gmk
Đăng vào 11-12-2008 17:02:56
GIAO LINH
http://www.amnhacviet.net/casi/giaolinh.jpg
Bước vào lãnh vực tân nhạc từ mấy thập niên qua, tiếng hát Giao Linh đã đi vào lòng khán thính giả mộ điệu bằng những âm thanh ngọt ngào truyền cảm qua những nhạc phẩm tình cảm phổ thông. Lần trình diễn đầu tiên góp vui cho chương trình văn nghệ của đoàn “Kim Hoàng - Như Mai”, Giao Linh đã đoạt huy chương vàng vào năm1966 khi đại diện cho đoàn văn nghệ Air Việtnam. Cơ hội này mở ra cho người nữ ca sĩ khả ái một tương lai đầy hy vọng trong làng tân nhạc Việt Nam. Sau lần trình diễn đó, nhạc sĩ Thu Hồ giới thiệu Giao Linh với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả ”Chiều Biên Giới”. Được sự hướng dẫn tận tình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Ngọc Sơn, Giao Linh đã thành công ngay trong bước đầu dưới ánh đèn sân khấu. Có một thời gian, hầu như không một chương trình văn nghệ hay Đại Nhạc Hội nào thiếu bóng Giao Linh. Cả tại phòng trà hay vũ trường cũng có sự xuất hiện của cô. Đó là chưa kể sự đóng góp của cô trên những chương trình phát thanh hoặc truyền hình. Trong ánh sáng muôn màu của sân khấu hay dưới ánh đèn mờ ảo của vũ trường, người nữ ca sĩ duyên dáng nổi bật trong chiếc áo dài đã ru hồn khán giả bằng những bài ca tuyệt vời như: Lòng Mẹ, Mùa Sao Sáng, Tiếng Xưa, Màu Tím Pensée, Những Đóm Mắt Hỏa Châu... Mang bản chất nghệ sĩ, Giao Linh sống rất trọn vẹn cho tình yêu và gia đình, thích làm người vợ hiền và người nội trợ. Về hôn nhân, Giao Linh “mong muốn lúc nào người chồng cũng lịch sự, vui tính, luôn luôn chiều chuộng và hết lòng với vợ”. Yêu thích cuộc sống bình thường, đạm bạc. Yêu màu tím và thích con số 7. Giao Linh tên thật là Đỗ Thị Sinh, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1949, cô rời Việt Nam năm 1982. Giao Linh đã lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới như : Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Úc, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển...
Giao Linh từng cùng với chồng đứng ra thành lập một trung tâm video vào khoảng giữa thập niên 90 với tất cả lòng đam mê và sự tận tình, tuy nhiên có thể do thiếu phương tiện và điều kiện nên trung tâm của vợ chồng cô đã không có thể hoạt động tiếp. Tuy nhiên có điểm cần ghi nhận là nhờ trung tâm đó, một số giọng ca mới đã được giới thiệu với khán thính giả để sau đó trở thành những khuôn mặt khá quen thuộc.
Gia đình Giao Linh hiện cư ngụ tại San Jose, là nơi cô đã có thời gian cộng tác với vũ trường Lido. Những ngày gần đây hoạt động của Giao Linh có phần giảm sút. Một phần có thể cô đã mỏi mệt sau trên 35 năm mang tiếng hát mình để đem lại nguồn vui cho người thưởng thức. Phần khác có thể cô muốn nhường bước cho lớp trẻ tiếp nối con đường nghệ thuật. Nhưng dù sao, tiếng hát giao Linh cũng đã trải qua một thuở vàng son đối với những người yêu nhạc.
(Trường Kỳ)
[ Last edited by gmk at 2008-12-14 08:49 AM ]
gmk
Đăng vào 11-12-2008 17:08:10
GIÁNG THU
http://www.amnhacviet.net/casi/giangthu.jpg
Giáng Thu bước vào làng âm nhạc và được biết đến vào những năm cuối của thập niên ‘60. Cô được đào tào từ lớp dạy nhạc của nhóm Lê Minh Bằng, cùng thời với Trang Mỹ Dung, Nhật Thiên Lan, Hải Lý ...
Gíáng Thu có thu âm nhiều bản nhạc cho hãng đĩa Sóng Nhạc, đơn ca hoặc hát chung với nam ca sĩ Mạnh Quỳnh. Cô cũng thường song ca với Giang Tử tại các Đại nhạc hội và trong các chương trình của đài truyền hình đương thời.
Sau 30/4/75 Giáng Thu sang định cư tại Pháp và có góp mặt trong vài cuốn băng video đầu tiên của trung tâm Thúy Nga. “Giáng Thu có nét đẹp của cô gái Ấn bên sông Hằng. Sống mũi cô thanh tú, cặp mắt huyền của cô thật thăm thẳm, cặp môi đẹp với nét mỉm cười thật thùy mị, thật đằm thắm. Giọng hát của cô thanh tao vang lộng. Cũng như Phương Anh, cô không biết ngân nga....”
(Hồ Trường An – Theo Chân Những Tiếng Hát)
gmk
Đăng vào 11-12-2008 17:10:44
HÀ THANH
http://www.amnhacviet.net/casi/hathanh.jpg
Có một loài chim khi cất tiếng hót thánh thót vang vọng giữa trời mây sông nước, không gian như lắng đọng để hoà nhập trong âm điệu du dương: hòang oanh. Mang âm hưởng đó, có tiếng ca ngọt ngào, truyền cảm như làn gió nhẹ, như tiếng reo của thuỳ dương, như tơ vương giăng mắc, như sương khói lững lờ, như lời tình tự giữa trăng thanh, như ru ta vào cõi mộng mơ, dìu ta lạc bước vào đất thần kinh với hoàng thành cung điện, với đền đài lăng tẩm, với sông nước hữu tình, với nhạc điệu trầm bỗng, thướt tha: Hà Thanh.
Sinh trưởng ở Liễu Cốc Hạ, Hương Trà, lớn lên bên dòng Bến Ngự đường Huyền Trân Công Chúa, Trần Thị Lục Hà sinh ra trong gia đình gia giáo có mười anh chị em, theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh. Là một Phật tử thuần thành, thuở nhỏ đã được quy y với Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.
Lục Hà thích hát từ thuở mới cắp sách đến trường, dần dà năng khiếu về ca hát được thể hiện qua chương trình "Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học - Đồng Khánh" trên Đài phát thanh Huế.
Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức, cô nữ sinh Lục Hà của Trường Đồng Khánh mới 16 tuổi tham dự với danh xưng Hà Thanh. Qua 6 nhạc phẩm rất khó hát được Hà Thanh trình diễn như Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube Bleu) của J.Strauss, lời Việt của Phạm Duy, Nhạc Buồn (Tristesse) của Chopin, lời Việt của Anh Ngọc, Đêm Tàn Bến Ngự & Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước, Được Mùa của Phạm Đình Chương, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Hà Thanh được Ban Giám Khảo chấm giải nhất với số điểm 19/20.
Tên tuổi Hà Thanh đã được giới yêu thích âm nhạc ái mộ với làn hơi trong sáng, êm ái, ngọt ngào, cao sang, mượt mà, bóng bẩy, tình tự quê hương, có nét độc đáo trong âm điệu đất thần kinh. Tuy yêu nghề nhưng chưa dấn thân vào nghiệp, Hà Thanh vẫn tiếp tục con đường học vấn, chỉ hát ở Huế nhưng những ca khúc được trình bày đã vang xa khắp bốn phương trời qua lán sóng phát thanh của Đài phát thanh Huế, đánh dấu sự chờ đợi, hẹn hò của các trung tâm phát hành đĩa nhạc ở Thủ đô Sài Gòn.
Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm chọn lọc.
Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập trong môi sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Từ đó, góp mặt với những tiếng hát hàng đầu như Thái Thanh, Mộc Lan, Kim Tước, Mai Hương, Lệ Thu, Minh Hiếu, Thanh Thuý... Vào giữa thập niên 60, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội... Thời gian kế tiếp, xuất hiện trên Đài Truyền hình, một giọng ca rất Huế, một hình ảnh rất thân quen đã tạo dựng cho tên tuổi Hà Thanh với sắc thái đặc biệt gắn liền với nhiều bản tình ca in sâu vào tâm tư tình cảm tha nhân.
Vào cuối thập niên 50, Nguyễn Văn Đông cho ra mắt vài nhạc phẩm đầu tay như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Mầu Nhớ... Quái kiệt Trần Văn Trạch đã đưa ca khúc Chiều Mưa Biên Giới lên đỉnh trăng sao trong khung trời ca nhạc. Thập niên 1960, Nguyễn Văn Đông làm Giám đốc nghệ thuật trung tâm đĩa nhạc Continental, ca khúc Chiều Mưa Biên Giới qua tiếng hát Hà Thanh đã đưa người nghe lâng lâng tâm hồn, bay bỗng "theo áng mây trôi chiều hoang, bầu trời xanh xanh, vầng trăng, cờ về chiều tung bay phất phới...". Và, hình ảnh biên giới với người đi khu chiến được khơi dậy trong lòng mọi người.
Từ đó, nhiều ca khúc của Nguyễn Văn Đông được Hà Thanh trình bày, qua gần 4 thập niên, vẫn là tiếng hoàng oanh ngân vang đầu núi. Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Hải Ngoại Thương Ca, Nhớ Một Chiều Xuân... của Nguyễn Văn Đông, qua tiếng hát, vô hình chung trở nên bản quyền của Hà Thanh. Ở đó, có khi như định mệnh, thời gian ở hải ngoại, Hà Thanh gắn liền với Hải Ngoại Thương Ca. Với ca khúc Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, với Tà Áo Tím, Thuở Ấy Yêu Em, Anh Đi Về Đâu của Hoàng Nguyên, với Chùa Hương của Hoàng Quý, Dứt Đường Tơ của Văn Thuỷ và Dzoãn Mẫn với Mối Tình Trương Chi của Phạm Duy, và nhất là Hẹn Một Ngày Về của Lê Hữu Mục... được Hà Thanh trình bày, qua bao thập niên, vẫn là giọt sương long lanh, tiếng hót của loài chim quý trênđỉnh núi, lời tình tự ngát hương.
Trong văn giới, Mai Thảo đã một thời mê bóng dáng Hà Thanh. Vào thập niên 60, Mai Thảo trông coi tạp chí Kịch Ảnh nên có nhiều "quan hệ" trong giới ca nhạc. Lê Hà Nam trong bài viết về Mai Thảo đã đề cập:... "Vào cuối thập niên 50, đã từ Sài Gòn, một mình bay ra cố đô Huế; lừng lững tới tận nhà người ca sĩ họ Lục (sau nầy trở thành danh ca dưới tên H.T). Đó là Mai Thảo, ông hoàng của Đêm sài Gòn. Không chỉ đa số các khán giả không biết mà, ngay cả song thân của người ca sĩ họ Lục cũng kinh ngạc, ngỡ ngàng khi nghe Mai Thảo nói:
Tôi là Mai Thảo, từ Sài Gòn ra, chúng tôi thật sự muốn lấy L.H làm vợ...
Và, cũng ngay sau đó, song thân của người con gái họ Lục tự thấy rằng sẽ khó khăn cho họ biết là chừng nào, mếu có một chàng rể như... Mai Thảo".
Hình như ca sĩ thường lập gia đình rất sớm, nhưng Hà Thanh lập gia đình vào tuổi tam thập nhi lập. Năm 1970 kết duyên với người hùng trong Binh chủng Thiết Giáp, Trung tá tá Bùi Thế Dung, Thiết đoàn trưởng. Năm 1972, Kim Huyên ra đời. Hiện nay, Kim Huyên nối nghiệp cầm ca theo thân mẫu.
Hà Thanh cùng chồng sống bên nhau được bốn năm, biến cố tang thương, cách xa mười lăm năm, mang tiếng hát "bi thương" trang trải nơi hải ngoại.
Năm 1975, phu quân Hà Thanh vào chốn lao tù và trải qua 13 năm, Hà Thanh đã chay tịnh cầu an, thề nguyện. Năm 1984 Hà Thanh và đứa con duy nhất được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990, vợ chồng được sum họp với nhau. Thế nhưng, theo dòng thời gian với bao nỗi trớ trêu của hệ luỵ, bóng tối cuộc tình đổ xuống trong tuổi bóng xế của cuộc đời sau 2 năm gần gủi bên nhau.
Tuy là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng hoàn cảnh đời sống hải ngoại đưa đẫy công việc không liên quan đến nghề nghiệp trong sinh hoạt văn nghệ. Nói như thi hào Nguyễn Du "Đã mang lấy nghiệp vào thân", làm sao rời bỏ tiếng ca, giọng hát khi lòng còn tha thiết, vẫn còn trong sáng, ngọt ngào, nét độc đáo trong tiếng hát. Trong suốt thời gian vợ chồng xa cách, Hà Thanh rất ít xuất hiện trên sân khấu, con chim hoàng oanh ngậm ngùi im tiếng. Đã một thời nơi đất thần kinh, Hà Thanh được mệnh danh con chim hoạ mi trong vòm trời ca nhạc.
Bước vào thập niên 90, thỉnh thoảng về thăm Little Saigon, Hà Thanh xuất hiện, trình làng tiếng ca trong vài cuốn CD. Ngoài những ca khúc được hát chung với vài ca sĩ thành danh, tiếng hát Hà Thanh với CD khởi đầu Hải Ngoại Thương Ca, và CD kế tiếp Chiều Mưa Biên Giới, gồm hai mươi ca khúc quen thuộc, vang danh. Những ca khúc nầy đã một thời tạo dựng tên tuổi Hà Thanh nổi tiếng trong kiếp cầm ca. Và, ngược lại, đôi khi còn là của riêng bởi giọng ca đặc biệt ngọt ngào, thướt tha, mềm mại như lụa đào, như dáng liễu nhẹ nhàng tung bay trong làn gió nhẹ.
Ở đây, gặp lại những tình khúc một thời luyến nhớ từ Chiều Mưa Biên Giới. Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân, Hải Ngoại Thương Ca, Khúc Tình Ca hàng Hàng Lớp Lớp của Nguyễn Văn Đông đến Thiên Thai của Văn Cao, Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh, Nỗi Niềm của Tuấn Khanh, Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của Văn Phụng.
CD Sầu Mộng gồm mười nhạc phẩm được chọn lọc của Phạm Vũ như Hương Bay, Sầu Mộng, Mây Mùa Thu... tuy không được ái mộ nhiều nhưng cũng là món quà đóng góp trong vườn hoa nghệ thuật hải ngoại.
CD Ngát Hương Đàm gồm 12 ca khúc mang mầu sắc Phật Giáo, ngợi ca đức tin, lòng yêu thương, huyền nhiệm cao cả giữa đạo và đời. Là Phật Tử, Hà Thanh thường đi trình diễn trong dịp lễ của Phật Giáo như công quả thệ nguyện. CD Nhành Dương Cưu Khổ được tiếp nối sau CD về đạo ca mà Hà Thanh ôm ấp trong tâm tưởng.
Hà Thanh được hầu hết mọi người ái mộ từ nhân cách của người ca sĩ đến giọng ca được trải dài trong gần nửa thế kỷ. Bước vào thiên niên kỷ mới, Hà Thanh bước sang tuổi lục tuần. Hà Thanh còn giữ được giọng ca truyền cảm, điêu luyện để đóng góp vào dòng sinh hoạt ca nhạc hải ngoại, Hà Thanh thực hiện tiếng ca của con chim hoàng oanh để được lưu truyền, nếu không, phôi phai theo thời gian, mỗi chuổi giây đưa ta về miền cát bụi... rồi một ngày nào đó, không còn tác phẩm cho đời, ngậm ngùi tiếc nuối. Trước kia, Hà Thanh không xuất hiện ở vũ trường, vào đầu thập niên 70 Hà Thanh xuất hiện với lý do đặc biệt vì không nhận thù lao.
Hà Thanh, một giọng ca bay bỗng, lẫy lừng, tiếng hát đã chinh phục hàng triệu trái tim trên làn sóng điện, và, một cuộc sống trầm lặng. mộ đạo, hiếu thảo bên thân mẫu vào tuổi cửu tuần. Tiếng hát Hà Thanh cao vút, luyến láy rất nhuần nhuyễn khơi dậy nhựng mạch nguồn của nhớ nhung, của một thời yêu thương với khung trời vấn vương bao kỹ niệm, của hương xưa, của thuở chiến chinh, của trời mây non nước... tất cả mang theo hình ảnh thân thương của bóng dáng quê hương. Tiếng hát Hà Thanh như cuốn hút người nghe thả hồn về quá khứ, thả mình trong tĩnh lặng, trong nỗi xa xăm bị đánh mất, mịt mù thức mây... được vỡ về, bầy tỏ, an ủi cho nhau bởi âm điệu ngọt ngào du dương.
gmk
Đăng vào 14-12-2008 15:50:13
HẠ VY
http://www.amnhacviet.net/casi/havy/havy.jpg
Hạ Vy có tên thật là Nguyễn Lê Tường Vy, sinh và lớn lên ở Nha Trang
Tài năng diễn xuất và giọng hát của Hạ Vy được cha mẹ cô khám phá khi cô còn rất nhỏ. Họ đã khuyến khích cô bước vào nghề ca hát và cuối cùng Hạ Vy được thắng giải trong một cuộc thi tại Nha Trang.
Hạ Vy cùng với gia đình sang Mỹ theo diện HO vào năm 91 và cư ngụ tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts trước khi sang California 2 năm sau đó để bước vào con đường ca hát một cách tình cờ.
Vào năm 93, trong một dịp sang California chơi, Hạ Vy đã được một người bạn gái thân là nữ ca sĩ Diễm Liên, quen biết từ khi ở Việt Nam, rủ đến vũ trường Ritz là nơi Diễm Liên hát, Tại đây cô đã có dịp quen biết với nhạc sĩ Tùng Giang và nhà sản xuất Bạch Đông của trung tân Asia lúc đó, nhưng cô cho biết là chưa hề nghĩ đến việc đi hát...
Sau đó Tùng Giang thu thanh thử cho Hạ Vy nhạc phẩm “Theo Năm Tháng Hoài Mong” trong một dịp Hạ Vy đến thăm studio của anh. Trong một lần đến trung tâm Asia chơi cùng với Tùng Giang và Diễm Liên, băng nhạc thu thanh bài hát trên được cô Thy Vân của trung tâm này để ý và đề nghị Hạ Vy ký giao kèo hợp tác
Vào cuối năm 93, với sự đồng ý của bố mẹ và nhận được sự hướng dẫn tận tâm của người chị tinh thần tên Minh Hằng ở Boston và cũng là người đã giúp đỡ gia đình cô rất nhiều kể từ ngày đặt chân đến Hoa Kỳ, Hạ Vy nhận lời cộng tác với trung tâm Asia với giao kèo đầu tiên. Cô từ giã thành phố Boston, nơi cô đã vừa đi học Anh văn vừa đi làm phụ tá cho một văn phòng nha sĩ, cũng là ngành nghề trước đó cô rất thích để bước chân vào con đường ca hát tại California.
Hạ Vy được biết đến đầu tiên khi cô cùng với NiNi và Uyển Mi xuất hiện trên những chương trình video của trung tâm Asia, hợp thành một ban tam ca trẻ trung chuyên trình bày những nhạc phẩm vui tươi, pha lẫn chút kích động. Sau hai năm cộng tác với Asia, Hạ Vy nhận thấy mình không thích hợp với hướng đi đó qua lối trình diễn tam ca, hơn nữa còn được nhiều người khuyến khích hát đơn ca nên Hạ Vy quyết định đi theo con đường ca sĩ độc lập. Cũng trong thời gian này Hạ Vy đã được Đồng Sơn, một nhạc sĩ soạn hòa âm trẻ tuổi - sau đó đã trở thành người bạn đời của cô - nâng đỡ trong việc tìm một hướng đi mới cho tiếng hát của mình.
Nhờ biết khai thác tiếng hát của mình với những nhạc phẩm thích hợp, Hạ Vy đã thoát ra khỏi sự gò bó trước kia để trở thành một ca sĩ độc lập gặt hái được nhiều thành công. Sự cố gắng của cô coi như đã được đền bù một cách xứng đáng, mặc dù còn phải đương đầu không ít với những khó khăn hiện nay...
(Trường Kỳ)
gmk
Đăng vào 14-12-2008 15:51:38
HOẠ MI
http://www.amnhacviet.net/casi/hoami.jpg
Nữ ca sĩ Họa Mi từng chọn ở lại Pháp hồi năm 1988, trong một chuyến lưu diễn hiếm hoi của cô (cùng với đoàn văn công cộng sản) ở các nước Tây Phương, sau khi mất miền Nam Việt Nam, sau Tháng Tư 1975, hiện sống ổn định và hạnh phúc trong vùng ngoại ô Paris, thủ đô Pháp.
Trong một cuộc tiếp xúc với nữ ca sĩ Họa Mi- mà tên thật là Trương Thị Mỹ - hồi Tháng Chín 2007 vừa qua tại Little Saigon, Nam California, nơi cô được Trung Tâm Thúy Nga mời sang đóng góp trong Ðại Nhạc Hội “Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam”, cô và chồng Ðặng Thái Khanh, một kỹ sư người gốc Sa Ðéc, mà hai người đã có với nhau một con, cho biết rằng, để sinh sống tại Pháp hiện nay, vợ chồng cô có một hãng kem “nho nhỏ” làm kem và bánh ngọt, chuyên bán sỉ, bỏ mối cho các cửa tiệm trong vùng ngoại ô Paris.
Nổi lên từ đầu thập niên 1970
Nữ ca sĩ Họa Mi - từng nổi tiếng từ các năm đầu của thập niên 1970, xuất thân từ “lò” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, với các bài hát ruột, như “Ðưa em xuống thuyền”, “Ðưa em qua cánh đồng vàng”... nên đã là một trong những giọng ca chính của nhà hàng Maxim's, sang trọng nhất của Sài Gòợn lúc đó, và Họa Mi, cũng có hát thêm bên phòng trà của nữ ca sĩ Khánh Ly, nằm trên đường Tự Do và cách Maxim's không là bao, chuyên hát các loại nhạc dân ca, tình ca... luôn được ưa thích.
Họa Mi nhìn nhận ở bên Pháp, cộng đồng Việt Nam không đông như ở Hoa Kỳ, hay nhất là ở vùng Little Sàigòn, nơi có cộng đồng Việt Nam đông đảo nhất ở hải ngoại, nên cô cũng có ít dịp để tham gia vào các chương trình văn nghệ, ngoại trừ vào các dịp lễ Tết, kỷ niệm..
Với một giọng bùi ngùi, Họa Mi nhớ lại thuở vàng son của cô trước Tháng Tư 1975, khi cô tham gia liên tục vào các chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Ðội, đài truyền hình, thu đĩa, thu băng, hát hàng đêm tại Maxim's... chưa kể các buổi trình diễn đặc biệt, trong các đại nhạc hội, các lễ hội... khiến cô được coi là một trong các con chim quý của làng nhạc Sài Gòn lúc đó, như Hoàng Oanh, Phương Dung, Sơn Ca, Lệ Thu, Carol Kim, Connie Kim, Mai Lệ Huyền...
Ði hát, để có thể giữ hộ khẩu, sổ gạo...
Sau năm 1975, Họa Mi, lúc đó cũng tròn tuổi đôi mươi, không dính dáng gì đến chế độ cũ nên vẫn được đi hát, nhưng chỉ còn đi hát “để giữ hộ khẩu ở thành phố và có sổ gạo...”, nhưng cô vẫn luôn được các khán giả Sài Gòn và miền Nam ưa thích, nên cô được đoàn kịch Kim Cương, của nữ nghệ sĩ Kim Cương, mời tham gia vào các chương trình phụ diễn ca nhạc của đoàn, một tuần vài ba lần.
Chính vì không còn đất dụng võ, hát theo chỉ đạo, bài bản được lựa chọn sẵn, không còn được tự do trình diễn... nên Họa Mi đã tự nhủ lòng trốn đi ngay khi có dịp, và chuyến lưu diễn tại Pháp, chính là dịp bằng vàng cho cô.
Trong những năm qua, nữ ca sĩ Họa Mi vẫn thường được Trung Tâm Thúy Nga mời thu hình qua các video, DVD hay phát hành thành CD, và trong thời gian gần đây, Họa Mi đã được mời xuất hiện trong DVD Paris by Night 88 (Lam Phương - Ðường Về Quê Hương) qua bài “Em Ði Rồi”, và DVD Paris by Night 90 (Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam)... vừa được thu hình hồi Tháng Chín, 2007 tại Long Beach, Nam California.
Họa Mi, so ra về sắc đẹp và vóc dáng, cũng không có nhiều thay đổi với thời gian, mà các khán giả ái mộ có thể thấy rõ qua các cuốn DVD mới của Trung Tâm Thúy Nga, cho biết cô vẫn thích được sang thăm Little Saigon, Nam California, nơi cô có thể gặp lại được nhiều đồng hương thân thiết cũ, khiến cô có cảm nghĩ như ở Sài Gòn trước đây, gợi lại cho cô thật nhiều kỷ niệm êm đẹp...
Muốn liên lạc với nữ ca sĩ Họa Mi, có thể viết qua email :
[email protected].
Lê Thụy
gmk
Đăng vào 14-12-2008 15:52:53
HOÀNG LAN
http://www.amnhacviet.net/casi/hoanglan/hoanglan.jpg
Tên thật của Hoàng Lan là Nguyễn Linh Phương. Mẹ của cô là nữ nghệ sĩ nổi tiếng, Kim Tuyến. Mặc dù cô xuất thân từ một gia đình của âm nhạc nhưng mẹ Cô không khuyến khích cô bước vào nghề ca hát.
Hoàng Lan và gia đình cô sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1989. Mặc dù cô cho biết rằng cô chưa bao giờ trải qua trường âm nhạc hoặc được hướng dẫn về ca hát trước khi cô trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, cô đã được rất nhiều người ái mộ và khen ngợi ngay sau khi cô xuất hiện trên băng Thúy Nga 34. Và từđó, số người ái mộ cô mỗi lúc một gia tăng.
Hoàng Lan cho biết rằng dù cô được thành công là nhờ Trung Tâm Thúy Nga, cô vẫn mang ơn người đã giới thiệu cô với trung tâm Nhạc Tình là Tuấn Đạt.
Hoàng Lan chuyên hát nhạc trữ tình, nhạc quê hương, và những bài nhạc mang đến cô cho cảm xúc nhiều nhất. Trung Tâm Thúy Nga gần đây nhất vừa phát hành CD “Qua Cơn Mê” của Hoàng Lan và nhiều CD khác như: “Tìm Nhau Trong Kỷ Niệm”, với Thế Sơn và Mỹ Huyền trong “Liên Khúc Cha Cha Chạ”
gmk
Đăng vào 14-12-2008 15:54:25
HOÀNG OANH
http://nhac.caigi.com/upload_img/img_singer/Hoang-Oanh.jpg
TÓM TẮT TIỂU SỬ:
Tên ca sĩ: Hoàng Oanh
Tên thật: Huỳnh Kim Chi
Sinh tại Mỹ Tho, 11 tuổi học đệ thất trường Gia Long. Được hãng đĩa Việt Nam mời thu băng bài "Ai Ra Xứ Huế" của Duy Khánh.
Ngày hôm đó là ngày 6 tháng 11 năm 1964, tại phòng thâu băng đường Võ Duy Nguy (Chợ Cũ); trong lúc đang tập hát với ban nhạc của nhạc sư Nghiêm Phú Phi, nhà văn Lê Thanh Thái chụp mấy tấm hình tặng ca sĩ Hoàng Oanh kèm theo bài thơ có hai câu:
"Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế…
Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương…"
Cũng vào năm đó ca sĩ Hoàng Oanh được mời đi trình diễn đại nhạc hội ở Huế.
==> phải có hơn 300 nhạc phẩm & thi phẩm do Hoàng Oanh trình bày!
Tiếng hát mật ngọt Hoàng Oanh trải qua nhiều năm tháng, không thể lẫn lộn với bất cứ giọng ca nào. Nó đi sâu vào lòng người, ngất ngây như uống phải thứ men say và gợi nhớ muôn trùng một vùng trời kỷ niệm, đầy ắp thương yêu.
Đã một thời tiếng hát Hoàng Oanh làm say mê hàng triệu thính giả trên làn sóng điện ở quê nhà, và bây giờ vẫn được trân quý. Sau đây là bài viết về Hoàng Oanh, tiếng hát không đối thủ của dòng nhạc giao quyên.
Ngôi trường Gia Long áo tím huyền thoại, với khuôn viên nhiều lối đi rợp bóng mát là nơi đã ướp bao chất thơ, chất nhạc trong tâm hồn mới lớn của cô nữ sinh Huỳnh Kim Chi. Dưới mái trường “Phượng vĩ dâng hoa” đó, Kim Chi đã trải qua bảy năm học với mảnh bằng Tú Tài toàn phần hạng bình thứ. Vừa đi hát vừa đi học: đi học thì Kim Chi, đi hát thì Hoàng Oanh, tiếng hát của một loài chim quý. Bạn bè cùng trường cùng lớp đã xem là thần tượng, nhà trường thì hơi lo âu nhưng Kim Chi đã chu toàn được cả học lẫn hát, làm vừa lòng gia đình và thầy cô, đánh tan dư luận của nhà trường. Kim Chi là một nữ sinh nhu mì, ngoan hiền và chăm học… Rời trung học, Kim Chi tiếp tục vào ngưỡng cửa đại học Văn Khoa và cũng đã kết thúc với văn bằng Cử nhân văn chương. Kim Chi cũng có dự tính nối nghiệp thầy cô để “gõ đầu trẻ”, nhưng vì bận rộn với tình nhạc và thơ lai láng nên giấc mộng mô phạm đó được tạm xếp một bên. Bởi đó, Hoàng Oanh đã mượn lời thơ tiếng nhạc trong một băng nhạc đầy ắp kỷ niệm thuở học trò mang chủ đề “Tuổi Học Trò” do chính cô thực hiện, để trải tấm lòng với thầy cô, với bạn bè và mái trường xưa thân ái. Hoàng Oanh nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư… huống hồ Hoàng Oanh đã thọ giáo các ‘sư phụ’ mười lăm năm trời từ trường tiểu học Phú Nhuận, đến trường Gia Long và Đại học Văn Khoa Sàigòn. Ơn của thầy cô lớn lắm, Hoàng Oanh nhớ mãi. Đó là đạo thầy trò của phương Đông mà Tấy phương ít có được.”
Hoàng Oanh sinh ở Mỹ Tho nhưng trường thành ở Sàigòn trong một gia đình sáu chị em, ngoan đạo và có một sự giáo dục nề nếp nghiêm khắc, nhưng cũng có môi trường để cô phát triển tài ca ngâm. Hoàng Oanh từ năm lên năm đã học hát với thân phụ cũng là một nghệ sĩ. Năm tám tuổi, Hoàng Oanh được phép thân phụ cho lên sân khấu lần đầu tiên tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức với hai bản nhạc “Hương Lúa Miền Nam” và “Có Một Đàn Chim”. Ngoài ra, cô cũng có khiếu ngâm thơ nên đã nghe các cô chú, anh chị nổi tiếng ngâm thơ như Hồ Điệp, Quách Đàm, Tồ Kiều Ngân để học theo. Hoàng Oanh kể lại một kỷ niệm: Trong giờ Việt văn, sau khi bình giảng bài thơ “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Thế Lữ, cô giáo hỏi ai biết ngâm thơ và cả lớp đồng thanh trả lời: Kim Chi. Thế là Kim Chi được cô giáo gọi lên diễn ngâm bài thơ đó và đã làm cho giờ học sống động hơn. Na7m đó Hoàng Oanh mười hai tuổi, học lớp Đệ Lục. Không bao lâu, Hoàng Oanh đã nổi tiếng “đủ mùi ca ngâm”.
Thế là tuy còn đi học, Hoàng Oanh đã được mời cộng tác với các ban: Thiếu Nhi đài phát thanh Quân Đội do Lê Đô phụ trách, ban Tuổi Xanh của nữ nghệ sĩ Kiều Hạnh và ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức ở đài phát thanh Sàigòn. Hoàng Oanh là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất do sự dẫn dắt của nhạc sĩ Nguyễn Đức trên con đường ca hát.
Rồi thời gian qua… trở thành một thiếu nữ xinh đẹp dịu dàng, lại có một tài ca ngâm vững vàng, cánh cửa lớn rộng mở, Hoàng Oanh đã bước vào sinh hoạt ca nhạc thực thụ, Cô đã góp tiếng hát tiếng ngâm tràn ngập tình cảm cũng như đã góp hình ảnh xinh tươi trong các chương trình nhạc và thơ uy tín của đài phát thanh cũng như đài truyền hình: Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, chương trình Phạm Mạnh Cương, Tiếng Hát Đôi Mươi của Nhật Trường, Trường Sơn của Duy Khánh, Nhạc Vàng của Phó Quốc Lân, Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ, Tao Đàn của Đinh Hùng, Tiếng Thơ của Thanh Nam, Ly Tao của Thái Thủy… Và tư khi có phong trào thâu dĩa hát và băng nhạc, Hoàng Oanh là một trong những nữ ca sĩ được mời thâu dĩa nhiều nhất. Riêng địa hạt thâu dĩa, Hoàng Oanh đã thâu khoảng hơn hai trăm dĩa với các hãng Asia, Sóng Nhạc, Việt Nam, Sơn Ca, Thiên Thai, Continental v.v… Đĩa hát đầu tiên của Hoàng Oanh gồm hai bài hát “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” và “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”. Có một điều làm ta hơi ngạc nhiên là không thấy Hoàng Oanh xuất hiện trong các phòng trà và vũ trường. Cô giải thích: “Hồi nhỏ, Oanh ở với ông cậu rất nghiêm khắc nên ông không cho Oanh hát phòng trà hay vũ trường, thỉnh thoảng chỉ cho hát Đại nhạc hội mà thôi.”
Hoàng Oanh là một tài năng đa diện. Với một làn hơi ngọt ngào, nồng nàn tình cảm, Hoàng Oanh đã có khả năng trình bày tất cả các loại nhạc cũng như lối ngâm. Từ những nét sang trọng, dịu dàng, quý phái của nhạc tiền chiến đến những bản dân ca ba miền, những bài tình tứ quê hương, từ những câu Hò mái đẩy miền Trung đến bài vọng cổ miền Nam hay câu Sa mạc, hát ví của miền Bắc… Hoàng Oanh đã tiếp nối những giọng ngâm thơ ba miền nổi tiếng như Hồ Điệp, Quách Đàm, Bích Thuận, Giáng Hương, Tô Kiều Ngân… Tiếng hát cũng như giọng ngâm của Hoàng Oanh có chút gì thật sâu đậm, buốn man mác nhưng thật tình tứ, đã chinh phục được đa số thính giả.
Một cuộc đời nghệ sĩ không sóng gió. Hoàng Oanh đi hát, đi học, sống êm đềm trong hạnh phúc gia đình, trong tình thân bằng hữu và trong cảm tình nồng hậu của thính giả. Cho đến năm 1972, cô nữ ca sĩ dịu dàng khả ái đó sang ngang, vui duyên cầm sắt với một chàng dược sĩ trẻ và cũng là một nhạc sĩ, xây dựng một tổ ấm với tình yêu và sự hiểu biết.
Rời Sàigòn ngày 28-4-75, ban đầu Hoàng Oanh định cư ở New Jersey, một thành phố gần với New York chọc trời và nay cũng đã tìm đường về Cali nắng ấm. Tại hải ngoại, Hoàng Oanh bắt đầu “tự biên tự diễn”, phát hành băng nhạc. Băng nhạc của Hoàng Oanh không bạo phát, bạo tàn, cứ đều đều nhưng bền bỉ vững vàng và được thính giả đón tiếp về lâu về dài. Ở nơi tha hương này, nghe Hoàgn Oanh hát là nghe tiếng ru về những kỷ niệm của một quê hương đã nghìn trùng xa cách. Người miền Trung nhớ Huế da diết với giọng hát thật Huế của Hoàng Oanh trong Ai Ra Xứ Huế; người miền Nam nhớ sông Tiền sông Hậu với Tiềng Hò Miền Nam, người Bắc nhớ về Hồ Gươm, tháp Rùa qua câu ngâm sa mạc hay câu hát ví… Đó Hoàng Oanh là một ngôi sao lấp lánh muôn mặt của trời thơ ca nhạc hải ngoại hiện nay. Ở đâu, khán thính giả cũng đón tiếp Hoàng Oanh như một sứ giả của mối tình “thi nhạc giao duyên”, như một hình ảnh đẹp của nghệ sĩ, một đóa hoa muôn màu chan chứ tình tự quê hương dân tộc.
Hoàng Oanh đã tự vạch cho mình một lối đi: Làm sao để bảo tồn văn hóa cổ truyền và nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam trong cộng đồng người Việt cũng như trong lớp ca nhạc sĩ trưởng thành ở hải ngoại.
Thời kỳ đó, song song với sự nghiệp ca hát Hòang Oanh còn là một gíao viên dạy văn. Có thể vì là giáo viên nên ca sĩ Hòang Oanh rất ít xuất hiện trong các phòng trà hay những chương trình thu hình mà chỉ ghi âm đĩa hát. Ở nhà tôi rất thích giọng hát của Hòang Oanh nên trong thời kỳ đó đã mua rất nhiều đĩa của Hòang Oanh, nhưng thật tiếc là sau giải phóng những đĩa nhạc này đã thất lạc hết. Sau này khỏang từ năm 1985 đến 1995 khi Hòang Oanh đã sang hải ngoại thì những tác phẩm cũ trước đây mới được hát lại và dân nghe nhạc chúng ta ở đây mới có dịp sưu tầm lại những tác phẩm này thường dưới dạng băng casette, vì lúc này đĩa CD rất đắt tiền và chỉ có người giàu mới mua được dàn máy compact disc.
Thể loại nhạc của Hòang Oanh thường là những bài có chất dân ca, những tình khúc Huế,bolero hay nhạc của Trần Thiện Thanh và Trầm Tử Thiêng. Những ai thích cái gu nhạc Hòang Oanh chắc là không quên đuợc những đoạn ngâm thơ với chất giọng trong và buồn.Hòang Oanh thể hiện rất nhiều tác phẩm rất thành công, một trong số đó phải kể đến "Mưa trên phố Huế","Trộm nhìn nhau","Anh đi chiến dịch" hay "Hai vì sao lạc" ...còn nhiều nhiều nữa không nhớ hết.Sau này trung tâm Asia có phát hành CD Hòang Oanh "Truyện ca cổ tích" với Hòn Vọng Phu ca chung với bác sĩ Trung Chỉnh và những nhạc phẩm khác như "Trầu Cao","Thiên Thai" ...Đây là đĩa CD rất hay nếu ai thích Hòn Vọng Phu không thể bỏ qua được.Ngoài ra còn có trường ca "Hội Trùng Dương" hát chung với Thanh Tuyền và Thanh Lan thể hiện rõ nét đặc trưng chất âm của Hòanh Oanh "Hò ới,Quê miền Trung em nghèo lắm,mùa đông thiếu áo,hè về thiếu ăn ới hò... hò ới
gmk
Đăng vào 14-12-2008 15:59:05
HÙNG CƯỜNG
http://i125.photobucket.com/albums/p64/tvvn1/HungCuong.jpg
Trần Kim Cường là tên thật của Hùng Cường, người nghệ sĩ đã lăn lộn trong nghề từ trên bốn thập niên trong các lãnh vực Tân nhạc, Cổ nhạc, Kịch nghệ cũng như Điện Ảnh. Người nghệ sĩ tuổi Tý, sinh ngày 21 tháng 12 này cho biết là anh trong bước đầu đã không may mắn nhưng cũng chẳng trở ngại gì!. Anh đã bước lên sân khấu lần đầu tiên khi còn đang theo học tiểu học tại trường Trần Hưng Đạo với nhạc phẩm “Con Chim Hòa Bình Đang Đau Nặng” của Lê Thương và đã được toàn thể thầy cô, phụ huynh và học sinh cả trường hoan nghênh. Ngay từ những năm 54, 55 anh đã nổi tiếng qua các nhạc phẩm: Ông Lái Đò, Vọng Ngày Xanh, Sơn Nữ Ca, Đường Xưa Lối Cũ, Chàng Đi Theo Nước, v.v.. Tất cả những nhạc phẩm này đã được thu diã và đạt được một số bán kỷ lục. Suốt trong thập niên 60 cho đến tháng 4 năm 75, Hùng Cường đã làm say mê mọi người qua những nhạc phẩm như “Ai Về Sông Tương”, “Nắng Chiều”..v.v.. và những nhạc phẩm kích động như “Cấm Trại 100%”, “Kim”, “Say” và nhiều nhạc phẩm khác trình bày chung với Mai Lệ Huyền. Hùng Cường rời Việt Nam vào ngày 28 tháng 02 năm 1980 và cư ngụ tại Garden Grove, California cho đến cuối đờị Anh cho biết chỉ nội trong tháng 6 của những năm 86-87, lẫn bố và mẹ của anh đã qua đời, và đó là kỷ niệm khó quên nhất trong đời anh. Ngoài lãnh vực nghệ thuật, anh “tham gia yểm trợ hầu hết các phong trào, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng. Hùng Cường đã ra đi vĩnh viễn trong thời gian gần đây để lại đàng sau người nam ca sĩ cũng nổi tiếng trong nhiều năm qua là Quang Bình sau một thời gian nằm trên giường bệnh. Rất nhiều nghệ sĩ đã đến thăm hỏi anh lần cuối và hình ảnh 1 người nam ca sĩ nổi tiếng ngày nào có lẽ vẫn ghi sâu trong lòng của những người mến mộ anh.
gmk
Đăng vào 14-12-2008 16:01:48
HƯƠNG LAN
http://amnhacviet.net/casi/huonglan.jpg
Hương Lan tên thật là Trần Ngọc Ánh, sinh năm 1956 tại Sài Gòn và lớn lên tại đây cho đến khi sang Pháp vào năm 1978. Cô là con cả trong một gia đình có 5 người con, ngoài một người con riêng của thân phụ cô là nghệ sĩ Hữu Phước với người vợ không chính thức trước đó, khi ông còn là một giáo viên tiểu học. Một người em gái cô là Hương Thanh cũng hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật, hiện đang cộng tác với nhạc sĩ Nguyễn Lê, nổi tiếng trong ngành dân nhạc tại Âu Châu. Thời gian Hương Lan mới mở mắt chào đời, gia đình cô ở trong một hoàn cảnh túng thiếu nên rất vất vả về mặt kinh tế. Lúc đó, thân phụ cô mới đi hát được vài năm, tiếng tăm chưa có là bao.
Khi lên 5 tuổi, Hương Lan đã lên sân khấu đoàn Thanh Minh-Thanh Nga với một vai phụ trong vở cải lương “Thiếu Phụ Nam Xương”. Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga trong thời gian diễn vở cải lương này đã căng một một biểu ngữ lớn trước rạp, với hàng chữ “Vở tuồng có sự tham gia của thần đồng Hương Lan, ái nữ của nghệ sĩ Hữu Phước”. Dù bước lên sân khấu lần đầu tiên, nhưng Hương Lan đã tỏ ra dạn dĩ với vai trò được giao phó.
Ngay sau lần xuất hiện đó, Hương Lan đã được những ký giả kịch trường của hầu hết các nhật báo cũng như tạp chí ở Sài Gòn mệnh danh là “Thần Đồng”. Sở dĩ cô không sử dụng tên thật làm nghệ danh vì thời gian cô bắt đầu đi hát đã có một nghệ sĩ cải lương tên Ngọc Ánh. Sau khi thân phụ cô hội ý với thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà, đã đặt tên cho cô là Hương Lan với nguyên nhân như cô kể :“ Ông Kiên Giang mới hỏi ông già em "trong nghệ sĩ mày thích người nào nhất?" Ba em mới nói "Dạ, em thích Út Bạch Lan với Thanh Hương”. Thành ra ông Kiên Giang bảo “ tao lấy tên 2 người này tao đặt cho con mày”
Hương Lan được chỉ dẫn vọng cổ bởi nhạc sĩ Sáu Tửng, thân phụ nhạc sĩ Huỳnh Anh. Thầy Sáu Tửng, khi đó sống chung với gia đình cô, đã có công chỉ dẫn nhiều cho cô về nhịp, trong khi thân phụ cô chỉ dẫn cách diễn trên sân khấu . Nhưng thật ra Hương Lan cho biết, cô học thẳng trên sân khấu nhiều hơn là học ở bố. Nhưng ảnh hưởng quan trọng nhất cô thừa hưởng nơi người bố nổi danh là cách sắp chữ và lối hành văn bên ngành cải lương. Do từng hành nghề giáo viên, nên Hữu Phước rất kỹ lưỡng về cách phát âm cuả người miền Nam.
Khi lên 9 tuổi, Hương Lan đã phải chứng kiến sự chia tay giữa bố mẹ vào năm 1965, với lý do đến từ “sự lả lướt của mấy ông nghệ sĩ, nên má em không thích. Từ đó, gia đình Hương Lan lâm vào tình trạng khó khăn nên cô phải đi hát phụ với bố để giúp gia đình. Thời gian này, Hương Lan càng lúc càng gây được nhiều chú ý nơi khán thính giả qua các vai trong các vở cải lương như Thầy Cai Tổng Bồi, Lan Và Điệp. Cũng như sau này là Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, vv…
Lên 10 tuổi, Hương Lan bắt đầu chuyển qua Tân Nhạc, sau khi được nhạc sĩ Trúc Phương nhận ra khả năng của giọng hát cô, và nhất là trước đó cô rất thích tiếng hát của Hoàng Oanh. Trước lời đề nghị của Trúc Phương, thân phụ cô bằng lòng để cô theo học nhạc. Dù là một nghệ sĩ cải lương tên tuổi, nhưng Hữu Phước có một chủ trương rất cởi mở để cho rằng “Nghề nào cũng là nghề, cũng là sân khấu”. Thế là kể từ năm 66, Hương Lan bắt đầu chuyển qua tân nhạc trong hình ảnh một cô bé mặc váy đầm xòe trên những chương trình Đại Nhạc Hội Duy Ngọc tổ chức thường xuyên tại rạp Quốc Thanh. Với hai nhạc phẩm “tủ” đầu tiên là Những Đồi Hoa Sim và Ai Ra Xứ Huế, “Bé Hương Lan” đã gây nhiều ngạc nhiên cho khán giả. Đặc biệt sau đó, “Bé Hương Lan” đã được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh mỗi khi xuất hiện cùng với bố trong vở “Lan Và Điệp” qua những đoạn tân cổ giao duyên. Hai năm sau, Hương Lan đã được mời ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam để thu thanh những ca khúc tân nhạc cùng một số bản cải lương. Sau khi mãn hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam vào năm 70, cô sang hợp tác với trung tâm băng nhạc Trường Sơn do nhạc sĩ Duy Khánh chủ trương trong hai năm. Trước khi về với Trường Sơn, Hương Lan đã bớt xuất hiện trên sân khấu để chỉ chú tâm theo đuổi việc học hành khi bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa trung học trường Nguyễn Bá Tòng. Nhưng vì quá đam mê nghệ thuật nên việc học vấn của Hương Lan đã chấm dứt rất sớm, khi cô mới học hết năm Đệ Ngũ. Và cũng kể từ năm 72, Hương Lan trở thành một ca sĩ tân nhạc độc lập, được mời thu thanh trên rất nhiều băng nhạc chung với nhiều nghệ sĩ khác, ngoài phần thỉnh thoảng vẫn thu một số băng cải lương. Cũng vào thời gian này, tiếng hát của “Bé Hương Lan” trở thành quen thuộc với những thính giả đài phát thanh, đặc biệt qua những chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Châu Kỳ. Sở dĩ có một thời gian khá dài, Hương Lan vắng bóng trên sân khấu cải lương vì cô ở trong lứa tuổi cô cho là lỡ cỡ, “không đóng được vai đào và cũng không đóng được vai con nít”, như cô kể. Hương Lan chỉ trở lại với cải lương vào năm 73, khi được 17 tuổi. Cuối năm 74, nhạc sĩ Ngọc Chánh thảo luận với cô để chuẩn bị thực hiện băng nhạc đầu tiên mang tên “Tiếng Hát Hương Lan” riêng cho cô trong bộ băng nhạc nổi tiếng Shotguns. Nhưng rất tiếc việc thực hiện đã không thành do biến cố tháng 4 năm 75.
Hương Lan lập gia đình với Chí Tâm vào năm 1976. Sau đó cô hoạt động trong lãnh vực cải lương hơn một năm với những buổi trình diễn tại Sài Gòn và các tỉnh qua một số soạn phẩm như Tình Yêu Và Bạo Chúa, Cây Sầu Riêng Trổ Bông, vv… Vợ chồng Hương Lan – Chi Tâm sang Pháp vào năm 1978 với con trai đầu lòng tên Henri Dương Bảo Nhi để bắt đầu đi vào một giai đoạn mới trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nghệ thuật…
Vợ chồng Hương Lan – Chí Tâm đã trải qua một thời gian rất chật vật trong những năm đầu tiên ở Pháp, là nơi nghệ sĩ Hữu Phước đã sang cư ngụ một năm trước đó, vào năm 1977. Hương Lan phải ở lại chờ Chí Tâm đi cùng, sau khi được chính phủ Việt Nam cho phép xuất cảnh, nên đã rời quê hương vào năm 78. Hai người cùng con trai đầu lòng cư ngụ ở Pontoise, vùng ngoại ô Paris, trong một căn phòng được chính phủ cấp. Để kiếm được miếng ăn, Hương Lan hàng ngày phải đáp xe lửa lên Paris để cuốn chả giò cho một công ty Việt Nam ở đây ròng rã suốt 8 tiếng một ngày. Được một thời gian, cô chuyển qua làm cho một hãng kẹo, chỉ hoạt động theo từng mùa trong năm như lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, vv…Một lần nữa, Hương Lan lại phải xoay qua chân thu ngân cho một siêu thị tại Paris. Thời gian này, hoạt động văn nghệ tại thủ đô nước Pháp còn yếu kém, tuy vậy Hương Lan “vẫn bị chụp mũ là Việt Cộng” bởi một số tổ chức mang tính cách chính trị, như lời cô nói. Lý do chỉ vì cô đã cộng tác với một đoàn văn nghệ đặt dưới sự chỉ đạo của chế độ mới cũng như hầu hết những nghệ sĩ còn ở lại Việt Nam sau tháng 4 năm 75. Hương Lan cho biết đến khi nhận thấy cô không hề dính líu đến đoàn văn nghệ của hội Sinh Viên Việt Kiều Yêu Nước ở Paris, sự chống đối mới không còn nhắm vào cô.
Song song với những công việc sinh nhai, Hương Lan bắt đầu đi hát vào những ngày cuối tuần từ năm 79 tại những phòng trà và nhà hàng ca nhạc ở Paris như Paradis D’Asie, Palais D’Argent, vv..cũng như những chương trình nhạc hội do nhà tổ chức Hải Phong thực hiện tại rạp Maubert. Trong khi đó, cô ngưng hẳn mọi hoạt động về cải lương vì không có môi trường. Còn Chí Tâm, sau một thời gian làm việc với công ty sơn mài Thành Lễ, đã kiếm được một việc làm tương đối ổn định ở công ty Thompson cho đến ngày sang Mỹ. Hai năm sau khi đến Pháp, cặp vợ chồng nghệ sĩ Hương Lan – Chí Tâm đi đến đổ vỡ vào ăm 1980, sau khi có thêm một con trai tên Patrick Dương Bảo Trang. Sự đổ vỡ cũng đến từ lý do Hương Lan cho là tính “nghệ sĩ bay bướm” của người phối ngẫu, nhưng sau khi chia tay, cả hai vẫn giữ cho nhau những cảm tình tốt đẹp trong tình đồng nghiệp. Bây giờ nghĩ lại, Hương Lan cho rằng sự đổ vỡ đó đến từ sự thiếu chín chắn của cả hai trong lứa tuổi còn trẻ: "Thật sự mà nói thì cả hai lúc đó còn trẻ quá . Chí Tâm cũng còn trẻ. Em cũng còn trẻ. Chí Tâm có những việc làm không suy nghĩ và cái trẻ của em thì cũng không có thể tha thứ . Chứ đặt vào trường hợp bây giờ thì chắc là không đến nỗi"
Năm 1984, Hương Lan xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình video Paris By Night với nhạc phẩm Ngày về của Hoàng Giác. Rồi tiếp đó là những nhạc phẩm tình ca quê hương như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Chiếc áo bà ba, Điệu buồn phương Nam…
Năm 1985, Hương Lan đưa hai con sang Mỹ để tiến hành thủ tục cư trú do Mẹ cô - mới qua đời cách đây không lâu - sang đây từ năm 75 bảo lãnh. Và đến năm sau, cô được chính thức cư ngụ tại Hoa Kỳ cùng với 2 con trai. Cũng trong năm 86, cô quen biết với người chồng hiện nay là Đặng Quốc Toản trong buổi tiệc mừng sinh nhật của Elvis Phương vào tháng 2 . Ho chính thức thành hôn về mặt pháp lý vào tháng 12 năm 1988. Sau đó Hương Lan theo học đạo Công Giáo để đến năm 89, cô cùng với Đặng Quốc Toản tổ chức lễ cưới tại nhà thờ thuộc thành phố Anaheim, miền nam California. Chồng cô người miền Bắc, sinh năm 1946, từng phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà trong những đơn vị tác chiến từ sau biến cố Mậu Thân cho đến tháng 4 năm 75. Đối với Hương Lan, Toản “là một người đàn ông rất là rộng lượng và rất là hiểu biết và là một người có kiến thức rất rộng”. Ngoài ra Toản cũng là người Hương Lan coi như điểm tựa của cuộc đời mình, khi phải đương đầu với những khó khăn, cụ thể là những sự chống đối cô gặp phải sau này” em nhờ vào anh Toản thì em mới có được sự vững chắc và và coi như là em cảm thấy mình không bị tổn thương, không bị khổ sở. Trong những lúc bị dồn dập thì anh Toản là một người bao giờ cũng bên cạnh an uỉ và che chở cho em”
Hương Lan trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 cùng với những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My, theo lời mời của một công ty điện toán Úc nhằm tổ chức những chương trình văn nghệ để quảng cáo cho những sản phẩm của công ty này với mục đích đưa những sản phẩm đó vào thị trường Việt Nam. Cô nghĩ rằng niềm ao ước được trở lại hát ở quê hương có cơ hội thành hình vì cho là “dù sao cũng có cả một kỷ niệm, cả một tuổi thơ ở Việt Nam” như cô tâm sự. Nhưng thực tế Hương Lan đã gặp nhiều khó khăn vì không được cơ quan thẩm quyền về văn hoá trong nước cho phép trình diễn trước khán giả, ngoài việc cho phép cô thu băng đĩa hoặc video. Hương Lan vẫn không nản chí để năm sau quay trở lại Việt Nam tiếp tục xin phép để được hát trên sân khấu, nhưng một lần nữa cô chỉ nhận được sự từ chối. Mãi đến năm 1996, Hương Lan mới được phép trình diễn trước khán giả tại quê nhà sau khi cô cho là nhờ ở "thiện chí phục vụ khán giả và niềm ước mơ tầm thường của mình" được nhận biết. Sau khi trở ra hải ngoại, Hương Lan đã phải đương đầu với những sự khó khăn khác là sự chống đối mạnh mẽ quyết định về hát tại Việt Nam của cô. Cô đã lên tiếng phân trần với dư luận tại hải ngoại, nói thật tất cả về những khó khăn gặp phải ở trong nước, nhưng hầu như không mấy được để ý. Hương Lan đã tỏ ra chán nản khi tuyên bố là phải chi cô về được đón tiếp và được hát rầm rộ thì không nói làm gì. Nhưng đằng này phải qua bao nhiêu khó khăn mới được hát mà vẫn bị chống đối. Tuy vậy, Hương Lan đã tỏ ra thông cảm với dư luận chống đối và kết án cô mà cô cho rằng chỉ có một số nào đó: "Vợ chồng em cũng có nói chuyện với nhau. Mình cũng phải hiểu. Ở đây mà đi tìm sự tự do thì có biết bao nhiêu là mất mát, cũng đánh đổi biết bao sự mất mát. Thành ra điều người ta chống mình không thể nào mình nói là anh chống không đúng, hay là anh đừng nên chống. Điều đó mình không nói được “
gmk
Đăng vào 6-3-2009 09:12:11
KHÁNH HÀ
http://www9.ttvnol.com/uploaded2/haiaugaycanh/images1364841_khanhha.jpg
Khánh Hà tên thật là Lã Khánh Hà, cô sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Cha của Khánh Hà là nghệ sĩ Lữ Liên, thành viên ban nhạc hài hước ATV. Các anh chị em của Khánh Hà đều là những ca sĩ tên tuổi: Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Lưu Bích, Anh Tú, Thúy Anh, Lan Anh
Cô sanh ra tại Đà Lạt nhưng chỉ vài tháng sau cùng với gia đình dọn vào Sài Gòn. Trong thời gian ở Sài Gòn, cô cùng với gia đình thay đổi chỗ ở nhiều lần. Lúc còn nhỏ cô học ở trường Charles De Gaulle, một thời gian sau vào nội trú tại trường tiểu học ở Thủ Đức cùng với Lan Anh và Thúy Anh. Lên trung học, cô theo học trường Nguyễn Bá Tòng đến năm đệ Tam, và cùng một lúc theo học ở Centre Culturel Français và Hội Việt Mỹ. Khánh Hà đi hát lần đầu tiên khi 16 tuổi trong một chương trình văn nghệ phụ diễn Xổ Số Kiến Thiến Quốc Gia tại rạp Thống Nhất với bài Chiến sĩ của lòng em và đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô.
Vào năm 69, cô xuất hiện lần đầu tiên với loại nhạc trẻ trong chương trình "Hippies À GoGo" do Trường Kỳ tổ chức hàng tuần tại vũ trường Queen Bee trên đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn.
Cũng trong năm đó, cô chính thức đến với nhạc trẻ cùng Anh Tú, sau khi được tay trống Dũng khuyến khích và đã gia nhập ban nhạc "The Flowers" đi trình diễn tại các club Mỹ.
Vào cuối năm 69, cô gia nhập "The Blue Jets" cùng với Anh Tú và Thuý Anh. Sau đó, cô cùng một số anh em thành lập ban nhạc "The Uptight" vào năm 72. Khánh Hà qua Mỹ trong một trường hợp khá đặc biệt. Vào thời kỳ cô hát tại nightclub "Đêm Màu Hồng" trên đường Nguyễn Huệ đầu năm 75, trong số những người khách Hoa Kỳ thích giọng ca của cô có một ký giả tên George, mà cô gọi là một "quý nhân." Ông cho biết là tình hình Việt Nam rất nguy ngập nên đã đề nghị làm giấy tờ để cô rời khỏi Việt Nam với tư cách một du khách. Khánh Hà nhận lời và đến Hoa Kỳ ngay từ tháng 03 năm 75.
Vào những năm 86-87, Khánh Hà khai thác một chương trình ca nhạc riêng ở các nơi như "Sea Palace", "cafe Tùng" ở Monterey Park, tiểu bang California và sau đó là vũ trường "Chez Moi". Cô chính thức chuyển qua nhạc Việt Nam từ năm 80, đánh dấu sự ra đời của băng nhạc Gợi Giấc Mơ Xưa, phát hành vào năm 81 do chính cô thực hiện với sự giúp đỡ về kỹ thuật của nhạc sĩ Tùng Giang. Khánh Hà xuất hiện lần đầu tiên trong Video "Hè 90" do Tô Chấn Phong và Lưu Huỳnh thực hiện, chính trong dịp này Khánh Hà và Tô Chấn Phong quen biết nhau và đã sống chung với nhau cho đến hôm naỵ. Ngoài những video do chính trung tâm Khánh Hà thực hiện, cô đã cộng tác lần đầu tiên với chương trình Thúy Nga ở Paris.
Hiện nay Khánh Hà vẫn thường xuyên xuất hiện trên băng của hãng Thúy Nga, Asia và bận rộn điều hành trung tâm Khánh Hà. Tên tuổi Khánh Hà đã bước lên hàng đầu của nền ca nhạc hải ngoại cho nên ước muốn "nghỉ hát sớm" của cô có thể sẽ còn rất lâu mới thành sự thật.