Nét Đẹp Việt Nam

 Quên mật khẩu
 Register
Xem: 8880|Trả lời: 5
In Chủ đề trước Tiếp theo

Hà Nội

[Lấy địa chỉ]
Nhảy đến trang chỉ định
1#
Bài dự thi của TrangTiểuThư,viết về Hà Nội, nội dung gồm có 5 phần chính như sau :

1.Giới thiệu tổng quan về Hà Nội
2.Món ngon Hà Nội
3.Thắng cảnh Hà Nội
4.Làng nghề Hà Nội
5.Lời kết


===================================================================================
1.Giới thiệu tổng quan về Hà Nội
Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, giới hạn trong khoảng từ 20o 53' đến 21o 23' vĩ độ Bắc, 105o 44' đến 106o 02' kinh độ đông, tiếp giáp với 5 tỉnh: Bắc Thái ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. Hà Nội có diện tích tự nhiên 918,1 km2, khoảng cách dài nhất từ phía bắc xuống phía nam là trên 50km và chỗ rộng nhất từ tây sang đông 30 km. Điểm cao nhất là núi Chân Chim: 462 m (huyện Sóc Sơn); nơi thấp nhất thuộc xã Gia Thụy (huyện Gia Lâm) 12 m so với mặt nước biển. Hà Nội nằm hai bên bờ sông Hồng, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ trù phú và nổi tiếng từ lâu đời, Hà Nội có vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
                       

(*)Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam đã có một lịch sử ngàn năm. Nằm giữa ngã ba hợp lưu sông Hồng và sông Tô Lịch, từ giữa thế kỷ V trong thời kỳ đô hộ của phong kiến Trung Hoa, nơi đây là một thị trấn mang tên Tống Bình. Thế kỷ thứ VII, nhà Tuỳ chọn Tống Bình làm nơi đặt trị sở của chính quyền đô hộ đã cho xây một tường đất bao quanh gọi là La Thành. Đến cuối thế kỷ IX, thành được mở rộng gọi là Đại La. Mùa xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ, người mở đầu vương triều Lý quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Theo truyền thuyết, khi thuyền của nhà vua đến gần thành thì thấy một con rồng vàng từ thành bay lên. Nhà vua liền đặt tên cho kinh đô là Thăng Long.

Sau này kinh đô còn mang thêm những tên gọi khác: Đông Đô, Đông Kinh. Đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn lên ngôi, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1831, vua Minh Mạng đã đổi tên Thăng Long thành Hà Nội, có nghĩa là "thành phố nằm giữa các con sông". Không là kinh đô nữa, nhưng hơn 10 thế kỷ tồn tại đã khiến Hà Nội trở thành trung tâm văn hoá của cả nước. Sau cuộc cách mạng năm 1945, vai trò thủ đô lại trở về với Hà Nội.


Qua hàng nghìn năm thăng trầm, bộ mặt Hà Nội đã trải nhiều thay đổi. Do những công trình xây dựng xưa chủ yếu làm bằng gỗ nên phần lớn đã bị huỷ hoại theo thời gian. Thành phố nhiều lần bị tàn phá do thiên tai, hoả hoạn hoặc do bàn tay kẻ xâm lược, chưa kể sự biến đổi sau mỗi triều đại, nhất là sau cuộc chinh phục của người Pháp năm 1882. Thành phố cũng đã được tái thiết nhiều lần. Hà Nội ngày nay đã trở nên rất rộng lớn so với nửa thế kỷ trước. Thành phố gồm có 7 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy và 5 huyện ngoại thành: Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn.


Hà Nội đang ngày càng phát triển. Song song với việc xây dựng những khu phố mới, việc phục hồi nguyên trạng những khu phố xưa cũng là chủ trương của thành phố. Nhiều khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu công nghiệp nối tiếp nhau mọc lên. Bên cạnh đó ta vẫn thấy một Hà Nội với phố cổ rêu phong, với ngôi chùa tịch mịch, với mái đình lãng đãng bóng thời gian, cùng những con đường dài xanh mướt bóng cây. Chính những kiến trúc còn sót lại như các đình chùa, mà đáng chú ý nhất là Chùa Một, hay quần thể các đền chùa giữa hồ Hoàn Kiếm... vẫn được gìn giữ trân trọng, tạo cho thành phố một nét cổ kính đáng yêu.
@15-01-2007
(*): Hà Nội sau ngày 01/08/2008 đã có thay đổi nhiều
2#
 Tác giả| Đăng lúc 27-8-2008 22:02:54 | Chỉ xem của tác giả

Hà Nội mến yêu

2.Món ngon Hà Nội  
Nấu và thưởng thức các món ăn là cả một nghệ thuật của người Hà Nội, chẳng thế mà cho đến tận bây giờ thói quen ấy vẫn tồn tại và trở thành một nét văn hoá riêng độc đáo, hấp dẫn bất cứ ai khi mới đặt chân đến nơi này. Cái tinh tế trong ẩm thực Hà Nội thể hiện ở cách chế biến, cách thưởng thức đúng cách, ở tấm lòng người trao kẻ nhận. Mỗi món ăn Hà Nội đều có hương vị, nét đẹp riêng và đặc biệt là có truyền thống, cách thưởng thức truyền đời, chẳng thế mà nó không chỉ là những thức ăn thông thường mà được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực...


BÚN ỐC TÂY HỒ

nhắc tới bún ốc Hà Nội người ta nhớ ngay tới hai làng nổi tiếng Tây Hồ và Pháp Vân - Thanh Trì.
Bún ốc chỉ nên ăn từ sáng đến trưa, tối người Hà Nội không ăn bún ốc, khác với phở. Bún ốc ngon trước hết phải có vị cay chua của ớt, của bỗng rượu. Bún ốc có 2 - 3 cách ăn: có thể chan, có thể chấm, có thể ăn nóng hoặc ăn nguội. Bún ốc không thay đổi nhiều lắm như các món ăn Hà Nội khác: vẫn là ớt trưng, vẫn là tía tô. Không có thứ gì cần tía tô và ớt trưng nhiều như bún ốc. Bát bún ốc của Hà Nội rất đẹp vì nó có màu đỏ của ớt trưng, màu tím của tía tô và sợi bún trắng...



XÔI HÀ NỘI

Đã là người Hà Nội không ai là không từng thưởng thức món xôi một lần, phải nói rằng, xôi Hà Nội có một phong vị riêng mà không trùng với bất cứ xôi ở nơi nào khác. Buổi sáng sớm, tiết trời còn mát mẻ, sau một giấc ngủ êm đềm, con người tĩnh tại thoải mái, bạn có bao giờ nghĩ rằng thưởng thức một bát xôi vào buổi sáng là cách thư giãn tốt nhất không ? Người Hà Nội thì hay có thói quen như thế, giản dị, mộc mạc và thanh bình biết bao nhiêu.

Mỗi loại xôi có một hương vị khác nhau và được ăn kèm với các loại thức ăn khác nhau. Chẳng hạn như xôi trắng ăn kèm với ruốc, thịt kho tàu, giò chả, lạp xường vừa thơm, vừa mềm. Xôi gấc có vị ngọt được ăn kèm với chả mỡ. Xôi lạc, xôi đỗ xanh ăn kèm với vừng và ruốc. Còn xôi xéo, chắc chắn phải có thêm đậu xanh xắt lát mỏng và trên bát có hành phi thơm vàng ngậy...
:x


MIỄN LƯƠN

Miến lươn Hà Nội xưa được sắp vào bát nhỏ, thường là bát chiết yêu (loại bát chôn nhỏ, miệng loe) miệng bát chỉ lớn hơn bát ăn cơm một chút. Miến rửa sạch đã trần nước sôi, được trần lại vào nồi nước dùng lươn mầu nâu nâu cho miến nở, thấm độ đậm, ngọt của nước dùng rồi cho vào bát. Những miếng thịt lươn đã xào săn lại mà vẫn phô mầu vàng óng của da lươn. Hành hoa và rau răm thái nhỏ tăn - thường thái trước khi cho vào bát để giữ mùi thơm, hành răm thái càng nhỏ càng tiết mùi thơm nhiều hơn. Rắc hành răm thái nhỏ lên thịt lươn rồi chan nước dùng. Nước dùng lươn mầu nâu nâu ngọt trên mức bình thường, vì phải đậm đặc mới nổi vị, chỉ chan sâm sấp chứ không chan võng vì miến đã ngấm nở đủ bằng nước dùng nên không trương nở thêm nữa, hơn nữa, miến là miến tầu làm bằng đỗ xanh nên sợi miến nhỏ mà ròn chứ không nát. Cuối cùng rắc hạt tiêu. Riêng tiêu, bà hàng rất thuộc ý khách, vị nào nghiền cay bà không rắc tiêu mà dùng thìa nhỏ xúc một phần tiêu sọ giã giập.



PHỞ HÀ NỘI[img]

[/img]
Nhắc tới quà Hà Nội không thể không nói tới phở. Phở Hà Nội xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 với những cái tên phở Thìn, phở Giảng, phở Đông Mỹ bán gánh. Ngày nay, có thể tìm thấy những tiệm khá ngon ở Bờ Hồ, Bát Đàn, Lý Quốc Sư, Lò Đúc. Riêng phở bò ông Thìn giữ được hơn 50 năm, và mở rộng tới 7 cửa hàng ở Hà Nội. Người Hà Nội nay ăn cả phở gà, nhưng theo nhiều người sành ăn chỉ có phở bò chín mới đúng là Hà Nội.
\/

BÁNH CUỐN


Bột làm bánh cuốn là loại gạo đặc biệt ngâm nước sạch xay nhuyễn vừa nước. Bột bánh khi xay xong phải đảm bảo vừa trắng, sánh không đặc không nát.

Khi tráng bánh, người thợ phải đổ đều tay, dát mỏng bột trên mặt vỉ tráng, bánh chín chỉ một chiếc đũa tre có thể gỡ bánh ra khỏi vỉ. Từng lớp bánh cuốn được xếp so le nhau không rách, không nát. Luôn tay bóc bánh cho khách, bà Hoành nói: Bánh cuốn của gia đình tôi khác so với bánh cuốn bán rong ở chỗ từ nước chấm, hành phi đến nếp bánh đều do nhà tự làm. Nước chấm phải được chế từ nước mắm Phú Quốc chính gốc thêm chút đường, mì chính vừa miệng.

Đặc biệt nước chấm không được cho giấm, hương liệu bảo quản mà vẫn đảm bảo màu nâu, thơm mùi nước mắm, ngọt của vị đường, mì chính, cộng thêm vài lát ớt tương, hành phi


CƠM CHAY[img]
[/img]
Mặc dù mới xuất hiện ở Hà Nội trong vòng 3 năm nhưng cơm chay An Lạc đã nhanh chóng trở thành quán ăn thường xuyên của người dân Hà Nội. Đến đây không chỉ có những người tu hành theo đạo Phật mà còn có cả khách chữa bệnh, khách tò mò. Có thể nói rằng, cơm chay An Lạc không chỉ thực hiện theo tôn chỉ của Phật giáo - "không sát sinh" mà còn mang đậm nét văn hoá ẩm thực.
=D>

BÚN BÒ GIÓ HEO
Bún bò giò heo  là món ăn Huế (389s Đội Cấn)

Sợi bún to, chần qua nước sôi cùng với thịt bò, thịt lợn chân giò luộc thái mỏng, cùng một chút giá, rau thơm, chan nước dùng ninh xương chân giò ăn kèm với hoa chuối bào. Đặc biệt là ớt khổi chưng. Một bát bún bò đạt tiêu chuẩn phải thơm mùi rau, ngọt nước xương, đỏ màu ớt.
8->

CHẢ CUA
Chả cua (4 ngõ Nguyễn Hữu Huân)



Để có được miếng chả như ý, thợ làm chả phải 5 lần giã cua, xé nhỏ đổ khuôn hấp chín tới rồi mới chiên giòn. Tất cả các công đoạn đòi hỏi người thợ phải kiên trì. Món ăn này hiện nay đang được rất nhiều khách sạn, nhà hàng ưa dùng đưa vào thực đơn.

BÁNH TÔM
Bánh tôm Hồ Tây là một trong các món ăn nổi tiếng của Hà nội

Tôm(nước ngọt) hồ Tây bọc bột mì cho vào chảo mỡ nóng già ngập bánh cho chín tới. Khi bánh phồng lên và ngả màu vàng có bốc mùi thơm ngậy. Gắp bánh gác lên hai que đũa xếp ngang chảo cho ráo mỡ.
Ăn bánh nóng cùng với nước chấm vị chua, ngọt và cay, thêm chút dưa góp (đu đủ và cà rốt  thái nhỏ ngâm giấm).
Bánh tôm ăn cùng rau xà lách, có thể thêm bún rối và rất hợp với bia


BÚN THANG
Bún thang là một đặc sản ẩm thực của người Hà Nội

Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang.
Rau răm, mùi tàu, trứng  gà ráng mỏng, luờn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún phải là loại bún sợi nhỏ. Trên rắc tôm bông và rải vài lát lạp xuờn.
Nuớc dùng phải là loại nước trong, nóng chan vừa bát. Ăn bún thang kèm gia vị như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu  hoặc thêm chút mắm tôm. Để có nồi nước dùng ngon cũng là một sự tổng hợp có chọn lọc từ xương gà và một con mực khô (để ngọt nước).
Sẽ vô cùng thiếu sót nếu viết về bún thang Hà Nội mà không nhắc đến phần đặc biệt nhất của nó: tinh dầu cà cuống. Chỉ cần một chút đầu tăm điểm vào bát bún thang sẽ dậy mùi thơm đặc biệt. Tiếc là hiện nay cà cuống đã không còn nhiều nữa, người ta đã dùng hóa chất thay thế song mùi thơm hơi hắc hơn.
Một bát bún thang đầy đủ sẽ không thể thiếu củ cải ngâm, hay còn được biết dưới cái tên gốc Tàu là ca-la-thầu.
Một dị bản của bún thang là bún thang khô: nước dùng không chan cùng bát mà chỉ tráng qua bún cho nóng. Vẫn đầy đủ các vị kể trên song không húp như khi ăn bún nước.



CHẢ CÁ LÃ VỌNG
Chả cá Lã Vọng là tên của một đặc sản Hà nội. Đây là món cá tẩm ướp rồi rán trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên.
3#
 Tác giả| Đăng lúc 27-8-2008 22:22:05 | Chỉ xem của tác giả

Thắng cảnh

3.Thắng cảnh Hà Nội
ĐỀN SÓC VÀ PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG

Khu di tích lịch sử đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội là nơi thờ Thánh Gióng cùng quần thể các đền thờ Phật và các vị thần. Tục truyền rằng làng Gióng (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) là nơi sinh ra Thánh Gióng. Mẹ Gióng ướm chân vào vết chân thần mà sinh ra. Đời Hùng Vương thứ 6 ở phía bắc có tin cấp báo về nhà Ân Bắc triều sắp đưa đại binh sang, thế không thể chế ngự được.
Ngày 9 tháng 4 âm lịch hàng năm cử hành lễ hội làng Gióng thu hút rất đông du khách từ khắp nơi về dự hội. Dân trong làng chọn tướng rước ngựa, diễn lại nhiều sự tích chiến thắng lừng lẫy làm sống lại tinh thần đoàn kết, khí thế hào hùng, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ thuở dựng nước. Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng từ đời Lý mang đậm dấu ấn hiện nay vẫn được bảo tồn ở làng Phù Đổng như đền Thượng - thờ ông Gióng với những câu đối, hoành phi, bậc tam cấp vào gian điện chính được khắc nổi hình những con rồng được gọi là bậc thềm rồng; chùa kiến sơ - thờ Tam giáo (thờ Phật, Khổng Tử, Lão Tử) và thờ Lý Thái Tổ. Ngược lên khu di tích lịch sử đền Sóc (xã Phù Linh - Sóc Sơn), nơi ông Gióng hóa bay về trời hàng năm thu hút hàng vạn khách thập phương về tham quan tưởng nhớ đến công ơn ông Gióng. Khu di tích gồm đền chùa, miếu thờ tọa lạc trong khuôn viên rộng, xung quanh là núi non chập chùng rợp mát bóng cây. Quần thể di tích với 6 nơi thờ đều mang đậm những điển tích. Mới đây trên núi Vệ Linh, Nhà nước cho xây dựng chùa Non là nơi thờ Phật với tượng Phật tổ được đúc bằng đồng cao 3,5m, nặng 36 tấn. Để chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, công trình dựng tượng đài Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời trên đỉnh núi Vệ Linh dự kiến sẽ được hoàn tất vào trước năm 2010. Hội đền Sóc được mở vào các ngày 6-7-8 tháng giêng hàng năm. Thần tích Phù Đổng Thiên Vương với hai khu thờ: ở làng Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) và đền thờ ở Phù Linh - Sóc Sơn sẽ mãi là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, di sản văn hóa quốc gia.

CHỢ HOA ĐÊM QUẢNG AN


Hà Nội có nhiều chợ đêm. Chợ đêm du lịch trên phố Hàng Đào, Hàng Ngang, kéo dài lên Hàng Đường, Đồng Xuân họp từ 6g chiều đến khoàng 11g đêm ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật. Chợ hoa quả Long Biên - Bắc Qua. Chợ rau đêm thì ở khắp nơi: Cầu Giấy, đường Láng, Ngã Tư Sở...
Mỗi chợ đều có cái vui riêng, bạn sẽ cảm nhận được điều đó, ghé vào hàng này một tý, ghé vào hàng kia một tý, rồi đến lúc về bỗng phát hiện bao nhiêu căng thẳng buồn chán đã biến mất.

Nhưng mê nhất vẫn là chợ hoa Quảng An. Lười dậy sớm nhất trần đời, nhưng hễ đến mùa hoa mới tôi lại đến chợ để xem. Ai đến Hà Nội nhờ đưa đi chơi tôi cũng thêm chợ hoa Quảng An vào chương trình. Vui nhất là dịp gần Tết, cả chợ rực rỡ với mầu hoa đào và quất. Đầu hè có hoa huệ tây, rồi hoa sen. Sang thu là mùa của hoa cúc.
Chợ hoa họp ngay trên chợ xe máy đồ cũ Quảng An, kề đường Yên Phụ, cách đầu đường Thanh Niên khoảng 4km. Chợ họp từ sớm, nhưng đến khoảng 4g-5g sáng là tầm đông nhất. Người bán hoa, người mua hoa, người xem hoa, chen vai thích cánh. Bạt ngàn hoa.

Hoa lan đủ loại và các loại hoa từ Đà Lạt, Sapa rực rỡ dưới ánh điện trong những dãy lều dựng tạm. Liền kề ngay đó là khu dành riêng cho hoa hồng. Hoa được bó thành những bó lớn, đủ loại: hồng Sapa bông to mầu đỏ sẫm, hồng quế thơm ngào ngạt, hồng leo dịu dàng mảnh dẻ, hồng tiểu muội xinh xắn...

Nằm kề với bãi gửi xe là khu vực dành riêng cho hoa cúc và các loại hoa lá gói phụ. Chính ở đây có lẽ bạn sẽ gặp được nhiều điều bất ngờ thú vị hơn cả. Bạn sẽ thấy những hoa lá tưởng như rất bình thường nhưng khi được tập hợp lại bỗng trở nên thật duyên dáng.


Rồi một hôm khác bạn có thể mua được một bó hoa hồng ta, những bông hoa nhỏ cánh hồng nhạt lâu lắm rồi không gặp, hay một bó hoa mặt trời như những chiếc cúc vàng bé xíu rực rỡ... Nếu không cứ lang thang giữa những xe hoa cúc, hoa được xếp thành những mảng màu vàng, trắng tím như thể những đám mây thơm; cho đến khi đói bụng thì cũng bắt chước các cô hàng hoa, ăn một gói xôi bánh khúc nóng trong khi trời dần sáng và những ngọn gió mát lành buổi sớm nhẹ nhàng thổi lướt qua chợ.

Một ngày nào đó đi xa Hà Nội, mới thấy trong nỗi nhớ của mình về thành phố bình yên ấy có một góc chợ hoa Quảng An, một góc đầy hương thơm và mầu sắc.

HỒ HOÀN KIẾM
Theo các nhà khoa học hồ là một đoạn sót lại của sông Hồng sau khi sông đã chuyển dòng như hiện nay. Sự việc sông nước biến thiên ấy diễn ra cách đây vài nghìn năm. Trớc đây hồ có tên là Lục Thủy vì sắc nước bốn mùa xanh. Thế kỉ XV, hồ Lục Thủy đổi tên là hồ Hoàn Kiếm. Cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với câu chuyện trả gươm cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ.

Đảo Ngọc Sơn xưa được gọi là Tượng Nhĩ (tai voi), Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đặt tên là Ngọc Tượng, đến đời Trần đổi tên là Ngọc Sơn. Tại đây đã có một ngôi đền dựng lên để thờ những ngời anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mông Nguyên. Về sau lâu ngày đền ấy sụp đổ, đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 - 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía Đông đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội. Cuối đời Lê, cung Thụy Khánh bị Lê Chiêu Thống phá hủy. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai, nhân nền cung cũ đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), chùa lại nhường cho một hội từ thiện đổi làm đền thờ Tam Thánh. Hội này đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đưa tượng Văn Xương đế quân vào thờ và đổi tên là đền Ngọc Sơn (Văn Xương là nhân vật đời Kiến Vũ, 25 - 55 sau công nguyên bên Trung Quốc, sau khi chết được phong là thần chủ về văn chương khoa cử)


Trên núi Ngọc Bội cũ, ông cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ "Tả Thanh Thiên" (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là Tháp Bút. Tiếp đến là một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên, trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có hình ba con ếch đội. Trên nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết học. Người đời sau ca ngợi là: Nhất đài Phương Đình bút. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tợng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.
Tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) dưới bóng cây đa cổ thụ, ở giữa một vùng cây cối um tùm, trông như từ dưới nước nhô lên. Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất về phía Bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Tượng đặt ở hậu cung trên bệ đá cao khoảng 1m, hai bên có hai cầu thang bằng đá. Tượng Văn Xương đứng, tay cầm bút. Phía Nam có đình Trấn Ba (đình chắn sóng - ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng không lành mạnh trong nền văn hoá đương thời). Đình hình vuông có tám mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.

Các nhân vật được thờ trong đền ngoài Văn Xương Đế Quân, Lã Động Tân, Quan Vân Trường, Trần Hưng Đạo, còn thờ cả phật A Di Đà. Điều này thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên của người Việt.Tuy là một ngôi đền kiến trúc mới, song đền Ngọc Sơn là một điển hình về không gian và tạo tác kiến trúc. Sự kết hợp giữa đền và hồ đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên - Nhân hợp nhất, tạo vẻ đẹp cổ kính, hài hoà, đăng đối cho đền và hồ, gợi nên những cảm giác chan hoà giữa con người và thiên nhiên. Đền và hồ đã trở thành những chứng tích gợi lại những kỉ niệm xa về lịch sử dân tộc, thức tỉnh niềm tự hào, yêu nước chính đáng, cũng như tâm linh, ý thức mỗi người Việt Nam trước sự trường tồn của dân tộc.

ĐÊN THỜ Ỷ LAN NGUYÊN PHI


Vượt qua 18km từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương theo Quốc lộ 5 du khách sẽ tới tham quan cảnh đẹp của đền, chùa thờ Đức Quốc Mẫu Ỷ Lan Nguyên phi ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ỷ Lan Nguyên phi là một trong những danh nhân có tài trị nước xuất chúng của dân tộc ở thế kỷ XI.

CHÙA LIÊU PHÁI


Ở giữa phố Bạch Mai, Hà Nội, tọa lạc một ngôi chùa cổ kính với gần 300 năm tuổi: chùa Liên Phái - một di tích lịch sử giá trị của thủ đô. Bước vào cổng chùa, ta gặp ngay một ngôi tháp 10 tầng hình lục lăng, đó là tháp Diệu Quang. Tiếp đó là nhà bia có tấm bia kể lại sự tích chùa.

LÀNG CỔ ĐÔNG NGẠC


Đó là một ngôi làng cổ nằm sát chân cầu Thăng Long Hà Nội. Một làng quê cổ kính, đặc sắc bậc nhất của Hà Nội đến nay còn khá nguyên vẹn, mặc dù vùng ven đô đã bước vào quá trình đô thị hoá một cách quyết liệt nhất, mặc dù cây cầu Thăng Long lớn nhất Đông Nam Á vạch một nét ngang ngay cạnh làng, gần như vuông góc với con đê bê-tông chắn ngang qua trước cửa ngôi đình cổ...


KHU SINH THÁI CỌ XANH


Từ trung tâm Hà Nội, sau hơn 30 phút ngồi xe bạn đã đến với khu du lịch sinh thái Cọ Xanh. Một quang cảnh thiên nhiên yên bình thoáng đãng, một màu xanh mượt mà của cỏ cây hoa lá và hơn thế nữa những món ăn ngon, lạ đậm đà phong vị dân tộc sẽ khiến bạn quên đi những lo toan bận rộn nơi đô thị ồn ào. Giờ đây, lòng bạn thư thái, rộng mở và háo hức muốn khám phá nơi này – Khu du lịch sinh thái Cọ Xanh.

HỒ TRÚC BẠCH


Hồ Trúc Bạch là một thắng cảnh của Hà Nội, nằm kề Hồ Tây, cách nhau con đường Thanh Niên rợp mát bóng cây, bốn mùa đều hấp dẫn con người đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi. Xưa kia Trúc Bạch với Hồ Tây với cả hồ Cổ Ngựa (ở vào khoảng phố Hàng Than bây giờ, đã bị lấp thành bằng địa từ khi Pháp mới chiếm Hà Nội) đều nối liền nhau. Đó chính là một đoạn dòng cũ của sông Hồng. Về sau, người ta đắp ngăn thành ba hồ.

TĨNH LÂU TỰ

Nằm bên bờ hồ Tây trên địa phận làng Hồ Khẩu thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội có một ngôi chùa với lịch sử lâu đời, đó là chùa Tĩnh Lâu và đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa số 1460 QĐ/BT ngày 26-6-1996.


DI TÍCH LỊCH SỬ SÓC SƠN


Khu di tích lịch sử đền Sóc nằm trên núi Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; đền thờ đức Thánh Gióng. Tương truyền, sau khi đánh đuổi quân xâm lược tới chân núi Vệ Linh cũng là lúc đuổi sạch bóng quân thù khỏi bờ cõi nước Nam, Thánh Gióng để lại áo giáp sắt ở lưng chừng núi trước khi bay về trời.

NÚI VỆ LINH


Quần thể di tích Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) với những di tích thờ phụng, tôn vinh người anh hùng Thánh Gióng trải từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (trước kia thuộc Vĩnh Phúc, từ năm 1976 chuyển về trực thuộc Hà Nội). Nguyên thủy, đền Sóc xây dựng từ năm 980, thời Tiền Lê (980 - 1009), đến nay đã trải qua 13 lần trùng tu, lần gần nhất diễn ra năm 1992 nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc, quy mô, vị trí của các công trình.


CHÙA HƯNG KÝ


Chùa Hưng Ký - cái tên nôm na ấy mang tên của người tạo dựng nên nó. Chùa được ông Trần Văn Thành (tức Hưng Ký), một tín đồ của Phật giáo xây dựng vào năm Bảo Đại thứ tám 1932 trên địa phận làng Hoàng Mai thuộc thôn Đoài, nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chùa có tên chữ là Vũ Hưng Tự và mang hiệu là Võ Hưng Truyền Am.


ĐÌNH, CHÙA HÀ Ở HÀ NỘI


Đình, chùa Hà nằm bên con phố nhỏ mang tên phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là quần thể di tích đẹp của thủ đô, thu hút nhiều du khách thập phương thường xuyên thăm viếng.

LÀNG CỔ BI


Làng Cổ Bi hồi cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là một xã thuộc tổng Đặng Xá huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh), có ba thôn : Hoàng (Vàng ), Cam và Hội. Năm 1926, làng có 1273 nhân khẩu.

PHỐ HÀNG BẠC
Phố Hàng Bạc - Một trong những di sản phố cổ ở Hà Nội

Phố cổ Hà Nội nổi tiếng với những ngôi nhà chồng diêm, nhà hình ống, những mái ngói cong, lô xô mềm mại tạo ra nét duyên dáng riêng làm cho Hà Nội có nét đẹp riêng không hề giống với các thành phố khác trên thế giới. Phố Hàng Bạc là một trong những con phố cổ ở Hà Nội - một di sản của Hà Nội mà chúng ta cần gìn giữ.


ĐỀN BẠCH MÃĐền Bạch Mã-điểm nhấn phố cổ Hà Nội


Được xây dựng trước khi có kinh thành Thăng Long, đền Bạch Mã có từ năm 866. Tương truyền khi đó Cao Biền, một viên tướng Tàu sang nước Nam đắp thành Đại La.

HỒNG PHÚC TỰHồng Phúc tự - “chốn tổ” của Thiền Tông miền Bắc

Nằm giữa phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội, chùa Hòe Nhai (tên là Hồng Phúc tự) là một ngôi chùa cổ, tương truyền đã có từ đời nhà Lý. Nơi đây được coi là “chốn tổ” của phái Tào Động, một trong hai phái lớn nhất của Thiền Tông miền Bắc Việt Nam.

TRẤN VŨ HÁN

Khi nhắc đến đền thờ thần Trấn Vũ ta thường nghĩ ngay đến Trấn Vũ quán (đền Quán Thánh ở đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, Ba Đình), mà ít người biết rằng ở thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng có một ngôi đền thờ thần Trấn Vũ.


VĂN MIẾU
Văn miếu Quốc Tử Giám  là một trung tâm hoạt động văn hoá khoa học của thủ đô Hà Nội

Với bề dày lịch sử gần 1000 năm kể từ khi vua Lý Thái tổ định đô ở Thăng Long, thủ đô Hà Nội hiện nay còn bảo tồn được 400 di tích lịch sử văn hoá đã được công nhận trong đó có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một biểu tượng của văn hoá Việt Nam, nơi thờ kính các bậc Tiên Thánh, Tiên nho và đào tạo nhân tài cho đất nước.


HỒ TÂY

Nói về Hồ Tây, nhà thơ Cao Bá Quát đã từng ví "Hồ Tây chân cá thị Tây Thi" (Hồ Tây đích thực là nàng Tây Thi). Có lẽ chưa một người nào yêu Hồ Tây và mê say Hồ Tây đến thế!
Hồ Tây, mặt gư¬ơng của Hà Nội, lá phổi của chốn Long thành có diện tích rộng hơn 500 hecta với một bề dày lịch sử mấy nghìn năm. Nơi đây đã từng đọng lại và xếp lớp biết bao huyền thoại, in dấu biết bao tao nhân mặc khách của chốn phồn hoa thứ nhất Long thành. Đã, vẫn và sẽ còn là đề tài của thơ ca, nhạc họa...


CHÙA MỘT CỘT                                   

Tên thường gọi là chùa Một Cột, nằm trong quần thể chùa Diên Hựu (kéo dài tuổi thọ). Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội, ở bên phải Lǎng Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Chùa Một Cột (chùa Diện Hữu). Chùa gồm cả một quần thể kiến trúc có xuất xứ từ một giấc mơ không lành: Sư Thiền Tuệ khuyên vua Lý Thái Tổ làm chùa với một ý tưởng kiến trúc đặc biệt. Là một Quốc tự, liên quan tới vua sáng lập triều Lý, được xây dựng gần khu vực Tử cấm thành, hàng tháng cứ rằm, mồng một vua đến đặt lễ cầu phúc.


THÀNH CỔ LOA


Cổ Loa được biết đến không chỉ là cái tên một thành trì quân sự nổi tiếng của nước Âu Lạc thời An Dương Vương mà còn là trụ sở của huyện Phong Khê thời thuộc Hán, là căn cứ quân sự thời Hậu Lý Nam Đế vào năm 692. Đó cũng là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập do Ngô Vương Quyền khởi lập và tồn tại từ năm 939 đến năm 944... Cổ Loa thành là một minh chứng cho tài năng sáng tạo và tinh thần bám trụ của người Việt.

MIỆT VƯỜN CẨM NAM


Phía Nam thị xã Hội An có một làng nhỏ được bồi lên bằng phù sa của con sông Hoài - đó là làng Cẩm Nam, hay cồn Nam Ngạn. Cẩm Nam nổi tiếng khắp vùng bởi món bắp luộc (ngô luộc) thơm ngọt và dẻo như nếp nương. Cẩm Nam còn nổi tiếng với nghề cào hến cùng cách chế biến món hến. Chẳng thế mà bà con địa phương còn gọi địa danh này bằng một cái tên dân dã, dễ thương “Cồn Hến”.

CỘT CỜ HÀ NỘI

Là một trong những công trình kiến trúc ít ỏi thuộc khu vực thành Hà Nội có may mắn thoát khỏi sự phá hủy do chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong ba năm 1894 - 1897. Với chiều cao đáng kể, Cột cờ này đ¬ược nhà binh Pháp khi đó dùng làm đài quan sát và trạm thông tin liên lạc giữa ban chỉ huy với những đồn bốt xung quanh, ban ngày dùng làm tín hiệu, ban đêm dùng đèn.

PHỦ TÂY HỒ
Men theo con đường rợp bóng cây cuối khu biệt thự Tây Hồ ở thủ đô Hà Nội, giữa bát ngát hương sen và cảnh đất trời hòa quyện trong ánh nắng chiều tà, doi đảo nhỏ được người xưa ví là “bãi đất cá vàng” nhô ra giữa mặt nước lung linh, đúng là cái thế “đầu rồng, thân rồng, rùa cõng” khiến khách vãn cảnh cảm thấy âm dương đối đãi, tâm hồn mình thư thái lạ.

NHÀ TÙ HỎA LÒ


Khu di tích nhà tù Hỏa Lò nằm ngay trung tâm thành phố Hà Nội. Thực dân Pháp cho xây dựng nhà tù này năm 1896 nhằm giam giữ những người đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp, vốn có tên là Đề lao Trung ương (Maison Centrale), nhưng do nhà tù được xây trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ), Hà Nội, đây vốn là làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung, vì thế làng còn có tên là Hỏa Lò và nhà tù ở đây cũng được gọi là nhà tù Hỏa Lò.

CHÙA NON NƯỚC
Chùa Non Nước và pho tượng Phật bằng đồng đúc liền khối lớn nhất nước - Hà Nội


Chùa Non Nước là một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội. Ðặc biệt, trong chùa sẽ đặt pho tượng Phật bằng đồng đúc liền khối lớn nhất Việt Nam - cao 6,5m, nặng 30 tấn.


CẦU THÊ HÚC


Chiếc cầu mầu son, như dải lụa đào, vắt qua làn nước xanh của Hồ Hoàn Kiếm bên cạnh những liễu rủ, phượng lăn tăn, cành đa cổ tích, nối phố xá ồn ào với đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc tĩnh lặng. Ðó là cầu Thê Húc (tức là cầu đón ánh sáng ban mai đậu lại) được quan án sát Nguyễn Văn Siêu xây dựng năm 1865. Gần một thế kỷ rưỡi trôi qua, cầu gỗ ngày xưa đã được thay bằng xi-măng cốt sắt nhưng vẫn mang dáng dấp cây cầu son đỏ.

CHÙA TRẤN QUỐC


Giống như một hòn đảo xanh xinh xắn, nằm soi mình bên sóng nước Hồ Tây, chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ là chốn cửa Phật linh thiêng thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là một trong những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của thủ đô Hà Nội.


ĐỀN QUÁN THÁNH

Đền đợc lập từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010). Vua cho rớc bài vị của thần về ở phía Tây Bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế quán. Quán là nơi thờ tự của đạo Giáo, dân chúng quen gọi là đền Trấn Vũ hoặc đền Quán Thánh. Đền hiện ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, đời Lê thuộc đất phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía Nam Hồ Tây.


HILTON HA NOI OPERA

Nằm trong một quần thể kiến trúc mang phong cách Phục hưng như Nhà phát Lớn Hà Nội, phong cách tân cổ điển như Nhà khách Chính phủ, khách sạn (KS) Hilton Hanoi Opera (HHO) là một công trình kiến trúc đẹp, rất hài hòa với quần thể xung quanh.

ĐỀN VOI PHỤC


Sở dĩ gọi là đền Voi Phục vì tại cửa đền có đắp 2 con voi quỳ ngay ở cổng đi vào. Đền còn có tên là đền Thủ Lệ; Linh Lang do thờ thần Linh Lang đại vương. Đền nằm phía Tây kinh thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Cầu Giấy, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền là một trong "Thăng Long tứ trấn", được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông. Tương truyền Linh Lang là con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông.



BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH


Bảo tàng được xây dựng theo nguyện vọng của nhân dân Việt Nam nhằm tỏ lòng biết ơn và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, hữu nghị và hoà bình với nhân dân thế giới.


LĂNG BÁC


Lăng được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Ðình, nơi Bác Hồ đã từng chủ tọa các cuộc mít tinh lớn.

Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của Lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái Lăng hình tam cấp.
Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín.

Trong Lăng là thi hài Bác đặt trong hòm kính được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh muôn ngàn hạt sáng. Qua lớp kính trong suốt, Bác Hồ yên nghỉ trong bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân Bác vẫn là đôi dép cao su giản dị của người.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi an nghỉ vĩnh hằng của người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.




Ô QUAN CHƯỞNG

Cửa ở đầu phố Hàng Chiếu, gần đê sông Hồng. Nói về thành lũy ở Việt Nam thì nhiều địa phương có. Nhưng cửa ô thì chỉ ở Hà Nội mới có. Và tới nay thì Hà Nội cũng chỉ còn có một cửa ô: Cửa Ô Quan Chưởng. Thực ra tên chính của cửa ô Quan Chưởng là Ðông Hà Môn tức cửa Ðông Hà. Ðông Hà là tên gọi của một phường đời Lê bao gồm khu vực Hàng Chiếu, Thanh Hà, Ðào Duy Từ ngày nay là nơi có cửa ô này.
4#
 Tác giả| Đăng lúc 27-8-2008 22:23:44 | Chỉ xem của tác giả

Làng Nghề Hà Nội

4.Làng nghề Hà Nội

LÀNG HƯƠNG YÊN PHỤ
Nói tới Thăng Long - Ðông Ðô -Hà Nội đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến, không thể không kể tới những làng nghề truyền thống, bởi chính những làng nghề, phố nghề đã tụ hội tại mảnh đất này và làm nên một kinh đô nhộn nhịp, sầm uất. Trải qua bao thắng trầm của lịch sử, tới hôm nay có rất nhiều những làng nghề ở Hà Nội đã mai một như Ngọc Hà, Ngũ Xã, An Thái ... nhưng Yên Phụ, một làng làm hương vẫn như sống mãi với thời gian.


LÀNG GỐM BÁT TRÀNG


Tên Bát Tràng được hình thành từ thời Lê, đó là sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ thanh với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng này.
Sau đó 5 dòng họ lớn trong làng gốm Bát Bồ là các họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã nhóm họp và quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm và gia đình con cháu họ dời làng di cư về phía kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Họ dừng chân tại vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng. Sáu dòng họ trên vùng 72 gò đất trắng ấy đã góp sức cùng nhau làm nên một Bát Tràng với những viên gạch mộc mạc, đơn sơ nhưng để lại một dấu ấn khó quên trong ca dao cổ.

Ước gì anh lấy được nàng
Ðể anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

BÁNH ĐA SỦI


Mỗi buổi tan chợ. Bọn trẻ thường đứng ở đầu ngõ ngong ngóng bà, mẹ đi chợ về. Rồi chiếc bánh đa hình ông trăng thơm phức, giòn tan lại được chia năm xẻ bảy cho từng đứa. Hình ảnh rất Việt ấy đã và đang bị quên dần. Sủi–một làng ngoại thành Hà Nội (thuộc xã Phú Thụy, huyện Gia Lâm) nổi tiếng với nghề tráng bánh đa vài trăm năm nay, hiện đang đau đáu nỗi lo thất truyền.


ĐÚC ĐỒNG NGŨ XÃ


Ngạn ngữ Hà Nội có câu “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Câu nói đó dường như đã gói gém tất cả những thông tin về một số làng nghề thủ công nổi tiếng trên đất kinh kỳ xưa.
Nằm ở phía Tây Hà Nội, làng Ngũ Xã nổi lên như một bán đảo nhỏ nép mình bên hồ Trúc Bạch. Đây chính là nơi sản sinh ra biết bao các sản phẩm đồng thau cực kỳ tinh xảo cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ đồ đồng của thành Thăng Long xưa.

Ngũ Xã nghĩa là 5 làng. Sử sách ghi lại rằng, vào khoảng thời Lê (1428 -1527), dân 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Điện Tiền và Đào Viên (mà tên nôm là các làng Hè, Rồng, Dí Thượng, Dí Hạ...) thuộc huyện Văn Lâm - Hưng Yên và Thuận Thành - Bắc Ninh, vốn có nghề đúc đồng đã về kinh thành để lập trường đúc tiền và đồ thờ. Tại đây họ đã sinh cơ lập nghiệp và tạo dựng làng mới trên đất Thăng Long nên mới lấy tên Ngũ Xã để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình. Về sau tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, nay là phố Ngũ Xã nằm ở phía đông hồ Trúc Bạch, thuộc quận Ba Đình.



LÀNG NGHỀ KIM HOÀN

Nằm bên bờ sông Tô Lịch, làng Định Công thượng còn gọi là Định Công kim hoàn (thuộc huyện Thanh Trì ngày nay).
Tên làng đã mách bảo về nghề chạm vàng bạc nổi tiếng ở đây. Câu chuyện về tổ nghề chạm vàng bạc có liên quan đến ba anh em họ Trần (sinh thời khoảng năm 571-603) từ lâu đã đi vào tiềm thức và lòng tự hào của mỗi người dân nơi đây. Đồng thời nhắc nhở các thế hệ thợ nghề luôn nhớ về cái nôi ban đầu của nghề chạm vàng bạc. Ngoài làng Định Công, ngay giữa nội đô thành phố Hà Nội ngày nay trên phố Hàng Bạc cũng là nơi tập hợp các thợ kim hoàn vốn gốc Định Công.

LÀNG HOA NGỌC HÀ


Trồng hoa cây cảnh vốn đã có từ lâu đời, trở thành một nghề truyền thống ở Hà Nội với những làng hoa nổi tiếng như: Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà, Nhật Tân.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hoá và trình độ dân trí, nhu cầu sử dụng hoa cây cảnh trong đời sống hàng ngày càng trở lên phổ biến. Chịu tác động của các yếu tố kinh tế thị trường và nhận thức xã hội, nghề trồng hoa cây cảnh những năm qua đang thực sự trở thành một ngành sản xuất mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm hoa cây cảnh của Hà Nội phong phú với các loại hoa mang sắc thái dân tộc độc đáo như Đào, Mai và không ít những giống hoa mới đã trở nên quen thuộc với người trồng hoa như Lay-ơn, Huệ tây (Loa kèn), Cẩm chướng...


GIẤY DÓ YÊN THÁI

Làng nghề giấy dó Yên Thái, còn gọi là Kẻ Bưởi, ở phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội. Nghề làm giấy ở Việt Nam đã có từ xa xưa, có thể nói là ngay từ những năm đầu công nguyên. Năm 284, các thương gia La Mã đã mua của ta 3 vạn tờ giấy Mật Hương để dâng lên vua Tấn Vũ Đế. Một học giả người Hoa là Kê Hàm cũng đã xác nhận giấy Mật Hương của Giao Chỉ làm bằng gỗ trầm thơm, màu trắng, có vân vảy cá, thả vào nước không nát...
Cho đến kỷ nguyên Đại Việt thì nghề làm giấy ở Thăng Long ngày càng phát triển mạnh. Giấy dó kẻ Bưởi cũng đã từng là mặt hàng triều cống cho triều đình nhà Tống cuả vua Lý Cao Tông (1176- 1210). Trong "Dư địa chí" (viết năm 1435), Nguyễn Trãi đã đề cập đến phường Yên Thái ở Thăng Long gồm nhiều làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ...
5#
 Tác giả| Đăng lúc 27-8-2008 22:29:23 | Chỉ xem của tác giả

Lời Kết

Trong 10 năm trở lại đây, chính sách kinh tế mở đã mang đến cho Việt Nam một diện mạo mới. Thủ đô Hà Nội cũng hoà nhịp cùng cả nước, trở thành một thành phố năng động, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài
Hà Nội náo nhiệt, năng động, đang phát triển không ngừng, nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo với những khoảng cây xanh bóng mát và hồ nước, những mái ngói rêu phong cổ kính…tất cả đã thật sự gây ấn tượng cho bất cứ ai  khi đến Hà Nội.
(*) Hà Nội (từ 1/8/2008) có 29 thành phố, quận, huyện:
Tham khảo Wikipedia.org
6#
Đăng lúc 4-1-2010 02:09:35 | Chỉ xem của tác giả
Chúc bạn vui vẻ. Cám ơn rất rất nhiều for sharing.
Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Register

Quy tắc điểm

Phòng tối|iPhone|Archiver|G+|Youtube|Facebook|Twitter|Contact| Netdepviet.org

GMT+7, 6-5-2024 10:43 AM , Processed in 0.029678 second(s), 21 queries .

Powered by Discuz! X3.2

© 2006 Made with in Hanoi,Vietnam and Contents are published by all members

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách