nguyên Giáp bị xem là chưa đủ cứng rắn; [cần dẫn nguồn]
Từ năm 1972-75, sau những tổn thất to lớn của Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Trị Thiên 1972, Lê Duẩn trao toàn quyền quân sự cho Võ Nguyên Giáp. [cần dẫn nguồn]
Đại sự ký hoạt động của Võ Nguyên Giáp đối với cuộc chiến tranh tại miền nam Việt Nam như sau:
Từ năm 1954 - 56, Võ Nguyên Giáp chủ trương đấu tranh hòa bình, yêu cầu Việt Nam Cộng hòa thực hiện Hiệp định Geneve vì một Việt Nam thống nhất, không chia rẽ về tình cảm và chính trị. Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm đã thẳng thừng bác bỏ yêu sách này bằng Phong Trào Tố cộng Diệt cộng.
Từ năm 1957 - 58, Võ Nguyên Giáp giúp Bộ Chính trị và người cộng sản miền nam do Lê Duẩn đứng đầu ban hành Nghị quyết 15 Bộ Chính trị, khẳng định việc giải phóng miền nam bằng bạo lực cách mạng, cho phép người cộng sản miền nam tổ chức hoạt động vũ trang.
Năm 1959, được Bộ Chính trị đồng ý, Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập Đoàn 559 mở đường mòn dọc dải Trường Sơn để tiếp ứng phong trào cách mạng miền nam Việt Nam. Nhờ việc mở đường Trường Sơn, phong trào cách mạng và hoạt động du kích miền Nam phát triển rất mạnh. Sau 4 năm, Mặt trân Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã thành lập được một số đơn vị cấp trung đoàn.
Năm 1964, được Bộ Chính trị đồng ý, Võ Nguyên Giáp đã bí mật cử Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn vào chiến trường Đông Nam Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam đánh lớn tại Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Đồng Xoài ... tạo chuyển biến chiến trường và thành lập các Sư đoàn 3, 5, 7, 9 nổi tiếng.
Năm 1965, chia lửa với Nam Bộ, Hoàng Minh Thảo, người học trò của Võ Nguyên Giáp ở trường Thăng Long được cử vào Mặt trận Tây Nguyên làm Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Mặt trận B3 thay Chu Huy Mân chuyển sang chỉ huy mặt trận duyên hải Nam Trung Bộ đến khi chiến tranh kết thúc.
Năm 1968, khi Võ Nguyên Giáp đi khám bệnh ở nước ngoài, Bộ Chính trị và Bộ Thống soái Tối cao tại Hà Nội phát động cuộc Tổng Tấn công và Nổi dậy Tết Mậu Thân với thiệt hại về nhân mạng to lớn bằng cả 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhưng giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân phản đối chiến tranh tại Mỹ và trên toàn thế giới. Đây là bước ngoặt của cuộc chiến tranh nhưng còn quá ít thông tin xoay quanh Võ Nguyên Giáp vào thời điểm này.
Năm 1972, sau đại thắng tại Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, với kho vũ khí khá hùng hậu, Võ Nguyên Giáp chủ trương khuếch trương chiến quả bằng một kế hoạch quân sự ở Tây Nguyên, nơi có khả năng triển khai lực lượng lớn, đánh lớn, gây những khó khăn lớn hơn cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Kế hoạch này đã bị nhà lãnh đạo Lê Duẩn bác bỏ với lý do Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Mỹ đã sớm biết và đã đón lõng tại Tây Nguyên.
Chiến dịch Trị Thiên được thay thế cho kế hoạch Tây Nguyên và ý kiến của Võ Nguyên Giáp lần này cũng bị gạt sang một bên[6], 6 sư đoàn tham gia chiến dịch Trị Thiên gồm 312, 308, 324, 325, 320, 341 đã hành quân đánh trực diện từ phía bắc xuống Vùng Chiến thuật I, nơi có Quân đoàn I và lực lượng tổng trù bị của Quân lực Việt Nam Cộng hòa gồm Sư đoàn Dù số 1 và Sư đoàn Hải quân Lục chiến số 1.
Trên địa hình nhỏ hẹp dài, bên núi, bên biển dẫn đến Vùng Chiến thuật 1, 6 sư đoàn tiến công trong tình cảnh phơi mình dưới bom dải thảm B52, pháo kích từ chiến hạm Mỹ, pháo kích từ Vùng Chiến thuật 1. Theo thông tin gần đây cho biết Sư đoàn 308 đã mất 70% quân số; Sư đoàn 312 đã bổ sung quân 13 đợt, mỗi đợt 500 người; Sư đoàn 320 đã mất 80% quân số. Các sư đoàn còn lại tham chiến đều mất ít nhất nửa số quân. Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320 với lời nguyền "Trung đoàn 48 còn, Thành cổ Quảng Trị còn" đã rút khỏi chiến địa khi chỉ còn gần 80 chiến sĩ. Câu thơ "Đò lên Thạch Hãn xin khua nhẹ/Dưới sông còn đó bạn tôi nằm ..." đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước như tiếng khóc thương đồng đội, chiến sĩ da diết, bi thương nhất. Chiến dịch cũng khiến Hà Nội tiêu tốn hơn 300.000 viên đạn pháo, gần 4/5 lượng đạn pháo trong kho, dẫn đến tình trạng thiếu đạn, chỉ còn 100.000 viên cuối năm 1974.
Cuốn hồi ức mang tên "Tổng Hành dinh trong Mùa xuân Đại thắng" do Võ Nguyên Giáp xuất bản lần đầu năm 2001 đã thuật lại những hoạt động của ông vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1972-1975.
Năm 1972, Võ Nguyên Giáp đã bố trí lực lượng đánh trả cuộc tập kích đường không của Không lực Mỹ suốt 12 ngày đêm.
Năm 1975, Võ Nguyên Giáp đã tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, xin ý kiến Bộ Chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn "điểm huyệt" vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa tại Buôn Mê Thuột. Chính ông nhân đà thắng trận Buôn Ma Thuột, trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Chính ông đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". |
|