|
Làng Thị Cấm nay thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Từ nội thành qua cầu Diễn, rẽ tay trái đi dọc Sông Nhuệ gặp ngã rẽ phải đầu tiên đi thêm gần 1km là đến.
Làng này thờ Phan Tây Nhạc tương truyền là tướng của vua Hùng thứ 18. Ông từng đóng quân ở Thị Cấm, có tổ chức cho quân lính thi thổi cơm. Sau khi ông mất dân làng tôn ông làm thành hoàng và hàng năm vào ngày mồng 8 Tết mở hội thổi cơm thi để nhắc nhở tích xưa.
Cũng có thông tin khác tương tự cho rằng: Tương truyền từ thời vua Hùng thứ 18, có đôi vợ chồng tướng tiên phong là Phan Tây Nhạc và Hoa Dung trẩy quân qua làng đi dẹp giặc. Dân làng xin đi theo, tướng quân bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn người nuôi quân giỏi. Vợ chồng tướng quân mất, được làng thờ làm thành hoàng và hàng năm đến ngày sinh của ông 12 tháng 2 âm lịch, làng mở hội thổi cơm thi để nhớ ông.
Hội diễn ra dọc con đường lớn chạy ngang qua làng, dài hơn 1000m, từ tây sang đông ra đến bờ Sông Nhuệ. Trung tâm hội là khu vực đình bao gồm sân đình và các thửa đất trước đình.
Đình làng Thị Cấm đêm trước lễ hội
Bạn đọc có thể đến dự lễ hội bắt đầu từ 8h sáng. Riêng phần thi nấu cơm sẽ diễn ra từ 10h30. Chúng tôi sẽ gửi tới bạn đọc hình ảnh của lễ hội dân gian này trong ngày.
Các bước chuẩn bị:
Đối tượng tham gia hội thổi cơm thi là bốn giáp trong làng. Ngay từ khoảng tháng ba sau khi giã đám hàng năm, các giáp đã phải rút kinh nghiệm cuộc thi năm trước để bàn bạc với nhau chọn người dự thi cho năm sau. Sở dĩ phải bàn bạc chọn người sớm để cho họ có thời gian nghiên cứu luyện tập và chuẩn bị về vật chất cho cuộc thi.
Những người được chọn chạy đi lấy nước là thanh niên có sức khoẻ phải thường xuyên rèn luyện đôi chân chạy sao cho nhanh để được giải. Những người làm việc kéo lửa vừa có sức khoẻ vừa có mưu trí nhanh nhẹn. Ngay từ đầu năm người ta cũng đã phải chọn những ống dang già chẻ ra gác lên bếp cho khô mà vẫn giữ được độ cứng dẻo của nó. Những người giã thóc, giần, sàng, nấu cơm thường phải nhanh nhẹn khéo tay và phải chuẩn bị thóc, rơm từ vụ mùa, phải chọn các loại thóc tốt, nấu cơm dẻo thơm chóng chín để nhanh được giải, đồng thời để cúng thánh đảm bảo sự tôn kính.
Ngoài ra, những người dự thi còn chuẩn bị may mặc quần trắng áo the, thắt lưng màu xanh, đỏ, tím, vàng để phân biệt các giáp (mỗi giáp một màu thắt lưng khác nhau). Mỗi giáp còn phải cử ra một người chỉ huy lực lượng dự thi của giáp gọi là cán biện. Ông này có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị cơ sở vật chất của giáp và sẽ chỉ huy lúc giáp dự thi.
Diễn biến:
Sáng ấy mọi nhà sắm sửa lễ vật mang ra đình. Trên cao cờ thần bay. Dưới thấp trống đánh từng nhịp, người tấp nập. Chấm thi là một hội đồng bao gồm các chức sức kỳ mục và một số người dân làng sành về khảo sát đánh giá chất lượng cơm thi.
Cả làng có bốn giáp. Mỗi giáp cử một đội mười người quần trắng, áo the, thắt lưng màu, mỗi giáp một màu để dễ phân biệt.
Giúp vui cho hội thi có phường bát âm tấu nhạc, đánh trống đánh chiêng và khi kết thúc một công đoạn thì lại có đốt pháo mừng. Cuộc thi chia làm ba công đoạn:
1. Thi chạy lấy nước: Mỗi giáp cử một người chạy lấy nước. Xuất phát từ một đồn binh tượng trưng được dựng bằng tre lá ở khu vực đình, anh ta phải chạy đến bờ Sông Nhuệ (đường dài gần 1000 mét). Ở đó có sẵn bốn chiếc be bằng đồng mà hàng giáp trước đó đã đầy nước để đợi người chạy đến mang về thổi cơm. Ai lấy được be nước trở về nơi xuất phát trước tiên thì người đó được giải nhất về công đoạn chạy (cũng có nghĩa là cả giáp của người ấy được giải nhất).
2. Thi kéo lửa: Mỗi giáp cử hai người kéo lửa. Dụng cụ gồm các thanh tre già và thanh dang già. Một nắm rơm vò nát làm bùi nhùi. Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh dang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co cho cật dang cọ sát vào cật tre nhiều lần. Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi. Lửa bùng lên, dùng lửa ấy thổi cơm. Giáp nào kéo được lửa trước thì được giải nhất về công đoạn kéo lửa. Công đoạn này có thể là diễn tả lại nỗi vất vả của người xưa trong việc tìm lửa thô sơ trước đây.
3. Thi thổi cơm: Có ba công đoạn liên hoàn như sau:
- Giã thóc, xàng thóc lấy gạo.
- Giã gạo, lấy gạo trắng.
- Thổi cơm.
Tiêu chuẩn đạt giải: Cơm chín dẻo và trắng, không có hạt cơm đớn và sượng.
Mở đầu cuộc thi, mỗi giáp cử ra 6 người. Hai người giã thóc bằng chày gỗ (dài một sải tay), cối gỗ (hoặc cối đá). Sau đó hai người sàng sảy và lại giã. Khi gạo đã trắng thì lấy một lượng gạo đủ thổi một bát cơm cúng, bỏ vào nồi đất để nấu. Đun bếp bằng rơm. Dùng tro rơm vùi kín nồi để cơm chín. Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, người thứ 5 phụ trách nồi cơm đốt vun nhiều đống tro rơm buộc người chấm phải mất công tìm kiếm. Việc nguỵ trang này do người thứ 6 cuối cùng đảm đương.
Thời gian giành cho người thi thổi cơm kéo dài khoảng hai giờ. Kết thúc phần thổi cơm thi là việc công bố và trao giải cho giáp nào đạt nhiều giải nhất qua 3 công đoạn. Trong khi diễn ra cuộc thi, người lớn lẫn trẻ em hò reo vui vẻ. |
|