Nét Đẹp Việt Nam

 Quên mật khẩu
 Register
Xem: 9924|Trả lời: 4
In Chủ đề trước Tiếp theo

Trầu cau

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
1#
Ăn trầu là phong tục cổ truyền của người Việt. Tương truyền có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Chuyện Trầu Cau.

Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách, vừa là thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Với thôn dân Việt Nam, miếng trầu thắm têm vôi nồng cùng cau bổ tám bổ tư , vỏ chay rể quạch luôn là sự bắt đầu, sự khơi mở tình cảm. Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Và với các nam nữ thanh niên xưa thì nó là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng hội nước.

?t=1236762230

Cây cau thẳng, dây trầu mềm, khắp xứ sở Việt Nam đâu mà không thấy, hàng cau phía trước bên bể nước mưa và giàn trầu trong mỗi ngôi nhà nơi thôn dã luôn là biểu hiện của sự thái bình. Trong Nam có 18 thôn vườn trầu, tổng diện tích hàng trăm cây số vuông. Ngoài Bắc, dọc các thôn xóm ven sông Hồng, ngày xưa tới đâu mà chẳng nghe câu hát:

"Ru con con ngủ cho rồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam phố, mua trầu chợ Dinh."


Và ở miền Trung, đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng cau bên cạnh bóng dừa và văng vẳng đâu đây câu hát:

"Bồng em mà bỏ vô nôi,
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Bát Nhị, mua trầu Hội An."


Sách xưa thì ghi: "Ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm" những vật dụng cho việc ăn trầu hôm nay vẫn thấy, đó là cơi trầu (gắn liền với câu: đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu), là dao bổ cau (gắn liền với câu: mắt sắc dao cau), là chiếc âu trầu, là bình vôi, chìa vôi, ống vôi, là khăn, là túi đựng trầu. Nhà giàu còn đựng được tráp trầu, khay trầu sơn màu khảm trai rất đẹp. Như thế đủ thấy trầu cau gắn liền với sinh hoạt của nông thôn ta chặt chẽ và lâu đời biết dường nào. Trầu dùng tiếp khách hàng ngày, như bát chè xanh, như điếu thuốc lào. Trầu làm sính lễ trong đám hỏi, trầu thay cho thiệp báo, thiệp mời trước ngày hôn lễ, trầu có mặt trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, Xuân đến, Tết về, trầu cau còn là quà tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu:

"Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ
Xin đôi câu đối để mừng ông."


Hơn thế, trầu cau còn là đồ cúng lễ, ngày giỗ. Dân gian có câu "Sửa cơi trầu, đĩa hoa dâng cụ" để tưởng nhớ tổ tiên, để ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của bậc tiền nhân. Trầu cau gần gũi với sinh hoạt của người Việt như thế nên hiển nhiên nó cũng trở thành hình tượng của văn học dân gian. Sự tích Trầu Cau là một câu chuyện bi ai mà thắm đượm nghĩa tình với hình tượng khó quên cây cau-người chồng, dây trầu-người vợ và hòn đá (vôi)-đứa em trai chồng... Rồi đến cả trăm câu ví, câu đố, ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ dân gian mà tập trung nhất là những bài, những câu của trai gái nói, hát với nhau gọi là những câu hát trao duyên, câu hát mời trầu. Hát mời trầu có tới hàng trăm câu hát khác nhau nhưng câu nào cũng nói tới trầu, cau, vôi, vỏ hoặc nói về cái tài của người bổ cau, têm trầu. Câu hát mời trầu cũng là câu hát bày tỏ lòng mình. Bên cạnh những "vôi nồng", "miếng trầu cánh phượng", "cau bổ bốn bổ ba", là những "trầu giải yếm giải khăn", "trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu mình" là những "trầu tính trầu tình", "trầu nhân, trầu ngãi"... để rồi thành "trầu mình lấy ta", "trầu nên vợ nên chồng". Tục ăn trầu còn gắn với phong tục nhuộm răng đen để có những má hồng răng đen tiêu biểu của cái đẹp con gái thuở nào. Người thôn nữ má hồng răng đen, một thuở đã trở thành hình ảnh làm si mê biết bao chàng trai, như câu ca xưa:

"Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.


[ Last edited by anhz27 at 2009-6-10 09:07 PM ]
2#
Đăng lúc 11-3-2009 19:26:08 | Chỉ xem của tác giả
Lá trầu xanh mướt đẹp quá. Chợt nhớ đến một bài hát nổi tiếng "Hoa cau vườn trầu", các bạn có thể nghe ở


Hoa Cau Vườn Trầu

Sáng tác: Nguyễn Tiến
Ca sĩ: :: ::


Nhà anh có một vườn cau
Nhà em có một vườn trầu
Chiều chiều nhìn sang bên ấy
Hoa cau bên này.. rụng trắng sân nhà em

Anh lên đường mẹ xin nắm trầu nhuộm áo cho anh
Một lá trầu xanh thắm tình em.. chẳng phai màu
Hoa cau rụng trắng sân nhà em
Mà hương cau... ngan ngát quanh vườn trầu
Anh thương em rồi sao anh chẳng nói
để hoa cau rụng trắng đêm trăng buồn !

Hoa cau.. rụng trắng sân nhà em
Mà hương cau... ngan ngát quanh vườn trầu
Lá vẫn xanh tươi màu
Xin ai đừng để lá trầu vàng ...
3#
 Tác giả| Đăng lúc 13-3-2009 10:16:32 | Chỉ xem của tác giả

Triết lý trầu cau là triết lý tình nghĩa.

Tình nghĩa vợ chồng: xã hội Việt Nam truyền thống lấy gia đình (nhà) làm bản vị:

Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi


(Hồ Xuân Hương)

Nhìn miếng trầu têm, một hòa sắc trên "gam" mầu mát: quả cau xanh (vỏ) trắng (thịt) vàng tươi (hạt). Lá trầu xanh... vôi trắng... miếng vỏ đỏ tươi... "chia ba, hòa một", nơi "thống nhất" cái môi miệng con người. Lối hòa hợp: cái sự nhai trầu của chính con người. Và kỳ lạ thay: sự "tổng hợp" đưa lại một mầu đỏ thắm, mầu của máu, của sự sống, sự sống vĩnh hằng, sự sống vô biên...

Miếng trầu tỏ tình:

Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu loan, trầu phượng, trầu mình lấy ta
.

Cái "bạo dạn" của người thôn nữ xưa không đi "quá" đến sự "trâng tráo" mà được "cân bằng" lại bằng sự "giữ gìn", giữ lấy cái mà phương Tây xem là "nữ tính" hơn cả: tính e thẹn:

Sáng nay em đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Miệng nói tay cởi túi trầu mời ăn.
Thưa rằng: Bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người...
4#
Đăng lúc 4-1-2010 02:15:22 | Chỉ xem của tác giả
Chúc bạn vui vẻ. Cám ơn rất rất nhiều for sharing.
Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Register

Quy tắc điểm

Phòng tối|iPhone|Archiver|G+|Youtube|Facebook|Twitter|Contact| Netdepviet.org

GMT+7, 26-4-2024 08:46 PM , Processed in 0.017849 second(s), 17 queries .

Powered by Discuz! X3.2

© 2006 Made with in Hanoi,Vietnam and Contents are published by all members

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách