|
Bữa cơm gia đình - đó là chuyện thường ngày lâu đời dưới mỗi mái nhà. Thế nhưng trong thời đại công nghiệp hiện nay, chuyện thường ngày đó dường như đã bị đảo lộn trong nếp sống thành thị.
Nhiều người quen dùng bữa trưa tại cơ quan, đơn vị hay hàng quán gần nơi làm việc và chiều đến do giao tiếp, bạn bè rủ rê nên cũng xa dần các buổi cơm tại nhà... Sự đảo lộn đó là một tất yếu hay ngược lại cần phải “cứu lấy” bữa cơm gia đình?
Mâm cơm gia đình
Văn hóa gia đình đóng góp vai trò hết sức quan trọng, tạo nên những nét độc đáo của văn hóa VN, đặc biệt trong phong tục, thường gọi là gia lễ, gia phong, và trong cuộc sống như văn hóa giao tiếp, văn hóa ăn uống...
Trong thời đại công nghiệp hiện nay ai lúc nào cũng vội vã, bận rộn và có thời gian biểu riêng, tiệc tùng thường xuyên. Trong gia đình ít khi gặp nhau chứ đừng nói hằng ngày lại có dịp ăn cơm gia đình như trước nữa.
Trong khi đó, nhiều gia đình lớn đã mất đi cái nếp nhà, những cô gái trẻ không còn thích chuyện nữ công gia chánh. Tại học đường cũng không quan tâm đến dạy nữ công gia chánh như trước nữa! Có nguy cơ nhiều món ăn độc đáo trong gia đình bị thất truyền.
Trong bối cảnh trên, chúng ta phải làm gì? Phải cứu lấy những món ăn độc đáo trong các gia đình lớn. Trước hết, chúng ta cần phải có kế hoạch sưu tầm những món ăn từ những gia đình có truyền thống lâu đời về ăn uống. Nếu được, xây dựng một website 3.000 món ăn truyền thống VN.
Những quê hương nổi tiếng như Kinh Bắc, Thăng Long - Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Biên Hòa, Bình Dương, Gia Định, Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Cần Thơ, Hà Tiên, Rạch Giá... mà hiện nay rất nhiều gia đình đang lưu lạc tại đất Sài Gòn, khiến tại đây có khả năng sưu tầm và lưu truyền những món ăn đặc sắc của VN.
Ngoài cỗ giỗ, cỗ tết, cỗ cưới chứa đựng biết bao món ăn đặc sản ba miền, còn có bữa cơm thường ngày gia đình VN, thể hiện nét đặc sắc của văn hóa VN.
Cấu trúc bữa cơm VN ít nhất gồm ba món. Món thứ nhất là mặn tức các loại kho như thịt, cá, đậu, củ hay trái... Món thứ hai là xào hay luộc đủ loại từ rau, củ, quả với thịt, cá... Món thứ ba là canh đủ loại từ rau, đậu, củ, quả với cá, thịt... Với cấu trúc món ăn như thế, thường thực phẩm được xắt thành miếng nhỏ, vừa mặn như kho hay nhạt như canh hoặc xào, thuận lợi cho việc ăn tập thể hơn là cá nhân riêng rẽ, rất khó chia thành phần riêng (ration).
Thường thêm đũa thêm bát, món ăn chỉ có vậy mà đông người thêm cũng không sao! Món ăn lại ít thịt, chủ yếu là rau và cơm nên người ta hay nói bữa cơm VN là “cơm rau” hay “cơm canh”. Đặc biệt món canh rất độc đáo, hầu như trên thế giới chỉ có người VN có cách ăn canh chan vào cơm.
Bữa cơm VN còn không thể thiếu các loại mắm nước hay mắm cái, dưa cà.
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương!
Món ăn như thế nhiều vị, nhiều chất rất cân bằng âm dương, vừa ngon vừa lành, ít gây tật bệnh. Chính vì vậy mà khi ăn cơm gia đình như thế, người ta rất dễ chịu, không nặng bụng như khi đi ăn nhà hàng hay ăn tiệc.
Bữa cơm gia đình VN còn rất ấm cúng, trò chuyện thân mật. Mọi người mời nhau, nhường nhịn nhau. Học ăn, học nói, học gói, học mở - Ăn trông nồi, ngồi trông hướng... Ăn uống cũng là bài học, là nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc! |
|