|
Ngày Tận Thế
Bài từ Tủ sách Khoa học VLOS.
Từ năm 1947 đến nay, kim phút trên chiếc đồng hồ ẩn dụ báo Ngày Tận Thế lúc 12 giờ khuya của các nhà khoa học Mỹ đã qua 18 lần điều chỉnh. Gần đây nhất, vào ngày 18/01/2007, nó được nhích lên thêm hai vạch, và chỉ còn năm vạch nữa là đến... giờ định mệnh.
Như một khối đá khổng lồ xuất hiện trong vũ trụ trước đây 4,6 tỷ năm, nhờ được tắm ánh nắng Mặt Trời cùng một chút ân huệ của Tạo hóa, Trái Đất đã dần dà thay da đổi thịt, từ một nữ đồng trinh khô khốc hóa thân thành một nhan sắc tuyệt trần và cuối thành Người Mẹ của muôn loài. Những tế bào sống eucaryotic bắt đầu xuất hiện dưới ánh nắng chói chang cách đây chừng 2 tỷ năm. Hàng tỷ năm sau, nước và ô xy nứt ra từ những kẽ đá ly ty ngày một nhiều, tạo nên khí quyển và đại dương, cây cối rồi đến các loài động vật lần lượt xuất hiện. Trong cái thế giới hồng hoang đó, những chú vượn lom khom bỗng vươn vai thành những homo sapiens nhận lấy sứ mạng cai quản muôn loài, cách đây một trăm nghìn năm. Tổ tiên loài người còn phải lang thang săn bắn hái lượm triền miên, chỉ mới rất gần đây mới biết định cư, phá rừng trồng trọt, thuần dưỡng cầm thú, đốt gỗ lấy than, rèn đúc khí cụ, chẳng những để mưu sinh mà còn chinh phục cả đồng loại. Cọc mốc văn minh đầu tiên ấy chỉ mới xuất hiện trước đây mười nghìn năm. 10.000 trên chiều dài 4.600.000.000, nghĩa là chưa được hai phần mười cái tích tắc, nếu toàn bộ lịch sử Trái Đất thu gọn lại thành một ngày 24 giờ cho dễ hình dung.
Thế mà thánh kinh và các đấng tiên tri đã vội phán truyền về Ngày Tận Thế!
Nói cho cùng, họ không sai. Sinh tử là lẽ Trời, Trái Đất không thể là ngoại lệ. Rồi nó cũng sẽ lụi tàn, có điều là sau hàng tỷ năm nữa, khi Mặt Trời ngày càng già nua không đủ chói sáng như hiện nay. Mà lúc đó con người sẽ chế tác ra những mặt trời khác. Cho nên cái "Ngày Tận Thế" vẫn mãi là chuyện hoang đường, trừ phi con người quá khôn ngoan mà trở thành điên loạn và tự hủy diệt mình. Tiếc thay, nguy cơ này là có thật!
Năm 1947, những đỉnh cao trí tuệ ở Mỹ, trong số này có nhiều người từng thai nghén ra hai quả bom hạt nhân đầu tiên như Einstein, Oppenheimer, Bethe, Szilard... đã chế tác ra chiếc đồng hồ ẩn dụ báo trước cái Ngày Tận Thế đó. Chiếc kim phút càng gần vạch 12 giờ, mối hiểm họa hủy diệt thế giới càng lớn. Từ chỗ cách 7 vạch lần đầu tiên vào năm 1947, thỉnh thoảng nó lại được điều chỉnh, lúc tới lúc lui. Lúc gần nhất chỉ còn cách 2-3 vạch vào năm 1949-1953 khi Liên xô cho thử quả bom nguyên tử và khinh khí đầu tiên, khởi đầu cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Liên xô và Mỹ. Hàng nghìn đầu đạn hạt nhân nằm trên bệ phóng sẵn sàng chờ lệnh ấn nút. Hàng vạn quả khác chất đầy kho. Gần 500 quả đủ kích cỡ được cho thử nghiệm, gieo rắc chất phóng xạ khắp toàn cầu. Thấm mệt, cả hai phải hòa hoãn. Hiệp định ngừng thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển được ký kết vào năm 1963, kéo chiếc kim phút ra xa đến 12 vạch.
Nhưng phải tận ba mươi năm sau, các nhà khoa học mới được thở phào khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991. Chiếc kim phút được kéo ra xa nhất, đến 17 vạch. Nhưng trái với mọi mong đợi, thế giới vẫn tiếp tục bất ổn, kim phút lại ngày càng nhích dần lên, và sau bốn lần điều chỉnh, ngày 18/1/2007 mới đây nó chỉ còn cách 5 vạch nữa là đến con số 12 định mệnh. Chiếc đồng hồ báo Ngày Tận Thế là chế tác của những người thích đùa chăng? Không! Phải có trí tuệ siêu việt lắm mới đùa hay như thế! Vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi cuộc đối đầu giữa hai siêu cường lên đến cực điểm, Trái Đất đã từng tàng trữ bốn vạn đầu đạn hạt nhân với sức công phá tổng cộng trên 13 tỷ tấn TNT, ngót một triệu lần mạnh hơn quả bom rơi xuống Hiroshima (15 nghìn tấn TNT). Quả thật, lúc này trên thế giới có không ít người thích đùa. Đó là các chiến lược gia vẽ ra những kịch bản sử dụng kho vũ khí này. Sản phẩm của họ chất đầy các tủ hồ sơ tuyệt mật của hai bên. Họ không thèm đếm xỉa đến hậu quả của các kịch bản đó đối với số phận của loài người mà các khoa học gia cảnh báo: "Mùa Đông Hạt Nhân" sẽ là đoạn kết trong cái kịch bản Ngày Tận Thế.
H. G. Well cho rằng ngày tận thế sẽ là Kỷ băng hàLoài người đã chứng kiến thảm họa Hiroshima, Nagasaki và sau này là Chernobyl. Nhưng chắc ít ai nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra khi chỉ cần 5 trong số 13 tỷ tấn TNT được hai bên ấn nút nhằm vào 1000 thành phố trong dải vĩ độ 30-60° Bắc bán cầu. Chưa kể đổ nát, chết chóc và bụi phóng xạ khủng khiếp, người và sinh vật có cơ may sống sót sau thảm họa đó sẽ chết dần trong mùa đông hạt nhân do 200 triệu tấn khói đen bao phủ bầu trời khiến cho nhiệt độ khí quyển giảm đi từ 10 đến 20oC và 50% tầng ozone bị thủng. Chảy mãi theo dòng xiết Tây-Đông, chất phóng xạ và khói đen được tung lên tầng bình lưu sẽ kéo dài mùa đông hạt nhân trong nhiều năm liền.
Tỉnh táo mà suy xét, hai vị Tổng thống ở tòa Bạch ốc và điện Kremlin không muốn nhìn thấy Ngày Tận Thế đó bằng cách mó vào chiếc hộp mật mã để ấn nút các dàn phóng. Nhưng hiểm họa về một cuộc chiến tranh hạt nhân leo thang ở quy mô vùng dường như không nhỏ. Chỉ cần 50 quả bom loại Hiroshima nổ tung trong một cuộc chiến hạt nhân ở vùng Vịnh sẽ giết chết từ 3 đến 16 triệu người và để lại mùa đông trên một vùng rộng lớn ở hai lục địa Âu-Á. Nhớ lại, trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, 526 giếng dầu ở Kuwait bị cháy trong nhiều ngày liền tung lên trời một lượng khói đen làm cho nhiệt độ ban ngày trong phạm vi bán kính 200 km giảm đi 10°C. Mà lúc đó chưa có vũ khí hạt nhân.
Không yếu bóng vía, nhưng những tuyên bố và tin đồn gần đây từ Iran, Israel và cả Wasinghton khiến nhiều người lo ngại nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân ở vùng Vịnh. Nhất là khi những toan tính lại được các tín điều dẫn dắt. |
|