|
Tào phớ ở Hà Nội thường được bán rong; hình ảnh người bán hàng gánh một đầu là thùng tào phớ, đầu kia là một chạn nhỏ rong ruổi khắp các con đường, miệng rao " Ai...phớơơ đây" trở nên quen thuộc tại thành phố này. Tuy nhiên thời gian gần đây gánh hàng thường được thay thế bằng chiếc xe đạp cũng với "thiết kế" riêng để chở được hết đồ dùng.
Tào phớ thường được bắt gặp vào mùa hè, do đây là một đồ ăn "mát, giải nhiệt". Một đầu quang gánh treo một chiếc chạn nhỏ đủ đựng dăm bảy chiếc bát, với một bình nước đường và một xô nhỏ nước tráng. Đầu kia là thùng đựng tào phớ. Thùng đựng tào phớ thường được làm bằng gỗ ghép đóng đai. Tào phớ đựng trong thùng còn nóng hàng giờ. Người bán hớt từng lát tào phớ vào bát bằng một miếng tôn nhỏ, đồ dùng để hớt xưa thường gặp là một mảnh vỏ trai to, sáng và óng ánh lớp xà cừ, nước đường pha vừa miệng, ướp hoa nhài tươi (thả trực tiếp vào bình đựng). Nước đường ấy chan ngập bát tào phớ. Người ăn có thể húp một hơi, cũng có thể dùng thìa dầm nhẹ tào phớ ra rồi xúc ăn. Mùa hè, có thể thêm đá vụn vào bát ăn cho mát. Sau loại thùng gỗ, đồ hớt tào phớ cũng được thay thế bằng kim loại, tuy nhiên tào phớ vẫn được ưa thích. Người bán tào phớ rong có thể thường là nam giới với tiếng rao khoẻ và vang vọng.
Huế, Đà Nẵng
Tào phớ ở Huế, Đà Nẵng và hiều nơi ở miền Trung cũng được bán rong nhiều, tại các nơi này nó được gọi là đậu hủ. Vị đậu hủ có khác với tào phớ ở Hà Nội. Đậu hủ Huế nấu có cho thêm chút gừng giã dập hoặc xắt lát, thơm và cay, miếng đậu hủ "lỏng" hơn, thường không định hình. Ngày xưa người bán hàng thường gánh hàng đựng trong chum, vại bằng đất nung màu nâu khoảng chừng 20 lít. Khi có khách hàng cần phục vụ, họ dùng cái "muỗng" dẹt gần như phẳng để hớt đậu hủ, thành từng lát mỏng, ra bát. Đậu hủ Huế có thể ăn rắc đường lên trên hoặc không cần đường.
Sài Gòn
Người trong miền Nam, nhất là Sài Gòn, thường gọi món này là tàu hủ. So với tào phớ ở miền Bắc và đậu hủ miền Trung, tàu hủ đặc hơn, có thể có nước cốt dừa, thường được ăn nóng với nước đường, thêm chút gừng và nhiều nơi còn thêm những viên bột lọc nhỏ. Tàu hủ thường được bán trên các đòn gánh hàng rong hoặc xe đẩy với tiếng rao ơi ới: Tàu hủ đâyy. Người bán thường là phụ nữ với lộ trình đi qua nhiều ngõ hẻm. Đôi khi tàu hủ được bán chung với chuối nước dừa, chè... Người bán thường có sẵn đòn và chén để múc cho người mua ăn tại chỗ, dụng cụ múc tàu hủ cũng dẹt như ở miền Trung. Tàu hủ có thể bán theo chén hay đóng gói để gặm mút như chè, tuy nhiên cách thịnh hành nhất vẫn là ăn bằng chén.
Ngoài ra ở Sài Gòn còn cách chế biến khác đó là tàu hủ dầm với nước đá, nước dừa... gọi là tàu hủ đá. Tàu hủ đá thường được bán ở các quán chè. Món này ăn mát, mùi dịu đặc trưng, được giới học sinh rất ưa thích.
Ở Sài Gòn, tàu hủ bán được quanh năm suốt tháng, trở thành một trong những món ăn chơi dân dã phổ biến nhất mà giá tiền lại thấp.
Cách làm tào phớ
Tàu hũ hoa nước đường
Nguyên liệu: 4 phần
- 300 g đậu nành.
- 5 lít nước lạnh.
- 100 g bột năng.
- ½ kg đường thẻ.
- 1 chén nước, 1 củ gừng.
Thực hiện:
Đậu nành ngâm nước độ 3 giờ, bóc vỏ, rửa sạch. Cho đậu vào thau, đổ 2 lít nước lạnh vào xay nhuyễn. Nhồi thêm 3 lít nước để vắt hết sữa. Dùng khăn mịn lượt bỏ chất bã. Phần sữa còn lại đun sôi, quậy đều, hớt bọt. Lấy một chén sữa hoà bột năng cho tan. Trút sữa đun sôi vào thau có bột năng, quậy đều. Đậy nắp chờ bột đặc lại.
Đun nước đường với gừng. Hớt từng muỗng đậu vào chén ăn với nước đường. |
|