|
Chương 6
Buổi chiều ngồi mãi ở cửa sổ nhìn xuống sân trước nhà, Khôi bỗng nhớ tới câu ca dao một lần thầy Hiển đã như "cho" riêng mình:
"Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau."
Kỳ lạ, khi nhớ tới mẹ là Khôi lại nhớ ngay tới thầy Hiển. Một hình ảnh xa rồi và một hình ảnh đã vĩnh viễn mất hút. Song cả hai hình ảnh, người thầy và người mẹ luôn đậm nét trong nỗi nhớ của Khôi.
Lúc ấy Việt tới. Vừa gặp Khôi, Việt đã hỏi ngay:
- Chiều qua cậu đi đâu vậy?
- À, Khôi ngập ngừng... tớ đi chữa răng!
- Hết lúc sao chọn lúc hẹn đi chữa răng!
Khôi cười cười, hỏi bạn:
- Vui không?
- Vui hết ý luôn.
- Cậu biết nhảy từ hồi nào vậy?
- Cần gì, cứ nhảy "búa xua", miễn đừng đạp vào chân con gái là được.
- Nhỏ Hằng với nhỏ Ngà chắc nhảy giỏi lắm phải không?
- Cũng như mình thôi. Đèn mờ, nhạc giật, ai cũng nhảy "búa xua" hơi đâu mà đếm nhịp đúng sai cho mệt. Tuần tới chắc còn vui hơn nữa, có ban nhạc sống và ca sĩ thành phố biểu diễn.
- Tuần nào cũng có?
- Nhà văn hóa phường đang chiêu sinh mở lớp "Dạ vũ hồng" dạy "khiêu vũ quốc tế căn bản". Mi ghi tên không?
- Mình con nít bày đặt học chi?
- Trẻ như bọn mình nhảy mới đẹp, thầy nói thế.
- Thầy nào?
- Thầy Tuấn.
- Tuấn nào?
- Tuấn - tài-tử, anh em bà con nhỏ Hằng được giao phụ trách lớp đêm Nhà văn hóa phường. Công nhận tay này nhảy đẹp và ca nhạc ngoại cũng hết sẩy luôn. Nhỏ Hằng nói hôm nào cho tao mượn mấy cuốn Abba mới nhất. Dạo này tao chỉ thích nghe và hát nhạc ngoại.
- Thế thì chịu khó học ngoại ngữ đi.
-Cần gì, nghe riết rồi hát y chang. Mi tưởng cứ hát nhạc ngoại là phải giỏi ngoại ngữ chắc.
- Hát mà không biết mình hát gì, nghe mà không hiểu người hát chị Rồi cũng bày đặt lắc lư, cau có, ủ ê, phẫn nô... y hệt những con rốt trong phim hoạt hình...
- Ta không ngờ mi lạc hậu thế. Mi phải biết âm nhạc không có biên giới, không có thời gian và không gian. Cứ như mi thì một ngàn năm sau cũng không vươn lên nổi.
- Vươn lên nổi cái gì?
- Đỉnh cao thời đại.
- Tao căm ghét cái thứ chưa học lóm được thì chê là "lai căng, mất gốc" đến khi học lóm được rồi thì tự khen là "văn minh, tiên tiến".
- Mi nói đó là cái gì?
- Cái dốt!
Việt bĩu môi khinh khỉnh:
- Mi nói y hệt thầy Hiển. Liệu mi có học giỏi được bằng thầy Hiển để rồi đi đạp xích lô không?
Câu nói của Việt như một hòn than nóng bất chợt rơi dính vào lòng bàn tay, Khôi sững người, chưa kịp buốt đau, hỏi Việt dồn dập:
- Thầy Hiển mà đi đạp xích lô à, đứa nào nói vậy?
- Cần gì đứa nào nói, chính mắt tớ thấy. Không tin, mi cứ ra bến xe khách Hàng Xanh mà kiểm chứng.
Dạy văn và ngoại ngữ, thầy Hiển là một trong những giáo viên xuất sắc của trường. Thầy có thể nói liên tiếp hàng giờ mà học trò vẫn say mê nghe, bất cứ về vấn đề gì trong môn học hay bên lề môn học. Thầy thuộc tục ngữ ca dao và lúc nào thú vị cũng có thể "nhặt lên" đem vào câu nói dễ dàng nhẹ nhàng như hái cái lá, cái hoa hay cầm cát bút, cuốn vở ở ngay quanh mình. Khi thầy lên lớp, học trò luôn có cái cảm giác hào hứng như đang cầm trên tay một tờ báo mới và muốn lật coi nhanh tất cả mọi trang. Trong thầy chất chứa nhiều thứ, như là những thức ăn vừa miệng, mà tuổi học trò đang khao khát. Nhất là khi đề cập đến cách xã giao, ứng xử trong đời sống (đâu có nằm trong môn học nào) thầy vẫn không dấu được nỗi thèm muốn được thấy thế hệ "những cô cậu đàng hoàng chững chạc"...
"... - Tại sao lại cứ phải nhìn vào cái túi người tả Tại sao lại cứ thích dán con mắt lên thân hình người tả Chỉ có cách ăn nói, cư xử mới định hình được con người. Và giá trị Ở đâu? Ở trí thức con người tích lũy và đem ra sử dụng nó... "
Thầy đã từng bị Ban Giám hiệu phê bình là đi "ngoài giáo trình" nhiều quá. Song những điều thầy nói đâu có thừa. Chẳng phải là quá cần thiết đối với học trò khi thầy có cả một kho những "danh nhân thế giới" mà giờ học nào thầy cũng không quên "mời" một ngài đứng ra làm gương cho học trò của mình soi bóng tương lai.
"... Thế giới có cả một kho báu là các danh nhân, chúng ta không biết tới thì làm sao mơ tưởng đến "giàu có" ở tương lai. Trước chúng ta đã từng có những người mang cánh thì tại sao đến nay chúng ta lại chấp nhận lết trên mặt đất. Phải học tập được cách bay của những người đi trước và chúng ta sẽ bay cao và bay xa hơn họ. Muốn như thế... "
Không ai nghi ngờ về khả năng hiểu biết của thầy Hiển, đôi tròng kính quá dày và cả một gian nhà sách báo các loại của thầy cũng nói lên pphần nào điều ấy. Vài bằng cấp ngoại ngữ thêm khẳng định trình độ nhận thức của thầy không thể ở mức tầm thường. Cũng không ai muốn xác định lại khả năng sư phạm và tinh thần trách nhiệm của thầy, vì thầy hiếm khi bỏ lỡ giờ nếu không nói là rất mực đều đặn. Giờ của thầy lại không nhất thiết nằm trong chừng mực của hai tiếng chuông báo hiệu đầu giờ và cuối giờ. Thầy vẫn thường "ăn gian" mười phút giờ chơi mà học sinh tình nguyện thích thú, nếu điều thầy nói còn dở dang. Cuối năm tỷ số không đủ điểm trong môn thầy dạy phải thi lại rất ít.
Có lần thầy Hiệu trưởng tâm sự với một vài giáo viên trường:
- Nếu thầy Hiển được bầu là giáo viên tiên tiến tôi sẽ không phản đối gì. Nhưng nếu đề nghị thì không bao giờ là tôi.
Mười năm liền điều ấy không bao giờ xảy ra với thầy Hiển và hình như thầy cũng không cho đó là quan trọng lắm. Hết tiết dạy, có khi đã quá giờ, thầy không thường trà nước trên phòng giáo vụ nên thầy có vẻ cô đơn lạc lõng trong các sinh hoạt của trường. Trừ ra những buổi họp định kỳ đòi hỏi phải có mặt, người ta mới thấy rõ thầy không lẫn vào trong đám học sinh, đứng bên các đồng nghiệp. Người gác dan già nửa đùa nửa thật nói với thầy:
- Có thể thầy dư chất để dạy học nhưng hình như lại thiếu vắng một cái gì đó không như các thầy cô khác mà tôi thấy, nói thật thầy đừng buồn. Vì thế mà tôi mến thầy.
Thầy Hiển cười cười, sửa lại chiếc áo sơ mi thường đã trung thành trên người thầy không dưới năm năm, và xốc lại cái túi vải đeo bên mình:
- Buồn chi bác Năm. Miễn học trò còn nhận mình là được rồi.
Bác Năm có con học lớp thầy Hiển, tháng nào ông cũng hỏi thăm: Thằng bé có kém lắm không thầy? Nó có chịu học không thầy? Không phải riêng thầy Hiển, mà các thầy cô khác cũng vậy, nhưng bác Năm vì ngại nên chỉ dám hỏi một đôi lần. Riêng thầy Hiển bác thấy dễ gần gũi hơn. Có lần bác nói với vợ:
- Các thầy cô trường mình đói no chẳng biết thế nào nhưng bao giờ cũng thấy chững chạc, đạo mạo. Còn ông thầy Hiển thì...
- Nghe đâu nhà đông con lắm?
- Vả lại cả hai vợ chồng đi dạy lấy đâu mà khá. Tôi nghe bọn học trò nói nhà thầy Hiển sách báo cao tới nóc nhà.
- Dễ thường có đồng lương nào đổ vào sách báo hết. Cái ông này chắc... ngộ chữ mất.
- Bà đừng nói nhảm. Thầy nghĩ theo kiểu thầy. Ông ấy nói sách đọc không bao giờ mòn chữ còn để dành được.
- Ý ông ấy để của cho con chắc?
- Không biết chừng, thầy mà.
- Coi chừng ông ấy trở thành gàn dở mất thôi.
- Bà lại nói nhảm nữa. Ông ấy là thầy đấy.
Tiếng "thầy" bác Năm nhấn mạnh với tất cả tấm lòng kính phục thực sự. Con mắt của người già ở cái góc sân trường này đã trên vài chục năm không thể sai, bác Năm vẫn thường hãnh diện về sự đánh giá đúng đắn của mình bằng điệu bộ vui vẻ chào hỏi mỗi khi gặp thầy Hiển ngoài cổng, dù thầy Hiển có vội vã tới đâu cũng phải chú ý tới ông. Mãi rồi thành thói quen, ông lại thấy thầy Hiển luôn tìm mình để cất tiếng chào trước. Tết năm ngoái bác Năm gác cổng đã thỏa mãn được lòng cảm phục của mình cụ thể bằng một tấm vải kate biếu thầy Hiển để may áo sơ mị Thầy Hiển nhất định không nhận.
- Nếu thầy chê tụi tui nghèo thì thôi, từ rày qua cổng thầy đừng nhìn mặt tôi nữa.
Đây không phải chỉ là một tấm vải mà là cả một tấm lòng. Một tình cảm rất mộc mạc cũ kỹ song không phải vì thế mà lúc nào đó đã trở thành lỗi thời, lạc hậu. Thầy Hiển đã xúc động thực sự. Lẽ nào những bông hoa quí hiếm chỉ còn nở ở những nơi cô quạnh như thế này sao?
Tấm lòng được mở, bác Năm cảm thấy sung sướng hơn người nhận. Bác hồi hộp đợi ngày thầy Hiển mặc chiếc áo mới ông tặng đến trường. Nhưng mãi không thấy thầy mặc, bác thắc mắc tính hỏi nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi thôi. Có lẽ thầy còn để dành.
Niên học ấy qua đi bình thường trên sân trường, ngoài cửa lớp. Nhưng chắc chắn nó đã không bình thường một chút nào hết đối với thầy Hiển.
Ngày khai giảng đã qua đi cả tháng vẫn không thấy bóng dáng người thầy cũ trở lại trường. Trong danh sách giáp viên trường đã không còn tên thầy Nguyễn Minh Hiển. Thầy Hiển chuyển về trường nào rồi? Thầy hiển bị kiểm điểm và buộc thôi dạy rồi à? Không. Thầy Hiển đã tự ý làm đơn xin nghỉ. Chắc thầy không đủ sức khỏe. Hẳn thầy đã kiếm được việc nào khá hơn. Bây giờ các cơ quan xí nghiệp xuất nhập khẩu quốc tế quốc nội thiếu gì, chắc thầy đi làm thông dịch viên không chừng. Một chút tiếc nuối nào đó đối với các học sinh cũ rồi qua đi. Nhưng chẳng thể dễ "qua đi" đối với bác Năm gác dan của trường. Bác vừa tiếc vừa buồn. Tiếc vì trường mất một thầy giỏi. Buồn vì bác mất một người bạn chào hỏi mỗi ngày. Rồi tiếc và buồn đã trở thành nỗi tủi giận đối với tình cảm của người già. Cớ gì thầy Hiển đà bỏ ngôi trường này mà không thèm từ giã với bác một lời? Chán thật! Một công việc nhẹ nhàng nhiều lợi tức hơn đã khiến người ta biến chất nhanh đến không ngờ.
Một chút lưu luyến không đủ gợi lại được hình ảnh người thầy Khôi mến, nhưng cả một sự kiện sau đó về người thầy cũ đã làm Khôi choáng váng, bỏng rát. Thầy Hiển đạp xích lộ Báo chí và cả truyền hình đã từng rọi cho mọi người nhìn thẳng vào hình ảnh tương phản này: Một người thầy và một người phu cùng trong một người. Nghe rồi quen, xem rồi quên. Có một dạo đạp xích lô đã trở thành "nghề thời thượng" của những trí thức phẫn chí hay lỡ thời. Nhưng có ai chịu được đổ mồ hôi, gò lưng mãi trên đường dài nếu không thực sự bị thúc bách vì cơm áo. Chuyện ấy, hình ảnh ấy cứ tưởng như rất xa vời đối với cổng trường, cửa lớp của Khôi nếu thực sự không có người thầy cũ của mình trong ấy.
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều. Băng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau. Câu ca dao từ miệng thầy đã thấm vào tận da thịt Khôi đâu ai biết. Cũng đâu ai đã chia sẽ được nỗi đau sâu kín về tình cảm gia đình Khôi, ngoài thầy Hiển.
Trong nỗi bồn chồn không yên, buổi chiều không học được, Khôi quyết định đón xe buýt ra bến xe Hàng Xanh. Đi tìm thầy cũ nhưng trong lòng lại muốn sự quyết đoán của bạn chỉ là lầm lẫn. Khôi không thể hình dung ra được người thầy thân thương của mình bao tháng ngày trên bục giảng lại có thể trải sức mình ra trên những con đường ngang dọc, tất tưởi bon chen trong thành phố này. Không thể nào lẫn thầy được trong đám đông bụi bặm và xô bồ trên bến bãi kia, đầy những thô lỗ và dung tục. Lẽ nào người ta lại nỡ cò kè bớt một thêm hai hay xỉa xói riếc móc đối với một người mà xưa nay đã nằm trong sự kính trọng của Khôi.
Có lẽ thầy đã thay đổi nhiều lắm nên khó mà nhận ra. Khôi đi dọc hết từ đầu bến đến cuối bến, chỗ nào có bóng dáng chiếc xích lô Khôi cũng mau chân tới gần. Không phải. Cũng không phải. Cái ông to cao thế kia chắc chắn là không phải. Còn cái ông này lại già quá, ông kia khua chân múa tay như vậy làm sao là thầy mình được. Khôi đi ngược trở lại và nghĩ lan man. Lỡ gặp thầy nhưng dễ gì thầy đã muốn nhận lại trò? Mà nhận lại để làm gì? Mình gặp thầy có thể chỉ làm thầy buồn thêm mà thôi.
Băng qua đường với lòng buồn vô hạn, Khôi lách đám đông đi lẫn vào trong bóng của buổi chiều đang sụp tối. Đang lầm lũi bỗng nghe tiếng gọi ngay sát bên mình, Khôi ngơ ngác nhìn lên.
- Đi đâu vậy Khôi?
Nhận ra Uyên, Khôi hơi bối rối.
- À... mình đi... chơi. Còn Uyên, xe sao mà phải dắt vậy?
Uyên nhăn nhó:
- Xui ghê vậy đó, Khôi. Chiều sang bà chị khi về thì xe đứt thắng, bà chị nói lấy cái xe PC này đi thì dọc đường khi không bánh xẹp hết hơi.
- Sao lại "khi không" được. Bánh sau hả?
- Bánh sau, dắt bộ nặng muốn chết.
- Dựng lên để mình coi xem nào.
- Còn coi gì nữa, tìm chỗ vá cho rồi.
Khôi nâng bánh sau cho Uyên dắt xe vào khoảng sáng trống trải bên đường rồi dựng xe lên. Sau khi rà tay hết một lượt vỏ xe, Khôi reo khẽ:
- Đây rồi.
- Cái gì vậy?
Khôi đưa lên cao một cái đinh vừa rút ra được khỏi vỏ xe.
- Đáng lẽ khi vừa biết xe hết hơi Uyên phải nghĩ ngay tới một vật nhọn nào đã đâm phải và tìm gỡ nó ra, trước khi đi tìm chỗ vá. Uyên đã dắt xa chưa?
- Chừng mươi bước.
- Hy vọng không phải thay ruột mới nhưng ít ra cũng không dưới hai lỗ vá.
Đúng hai chỗ phải vá. Sau khi đã làm lần lượt các thủ tục gỡ ruột, bơm hơi, thử nước, ông già sửa xe bên đường đánh dấu hai lỗ xì bằng hai đầu que cắm vào.
Uyên hất mái tóc lên nhìn Khôi, cười:
- Khôi tài quá.
- Tài gì?
- Nói trúng y boong.
- Tưởng gì.
- Tương lai Khôi đi vá xe được.
Khôi nhìn thẳng vào đôi mắt trêu chọc của Uyên, không muốn thua sự thách thức nào đó.
- Đẹp chai như tôi mà lại đi ngồi đầu đường vá xe được à.
- Được chứ. Càng đắt khách các cô.
- Chẳng lẽ xẹp vỏ từ quận 1 lại dắt ra ngoại ô mà vá.
- Biết đâu đấy. Không xẹp vỏ, người ta cũng tự ý xì, rồi dắt xe đòi ông thợ vá chơi.
Uyên nói và nghiêng đầu dấu tiếng cười sau những ngón taỵ Khôi đẩy một cái thùng đạn chứa đồ nghề của ông thợ tới chỗ Uyên:
- Chờ ép được hai miếng và còn lâu, Uyên ngồi đây nè.
Uyên dãy nảy:
- Đừng xúi dại về phải giặt quần áo đầy dầu xe.
- Kê cuốn sách lên.
Khôi đưa cho Uyên một cuốn sách, Uyên cầm lấy định đặt xuống rồi lại thôi:
- Ai lại ngồi lên chữ nghĩa, các ông nhà văn nhà báo kiện chết.
Khôi nhìn những cái ghế thấp của một xe nước gần đấy, gợi ý:
- Để tôi mời Uyên một chỗ ngồi khác vậy.
- Ít ra cũng phải như thế chứ. Uyên đang khát muốn chết đây nè.
Hai người ngồi xuống bên chiếc ghế bàn kê sát chiếc xe nước sinh tố.
Khôi hỏi:
- Uyên uống gì?
Uyên nhìn thẳng Khôi, cười bằng mắt tinh.
- Khôi kiểm lại túi tiền của mình đi.
Khôi cũng ném ra một cái nhìn thẳng không kém dữ dội trước khi đảo mắt một lược tấm kính đầy màu sắc những thứ trái cây xếp trong đó: mãng cầu, đu đủ, cà chua, rau má, cam, chanh...
- Nếu Uyên có sức uống mỗi thứ một ly tôi cũng dư sức bao.
Uyên đỡ tay dưới má, vẫn đôi mắt ấy nhìn bạn:
- Mắt Khôi cận chỉ thấy có thế thôi à? Uyên còn nhìn thấy ở cả kia kìa: hủ tíu mì, bánh bao, bò viên, hột vịt lộn bún ốc, bún bò... Chà, chiều thứ quá... một ly nước rau má đi bác.
- Hai ly.
Hai ly nước màu xanh đầy ấp, mát rượi. Khôi uống ực một hơi hết phân nửa, còn Uyên thì nhâm nhi với cái muỗng nhỏ cùng với câu chuyện.
- Khôi biết không, năm ngoái bọn mình là vua ăn quà. Nhóm mình bốn đứa, hễ tụ nhau lại là thế nào cũng nghĩ ra một món ăn, và mỗi đứa đều sẵn sàng giới thiệu một "địa chỉ đáng tin cậy", "hợp túi tiền". Bởi thế khi bọn mình xáp lại có cái tật là phải kiểm điểm cái túi tiền của nhau trước đã.
- Có phải Hằng và Ngà?
- Còn Ái nữa, tiếc là nhỏ chuyển trường rồi.
- Uyên với Ngà có vẻ thân thiết quá nhỉ?
Uyên khua chiếc muỗng vào thành ly:
- Tự dưng dạo này thấy... Uyên ngập ngừng, cũng như Việt với Khôi ấy mà, phải không?
- Con trai bọn mình khác.
- Ừ, năm nay mình cũng thấy khác. Năm ngoái còn lớp mười, bọn mình con gái con trai ưa rủ nhau đi sinh hoạt chung dễ dàng, thoải mái. Lên lớp mười một, mình thấy mất cái không khí ấy, thật đáng tiếc.
Có một khoảng không tĩnh lặng giữa hai mép bàn. Hai bạn không nhìn nhau. Một lúc, Uyên nói:
- Năm ngoái còn thầy Hiển phụ trách lớp mình ưa tổ chức picnic ngoài trời vui lắm cợ Khôi có học thầy Hiển không nhỉ?
- Dạy văn và ngoại ngữ chứ gì?
- Hoàn cảnh thầy thật đáng buồn...
Khôi hồi hộp, lo lắng hỏi:
- Phải dạo này thầy đi đạp xe?
- Nghỉ rồi. Nghe đâu thầy phải đi bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mấy lần.
- Sao Uyên biết?
- Nhỏ An bạn mình gần khu thầy ở.
- Từ hồi thầy nghỉ dạy đến giờ, Uyên có gặp thầy lần nào chưa?
- Một lần duy nhất. Dạo ấy thầy còn đạp xe. Mình và An ngồi ở nhà chờ tới tối mịt mới nghe thấy tiếng xích lô lịch kịch vào ngõ. Thấy bọn mình, thầy nhận ra ngay và đọc rõ tên từng đứa.
- Trông thầy chắc buồn lắm nhỉ?
- Không trái lại là đằng khác. Thầy rất vui vẻ thoải mái. Thầy bảo hồi đi dạy thì ngày nào chả đạp xe mấy cuốc từ Bà Chiểu qua quận Ba, có khác hơn là một chút nắng mưa. Nói thì nói thế chứ bọn mình thấy thầy nổi gân guốc và đen sạm hẳn đi.
- Thầy có nói gì với Uyên không?
- Thầy bảo, trước sau gì cũng có ngày thầy trở lại trường thôi. Mấy đời nhà thầy đều đi dạy cả mà, đâu dễ gì bỏ nghiệp được. Có điều bây giờ hoàn cảnh nhà thầy khó khăn quá, các con đông, hai vợ chồng cùng đi dạy cả thì lấy đâu cho tươm tất. Sẵn có chiếc xích lô của ông bạn "đi bảo lãnh" bỏ lại, thầy "nhặt" về sửa sơ chạy kiếm sống. Kể ra có vất vả nhưng mức sống gia đình vì thế cũng đỡ hơn.
- Uyên có nhận thấy thầy bất mãn điều gì?
- Hoàn toàn không, Uyên thấy thầy rất lạc quan. Thầy rút dưới đệm xe ra cuốn sách và mấy tờ báo mới đưa cho bọn mình xem. Thầy vẫn đọc khi rảnh rỗi.
Khôi xoay cái ly đã cạn trong đôi lòng bàn tay, như có một ý nghĩ nào đó phân vân, rồi nói:
- Khôi nghĩ với khả năng thầy mình có thể kiếm được việc gì đó khá hơn.
- Uyên cũng nghĩ thế. Nhưng thầy có nói với mình rất thực tế, xét cho cùng thì trên đời này đâu có hiếm gì những trường hợp nghịch lý. Có điều mình phải biết vươn lên.
Khôi bẻ bão tay:
- Mình muốn đi thăm thầy quá, Uyên ạ.
- Uyên cũng muốn thế nhưng thầy dặn rồi.
- Thầy dặn sao?
- Không nên đến nhà thầy nữa.
- Sao lại thế nhỉ?
Uyên ngập ngừng, nói nhỏ:
- Có lẽ thầy không thích một điều gì đó, như là một gợi buồn nhắc nhớ, Uyên nghĩ vậy.
Ngọn lửa chờn vờn nơi góc vá xe đã tắt, người thợ đang thu dọn đồ nghề vào cái hộp sắt cố ý khua tiếng động lớn cho khách chú ý đã xong công việc. Khôi trả tiền nước rồi cùng Uyên đứng dậy.
Bây giờ Uyên mới để ý, ngạc nhiên hỏi:
- Xe Khôi đâu?
- Mình đi xe buýt.
Uyên đẩy tay lái xe cho Khôi:
- Vậy thì bạn làm tái xế cho tôi đi.
Khôi không nắm lấy tay xe ngay:
- Thôi để mình...
- Giờ này làm gì còn xe buýt.
- Mình ngại...
Khôi ngần ngừ, Uyên dứt khoát:
- Bạn thật lạ. Con gái người ta không ngại thì thôi chứ. Mình là bạn cùng lớp với nhau đi chung xe thì có gì là lạ. Ai biểu đi đứng còn ôm nhau cười đùa ngả ngớn làm chị Bạn là bạn. Bạn gái, bạn trai chơi với nhau đừng vương vấn chi cả, tỉnh như không xem ai nói gì được mình.
Uyên nói thẳng một hơi, như ý nghĩ đã có sẵn tự bao giờ. Nói thì nói thế chứ, khi ngồi sau lưng một bạn khác phái, dù Uyên có cố tự nhiên đến đâu, cũng không khỏi có những ngượng ngập, xôn xao khó diễn tả. Có gì đâu. Tự dưng Uyên nghĩ tới Văn, tới người con trai theo mình những buổi tan trường. Đã lâu rồi, anh ta vẫn còn giữ với mình khoảng cách ở đằng sau. Không biết nói gì, anh ta và mình bỗng thấy vương vướng khi chạm mắt nhau. Có một cái gì đó, tất nhiên không phải là một tình bạn, khiến sự im lặng giữa hai người có một chiều sâu thăm thẳm. Có gì đâu! Có gì đâu!... Uyên thầm nhắc nhủ mình vậy.
Và sực nhớ tới lời trêu chọc của An: "Khi tìm cách chối nghĩa là đã bắt đầu dấu hiệu của tình yêu đó", Uyên cảm thấy nóng ran cả mặt.
- Uyên đang nghĩ gì mà im lặng vậy.
Khôi hỏi làm Uyên giật mình trở về thực tại:
- À, Uyên đang nghĩ đến những tình bạn đẹp... |
|