Quên mật khẩu
 Register
Tác giả chủ đề: anhz27

Ảo vọng tuổi trẻ - Duyên Anh

[Sao chép liên kết]
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 2-7-2009 22:27:53 | Hiển thị tất cả tầng
19

Bốn người bạn trẻ chăm chú nghe Hạo và Chấn thuật lại vụ tống tiền ở chi nhánh ngân hàng "The bank of Paris". Hạo kể hết lượt, tới Chấn. Hai anh không bỏ sót một chi tiết nào. Rồi chuyện chuyển tiền cho lãnh tụ Hiển, chuyện bớt lại hai trằm ngàn, Hạo cũng không dấu diếm. Anh còn nói cho các bạn biết anh được ông Hiển giao nhiệm vụ thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển.

Sơn nghe xong lạ lùng quá. Anh hỏi Hạo:

- Ông Hiển không dặn cậu đừng nói cho chúng tớ biết Thái bị chộp cổ và hai cậu mới là Danh, Thảo thiệt mạng à?

Hạo lắc đầu:

- Không, ông ấy không hề dặn.

Sơn buột miệng:

- Vậy mà...

Định giật vai áo Sơn:

- Vậy mà sao?

Mắt Sơn đỏ hoe, anh nghĩ tới Mạo, Nhân, Thịnh, Huấn đã chết một cách thảm thương giữa những khu rừng già biên giới. Nước mắt Sơn ứa ra. Anh nghẹn ngào nói:

- Vậy mà ông ấy viết thư cho tớ dặn đi dặn lại đừng nói cho các cậu haỵ..

Hạo nhìn Sơn, giọng anh thấp hẳn xuống:

- Chuyện gì đấy cậu?

Sơn ngậm ngùi đáp:

- Mạo, Nhân, Thịnh, Huấn đã chết rồi!

Định há hốc miệng:

- Sao, cậu nói sao?

Sơn lập lại:

Mạo, Nhân, Thịnh và Huấn đã chết rồi!

Sáu người ngồi im không nhúc nhích. Mười mấy phú nặng nề trôi đi, Định mới hỏi:

- Chết ở đâu?

- Ở biên giới Miên Việt.

- Các cậu gặp công an à?

- Ừ!

Sơn kể cho Hạo, Định và Chấn nghe những lần quyết tử với công an biên giới. Sau những cái chết bi thảm của Mạo, Nhân, Thịnh, Huấn; bọn Sơn hơi hoang mang. Các anh xin được về miền Tây hoạt động.

Ông Hiển chấp thuận. Thế là các anh về miền Tây. Nhưng ông Hiển ra lệnh không được tiết lộ về những cái chết của bọn Mạo.

Hạo nhìn Sơn:

- Sao ông Hiển lại dặn thế nhỉ?

Sơn nói:

- Ông ấy sợ tin này loan ra, các cậu bị xúc động.

Định có vẻ bất mãn:

- Thành ra bạn bè mình chết không hay. Cứ cười hô hố. Lạ nhỉ? Tại sao ông Hiển lạ thế nhỉ? Chúng mình đâu có phải là lũ con nít?

Sơn tìm cách giải đáp nỗi thắc mắc của các bạn:

- Theo tớ nghĩ, không có gì lạ đâu. Muốn rõ hơn, chúng mình có thể viết thơ hỏi ông Hiển. Bây giờ Hạo cho anh em biết ông Hiển bảo cậu thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển có mục đích gì không?

- Ông ấy chỉ nói muốn cướp mật khu của Huỳnh Văn Xiển.

- Ông ấy có nói cướp để làm gì không?

- Không.

Sơn "ồ" một tiếng rồi nói:

- Sao ông ấy tài thế nhỉ?

Hạo hỏi:

- Tài gì?

Sơn cười khoái chí. Anh đã lau khô nước mắt tự lúc nào. Mọi người, trừ Định thì không ai hiểu tại sao Sơn khoái thế. Anh nhìn Định trả lời Hạo:

- Tài biết trước mọi việc.

Hạo vẫn chưa hiểu Sơn muốn nói gì:

- Cậu nói rõ đi xem nào?

Sơn nhẩn nha nói:

- Tớ mới bàn với cậu Định cách đây mấy tuần về cái nhiệm vụ Ông Hiển giao cho cậu.

Hạo tròn xoe mắt:

- Các cậu định chơi Huỳnh Văn Xiển trước tớ à?

- Chứ sao.

- Nhưng ông Hiển có nói gì với các cậu chưa?

- Chưa.

Hạo lại phàn nàn:

- Lạ thật, ông Hiển khó hiểu thật!

Hạo chỉ phàn nàn thôi. Trong đầu óc anh, hình ảnh người lãnh tụ già vẫn chưa phai nhòa. Nói chung, các anh vẫn kính mến ông Hiển và tin tưởng rằng ông đang dẫn dắt mình vào con đường lịch sử.

Từ lúc đầu, Bách và Khải chỉ nghe. Bây giờ hai anh mới góp ý. Bách nói trước:

- Lãnh tụ, người nào mà không chở chất trong lòng muôn vạn niềm bí mật. Nếu ông Hiển cũng dễ hiểu như mọi người, tớ đoán chắc ông ấy không làm cách mạng.

Hạo trả lời bạn:

- Đồng ý với Bách. Nhưng với chúng mình, chẳng lẽ ông ấy cũng giữ bí mật hay sao?

Khải hỏi Hạo:

- Cậu đã tuyên thệ chưa?

- Rồi.

- Đọc kỹ nội quy chưa?

- Rồi.

- Vậy thắc mắc làm gì chuyện ông Hiển giữ bí mật?

Khải thân mật vỗ vai Hạo:

- Có lẽ cậu thương Thái quá nên hay nghĩ vớ vẩn. Ông Hiển bắt buộc phải giữ bí mật vì không muốn chúng nó phá tan cơ sở như bọn Vẹm đã từng phá tan cở sở chúng ta ở Ninh Bình.

Hạo gật đầu phục thiện:

- Tớ hiểu rồi, tớ hiểu rồi.

Các anh nói sang chuyện khác. Ngay buổi chiều hôm ấy, Hạo, Sơn và Định họp riêng để quyết định số mạng của Huỳnh Văn Xiển. Mấy tuần nay Huỳnh Văn Xiển bị đau nên đám thuộc hạ được đặt dưới quyền chỉ huy của Định. Đây là một cơ hội rất tốt để các anh thực hiện ý muốn. Nhưng trước khi ra tay, các anh cần thảo luận kỹ càng để khỏi thất bại. Mà thất bại, các anh biết, chỉ có chết với Huỳnh Văn Xiển.

Sơn hỏi Hạo:

- Ông Hiển có dặn cậu phải "thịt" Huỳnh Văn Xiển bằng cách nào không hở cậu?

Hạo đáp:

- Không.

- Nghĩa là cậu đóng vai Kinh Kha tân thời, vào rừng giết tên ác tặc nên cóc cần kế hoạch?

- Từ trước tới nay, ông Hiển có cho tớ biết một kế hoạch nào đâu. Mọi tổ chức ở Sài Gòn trong những tháng qua đều do ý kiến riêng của chúng tớ.

- Ông Hiển có hỏi các cậu trước khi các cậu hành động không?

- Không.

Sơn quay sang Định:

- Khi cậu xuống An Giang, ông Hiển chỉ dặn chung trong một lá thư ở Ban Mê Thuột thôi à?

Định nói:

- Ừ.

- Rồi có nhận thêm được lệnh mới hay thư từ thăm hỏi gì của ông ấy không?

- Không.

Sơn xoa bàn tay:

- Thì ra tớ hên hơn các cậu.

Hạo hỏi:

- Hên gì?

Sơn trả lời:

- Mỗi chuyến vượt biên giới, ông Hiển đều cho người cầm một lá thư lên dặn phải làm thế này, thế no.....

Thế mà việc thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển nguy hiểm hơn chuyện vượt biên giới, ông ấy lại chẳng dặn dò lấy nửa lời. Tớ phản đối chuyện này.

Định nói:

- Cậu Sơn hơi nóng đấy nhé! Cậu quên rằng ông Hiển luôn luôn tin bọn mình thừa khả năng để thực hiện công tác à?

Sơn cãi:

- Tin là một chuyện, còn thảo luận là một chuyện khác. Ít ra ông ấy phải cho một ý kiến. Đằng này, ông ấy cứ để mặc chúng mình làm. Riêng cậu Hạo, ông ấy sai đi giết Huỳnh Văn Xiển. Không những không dặn cách cư cử với Xiển ra sao trước khi giết hắn mà cũng chẳng nói rõ mục đích giết hắn.

Cậu Hạo nên nhớ rằng chọc thằng Xiển khó lắm. Anh em mình, trừ cậu Định được hắn thương yêu hết lòng mới được gần gũi hắn trong mọi trường hợp. Còn chúng mình, tớ e rằng có bắn lén Xiển thì cũng chết tan xác dưới chân đám thuộc hạ của hắn. Hay là...

Hạo hỏi:

- Cậu muốn nói gì?

- Hay là lúc bảo cậu về miền Tây, ông Hiển đang có chuyện phải lo nghĩ gấp nên ông quên?

- Có lẽ.

- Có lẽ sao?

- Hôm ấy tớ chỉ nói chuyện với ông ấy trên xe chạy vòng vòng các phố bên Chợ Lớn. Mà xe chở túi bạc chúng tớ vừa mới "cướp" ở nhà băng.

Sơn bẻ cành cây mục gãy đôi. Anh buông gọn hai tiếng:

- Hèn nào.

Nhưng anh nói tiếp:

- Tuy vậy, việc này cậu Hạo nên nhường cho Định.

Hạo nhún vai:

- Nhường thì nhường, có sao đâu.

Định nói:

- Nhưng việc thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển chưa thực hiện ngay đâu.

Hạo hỏi:

- Tại sao?

- Vì... tớ... chưa muốn giết ông ta. Ông Hiển có dặn cậu là phải giết ngay không?

- Không.

- Thế thì đi đâu mà vội. Tớ có cách giết Huỳnh Văn Xiển rất là chính nghĩa.

Sơn chụp lấy câu nói của Định:

- Cách nào đấy?

- Cách dùng đạn của quân ông Diệm và cho quân ông Diệm bắn.

Sơn vỗ tay:

- Hay lắm, hay lắm. Tớ hiểu ý cậu rồi. Vậy thì Hạo để cậu Định lo liệu vụ này cho. Tớ ngày xưa chê "công tử" Định, bây giờ phải nhường chức "vua liều" cho cậu ấy rồi đó.

Hạo nói:

- Giang sơn này của Định, vậy tùy cậu ấy.

Ba người cười lớn thông cảm. Họ nói sang chuyện khác. Mỗi người kể cho bạn nghe những kỷ niệm trên bước đường công tác của mình. Chợt nhớ tới Thái, Hạo hỏi:

- Các cậu có hay đọc báo không?

Định đáp:

- Không.

- Tớ muốn đọc báo thì mua ở đâu?

- Chúng tớ có cái trạm liên lạc ở bến đò Lăng Gù thuộc làng Hòa Hảo chứ không phải bến Cái Dầu.

Một chiến hữu về vườn của Huỳnh Văn Xiển bán tạp chí tại đó. Cậu muốn đọc báo thì dặn hắn mua dùm.

Mà đọc báo làm chó gì?

- Tớ muốn biết tin tức của Thái.

Định hỏi:

- Tớ nào khai thác vụ này?

- Báo "Tin Sớm".

- Vậy để dặn nó mua tờ "Tin Sớm". Các cậu nên ghi số nhà, tên và địa chỉ của nó để nhỡ khi một trong hai cậu xa đây thì viết thư cho nhau hay.

Định đọc tên gã chiến hữu về vườn của Huỳnh Văn Xiển cùng địa chỉ của hắn cho Hạo và Sơn ghi.

Hạo chắc mẩm có đọc báo nên mừng rỡ lắm. Sau đó, Định đề nghị đi thăm Huỳnh Văn Xiển
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 2-7-2009 22:36:02 | Hiển thị tất cả tầng
20

Hạo sống trong mật khu của Huỳnh Văn Xiển đã được một tháng. Suốt thời gian này, Huỳnh Văn Xiển bị đau nên ông ta giao quyền chỉ huy lại cho Định. Lương thực đã cạn. Mùa màng không thể làm nổi vì quân đội của ông Diệm không để cho đám thuộc hạ của ông Huỳnh Văn Xiển rảnh tay. Bất đắc dĩ, hôm nay Định phải xuống núi.

Định kéo một đại đội đi. Hạo và Chấn nằm nhà. Định đi từ sáng sớm, đến chiều tối anh mới kéo đám tàn quân mệt mỏi trở về. Dạo này "làm ăn" thất bại luôn. Bảo an đồn trú tại vùng kiểm soát của Huỳnh Văn Xiển cũng đủ sức làm cho ông ta điêu đứng.

Quân của Định không đủ sức chống đỡ. Hỏa lực bên bảo an mạnh gấp ba gấp bốn. Kết quả, phía Định, năm tên chết bỏ xác tại chỗ. Bách và Khải bị thương, khiêng về tới nơi thì hai anh tắt thở.

Tuy chạy thục mạng, Định vẫn vồ được mấy tờ báo đem về cho Hạo. Tối hôm đó, Định và Sơn đều buồn nên hai anh trình bầy sự việc với Huỳnh Văn Xiển rồi đi nằm. Hạo thắp nến đọc báo. Vừa cầm tờ "Tin Sớm", mắt anh bỗng hoa lên. Hạo dụi mắt hai ba lần mới đọc rõ cái tin tám cột mặc dù tít đó sắp chữ thật lớn:

"Những con cá mập của đảng Cách Mạng Dân Tộc đã mắc lưới". Hạo run rẩy. Tay anh cầm không muốn nổi tờ báo, tim anh đạp thình thịch. Máu trong cơ thể dồn hết về tim. Hạo nhắm mắt một lúc thật lâu rồi mới lại nâng tờ báo đọc. Bài báo nói lại quá trình hoạt động của đảng "Cách Mạng Dân Tộc" rồi nói tới sự hoạt động phi pháp chống chính phủ Ngô Đình Diệm. Sau đó kê khai những tên bị bắt. Trong đó hơn một trăm người có anh Luyến, anh Đăng, cô Vang, anh Bính, anh Tường và 90 anh em do Hạo và Thái kết nạp gài vào các công sở làm việc để gây quỹ cho Đảng. Bài báo cũng nói tới những vụ lột, tống tiền, cướp nhà băng, rải truyền đơn chống chính phủ, tổ chức diễn thuyết đả kích Thủ tướng Ngô Đình Diệm v.v.. rồi kết luận đó là những hoạt động phá phách của đảng "Cách Mạng Dân Tộc". Theo tờ "Tin Sớm", cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền, đây mới là mẻ lưới đầu. Tờ báo còn đề cập tới những đảng viên trẻ tuổi nòng cốt của đảng "Cách Mạng Dân Tộc" hiện đang làm cố vấn cho những đám loạn quân của Ba Cụt, cướp bóc, đánh phá miệt Hậu Giang...

Hạo mở căng mắt ngắm bốn con cá mập nguy hiểm mà báo "Tin Sớm" viết dưới chân ảnh:

Luyến, Đăng, Vang, Bính, Tường. Hạo chỉ quen mặt ba người. Còn anh Bính và Tường, Hạo chưa được tiếp xúc.

Lạ lùng nhất không thấy nói đến ông Hiển, ông Bình. Hạo tự nghĩ có lẽ hai ông lãnh tụ già đã lọt lưới.

Nhưng tại sao bọn "Tin Sớm" biết các anh đang trà trộn trong đám loạn quân của Ba Cụt?

Hạo vùng dậy, anh tắt nến bước ra ngoài. Trời cuối tháng mù mịt. Khí núi lành lạnh thấm vào cơ thể anh. Hạo kéo cổ áo cao gây ấm áp. Anh thong thả bước ra khu nghĩa địa nơi anh em vừa bó vải kín mít hai cái xác của Bách và Khải và đặt họ yên nghỉ dưới lòng mộ không lấy gì làm sâu lắm.

Hạo đứng rất lâu. Anh mơ hồ thấy Thảo, Danh, Thái. Chắc chắn, Thái đã bị tra tấn chết rồi. Thế là trong số mười người cũ và ba người mới, các anh chỉ còn bốn. Chín người đã hy sinh cho lý tưởng cách mạng. Hơn một trăm người vừa bị bắt. Rồi cũng chết mòn trong ngục tù sau khi bị tra tấn dã man. Hạo rùng mình. Nước mắt Hạo ứa ra, thương hai người bạn nằm hiu quạnh giữa những cái xác của bọn giặc cỏ.

Sương đêm thấm ướt vai Hạo. Anh trở lại. Một giọng hét lên:

- Ai?

Biết là lính tuần phòng, anh đáp:

- Tôi, Hạo đây!

Năm tới thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển đã tới gần. Nghe tiếng Bắc, chúng hiểu ngay là bạn của trung tá Định. Một tên hỏi:

- Thiếu tá đi đâu đấy?

Nó phong bừa cho anh chức thiếu tá. Anh đáp:

- Tôi ra thăm mộ những người chết hôm nay.

Bọn họ không hỏi thêm. Một lát, một tên nói:

- Thôi mời thiếu tá về.

Hạo nghe lời hắn. Thay vì về căn nhà riêng của mình, Hạo tới căn nhà của Sơn. Anh ném cho Sơn tờ báo, bắt Sơn đọc nhanh để còn hỏi ý kiến Định và hoạch định hướng đi mới.

Sơn đọc xong bài báo toát mồ hôi trán ra. Anh thẫn thờ một lát rồi nói:

- Đàn anh mình bị thộp mấy người, không chừng tối hôm nay chúng đã thộp hết.

Hạo không đáp lời bạn. Anh kéo Sơn sang tìm Định. Hai anh lại đưa tờ báo cho Định, bắt Định đọc.

Cảm tưởng của Định khi đọc xong bài báo nói về Đảng mình thật rã rời chua xót. Anh cố mím môi khỏi buột ra một tiếng than phẫn uất. Ba người tuổi trẻ ngồi im. Ngọn nến cháy leo lắt.

Nước mắt Định ứa ra. Anh nghĩ tới vợ con của "con chó biển" Luyến. Anh nghĩ tới cô Vang, nghĩ tới tất cả. Anh muốn có một đoàn quân hùng hậu bách chiến bách thắng, tiến thẳng về thủ đô giải phóng cho đồng bào và đập tan cửa tù cứu các đồng chí của mình ra. Đau khổ cùng độ, người ta mơ mộng. Khi giấc mơ thoáng qua, sự thật hiện rõ ràng, Định thở dài. Anh hỏi các bạn:

- Bây giờ mình phải làm gì?

Phải làm gì? Sơn và Hạo cũng chưa biết các anh phải làm gì. Chắc chắn là phải chờ lệnh mới của ông Hiển. Hạo đáp:

- Chẳng cần làm gì nữa. Tạm thời bỏ ý định thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển đi.

Sơn nói:

- Chúng mình còn có bốn mống. Có lẽ từ hôm nay đừng xuống núi nữa. Để mặc Huỳnh Văn Xiển lo liệu.

Hạo ném tờ báo xuống đất, cau có:

- Tớ rất lạ chuyện này!

Định hỏi:

- Chuyện gì?

Hạo trả lời:

- Tại sao ông Hiển, ông Bình không bị bắt?

Sơn nói:

- Chắc ông ấy lọt lưới.

Hạo lại hỏi:

- Ông Bôi cũng lọt lưới à?

Sơn đáp:

- Tại sao không? Cậu cứ yên chí đi, độ hai ba ngày nữa thế nào chúng mình cũng nhận được tin tức của ông Hiển. Thôi giờ về ngủ. Một ngày truy kích mệt nhọc quá. Mai chúng mình nói tiếp.

Ba người chia tay. Ai về nhà người ấy. Cả đêm Hạo không ngủ được. Câu hỏi "Tại sao ông Hiển, ông Bình và ông chánh tổng Bôi không bị bắt?" cứ luẩn quẩn trong đầu óc anh. Anh cố xua đuổi nó đi để ngủ.

Mà chẳng được. Đến nằm giờ sáng, mệt quá, Hạo thiếp đi. Khi anh thức, mặt trời đã lên khá cao. Quang cảnh trong mật khu buồn hết sức. Những người "lính của cách mạng" bị thương hôm qua, hôm nay mới rên la đau đớn. Mật khu thiếu thuốc, thiếu phương tiện cứu thương.

Hồi trước, khi Ba Cụt chưa bị chết chém và kh lính Bảo An chưa được phép đồn trú tại làng Hòa Hảo, sau mỗi trận kịch chiến, Ba Cụt thường chở thương binh về bệnh viện thiết lập tại làng Hòa Hảo để cứu chữa. Bệnh viện không có bác sĩ, nhưng có nhiều y tá giàu kinh nghiệm, thuốc thang cũng nhiều. Bây giờ làng Hòa Hảo đặt dưới quyền kiểm soát của Bảo An, đám tàn quân của Huỳnh Văn Xiển, dẫu bị thương gần chết cũng không dám bén mảng về.

Hạo chạy đi kiếm Định và Sơn. Anh muốn ngược Sài Gòn xem tin tức ra sao. Không lẽ các đồng chí bị bắt mà mình ngồi yên ở mật khu của Huỳnh Văn Xiển. Anh ngỏ ngay ý định cho các bạn hay. Định ngăn:

- Cậu không nên về.

- Tại sao không nên?

- Về để nạp mạng cho chúng nó à?

Hạo cười khinh bạc:

- Bắt được tớ, ít ra chúng nó cũng lãnh đủ vài tên.

- Đừng chủ quan quá Hạo ạ! Chúng ta đã chủ quan nên mới bị mắc lưới chúng nó. Giờ ở ngoài vòng cương tỏa chỉ còn mấy thằng chúng mình. Cậu bị tóm nữa, lấy ai điều khiển công việc.

Hạo xua tay:

- Không, tớ tìm ông Hiển.

Định hỏi:

- Chắc cậu có gặp ông ấy không?

- Tớ phải gặp.

Biết không can ngăn được bạn, Sơn hỏi:

- Bao giờ cậu về?

- Sáng sớm mai. Tối nay các cậu cho người đưa tớ đến bến đò Lăng Gù.

- Rồi cậu có xuống đây với chúng tớ nữa không?

- Có chứ. Tớ gửi cậu Chấn cho các cậu.

Hạo hỏi thêm:

- Viết thư cho các cậu cứ gửi về bến đò Lăng Gù, đề tên lão Lê Văn Lời được chứ?

- Được.

Sơn nói:

- Nếu ông Hiển cũng đã bị thộp cổ, cậu có xuống đây không?

Hạo cười:

- Đã trót bước vào con đường tranh đấu, dễ gì tớ bỏ được. Cậu cứ tin tớ đi. Tớ sẽ xuống với các cậu.

Ngay tối hôm ấy, Định, Sơn và ba tên thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển bơi chiếc ghe máy chở Hạo ra bến đò Lăng Gù để sớm mai Hạo đáp xe từ Châu Đốc về Sài Gòn.

Hạo trở lại Sài Gòn, công việc đầu tiên của anh là đi tìm ông Hiển. Căn nhà cũ của ông Hiển đóng cửa im ỉm. Tấm bảng các tông ghi chữ "nhà cho mướn". Hạo hỏi thăm người hàng xóm của ông Hiển, họ không biết tên ông là gì nhưng xác nhận ông đã dọn đi rồi.

Ông Hiển đi đâu? Sợ động rừng nên ông phải trốn tránh chăng? Có thể lắm. Mẻ lưới của ông Ngô Đình Diệm tung ra thật xứng đáng. Cỡ như anh Luyến, anh Đăng mà cũng vướng lưới thì ông Hiển, ông Bình có lọt lưới khó mà sống yên ổn được. Nhưng ông Hiển đi đâu? Người lãnh tụ già của đảng "Cách Mạng Dân Tộc" đi đâu? Hạo rất thắc mắc. Song anh đành để cho nỗi thắc mắc dày vò tâm hồn mình.

Hạo thả bộ lang thang trên những con đường vắng. Đến một công viên. Hạo tìm chiếc ghế ở những chỗ vắng ngồi hút thuốc lá. Anh nghĩ đến những kỷ niệm niên thiếu của đời mình. Hồi còn học lớp nhì trường huyện, một hôm thầy giáo ra bài luận quốc văn:

"Sau này lớn lên em làm nghề gì? Nói rõ tại sao em làm nghề ấy." Bấy giờ Hạo chưa biết cách mạng là gì. Hai tiếng cách mạng còn xa lạ với đôi tai của chú học trò trường huyện. Với mớ kiến thức tiểu học, Hạo chỉ biết trên đời có nghề làm quan, nghề đi buôn, nghề dạy học, nghề làm ruộng. Và, Hạo đã chọn nghề dạy học. Hạo cho rằng nghề dạy học là nghề cao quý, vì thế anh chọn. Thầy giáo của Hạo - hôm nay Hạo vẫn còn nhớ tên - đọc bài luận của Hạo đã phải mỉm cười và bảo rằng:

- Thầy dạy học lâu rồi, chả thấy cao quý gì mà chỉ thấy bạc bẽo thôi. Cái nghề này không bắt người ta phải tiến bộ. Ngày này sang tháng nọ, cho tới mãn một đời người, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có bằng ấy bài vở. Con nên tìm nghề khác mà chọn.

Hạo ngây thơ hỏi:

- Các bạn con chọn hết nghề rồi, còn mỗi nghề dạy học nên con phải chọn. Thưa thầy, thầy khuyên con về sau nên làm nghề gì ạ?

Thầy âu yếm nói:

- Con muốn làm nghề gì cũng được, trừ hai nghề là làm quan và dạy học.

Hạo đã làm lại bài luận. Anh chọn nghề đi buôn. Nghĩ lại Hạo buồn cười. Sự chọn lựa ở tuổi thơ, chẳng có nghĩa gì hết. Bây giờ Hạo tiếc hồi đó chưa biết "nghề làm cách mạng". Giá biết, Hạo thử chọn nghề này xem thầy giáo khuyên bảo ra sao. Thủa bé chọn nghề đi buôn, lớn lên làm nghề cách mạng! Bất giác Hạo thấy thiếu cái gì quanh đời mình. Một bậc thầy chẳng hạn. Anh đã có người lãnh tụ già kính mến.

Nhưng giờ đây, không hiểu người lãnh tụ của anh đi đâu?

Hạo ngồi thật lâu. Hết nghĩ tới kỷ niệm cũ lại nghĩ tới những người bạn đã chết vì lý tưởng cách mạng.

Hạo đưa tay vuốt mặt. Vô tình, bàn anh anh đụng phải những sợi râu đâm tua tủa trên cằm. Hạo giật mình. Anh không còn trẻ nữa. Tuổi trẻ của anh sắp mất. Sự nghiệp anh chưa có gì. Hạo nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ em... Lâu lắm rồi, từ ngày bỏ nhà đi biệt tích, Hạo chưa có dịp nào về thăm nhà. Anh cũng chẳng viết thư về thăm hỏi gia đình. Nay chợt nhớ nhà, Hạo nghĩ cũng nên về qua một chút. Biết đâu, gia đình chả truyền hơi nóng vào cơ thể anh để anh mạnh dạn chiến đấu tới đích thành công.

Hạo bỏ công viên, anh gọi chiếc xích lô đạp. Món tiền bớt của vụ cướp nhà băng Hạo vẫn giữ. Anh có thể trích một nửa tặng mẹ và em. Hạo thấy lòng mình đỡ tủi. Nhưng ngồi trên xích lô, Hạo lại nghĩ ngợi.

Và anh quyết định không dùng tiền xương máu của anh em vào việc riêng nữa.

Hạo bước xuống xe theo con ngõ nhỏ, anh lần về nhà mình. Một bài nhạc ngoại quốc thu thanh ngoài lộ lùa vào ngõ hẹp. Tiếng vĩ cầm rít lên tê tái. Hạo rùng mình. Bài nhạc ám ảnh Hạo. Tới nhà mình, Hạo đứng im nhìn cánh cửa khép kín. Anh muốn gõ cửa, gõ thật mạnh. Rồi không hiểu sao, Hạo lại vội vàng thoát khỏi con ngõ nhà mình.

Anh tự nhủ:

"Mai mốt làm nên chuyện gì trở về cũng chưa muộn". Hạo rảo cẳng bước. Anh đi tìm lãnh tụ Hiển, đi tìm sự nghiệp cách mạng.

Hạo đã tìm thấy người lãnh tụ già
 Tác giả chủ đề| Đăng vào 3-7-2009 22:02:48 | Hiển thị tất cả tầng
Phần cuối

Sài Gòn... tháng... 195...

Thân mến Định, Sơn.

Tớ về Sài Gòn hơn một tháng rồi mà nay mới viết thư cho các cậu, kể thì hơi lâu đấy. Mong các cậu đừng giận. Khi bỏ lá thư vào thùng tớ tự hỏi không biết các cậu có còn được "xuống núi" nữa không? Nếu không, chắc các cậu sẽ sung dướng đến hơi thở cuối cùng. Vì tới lúc chết, các cậu vẫn tưởng mình chết vì Đảng, vì lý tưởng cách mạnh, vì lãnh tụ đáng mến Hiển và Bình. Nhưng tớ mong các cậu còn sống. Còn sống để nhận chân một sự thực phũ phàng nó đã thiêu hủy tuổi trẻ của chúng mình. Còn sống để trả thù cho đám bạn "đồng chí" của chúng mình đã chết oan uổng, đã gửi xác ở những xó rừng hoang quạnh quẽ.

Tớ chỉ còn trông mong vào các cậu. Cách đây một tuần trong người khó chịu, đêm sốt ngày hơi ho, tớ đi khám bệnh và bác sĩ bảo rằng tớ đã bị lao. Tớ nhấn mạnh:

tớ đã bị lao. Trong buồng phổi của tớ không biết đã có tới vài ngàn con vi trùng "cốc" chưa? Bá sĩ bảo tớ thức đềm nhiều, suy nghĩ lắm, không chịu tẩm bổ nên mới nên nông nỗi.

Được tin mình bị lao tớ không ngạc nhiên lắm. Tớ đã định không về nhà. Nhưng chẳng hiểu thế nào tớ lại trở về. Mẹ tớ không hỏi han gì cả. Bà cụ mừng quýnh đến phát khóc. Tớ nói thật với bà cụ rằng tớ bị lao nên tớ mới trở về. Bà cụ lại càng khóc thương hại. Các cậu thấy khôi hài chưa? Khi bỏ nhà ra đi tớ đã hứa làm được cái gì nên thân mới trở về nhà. Rốt cuộc chẳng thấy gì nên thân mà chỉ vác về hàng ngàn con vi trùng lao "làm cảnh" cho cuộc đời.

Các cậu đang sốt ruột, muốn biết chuyện ông Hiển phải không? Tớ đã gặp ông Hiển và ông Bình rồi.

Hai người đàn anh kính mến của chúng ta chưa bị bắt. Không ai có thể bắt nổi lãnh tụ của chúng ta. Thế mới hách chứ! Vì lãnh tụ đáng kích của chúng ta đã bán đứng đảng "cách mạng dân tộc" cho ông Ngô Đình Diệm rồi...

Bây giờ các cậu mới hiểu tại sao mật vụ của ông Diệm quăng lưới mới có một phát mà quét được một mẻ khá lớn như vậy. Nhưng ông Hiển đã bán anh em của chúng mình với một giá quá rẻ, quá hèn.

Bán trên một trăm người thề sống chết cho "cách mạng" lấy hai cái ghế Tổng Giám Đốc thì các cậu thử tính xem lãnh tụ kính mến của chúng mình có "dễ tính" không?

Ngồi mà nghĩ lại chuỗi ngày theo đàn anh, tớ đã cười ra nước mắt. Ông Hiển đã nói gì với chúng mình trên nhà sàn vào một đêm tối tăm ở rừng đồi Ban Mê Thuột?

Các cậu đã quên chưa? Riêng tớ thì chưa? Chỉ có Thái là đã quên hẳn. Thật giản dị, vì Thái đã chết. Tớ còn nhớ một buổi trưa, giữa lòng con suối cạn trong khu rừng vắng, ông Hiển đã gọi riêng tớ và Thái để khen ngợi thành tích giết hai người sĩ quan Pháp, để mời chúng tớ hút thuốc lá ba số 9 và cho mỗi đứa chiếc bật lửa. Giọng nói của người lãnh tụ già chĩu nặng tâm sự. Nghe thiết tha quá đỗi. Lúc ấy chúng tớ cảm động:

ngỡ rằng trên đời mình chỉ gặp một lần cảm động như thế này thôi.

Chúng tớ tình nguyện làm bất cứ một việc gì gọi là đền đáp sự "chiếu cố" của lãnh tụ. Và các cậu đã thấy, chúng tớ tung hoành không khác gì cọp non mới được mẹ cho phép rời khỏi hang. Chúng tớ tống tiền, giết người không gớm tay, không cần hiểu ý nghĩa của tĩnh từ tàn nhẫn nữa. Mục đích chính:

Vì đảng. Rồi chúng tớ được tuyên thệ. Lần tuyên thệ cảm động gấp mấy lần nghe ông Hiển đặt lịch sử vào đôi bàn tay chúng tớ. Hôm ấy tớ muốn khóc. Nhưng tớ nghĩ, một chiến sĩ cách mạng không có quyền ủy mị, nên tớ lại nín tiếng. Tuy vậy, cả đêm tớ không ngủ, chớp mắt là mường tượng ra bàn thờ tổ quốc với những chân dung của lãnh tụ tối cao họ Trần.

Chúng tớ hoạt động quên cả đời sống của mình. Ông Hiển trao một công tác gì là chúng tớ thực hiện ngay. Tớ chắc các cậu cũng giống tớ, nghĩa là ông Hiển trước khi "sai bảo" các cậu thì cũng đã thân mật và thiết tha trao lịch sử cho các cậu. Các cậu đâu nỡ chối từ đấu tranh để làm lại lịch sử. Nên chúng mình, kẻ lên rừng, người xuống núi, kẻ về thành, say sưa "đi làm lịch sử".

Lãnh tụ kính mến của chúng ta giỏi thật. Ông ấy đã biết khai thác nhiệt tình của tuổi trẻ, tự ái của tuổi trẻ, đã biết treo trái mộng trước mặt người tuổi trẻ, khiến người của tuổi trẻ phát thèm. Để các lãnh tụ lợi dụng.

Đến hôm nay tớ mới hiểu tại sao ông Hiển dấu diếm những cái chết bi đát, phi lý của Mạo, Thịnh, Huấn, Nhân. Chỉ tiếc Bách và Khải trước khi xơi đạn của "kẻ thù" vẫn chưa biết nỗi lòng của lãnh tụ. Như thế là may mắn. May mắn vì không biết mình chết cho một thứ phù thủy nhiều bùa phép. Đến hôm nay tớ mới hiểu tại sao ông Hiển lại sai tớ xuống miền Tây thủ tiêu Huỳnh Văn Xiển.

Các cậu còn nhớ bài báo đăng ở tờ "Tin Sớm" đã thuật lại cho các cậu nghe chứ? Bài báo ấy điều tra rất tỉ mỉ. Họ biết được một vài chi tiết và cho rằng vụ tống tiền nhà băng là do một nhóm hoạt động chính trị chủ trương. Nhóm ấy có năm người. Ba người đã chết. Tớ và Chấn thoát. Ông Hiển sợ ngày một ngày hai lọt lưới công an. Bị đánh đau tất phải khai. Mà khai thì ông Hiển ốm đòn. Bởi vậy ông ấy không muốn ra tay thủ tiêu hai nhân chứng quan trọng mà lại nhờ Huỳnh Văn Xiển thịt tớ và chú nhỏ Chấn.

Các cậu thấy rồi chứ, lãnh tụ đáng kính mến của chúng ta cao tay nhỉ? Giá không có các cậu chắc chắn giờ đây tớ và chú Chấn đã chết thúi xác trong mật khu của Huỳnh văn Xiển rồi còn gì nữa! Thế mà Bách trước khi gục ngã vẫn còn ca ngợi lãnh tụ Hiển. Duy có một điều tớ chưa hiểu nổi là tại sao ông Hiển bán luôn cả anh Luyến, anh Đăng? Bán chúng mình thì được lắm rồi, vì chúng mình chỉ là những con tép riu.

Chứ bán bọn anh Luyến, anh Đăng quả thật tớ không hiểu. Hay bán cả tép riu lẫn cá chép mới được giá? Hay không bán bọn anh Luyến thì ngày đẹp trời nào đó bọn anh Luyến sẽ bán lãnh tụ?

Thân mến Định, Sơn.

Khi bỏ nhà ra đi, chúng ta đâu có ngờ chuyện mua bán bỉ ổi này. Ừ, chúng ta đâu có ngờ. Lợi dụng lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, lợi dụng lòng yêu nước, sự hăng say nhưng khờ khạo của chúng ta, bọn lãnh tụ cướp giật hết những gì chúng ta có, những gì chúng ta làm được để tô điểm lên những tấm thân ghẻ lở hôi thối của chúng. Y hệt những tên cò mồi trong những đám bạc nhỏ của thời thơ ấu của chúng ta, bọn lãnh tụ ra tay "lột" chúng ta không một chút ái ngại.

Hẳn Định và Sơn đã mường tượng ra những tên cò mồi? Tớ có một kỷ niệm nhỏ về cò mồi, tớ nói cho các cậu nghe. Hồi nhỏ, tớ ham đánh cò cua tôm cá lắm. Tết nào tớ cũng được nhiều tiền mừng tuổi. Mà tết thì chẳng gì để tiêu cả. Ăn phở đâu có ngon bằng miến gà ở nhà. Vậy chỉ còn cách đánh cò cua tôm cá là thú vị nhất. Tớ mang tiền mừng tuổi đi đánh bạc. Đám bạc bên đường ngày tết đông khách bạc con nít lắm. Tớ chen mãi mới lọt vào "sòng".

Ngồi ngắm một lúc, tớ thấy một gã đàn ông (dưới mắt tớ thủa bé gã đàn ông trông hiền lành chứ không đến nỗi tệ) được bạc ghê quá. Hắn đánh cửa nào ăn cửa ấy. Tiền hắn vơ đầy cộm túi. Tớ nóng tai bèn rút tiền khỏi túi. Gã đàn ông nhìn tớ mỉm cười. Hắn nháy mắt khuyến khích tớ chơi. Hắn bảo hắn đang đỏ, nên theo hắn mà đánh sẽ thắng to.

Không những tớ nghe hắn mà vô số thằng nhãi bằng tuổi tớ cũng nghe hắn. Hễ hắn đánh cửa cua, tớ đánh theo cửa cua. Hễ hắn đánh cửa cò, tớ theo cửa cò. Thoạt đầu tớ được năm bảy cái liền. Sau đó, gã đàn ông thua hoài, tớ cũng thua luôn. Hắn lại bảo hết đen rồi đến đỏ, cứ theo mà đánh tất phải được. Cả lũ nhãi chúng tớ tin lời hắn. Bấy giờ hắn ta là ông tướng. Cứ theo hắn mà đánh, cuối cùng tiền trong túi tớ bay sạch vào túi tên sóc cò cua tôm cá. Chúng tớ hết tiền rã đám. Còn mỗi mình gã đàn ông đánh. Hắn lại được.

Năm nào tớ cũng thua cò cua tôm cá. Cho tới năm 15 tuổi tớ mới biết gã đàn ông khuyến khích tớ đánh bạc là một tên cò mồi. Một tên cò mồi là một tên cờ bạc gạo, đểu cáng hết chỗ nói. Vậy mà thủa ấu thơ mình đâu biết. Mình nghe nó xui dạu, nướng ráo tiền bạc cho nó và công ty của nó. Tự khi biết cò mồi, tớ thề không đánh bạc nữa.

Nhưng lớn lên tớ lại đi đánh bạc. Và tớ đã gặp các cậu. Chúng ta đánh bạc lớn hơn và chiếu bạc, dĩ nhiên cũng khác hơn. Tớ tự hỏi tại sao trong mạch máu của mỗi thằng tuổi trẻ đều có ít nhiề vốn "cách mạng"? Giá không có chút vốn liếng, chiếu bạc dù quyến rũ gấp mấy chắc chắn chúng mình chẳng muốn ngó tới. Như thế cũng xong. Khổ nỗi máu "đỏ đen" thôi thúc ít mà cò mồi hối thúc nhiều. Thành thử chúng mình nóng tai, chen chân vào chiếu bạc. Chúng mình đã thi nhau dốc hết tâm hồn của tuổi trẻ, dốc hết nhiệt huyết của tuổi trẻ, dốc hết lòng tự ái, sự ham mê, dốc hết vốn liếng theo những tên cò mồi cách mạng.

Và chúng ta đã nhẵn túi. Không lẽ, thua bạc đời mà lại gào thét như những thằng điên ngoài đường phố? Thua bạc đời sầu đau đến độ không muốn nói. Khẩu Walther mà tên cò mồi Hiển, người lãnh tụ già đáng kính mến của chúng ta tặng tớ hãy còn đây.

Lúc gặp hắn ngồi trên xe Huê Kỳ của tớ, của Thái, của chúng ta, tớ muốn bắn vỡ đầu nó ra. Nhưng tớ tạm tha chết cho nó. Tớ nghĩ rằng bắn một tên cò mồi cách mạng bẩn cả đạn. Tớ muốn giết nó bằng cách khoét đôi mắt nó, cắt cái lưỡi nó cơ. Các cậu biết tớ thua hết vốn liếng tuổi trẻ, tớ thù lãnh tụ Hiển tới mức nào.

Bây giờ mới biết thếm lãnh tụ cách mạng Hiển giống hệt những tên cò mồi cò cua tôm cá hồi thơ ấu.

Cũng dụ dỗ, cũng khuyến khích... Nhưng lãnh tụ Hiển nhiều thủ đoạn hơn những tên cò mồi cắc ké. Bởi thế hắn là cò mồi cách mạng. Chúng ta đi làm lịch sử với những tên cò mồi. Chúng nó lập sòng, lập công ty để bóc lột những ý nghĩ đẹp đẽ của tuổi trẻ, của chúng ta đối với dân tộc, tổ quốc. Thay vì cò cua tôm cá, bọn cò mồi cách mạng vẽ hoa vẽ bướm lên những cửa Lịch sử, Ái quốc, Cách mạng, Chính trị. Chúng ta đánh cả bốn cửa. Và mới chỉ đánh có mấy tháng, mắt đã mờ, tâm hồn đã rã rượi.

Ngồi mà nghĩ lại những lời của lãnh tụ Hiển mới thấy phát tởm. Lý tưởng cách mạng, tiền đồ dân tộc, tương lai xứ sở, hạnh phúc nhân dân, độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc, bình đẳng vân vân... chỉ là những danh từ bịp bợm. Lãnh tụ Hiển đã dùng danh từ thơm tho này "sùy" chúng ta chẳng khác gì những tên thợ săn ném đá vào bụi rậm "sùy" đàn chó của bọn họ. Chúng ta giống những con chó. Chúng ta lao đầu vào những bụi rậm hiểm nghèo để bắt "tiền đồ dân tộc, hạnh phúc nhân dân", không cần biết trong bụi rậm có những con rắn độc chờ đợi phì nọc độc vào mắt mũi chúng ta. Chúng ta hăm hăm hở hở, chỉ cốt vồ con mồi đem dâng lãnh tụ. Chúng ta khờ khạo, vụng về quá. Đến nỗi bọn lãnh tụ "sùy" như "sùy" chó.

Thân mến Định, Sơn.

Tớ chắc các cậu còn ghi lời thề chống ông Ngô Đình Diệm, chống cộng sản, chống Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Các cậu hãy còn tin tưởng rằng chỉ có học thuyết do ông Trần nào đó - có thể là Trần Phiệu theo trí tưởng tượng của lãnh tụ Hiển - mới áp đảo được học thuyết cộng sản. Các cậu còn suy tôn lãnh tụ Hiển, coi ông ta như một bậc thầy dẫn dắt môn đệ vào lịch sử. Các cậu tin tưởng rằng các cậu sẽ trở về trong sự hoan hô cuồng nhiệt của đồng bào. Những vòng hoa quàng đầy lên cổ các cậu. Những ánh mắt thiết tha, thương mến đăm đăm theo dõi bước chân các cậu đi. Rồi các cậu chọn một bộ, mỗi cậu trở thành một ngài Bộ Trưởng. Có kẻ ngông cuồng còn muốn bắt chước lời tuyên bố của Hồ Chí Minh, gác danh lợi trở về câu cá.

Ồ, trước đây hai tuần tớ cũng còn tin tưởng như vậy. Hố tự ái của tuổi trẻ sâu thăm thẳm. Chỉ có con đường chúng mình theo đuổi mới lấp đầy được. Thái mơ ước phá được cái cổng sắt, tiêu diệt bầy chó dữ và đập cái chuông gắn trên bức tường nhà người yêu để Thái dễ dàng tới thăm người yêu. Thái mơ ước cách mạng thành công để Thái đủ sức đạp nát bức tường thành kiến cao, dầy ngăn trở tình yêu của loài người. Cách mạng không thành công, không bao giờ thành công. Thái chết. Thái chết cũng không bao giờ biết mình chết dại dột, chết không được hưởng một giọt nước mắt của người thân thích, chết khốn nạn như một cái xác vô thừa nhận. Chẳng biết nấm mồ của Thái ở đâu? Cỏ đã mọc xanh chưa?

Nhưng, thân mến Định, Sơn.

Tớ nghĩ Thái sung sướng hơn chúng ta. Thái không biết lãnh tụ Hiển là một thứ cò mồi hèn hạ. Thái không biết tin người yêu của Thái đã đi lấy chồng. Chỉ có chúng mình, ba đứa còn sống sót mới biết rõ bộ mặt thật của những lãnh tụ cách mạng. Chúng ta là những kẻ thua bạc nhưng còn tí tiền còm về xe. Riêng tớ, tớ biết thua vì tớ bị bịp. Các cậu đang đặt nhiều dấu hỏi lắm đây. Hãy chịu khó "xuống núi" bơi xuồng ra bến đò Lăng Gù mua báo mà đọc.

Các cậu sẽ thấy mặt mũi lãnh tụ Hiển của chúng ta. Tên ông ta không phải là lãnh tụ Hiển mà là Hoàng văn Hạnh! Bây giờ Hoàng Văn Hạnh đã trở thành tôi tớ trung thành của ông Ngô Đình Diệm, một ông Tổng Giám Đốc, chứ không còn là lãnh tụ Hiển của đảng "cách mạng dân tộc", người đã, vào một đêm mù mịt, trên căn nhà sàn ở Ban Mê Thuột, thề không đợi trời chung với anh em họ Ngô. Ông Tổng Giám Đốc Hoàng Văn Hạnh lúc này đi xe Huê Kỳ của riêng ông. Tiền này do bọn cậu Sơn đóng góp bằng cách vượt biên giới buôn thuốc phiện lậu. Tiền này do bọn tớ tống tiền, cướp giật... Tiền này do Định cướp cạn. Chín anh em chúng ta đã chết thảm thương để có tiền cho lãnh tụ mua xe Huê Kỳ, mua vi la. Và rồi lãnh tụ đã bán anh em chúng mình để sống cho hợp pháp.

Thân mến Định, Sơn.

Bất chợt tớ nhớ lại một câu chuyện cổ tích ma quái mà hồi nhỏ, bà tớ đã kể cho tớ nghe. Chuyện một con yêu tinh giả hình thành một cô gái rất đẹp, rất duyên dáng, rất đôn hậu để chài một cậu học trò. Cậu học trò mê gái đẹp đến nỗi bỏ cả học hành thi cử, bỏ cả tương lai sự nghiệp đi theo giai nhân. Rồi cậu đắm say trong tìmh ái. Con yêu tinh giả hình rút dần tủy trong xương của cậu, máu trong tim cạu. Nhưng cậu học trò chẳng hay gì. Cậu vẫn mê vợ. Đến nỗi thân thể cậu rã rời, thảm não...

Ngày kia, vô tình cậu học trò khám phá ra người vợ đẹp mà cậu ôm ấp bấy lâu, chỉ là con yêu tinh. Cậu run sợ, tìm cách trốn. Con yêu tinh đâu chịu để cậu học trò trốn. Nó hiện nguyên hình, nhe răng nanh nhọn hoắt, thè cái lưỡi đầy máu ra xỉ vả cậu học trò. Nó bảo cậu là đồ phản bội. Nó phải giết cậu cho mất tích, để cậu sống, cậu tố cáo nó thì nó hết đất làm ăn. Và nó đã ăn thịt cậu học trò hiếu sắc.

Thân mến Định, Sơn.

Chúng ta là cậu học trò trong cổ tích tớ vừa kể. Chúng ta mê cách mạng, mê tạo một sự nghiệp phi thường. Chúng ta gặp bọn lãnh tụ giả hình. Chúng nó đã hút hết tủy máu của tuổi trẻ của chúng ta. Lãnh tụ Hiển còn ghê gớm hơn cả yêu tinh. Ông ta mới sợ "hết đất làm ăn" một khi công an thộp cổ tớ, đã lùa tớ về miền Tây để nhờ Huỳnh Văn Xiển kết liễu cuộc đời tớ. Thủ đoạn của người lãnh tụ già của đảng "cách mạng dân tộc" cao siêu quá! Rất may tớ chưa chết, chúng ta chưa chết. Còn có hôm nay được mở mắt thật rộng mà nhìn thẳng vào trái tim đen của bọn lãnh tụ giả hình.

Thân mến Định, Sơn.

Anh em chúng ta chỉ có mười đứa. Thái và tớ kết nạp được thêm một trăm anh em khác. Hơn một trăm thanh niên theo đuổi một lý tưởng và đã cùng gặp một yêu tinh, một lãnh tụ giả hình, một cái đảng nghe êm tai và một lý thuyết gia, một triết gia Trần... Phiệu! Tớ tự hỏi không biết cái thời hậu chiến này, đất nước Việt Nam đau khổ của chúng ta có bao nhiêu lãnh tụ giả hình cở lãnh tụ Hiển? Chắc phải nhiều lắm, bọn họ chạy lông nhông ngoài cuộc đời mà khéo hóa trangnên chúng ta đâu nhận diện được, tất nhiên chúng ta lầm, nhắm mắt theo họ. Tớ cũng tự hỏi không biết ở cái thời hậu chiến này tại sao thanh niên bằng tuổi chúng mình hay lừa gạt thế? Một thế hệ tuổi trẻ chưa kịp vươn lên đã bị những con sâu đục thối tâm hồn. Không riêng gì chúng ta bất hạnh mà tớ tin rằng cả cái thế hệ này đều bị bọn lãnh tụ giả hình đầy đọa, lột, xí gạt, bỏ rơi...

Thân mến Định, Sơn.

Các cậu có biết tại sao lãnh tụ Hiển của chúng ta đeo kính đen vào bất cứ lúc nào không? Bây giờ tớ mới hiểu các cậu ạ! Ông ta muốn dấu đôi mắt gian dảo của ông ta. Bây giờ mới hiểu con cò mồi cách mạng thì đã muộn rồi.

Tớ không hy vọng gì làm lại cuộc đời... cách mạng nữa. Cả cuộc đời tớ, tớ cũng hết hy vọng. Tớ sẽ làm gì cho tớ, cho gia đình tớ? Bệnh lao ngày nào đó sẽ hủy diẹt thể xác tớ. Trị bịnh lao thì phải bình tĩnh kiên nhẫn. Lúc này đây, tớ bình tĩnh sao nổi. Tớ tưởng cánh tay tớ mà phóng ra một trái đấm, có kẻ phải thiệt mạng. Tớ thù hận bọn lãnh tụ giả hình,thù hận cách mạng, thù hận chính trị, thù hận đàn anh của thế hệ chúng ta! Ôi! Lớp đàn anh quý hóa, họ đã hững hờ nhìn chúng ta đi, họ đã cố tình giả vờ không biết chuyện gì. Rồi họ ngồi ở trong tháp ngà dĩ vãng, vọng lời ra chê trách chúng ta. Chúng ta không có quyền hỏi han gì họ. Họ muốn chúng ta tôn họ lên bậc thần tượng. Chúng ta chỉ được phép khen họ, suy tôn họ, mà chằng có quyền chê trách họ. Vô phúc chúng ta đụng tới họ thì như những ông bình vôi già nua đặc sịt chất tự ái, họ nhảy chồm lên ăn thua đủ với chúng ta. Đàn anh của chúng ta đấy. Hèn chi chúng ta chả bị bọn cò mồi cách mạng lột nhẵn trụi.

Thân mến Định, Sơn.

Đàn anh của chúng ta, nếu tớ không nhầm, đã có lần bằng tuổi chúng ta, họ cũng đammê một lý tưởng như chúng ta đã đam mê, họ cũng đem xương máu của họ ra phục vụ lý tưởng, phục vụ dân tộc như chúng ta. Rồi thì kẻ gục ngã trên bãi chiến trường, miệng vẫn nở nụ cười đẹp hơn cả thiên thần. Vì tin rằng mình chết cho sự trường tồn của đất nước, của dân tộc. Kẻ thì một đêm nào đó bị bịt mặt dẫn vào khu rừng hoang bị nhát búa bổ trúng đầu hay bị lưỡii dao đâm trúng tim, chết khốn nạn, chết tủi nhục mà không biết tại sao mình đáng chết hèn hạ thế. Kẻ thì vượt ngục tù bỏ hàng ngũ bởi đã nhận ra kẻ thù nguy hiểm hơn cả kẻ thù lại là kẻ đang chiến đấu bên mình. Đàn anh ghê tởm kẻ phản bội, ghê tởm nhưng cứ khư khư cái quá khứ "kháng chiến" và muốn chúng mình phải xưng tụng.

Đàn anh chúng ta đấy! Nhiều kẻ còn tầm thường hơn, bằng lòng cuộc sống nhung lụa, bán đứng cái quá khứ "kháng chiến" cho kẻ thù để lên xe xuống ngựa. Nhiều kẻ ngồi sỉ vả vu vơ. Nhiều kẻ trở nên bọn hủ nho, tiềm lực, muốn "đau mắt" hết cả quãng đời còn lại của mình. Nhiều kẻ lắc đầu nhìn đàn em "lạc đường vào lịch sử". rất ít, có thể nói còn vỏn vẹn một người biết "đem tâm tình viết lịch sử" để chúng ta coi. Nhưng thứ "tâm tình" đó đối với cả một thế hệ tuổi trẻ thấm tháp vào đâu? Chúng ta chỉ có một người biết "tâm tình" và thích "tâm tình". Người đó tha thiết chúng ta lắm, song người đó cũng chỉ biết thương hại chúngta thôi. Trên mình mẩy mọt chiến sĩ già, những vết thương chưa lành còn đau nhức, người chiến sĩ già không thể gượng gạo chiến đấu với những con cọp non được. Hoặc người chiến sĩ già vừa thua trận ngại ngần chẳng dám ngỏ thẳng lời với chúng ta hay làm cố vấn cho chúng ta, mà chỉ "tâm tình".

Thân mến Định, Sơn.

Giá trước khi lên rừng theo lãnh tụ Hiển tớ đã biết bức thư này thì chắc chắn tớ không muốn đi làm lịch sử nữa. Tớ bằng lòng sống như mọi người khác để khỏi gặp lũ cò mồi cách mạng. Cách ngôn dạy chúng ta "thất bại là mẹ thành công". Trong trường hợp chúng ta, thất bại thì thể xác rã rời, tâm hồn đã điên dại, thành công có lẽ ở kiếp sau. Chúng ta cũng chẳng "thành nhân" được. Vì bao nhiêu nhân của chúng ta chưa kịp mọc mầm lãnh tụ Hiển đã nhổ hết lên bán cho ông Ngô Đình Diệm rồi. Chó má thật! Ngồi mà nghĩ tớ mới thấy chúng mình dễ bị xí gạt quá. Ôi cái miếng mồi bài đế quốc Mỹ, phản thực dân Pháp, diệt cộng sản, chống Ngô Đình Diệm nó mới thơm tho làm sao!

Cò mồi cách mạng ví chúng ta như Quang Trung! Tâm hồn mỗi thằng chúng ta khi trở về lịch sử thì chỉ mơ ước được làm tên lính dưới cờ Quang Trung thôi. Tế nhưng cò mồi cách mạng thiếttha trao sứ mạng lịch sử cho chúng ta, chúng ta "tưởng bở" vồ vập lấy. Cảm động là đằng khác. Rồi chúng ta luôn nghĩ rằng mình sắp làm Quang Trung của thời đại mới. Chúng ta chống Mỹ, chóng Nga, chống Tàu, chống Tây, chống Hồ Chí Minh, chống Ngô Đình Diệm? Cơn hăng máu lắng lại, tớ mới kịp thấy chúng ta khờ khạo quá. Chắc tên cò mồi Hiển và công ty của hắn vừa cười vừa chửi chúng ta mục mả.

Thân mến Định, Sơn.

Đàn anh chúng ta đấy! Chúng ta gặp đàn anh Luyến, Hiển, Bình. Đành anh dẫn dắt chúng ta vào lịch sử... cò cua tôm cá và rủ rê để "thịt" hết chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta phải khôn ra. Không khôn ra thì làm gì có hôm nay, tớ được trở về với mẹ già em dại ngồi dưới mái nhà của tớ để viết bức thư này cho các cậu. Mỗi sự khôn ra đều phải trả bằng một giá rất đắt. Sự khôn ra của chúng ta, vì là sự khôn chính trị nên giá càng đắt. Không thể so sánh được. Bạn bè chúng ta đã chết, tâm hồn chúng ta đã chai đá, sự khôn ra của chúng ta đắt giá như thế. Tớ nghĩ giá bây giờ lại có một thứ lãnh tụ hách hơn lãnh tụ Hiển đến ""mồi" tớ bằng những mồi "cách mạng, thế hệ, lịch sử, tương lai, tiền đồ xứ sở, hạnh phúc nhân dân...", chắc chắn tớ có quyền phỉ nhổ vào mặt hắn mà không sợ mình phỉ nhổ nhầm một lãnh tụ anh minh của dân tộc, một chiến sĩ cả đời tận tụy cho non sông, tổ quốc.

Tớ muốn giết lãnh tụ Hiển. Nhưng chưa biết giết cách nào để lãnh tụ kính mến của đàng "cách mạng dân tộc" vừa ý? Hình phạt nào mới xứng đáng cho một tên lừa gạt tuổi trẻ, cho những tên làm ung thối một thế hệ mới vươn lên để tìm chỗ đứng cho dân tộc dưới ánh mặt trời? Mà chỉ giết một tên cò mồi cách mạng Hiển thì cũng như giết một tên chó ghẻ. Những người bằng tuổi mình đâu có hay mình đã trừ khử một tên phản bội đàn em. Nên tớ tạm tha hắn.

Thân mến Định, Sơn.

Hiện thời, bệnh tình của tớ khá nguy. Mai mốt tớ xin vào nhà thương lao. Ở đấy, tớ cố gắng viết một truyện dài hoặc vài cái truyện ngắn lên án bọn lãnh tụ cách mạng. Tớ hy vọng những anh em bằng tuổi tớ, bằng tuổi chúng ta đọc truyện của tớ để khỏi theo lũ cò mồi "khởi sự việc phi thường bằng những việc phi pháp" rồi hoặc chết khốn nạn ở xó rừng hoang, hoặc kéo dài cuộc đời trong ngục thất hoặc phiêu bạt sống kiếp giặc cỏ, hoặc vào nhà thương lao. Viết xong truyện, tớ sẽ giết lãnh tụ Hiển. Tớ sẽ ra tòa và khai hết lý do tại sao tớ giết tên cò mồi cách mạng ấy. Tớ có thể bị xử tử, bị khổ sai chung thân. Nhưng cần gì.

Cách mạng tớ cũng chẳng cần, cần gì cuộc sống hận thù. Bản án của tớ, tớ tin rằng, sẽ vạch mặt bọn lãnh tụ giả hình. Chúng sẽ không đầy đọa Tuổi Trẻ được nữa.

Thân mến Định, Sơn.

Người đời sẽ trách chúng mình nhiều tham vọng, trách chúng mình đi con đường tắt của sự nghiệp.

Chúng ta nhiều tham vọng thật nhưng chúng ta chẳng biết con đường tắt là con đường nào. Hay là con đường tắt là con đường đi làm chính trị? Nhiều tham vọng, tuổi trẻ ai chả nhiều tham vọng?Trách chúng mình là trách sai. Còn nếu con đường tắt là con đường chính trị thì con đường ấy quả nhiên bẩn thỉu vô cùng. Chúng ta không biết con đường ấy bẩn thỉu nên mới nhào vô. Nay đã biết, chân mình lấm bùn nhơ rồi còn gì nữa.

Chúng ta khờ khạo, ngu ngơ, chỉ ham cái đẹp và không để ý đến cái xấu. Chúng ta tình nguyện đi làm tôi tớ cho bọn lãnh tụ mà cứ tưởng mình vì dân vì nước. Bây giờ, ngồi nghĩ lại, mới thấy chúng ta dại hết chỗ nói. Làm chính trị hay làm cách mạng thì phải làm hách. Phải làm lãnh tụ cấp bự thì hãy nên làm chính trị. Còn không ham mồi chính trị mà nhào vô đàng phái thì chỉ "hân hạnh" được đi rắc truyền đơn, đi buôn thuốc phiện lậu, đi tống tiền "gây quỹ đảng"! Gây quỹ đảng nghe ra thì cảm động lắm. Nhưng nếu biết rằng gây quỹ để nuôi lãnh tụ, để nuôi cha mẹ vợ con, đầy tớ và chó mèo của lãnh tụ thì còn "cảm động" hơn. Cảm động đến ứa nước mắt. Thí dụ trường hợp anh em mình. Sơn, Khải, bách, Huấn, Mạo, Thịnh, Nhân đi buôn thuốc phiện lậu. Định đi làm giặc cỏ. Tớ và Thái đi tống tiền, đi rắc truyền đơn. Kéo theo cả trăm anh em khác, trong đó có Danh, Chấn, Thảo và người yêu của tớ, đi làm cán bộ lương ngàn rưởi để bớt một phần ba đóng góp vào "tương lai dân tộc".

Xương máu, mồ hôi, nước mắt của chúng ta, bọn lãnh tụ hưởng thụ. Lão Hiển sắm xe Huê Kỳ, ở vi la.

Lão Bình đâu chịu thua lão Hiển. Hai tên cò mồi chia nhau công lao của chúng ta. Nếu quả thực chúng nó có "chính nghĩa", các cậu cứ tin tớ đi, khi cách mạng của chúng nó thành công, chúng mình vẫn chỉ là con tép riu. Bấy giờ không rắc truyền đơn đả đảo nữa, chúng ta lại rắc truyền đơn hoan hô. Và vác ống đu đủ thổi phồng sự nghiệp đấu tranh anh dũng của lãnh tụ! Chúng ta đừng hòng chức tước mà chúng phong cho chúng ta hồi còn trong bóng tối. Đừng hòng. Lãnh tụ, thằng nào cũng giống thằng nào, nghĩa là chúng nó khốn nạn hết, dù chungnó có chính nghĩa hay không chính nghĩa.

Tuổi trẻ, đáng lẽ chĩ nên học hành cho kiến thức dồi dào. Rồi, đợi khi tuổi chín chắn, muốn làm chính trị hãy làm. Đằng này, kiến thức chúng mình còn nông nổi, tuổi đời chưa quá ba mươi, chúng mình đã vội nhào vào con đường chính trị đầy rắn độc, hèn chi chúng mình chẳng thất vọng. Nghĩ cho cùng, làm cính trị mà không làm lãnh tụ thì chúng ta chỉ làm những con vật hy sinh cho bọn lãnh tụ. Chúngta không khác gì con đường rầy, chịu đựng mọi sự tủi nhục để bọn lãnh tụ nghiến lên và đi tới đích của chúng. Chúng ta không khác gì chiếc thang để cho bọn lãnh tụ leo lên đỉnh danh vọng và hất chiếc thang đổ xuống. Nói đúng hơn, giờ phút này, chúng ta là những trái cam đã bị vắt hết nước. Tép riu đi làm chính trị, nếu may mắn không bị vắt hết khả năng thì suốt cuộc đời chính trị, từ trẻ đến già cũng vẫn chỉ là những thằng chạy cờ cho bọn lãnh tụ.

Thân mến Định, Sơn.

Chúng ta không còn thì giờ để làm lại cuộc đời nữa. Tớ biết khi đọc xong lá thư này, các cậu buồn.

Nếu các cậu không muốn rời Huỳnh Văn Xiển thì xin làm ơn đưa chú Chấn về Sài Gòn hộ tớ. Tớ có món tiền nhỏ, đủ để chú ấy học hành không phải đi vào sự nghiệp bằng con đường tắt. Đối với tớ, thế là hết.

Vĩnh biệt cuộc đời làm chính trị, cách mạng. Vĩnh biệt bọb lãnh tụ giả hình. Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả hoài vọng của tuổi trẻ chúng mình đã biến thành Ảo Vọng. Chúng ta thua bạc hết cả rồi. Còn vốn liếng đâu mà gỡ gạc hở Định ơi, Sơn ơi!


Gia Định, ngày 29-6-64
DUYÊN ANH
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 15-11-2024 12:47 PM , Processed in 0.024187 second(s), 14 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách