Quên mật khẩu
 Register
Xem: 7340|Trả lời: 0

Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân

[Sao chép liên kết]
Đăng vào 8-10-2008 23:00:19 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Nguyễn Sơn (1908–1956) là một trong những người Việt Nam được phong quân hàm tướng đợt đầu tiên vào năm 1948. Ông cũng được Trung Quốc phong quân hàm tướng (tướng Hồng Thủy)vào năm 1955 nên còn được gọi là Lưỡng quốc tướng quân

Tuổi trẻ
Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông là con cụ Vũ Danh Xương, một nhà đại tư sản ở Hà Nội. Khi mới lên 5 tuổi ông đã bắt đầu học tiếng Pháp tại một trường Dòng ở Hà Nội. Mười bốn tuổi ông thi đậu vào trường trường Sư phạm Hà Nội [cần dẫn nguồn]. Vốn sẵn máu phiêu lưu, ông giả vờ uống rượu say, gây sự với bố vợ để lấy cớ bỏ người vợ trẻ (vợ đầu tiên) cùng cô con gái mới 6 tháng tuổi là Nguyễn Thanh Các và ra đi.

Năm 1923 ông sang Pháp một thời gian ngắn và ở đấy ông đã làm quen với Nguyễn Ái Quốc, tiếp xúc với chủ nghĩa Mác. Qua một số lần trò chuyện ông đã thấy cảm phục và lôi cuốn bởi tư tưởng yêu nước, thương dân của Nguyễn Ái Quốc. Về nước được ít lâu ông quyết định bí mật theo người liên lạc của Nguyễn Ái Quốc trèo đèo, lội suối đến Quảng Châu - Trung tâm cách mạng của Trung Quốc, bắt đầu sự nghiệp cách mạng và đổi tên là Hồng Tú.
Cách mạng ở Trung Quốc
Năm 1925 ông đến Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và được cử đi học Trường Sĩ quan Hoàng Phố. Thời gian này ông lấy bí danh là Lý Anh Tự.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8 năm 1927 và tham gia khởi nghĩa Quảng Châu cùng năm đó.

Cuối năm 1927, do khủng bố trắng, ông phải rời Quảng Đông sang Thái Lan và tổ chức Việt kiều tham gia cách mạng.

Năm 1928 ông trở lại Trung Quốc, tham gia Hồng quân với bí danh Hồng Thủy (洪水). Ông là sĩ quan nước ngoài duy nhất của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, từng làm Chính ủy trung đoàn, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 34 thuộc Quân đoàn 12 công nông Trung Quốc. Do có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và trình độ lý luận, ông được điều động đến giảng dạy tại Trường Quân sự chính trị Trung ương của Hồng quân mới được thành lập ở Thụy Kim. Cuối năm 1932 ông còn tham gia thành lập đoàn kịch đầu tiên của Hồng quân công nông và làm Đoàn trưởng.

Do đường lối tả khuynh thắng thế trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong thời kỳ 1933-1938 ông đã từng ba lần bị khai trừ khỏi đảng rồi lại được phục hồi đảng tịch.

Tháng 1 năm 1934 ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa, ủy viên Chính phủ dân chủ công nông ở Khu Xô-viết Trung ương. Ông cũng tham dự cuộc Vạn lý trường chinh.
Thời kỳ chiến tranh chống Nhật, ông làm Trưởng ban tuyên truyền địa ủy Đông bắc Sơn Tây, Trưởng ban biên tập Báo kháng địch biên khu Tấn Sát Ký. Năm 1938 ông kết hôn với bà Trần Kiếm Qua, tên thật là Trần Ngọc Anh, người Trung Quốc (tên Kiếm Qua do chính ông gợi ý đổi tên cho bà) và sinh được hai người con trai, không kể một người con gái mất sau khi mới một tuần tuổi.
Về Việt Nam và được phong tướng
Năm 1945, ông trở về nước hoạt động theo đề nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Ông từng làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Miền Nam Việt Nam (từ tháng 12 năm 1945 đến khi giải thể vào tháng 12 năm 1946), Tư lệnh kiêm Chính ủy hai Liên khu 4 và 5, Hiệu trưởng Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi (1946), Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu (1947), Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4 (1948-1949).

Năm 1948, ông được Nhà nước Việt Nam phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên. Cùng được phong Thiếu tướng trong đợt này có 8 quân nhân khác. Khi biết mình được vinh dự ấy, ông nghĩ mình còn trẻ, mới 39 tuổi đóng góp chưa nhiều, nên dành tiêu chuẩn ấy cho các đồng chí khác. Vì đường sá xa xôi, không đến được tận nơi trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông gửi công văn hỏa tốc trình bày mong muốn của mình. Nhận được công văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lên tấm các của mình: “Tặng Sơn đệ” với 12 chữ Hán: “Đảm dục đại, tấm dục tế, trí dục viên, hạnh dục phương”[1](đại ý: cái gan cần phải lớn; cái tâm nên tế nhị, chín chắn; cái trí phải suy nghĩ trước sau, toàn diện; cái đức hạnh phải đầy đủ, ngang thẳng) khiến ông chịu phục. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chính phủ vào tận Thanh Hóa làm lễ tấn phong ông. Cũng vào năm này, ông kết hôn với hai người phụ nữ Việt Nam, một người là mẹ đẻ của Nguyễn Mai Lâm, một người nữa là bà Lê Hằng Huân. Ông có 4 người con với bà Lê Hằng Huân: Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Cương, Nguyễn Việt Hồng và Nguyễn Việt Hằng. Trong đó bà Nguyễn Thanh Hà học tại Học viện KTQS ra trường công tác tại Bộ tư lệnh thông tin và về hưu với quân hàm trung tá, là một tấm gương về xây dựng kinh tế trong thời kỳ đổi mới. Bà Nguyễn Việt Hồng thì mắc bệnh tâm thần được điều trị dài hạn tại bệnh viện.

Trở lại Trung Quốc và được phong tướng

Năm 1950, ông trở lại Trung Quốc công tác, làm Phó Cục trưởng Cục điều lệnh Tổng giám bộ huấn luyện Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Được xem là một trong 72 đại công thần Trung Quốc, ngay trong đợt phong quân hàm đầu vào ngày 27 tháng 9 năm 1955, ông được nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng. Ông cũng được chính phủ Trung Quốc tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất.

Ông được mệnh danh là "Lưỡng quốc tướng quân", là người Việt Nam duy nhất được phong quân hàm tướng của hai quốc gia, và đều ngay trong đợt phong quân hàm đầu tiên.
Về với quê hương
Năm 1956, do khối u ác tính nằm bên phổi trái, ông xin trở về quê hương. Ông rời Bắc Kinh ngày 27 tháng 9, được Bành Đức Hoài, Diệp Kiếm Anh và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp Trung Quốc ra ga tiễn và về đến Hà Nội ngày 30 tháng 9. Ông mất tại Hà Nội sau đó không lâu.

Viết về ông có hồi ký Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình của bà Trần Kiếm Qua. Cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt, nhan đề Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương.
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Youtube|Facebook|Twitter|Contact|Netdepviet.org

GMT+7, 30-12-2024 11:19 PM , Processed in 0.019139 second(s), 18 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách