Nét Đẹp Việt Nam

Tiêu đề: TIỂU SỬ CA SĨ [In trang]

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 09:02 AM
Tiêu đề: TIỂU SỬ CA SĨ
Anh Khoa



Ca Sĩ Anh Khoa tên thật là Trần Công Khai , quê quán Phan Thiết, ngày sinh nhật là 20 tháng 5, thích nhất con số 14 và những màu đen và vàng.

Năm 12 tuổi anh đã được đề cử tham dự cuộc thi văn nghệ ấp Chiến Lược toàn quốc tổ chức tại rạp Quốc Thanh và đã chiếm giải với nhạc phẩm "Nếu Một Mai Anh Biệt Binh Kỳ".

Năm 1969, giọng hát của Anh Khoa được Joe Marcel (lúc đó đang hoạt động tại vũ trường Ritz) để ý và mời cộng tác và cũng chính Jo là người đã hết lòng dìu dắt và nâng đỡ Anh Khoa trên con đường ca nhạc. Tiếng hát Anh Khoa từ đó vụt sáng chói để trở thành một trong những ca nam "ăn khách" nhất thời bấy giờ qua những chương trình ca nhạc và những băng nhạc và nhiều chương trình truyền hình. Khó ai quên được những "Bài Không Tên" của Vũ Thành an được trình bày qua tiếng hát buồn não nuột của anh.

Anh Khoa là một ca sĩ Việt Nam duy nhất lạc lõng tại một quốc gia Đông Âu, Hungary. Lý do về sự có mặt của Anh Khoa tại đó đã được báo chí nhắc nhở tới vào năm 1989 khi anh thành hôn cùng một thiếu nữ Hung Gia Lợi tên Karsai Irina, con gái của một nhân vật cao cấp trong giới ngoại giao, sau một thời gian gặp gỡ tại Sài Gòn.

Tháng 9 & 10/94 anh có dịp sang Mỹ gặp gỡ bạn bè trong giới nghệ sĩ và những khán giả từ lâu không có dịp thấy anh trình diễn. Một "Đêm Anh Khoa và Tình Nghệ Sĩ" đã được tổ chức tại vũ trường Diamond (Orange County). Anh Khoa cho biết số tiền anh có được đêm hôm đó do tiền bán vé và do anh chị em nghệ sĩ tặng anh sẽ gửi về VN để mua 1 căn nhà cho mấy người em. Đó là một điều mơ ước từ lâu của anh mà chưa có dịp thực hiện.

Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của anh là thời gian cộng tác với những chương trình ca nhạc của Jo Marcel và những chương trình "Hippies à GoGo" của Trường Kỳ tại vũ trường Ritz. Anh đã nhiều lần xuất hiện trên băng nhạc Paris By Night trước đây nhưng gần đây anh đã vắng bóng. Chắc chắn rằng không ai có thể quên người nam ca sĩ đã 1 thời vang bóng này.

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 09:34 AM
ANH NGỌC



Anh Ngọc: Một đời để hát
Trường Kỳ

    Với số tuổi gần 80, người ta có thể coi ông như người nam ca sĩ cuối cùng trong thành phần những ca sĩ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam còn xuất hiện trên sân khấu những ngày gần đây. Có người còn gọi đùa ông là “The Last Samurai”, người hiệp sĩ cuối cùng trong số những hiệp sĩ tiền phong của trên nửa thế kỷ tân nhạc mà vũ khí là giọng hát từng chinh phục cảm tình của khán thính giả Việt Nam trong hai thập niên 50 và 60.

    Trong lần tiếp xúc gần đây với người viết, Anh Ngọc cho biết ông có ý định giã từ sân khấu đã lâu, từ khi bước vào lớp tuổi 70. Nhưng mãi cho đến đầu năm 2004 vừa qua, ông mới thực hiện được ý định đó, sau khi xuất hiện trong hai chương trình nhạc thính phòng mang mục đích từ thiện tại San Jose và Orange County ở California mà ông “nghĩ là đó là những buổi trình diễn cuối cùng trong cuộc đời ca hát của tôi” mặc dù bạn hữu cũng như đồng nghiệp của ông cho rằng ông vẫn có thể hát được để trân trọng mời ông xuất hiện.

    Anh Ngọc cho là sau trên 50 năm hoạt động, ông đã đóng góp được phần nào trong những sinh hoạt ca nhạc nên việc giã từ sân khấu được coi như một lý do xác đáng “để nhường chỗ cho những người khác”, như ông nói đùa.

    Cũng từ ý định ngưng dần dần những sinh hoạt ca nhạc, vào năm 1993, Anh Ngọc quyết định về tiểu bang Virginia cư ngụ, tại thành phố Burke là một nơi êm đềm và hiền hoà cũng như ít sinh hoạt văn nghệ. Trước đó ông cư ngụ ở Orange County, nam California trong 3 năm và từng tham gia nhiều buổi trình diễn tại nơi được coi là môi trường thuận tiện nhất cho những hoạt động nghệ thuật nói chung.

    Từ khi về Virginia, Anh Ngọc không nghĩ đến việc xuất hiện trên sân khấu, nhưng ông không tránh khỏi sự lôi kéo của bạn hữu yêu mến tài nghệ của ông cũng như tính cách từ thiện của một số chương trình nên đã nhận lời mặc dù rất lo ngại và hồi hộp trước phản ứng của khán giả. Chúng ta hãy nghe Anh Ngọc tâm sự: “Sau mấy chục năm hoạt động, lúc bước ra sân khấu trình diễn đối với tôi trước đó là một chuyện rất là bình thường, như người ta đi làm hàng ngày vậy. Nhưng bây giờ thì khác. Mỗi lần bước ra sân khấu tôi lại cảm thấy rất lo ngại và hồi hộp. Hay nói theo danh từ chuyên môn là rất “khớp”. Tôi không hiểu liệu mình có thể hát được hết ca khúc trình bày hay không, có diễn tả được bài hát như ý muốn và không hiểu phản ứng của khán giả như thế nào”.

    Anh Ngọc thú nhận là những lần xuất hiện gần đây, ông không còn có được sự tự tin như nhiều năm về trước. Và cái tâm trạng ấy cũng là một nguyên nhân để Anh Ngọc có ý định giã từ sân khấu, giã từ khán giã từ rất nhiều năm qua đã yêu mến tiếng hát ông. Vì theo quan niệm của Anh Ngọc, một khi không hát được mà cứ cố tình xuất hiện sẽ chịu một ảnh hưởng không tốt đối từ phía khán giả.

    Đôi khi có thể mất tất cả những cảm tình trước đó khán giả đã dành cho mình. Nhưng trong trường hợp của chính ông, hai lần xuất hiện mà ông cho là cuối cùng trong cuộc đời đi hát, người ta vẫn đo lường được nhiều ưu ái khán giả đã dành cho giọng ca “tenor” lão thành này, tuy dĩ nhiên không thể so sánh được với những ngày xưa. Nhưng với một số tuổi gần 80 như Anh Ngọc, mấy ai còn giữ cho mình một phong cách trong nghệ thuật diễn tả và phong độ trong tiếng hát như vậy do ảnh hưởng của thời gian...

    Do đó, ông đã rất thành thật khi đưa ra sự ghi nhận: “Thực ra cũng phải nói là mình cũng lớn tuổi rồi. Thời gian nó cũng có ảnh hưởng chứ! Thời gian ít hay nhiều cũng có ảnh hưởng đến thể chất của con người. Ở lứa tuổi của tôi là trên 70 rồi thì làm sao có thể giữ nguyên được phong độ khi còn trai trẻ”

    Thật ra Anh Ngọc muốn làm một cuộc thử thách đối với chính mình khi ông nhận lời xuất hiện trong hai buổi tổ chức có tính cách lớn lao và trang trọng cuối cùng nói trên để “xem hiện giờ với cái tuổi gần 80, tôi còn có thể hát được nữa hay không”...

    Ông còn nói đùa thêm biết đâu sẽ lập được kỷ lục là người hát lâu năm nhất, mặc dù không còn hát được dễ dàng so với thời gian trước đó vì “âm vực cũng không còn được rộng như trước và làn hơi cũng ngắn và yếu hơn. Nhưng bù lại cái khuyết điểm đó thì về phần kỹ thuật theo tôi nghĩ theo thời gian và kinh nghiệm lại có phần xuất sắc hơn.”

    Và đúng như ông nói, phần kỹ thuật và những kinh nghiệm sau trên 50 năm đi hát đã khiến ông vẫn còn đón nhận được những cảm tình của khán thính giả yêu thích loại nhạc tiền chiến thích hợp với nghệ thuật diễn đạt của ông khi căn cứ vào phản ứng của khán giả. Vì theo Anh Ngọc, “mỗi ca sĩ ra trước sân khấu đều có thể đo lường được mức độ thành công hay không thành công của chính mình”

    Anh Ngọc họ Từ, sinh năm 1925 tại Hà Đông. Ông trưởng thành tại Hà Nội và từng theo học các trường Thăng Long, Puginier và Louis Pasteur ở đây. Khi còn rất trẻ, ông đã yêu thích ca hát mặc dù sinh trưởng trong một gia đình rất cổ...

    Trong số 8 người con trong gia đình gồm 1 chị và 7 anh em trai, chỉ có ông và người em là Ngọc Long (hiện ở Việt Nam) đi theo con đường văn nghệ và trở thành những ca sĩ tên tuổi. Riêng Anh Ngọc có thời gian theo học nhạc lý với nhạc sĩ Tạ Phước và đàn với nhạc sĩ Thiện Tơ và tình cờ bước vào con đường ca hát, khởi đầu từ những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến.

    Năm 1947, ông vào Huế thăm một người anh làm việc ở đây và lưu lại Huế hơn 1 năm. Trong thời gian này ông được nữ ca sĩ Minh Trang mời hát trên đài phát thanh Huế.

    Năm 1949 Anh Ngọc vào Sài Gòn để khởi đầu cộng tác với đài phát thanh Pháp Á. Sau đó, ông lần lượt được mời hát trong chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Quân Đội, Đài phát thanh Sài Gòn, đài Mẹ Việt Nam, đài Tiếng Nói Tự Do và Đài Truyền Hình Việt Nam.

    Với đài Sài Gòn, ông còn giữ vai trò xướng ngôn viên, cùng một lúc phụ trách một chương trình ca nhạc lấy tên là “Tiếng Nhạc Tâm Tình” từ đầu thập niên 60 cho đến biến cố tháng Tư năm 75. “Tiếng Nhạc Tâm Tình”, từng được nhà văn Mai Thảo nhận xét là “Một chương trình được yêu mến, đợi chờ và tán thưởng nhất trong nhiều năm”, được sự cộng tác của các giọng ca sáng chói của nền tân nhạc Việt Nam ở trong thời kỳ vàng son như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Hà Thanh, vv...cùng sự phụ hoạ của một ban nhạc đàn dây gồm những nhạc sĩ tên tuổi.

    Một số những nhạc phẩm ghi âm trong thời gian này đã được Anh Ngọc phục hồi bằng kỹ thuật digital để đưa vào 2 CD do ông thực hiện là Trở Về Dĩ Vãng và Một Thời Để Nhớ.

    Đến năm 1954, sau khi hiệp định Geneve ký kết, với làn sóng di cư ồ ạt vào Nam, phong trào tân nhạc ở miền Nam có một sự bùng phát rất mạnh. Có thể coi đó là thời kỳ vàng son của nền tân nhạc. Cùng thời kỳ này có những chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng cùng những đại nhạc hội mà Anh Ngọc có một thời gian đứng ra tổ chức với số khán giả tham dự rất đông đảo.

    Và cũng từ đó trở đi, tiếng hát của Anh Ngọc đã trở thành một trong những tiếng hát được ưa thích nhất do “Ngoài việc truyền đạt lời hát một cách rõ ràng và chuẩn xác, còn sử dụng cách luyến láy cũng như phân đoạn câu hát để nói lên ý nghĩa của bài hát, hay nói đúng hơn là những ý nghĩa chứa đựng trong bài hát”, như nhận định của nhà khảo cứu âm nhạc người Mỹ, Jason Gibbs, cũng là một quản thủ thư viện ở San Francisco.

    Mặc dù được mọi người công nhận là một danh ca, nhưng điều không ai ngờ ca hát không phải là nghề chính của Anh Ngọc, như ông cho biết: “Thực ra ca nhạc đâu phải là nghề của tôi. Nhiều người không biết đến chuyện đó , nên cho là tôi suốt đời hoạt động ca nhạc. Nhưng thực ra không phải. Điều đó người ta không nghĩ ra, tôi cũng không muốn nói đến. Thực ra tôi không phải là một người ca sĩ nhà nghề, đi hát chỉ là chuyện phụ thêm thôi”.

    Tuy không coi ca hát như phương tiện sinh sống, nhưng ông lại được nhiều nhạc sĩ nổi danh, trong số có Vũ Thành và Phạm Đình Chương, đánh giá là một giọng hát rất nhà nghề. Công việc chính của Anh Ngọc từ sau khi vào Sài Gòn là nhân viên của Sở Thông Tin Hoa Kỳ, từ năm 49 cho đến khi ông được gọi động viên vào đầu thập niên 1960.

    Trong thời gian quân ngũ, Anh Ngọc phục vụ trong ngành Chiến Tranh Tâm Lý, trong vai trò xướng ngôn viên tại Đài Phát thanh Quân Đội. Sau khi giải ngũ, ông làm việc cho đài Tiếng Nói Tự Do, vừa là xướng ngôn viên, vừa tham gia những chương trình ca nhạc phát thanh.

    Sau biến cố tháng 4 năm 1975, ông kẹt lại Việt Nam và không tham gia vào bất cứ sinh hoạt ca nhạc nào mặc dù nhiều lần được nhắc nhở.

    Năm 1990, Anh Ngọc sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Ba năm đầu ông cư ngụ ở Orange County. Từ năm 1993, ông cùng gia đình về cư ngụ tại thành phố Burke, tiêu bang Virginia cho đến nay. Tại đây ông không tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ mặc dù nhận được rất nhiều lời mời vì không muốn được nhắc nhở nhiều.

    Nhưng ngược lại, thỉnh thoảng ông vẫn nhận lời xuất hiện trong những chương trình tổ chức tại các tiểu bang khác. Tuy nhiên, một khi nhận lời ông đã cân nhắc rất kỹ lưỡng: “Với những chương trình họ mời tôi, tôi phải xem như thế nào, coi chương trình tôi có thích hay không. Thí dụ như những buổi trình đầu năm nay được họ tổ chức ở những địa điểm rất là sang trọng. Điều thứ hai là ban nhạc rất lớn, ban nhạc thính phòng chừng hai ba chục cái đàn. Ba nữa, thí dụ những nhạc phẩm phải là những nhạc phẩm chọn lọc, những loại nhạc thính phòng tiền chiến chẳng hạn vì nó thích hợp với tôi thì tôi mới nhận lời. Chứ không phải bất cứ buổi hát nào cũng nhận lời’.

    Trong khung cảnh êm đềm nơi ông cư ngụ, Anh Ngọc hiện chỉ biết tìm vui trong cuộc sống gia đình, bỏ lại sau lưng những hoạt động ca nhạc mà ông đeo đuổi trên 50 năm qua, mặc dù chưa bao giờ nhận mình là một ca sĩ nhà nghề...

    Thêm vào đó ông vẫn tỏ ra say mê với thú giải trí là nhiếp ảnh và du lịch đó đây. Cách đây không lâu vào thứ Năm hàng tuần, Anh Ngọc vẫn thường sinh hoạt với một số bạn hữu gồm những người bạn nhạc sĩ thân thiết như Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, vv...trong nhóm được gọi bằng một cái tên thân mật là “Club Du Jeudi”, do cố nhạc sĩ Văn Phụng đặt, “Nhưng bây giờ thì anh Phụng anh ấy mất rồi. Còn Nhật Bằng là người thứ Năm nào cũng đến cũng mới mất. Nó cứ thưa dần đi... Hồi này tôi cũng lười đi lắm. Hai nữa gần đây có cháu ngoại thành ra tôi phải trông nó để cho cháu nó đi làm thành ra cũng bận”.

    Giờ đây, Anh Ngọc đã quay lưng lại với sân khấu, với ánh đèn mầu để sửa soạn bước vào tuổi 80 trong một tâm trạng bình yên, không chút ưu tư khi nghĩ đến lúc bỏ lại một thời để nhớ và một đời ca hát của ông: “Bây giờ trời cho mình sống đến đâu, mình biết như vậy thôi, đừng đòi hỏi nhiều gì cả, thế thôi.” Ông còn nhấn mạnh về quan niệm của mình về cái chết một cách thản nhiên, nếu không muốn nói là sẵn sàng chấp nhận, vì đối với ông, sống được đến 80 tuổi đã là một sự ưu đãi của Thượng Đế:” Chết thì ai chả chết. Việc gì phải sợ chuyện đó. Đó là chuyện đương nhiên rồi. Không có ai có thể tồn tại mãi được. Còn cái chuyện chết thì mình coi như là đi về thôi chứ có gì đâu. Tại sao lại phải sợ cái chuyện đó? Ai sợ cũng không được nữa ! Khi nào cái chết nó đến thì anh cứ chấp nhận cái chuyện đó, thế thôi!.”

    Dù Anh Ngọc đã giã từ sân khấu ngoài đời, nhưng trên sân khấu tình cảm của những người yêu nhạc là tâm hồn và trái tim, hình ảnh nhiều phong độ của một tài tử, như ông từng được báo chí Sài Gòn đề cập tới cùng với một tiếng hát có đầy đủ những yếu tố cần thiết nhất sẽ khó có thể phai mờ với thời gian...


Anh Ngọc - Giọng hát trượng phu
Quỳnh Giao

    Từ xưa, Quỳnh Giao vẫn luôn có một ý thích chủ quan, là giọng đàn ông phải đầy nam tính, nghĩa là hát mạnh, trầm ấm... và đừng quá điệu; còn giọng đàn bà thì phải thật trong trẻo, ngọt ngào, đừng ồm ồm và... cứng cỏi.

    Nếu có phải viết về một giọng nam của nền tân nhạc Việt, người đầu tiên mà Quỳnh Giao nghĩ đến, chính là danh ca Anh Ngọc. Lý do trước tiên chính là giọng hát thật “đàn ông” của ông. Nhắm mắt lại mà nghe cho kỹ, chúng ta tưởng tượng Anh Ngọc là một giọng ca... không đỏm dáng để làm đẹp lòng đàn bà. Lại lãng mạn một chút mà ưa truyện Kim Dung, chúng ta có thể tưởng tưởng ra... Kiều Phong trong tiếng hát Anh Ngọc.

    Hình bóng trượng phu, lẫm liệt mà cô đơn... đấy là Kiều Phong. Cao lớn sừng sững như cây trụ chống trời... đấy cũng là tiếng hát Anh Ngọc.

    Năm nay, với tuổi bát tuần, Anh Ngọc đã thuộc hàng “lão trượng” rồi. Quỳnh Giao gọi ông bằng chú, đã từng hát trong ban “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của ông thời còn rất trẻ, luôn luôn là người trẻ nhất trong ban. Thế mà mấy chục năm sau, khi còn ở miền Ðông, Quỳnh Giao lại cùng tiêu khiển thú vui tao nhã là mạt chược tại nhà ông, cho nên xin viết về tiếng hát Anh Ngọc với lòng tri ân của thế hệ hậu sinh.

    Còn nhớ năm ngoái được mời qua Canada lạnh giá vào dịp Nguyên Ðán với nhạc sĩ Tuấn Khanh để làm giám khảo cho một cuộc thi hát. Ông Tuấn Khanh và Quỳnh Giao đồng ý đặt ra năm tiêu chuẩn chấm điểm: chất giọng, làn hơi, kỹ thuật, tình cảm, và sau cùng là nhân dáng. Vậy thì điểm đầu tiên là chất giọng.

    Anh Ngọc là người được trời thương, ông có giọng ca thiên phú.

    Tiếng hát ông rất mạnh, sang sảng. Ông lên tới những nốt rất cao mà không mỏng, xuống được những nốt trầm mà vẫn dầy, vẫn rõ. Khoảng cách của các nốt nhạc được ông xướng lên đồng đều, không lép mà chắc nịch. Phải nói đến chuyện trời cho ấy vì ngày nay nhờ kỹ thuật âm thanh ai cũng có thể tự nghĩ rằng mình có giọng ca thiên phú.

    Anh Ngọc có làn hơi phong phú. Ông là một trong số ca sĩ hiếm hoi của Việt Nam vẫn giữ được trường độ của một câu nhạc rất dài. Từ chuyện thiên phú phải nói đến chuyện nhân tài: ông hiểu nội dung ca khúc và cách diễn tả. Nói một cách khác ông rất thông minh và nắm được cách thế bắt buộc của câu hát.

    Một thí dụ có thể còn nghe thấy được là trong bài “Trở về mái nhà xưa” - lời Việt của Phạm Duy.

    Câu kết bài hát là “Người ngồi im bóng... lắng nghe tháng ngày qua”. Nhiều ca sĩ, nếu không phải là đa số, đều phải ngắt hơi từ chữ “ngày” mới có sức ngân dài ở chữ “qua” để dứt điểm với nốt cuối của dàn nhạc. Lối ngắt hơi đó là tối kỵ khi trình bày một ca khúc. Hãy nghe lại cách trình bày của những danh ca thực sự thì mình thấy.

    Những người dài hơi hơn thì cố để dành sức, và ngắt ở chữ “bóng” trong “người ngồi im bóng” để có thể một hơi mà vượt qua sông, trình bày cho đủ cho rõ câu kết kinh hoàng “lắng nghe tháng ngày qua...” cho tới khi dứt hơi cùng ban nhạc.

    Luciano Pavarotti và Anh Ngọc thì hát cả câu, nguyên một lèo mà không cần ngắt hơi.

    Anh Ngọc lấy hơi rất chuẩn và ngắt câu rất chính xác, nghĩa là rất đúng với nguyên bản của tác giả. Cách trình bày của ông vì vậy có thể là “khuôn vàng thước ngọc” về nghệ thuật xướng âm, xướng ca hay “phraser” một câu hát. Phải dài hơi và thấm ý tác giả thì mới xướng âm được cho rõ lời. Danh ca là người làm ta nghe rõ lời và hiểu ra hồn nhạc.

    Từ giọng ca thiên phú đến cách trình bày có chuẩn mực như thế, Anh Ngọc tự gây khó cho mình vì tinh thần kỹ luật. Người nghe nhạc bằng mắt thì cho rằng ông trình bày thiếu chất đam mê, nồng nhiệt, không thuộc loại gào lăn sống chết với nhạc. Sự thực thì cung cách diễn tả của Anh Ngọc lại rất khó, khó hơn lối phô trương ồn ào của người lấy bóng che hình.

    Ông phải để ý đến cách “nuancer”, luyến láy qua từng tiểu tiết, khi nhỏ nhẹ, êm đềm,hay khi trổ giọng như giông bão để dứt ở cao điểm của ca khúc. Ông hát như một người đánh đàn, luôn để ý đến “nuances”, sự “biến sắc” của nhạc, biệt tài của ông là ở chỗ đó. Chẳng trách mà phần lớn người “mê” giọng hát ông đa số có trình độ hiểu biết âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển Tây Phương. Ðặc biệt nữa, Anh Ngọc thường chọn những bài khó diễn tả vì đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Ông không thích hát những bài dễ dãi, nghe rồi là quên.

    Hãy nghe lại các ca khúc như “Trương Chi” của Văn Cao, “Nguyệt Cầm” của Cung Tiến, hay “Ngậm Ngùi” do Phạm Duy phổ thơ Huy Cận, “Nhớ Bạn” của Vũ Thành và “Tạ Từ” của Tô Vũ... Chúng ta sẽ giật mình vì tiếng hát Anh Ngọc chất chứa một niềm u uẩn, một nỗi cô đơn đến lạnh mình. Và ông diễn tả được ý nhạc ấy từ một ý thức về kỷ luật trong nghệ thuật. Kết cuộc là một khí tiết trượng phu trong cách hát. Không là nhân vật Kiều Phong trong truyện thì là ai đây?

    Giọng ca Anh Ngọc độc đáo tới mức mà dù vì mến mộ vẫn không ai bắt chước được! Trong khi sau này rất nhiều người vì cũng cố bắt chước giọng Tuấn Ngọc, một giọng hát cũng hiếm quý của nền nhạc Việt. Tuy bắt chước không thể giống hẳn, nhưng đã “hao hao”... Người bắt chước cố nhiên phải yêu giọng mến người, nên Tuấn Ngọc cũng đừng buồn... là mình có quá nhiều âm bản!

    Vào thời đại của Anh Ngọc, sự trình diễn trên sân khấu không rộng rãi như hiện tại, nhưng nhân dáng cao gầy, lịch lãm của ông đã là hình ảnh khó quên của khán giả thời đó.

    Anh Ngọc là người có thể gợi nhớ hình ảnh của Hà Nội văn vật trong cách ông chọn lựa ca khúc và Sài Gòn văn minh qua cách ông trình bày những ca khúc ấy. Dáng dấp của ông và nghệ thuật của ông khiến chúng ta hiểu chữ “tài tử” theo đúng nghĩa tài hoa, có lẽ đang lạt phai dần trong trí nhớ chung...

Quỳnh Giao

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 04:43 PM
BĂNG CHÂU

Vào đầu thập niên 70 tại Sài Gòn có sự xuất hiện của một khuôn mặt trẻ trung, còn mang dáng dấp một nữ sinh với những nét đẹp tươi sáng mà nhu mì, rạng rỡ nhưng vẫn còn phảng phất hương lúa ngọt ngào của miền Tây trù phú. Đó là nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh và kịch nghệ, Băng Châu. Khi lên Sài Gòn thì Băng Châu đã bước chân vào một khúc quanh quan trọng cho cuộc đời của cô. Băng Châu được nhạc sĩ Châu Kỳ mời xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình "Tiếng Thùy Dương" của ông với nhạc phẩm "Nhớ Nhau Hoài" của Anh Việt Thu. Và khi về với chương trình "Trường Sơn" của Duy Khánh thì mọi người đã nhắc nhở đến nhiều về sự xuất hiện mới mẻ này trong làng Tân Nhạc.

Qua đến năm 1971 thì tên tuổi của Băng Châu mới thật sự được nổi bật với nhạc phẩm "Qua Cơn Mê" của Trịnh Lâm Ngân. Băng Châu khởi nghiệp ca hát vào năm 1970, được các nhạc sĩ Châu Kỳ, Khánh Băng và nhất là Duy Khánh nâng đỡ. Cô cộng tác với ban nhạc Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ và ban nhạc Trường Sơn của Duy Khánh. Băng Châu có một khuôn mặt gợi cảm với sóng mũi cô hơi dài và thanh tú. Cặp môi cô đầy đặn, khi khép kín miệng thì cặp môi ấy đẹp hơn là lúc nở nụ cười. Giọng hát Băng Châu mềm mại ngọt ngào. Cô được cái ưu điểm là dàn trải làn hơi đâu ra đó. Tiếng hát của Băng Châu là tiếng hát buồn man mác của người cô phụ đêm đêm chong đèn ngồi bên song cửa nhìn bóng trăng tà ngoài song và đối diện với ngọn hàn đăng trong cô phòng.

Tiếng hát cô lúc buồn theo mùi hương nguyệt quí ngào ngạt tỏa ra chung quanh khuôn viên của căn nhà kia, từ lúc đèn đêm thắp sáng cho tới lúc cửa sổ khép kín và ánh đèn trong hương khuê phụt tắt. Đó là lúc hương cau, hương bưởi và hương dạ lý thay nhau lan tỏa trong sương khuya và trong những cơn gió mỏng hiu hiu. Những mùi hương ấy ở chốn cùng thôn tuyệt tái thì ngoài nàng ra không có ai thưởng thức chúng, cho nên đó cũng chỉ là những thứ hương bị quên lãng và bị nhốt chung một phận buồn như nàng. Ngay sau lần đầu xuất hiện trên truyền hình, khuôn mặt của Băng Châu đã lọt vào mắt đạo diễn Lê Dân và cô được mời đóng phim "Trần Thị Diễm Châu", Trước khi đưa quyển “Châu Kool” của nhà văn Duyên Anh lên màn bạc, Đạo diễn Lê Dân đã đi lùng trong hàng ngũ các nữ nghệ sĩ cải lương, các nữ minh tinh màn bạc, các nữ ca sĩ để tìm một cô có vóc dáng và nhân diện có thể đóng vai từ một thiếu nữ ngây thơ, đến một người đàn bà bụi đời được thể hiện qua nữ nhân vật Trần Thị Diễm Châu có cái hổn danh là Châu Kool (vì ưa hút thuốc lá Kool). Ông gặp được Băng Châu. Cô là hiện thân pha trộn của ba mẫu người đàn bà khác nhau. Khi đóng vai Diễm Châu nữ sinh, cô có vẻ ngây thơ trong sáng và hành xử rất hồn nhiên. Khi đóng vai Diễm Châu thiếu phụ đa tình, cô thể hiện được mẫu người tình tứ thập phần gợi cảm. Khi đóng vai Diễm Châu nữ chúa trong làng dao búa cô thể hiện được vẻ dữ dằn sắt đá.

Cuốn phim “Trần Thị Diễm Châu” vừa khi trình chiếu ở Sài Gòn thì tên tuổi của Băng Châu đã trở nên quen thuộc. Sau đó, cô được mời xuất hiện trong nhiều cuốn phim khác như "Trường Tôi", "Bốn Thủy thủ Sợ Ma", "Năm Vua Hề Về Làng"... Và từ đó, tên tuổi Băng châu lại nổi bật thêm trong lĩnh vực điện ảnh. Sau năm 1975, điện ảnh cách mạng đã góp phần tạo được dấu ấn thật xuất sắc qua những vai diễn đa dạng trong các bộ phim: Mối Tình Đầu (diễn cùng Thế Anh, Như Quỳnh…), Giữa Hai Làng Nước( diễn cùng Nguyễn Chánh Tín)…Băng Châu vẫn tham gia ca hát, diễn kịch, cô là một ca sĩ duyên dáng của đòan kịch nói Bông Hồng, nghe Băng Châu hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” rất ấn tượng và khả ái. Băng Châu đến Mỹ và cư ngụ ở Utah trong ba tháng sau đó về cư ngụ tại Nam Cali cho đến nay. Cô đã từng theo học ngành điện toán trong 3 năm trước đây vì cô không nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục cuộc đời ca hát ở hải ngoại. Ra hải ngoại, Băng Châu cũng vẫn hoạt động nghệ thuật trình diễn. Cô đã cộng tác với các trung tâm băng nhạc như Thanh Lan, Thúy Anh, Làng Văn. Ba cuốn băng nhạc của trung tâm Hạ Trắng dành riêng cho cô là “Lời Này Cho Anh”, “Lời Cho Người Tình Xa” và “Em”. Cô còn cộng tác với trung tâm băng hình Hải Đăng qua vở hài kịch “Share Phòng Lộn - Share Tình Lầm” của Nguyễn Minh Phương với Mai Lệ Huyền, Kim Xuyên Lan, Lucie Hương, Văn Chung, Hương Huyền, Linh Tuấn, Bảo Hiền. Trong vở kịch này cô cắt tóc theo kiểu demi-garcon nên khuôn mặt cô hơi dài. Tuy nhiên cô mặc chiếc robe rất đẹp, ôm sát nách thân hình tươi mát và thon gọn của cô. Áo có phần trên hở ức, hở nách như áo chấn thủ, phần dưới có xẻ ở ống chân. Qua chiếc áo ấy, cô gieo cho khán thính giả cảm giác mát rượi dù nó chỉ có màu chàm đậm nổi những vạch trắng nằm ngang.

Trong băng hình “Đêm Sài Gòn 2” của trung tâm Asia, Băng Châu xuất hiện ở màn đơn ca bài “Chuyện Tình Không Suy Tư”. Cô mặc chiếc áo nhung hở ức màu sậm mà ánh đèn rọi màu đỏ biến nó cùng mái tóc của cô trở thành màu hung hung. Áo buông dài, phủ cả mắc cá, nhưng có chẻ ở phần ống chân. Lại nữa, áo có những nếp xếp duyên dáng từ ngực vắt qua bờ vai làm nổi bật cốt cách thanh lịch của cô. Làn hơi trong, giọng hát của cô vẫn còn khỏe, nhưng cô ngân nga hơi khó khăn hơn xưa. Hiện nay, Băng Châu vẫn tham gia họat động văn nghệ, cô thu băng, làm đài phát thanh, đóng kịch cho một số băng video và vẫn được những trung tâm mời cộng tác. Cô cho biết thời gian này mặc dù không tràn trề danh vọng như trước kia nhưng cô cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc bên cạnh hai người con của mình./.

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 04:44 PM
Tiểu sử chế linh

Chế Linh chào đời và lớn lên ở làng Hữu Đức, tỉnh Phan Rang, bố mẹ anh là người Chàm. Bố anh mất sớm khi anh mới được 4 tuổi và mẹ anh cũng qua đời vào năm 1979. Anh là con giữa trong gia đình có 3 người con, anh trai và em gái anh còn ở Việt Nam. Sau khi học hết bậc tiểu học Pháp ở trường làng và được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý, Chế Linh theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề, Phan Rang. Tháng 8 năm 59 anh quyết định vào Sài Gòn một mình thay vì lên Đà Lạt hoặc Nha Trang như ý muốn của gia đình. Tại Sài Gòn, anh đã trải qua biết bao nhiêu cực khổ đi mưu kế sinh nhai, từ làm đầu bếp, giữ trẻ. Anh rất chịu khó, siêng năng trau dồi kiến thức cho bản thân của mình trong những hoàn cảnh vô cùng cực khổ trong đời. Năm 1962, anh đã gặp lại vị linh mục người Pháp đã dạy anh trước kia ở trong làng, từ vùng Cao Nguyên Ban Mê Thuộc về Sài Gòn. Vị linh mục này nhận nuôi anh và khuyến khích anh theo học tiếp. Một thời gian sau anh về ở với người anh, cho đến lúc này Chế Linh mới liên lạc với gia đình để sau đó nhận được thêm tiền của bố mẹ anh gửi lên cho ăn học tiếp. Với sự chỉ dẫn của người cháu họ, Chế Linh đã cố gắng và nhảy lớp để bắt kịp tuổi. Sau khi thi rớt tú tài ban Văn Chương vào cuối năm 1962, anh không phải nhập ngũ vì chính sách thời đó miễn dịch cho người Chàm. Người anh bà con có ý định giới thiệu Chế Linh với cô em vợ để đi đến việc hôn nhân nhưng anh không bằng lòng. Mẹ anh cũng muốn như vậy và một lần nữa Chế Linh bỏ nhà ra đi. Một thời gian sau, Chế Linh được Duy Khánh hướng dẫn bước vào lãnh vực ca nhạc để sau này trở nên một ca sĩ tên tuổi. Từ ngày đó đến nay, cuộc đời ca hát của anh đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Hiện nay, Chế Linh cự ngụ tại Toronto, điều hành một phòng thu thanh riêng và cộng tác với một số trung tâm băng nhạc và video tại Hoa Kỳ.
    1964-65: Thu rất nhiều dĩa hát
    1972: Ðoạt giải Kim Khánh – Huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca – do Nhật Báo Trắng Ðen tổ chức.
    1972: Mùa hè đỏ lửa – chính phủ VNCH cấm hát vì tiếng hát không phù hợp với anh em chiến sĩ.
    1975: Hy vọng được “giải phóng” tiếng hát của mình, nhưng ngược lại bị bắt bỏ tù tại Sông Mao, Mỹ Ðức với tội phản động.
    1978: ra tù sau 28 tháng biệt giam.
    1980: Vượt biên sang Mã Lai, sau đó định cư tại Toronto, Canada
    Hiện Tại: Vẫn ca hát và viết nhạc

Source: Trường Kỳ, VietMedia

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 04:46 PM
DIỆP THANH THANH


Diệp Thanh Thanh - mà tên thật là Mỹ Hảo Hồ, Hồ là họ, thân phụ hoạt động trong ngành tâm lý chiến, quân đội VNCH và mẹ là nghệ sĩ Ngọc Diệp.

Cô cũng là cháu nội nhạc sĩ Thu Hồ, và gọi nữ ca sĩ Mỹ Huyền bằng cô, nên rõ ràng trong người của cô ca sĩ này có “tràn trề” dòng máu của văn nghệ rồi, nên không lạ gì khi Diệp Thanh Thanh thú nhận không gặp mấy khó khăn khi muốn bước vào con đường ca hát, trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Diệp Thanh Thanh và 3 chị em cùng bố mẹ đã đến Hoa Kỳ vào năm 1989, do sự bảo lãnh theo diện đoàn tụ gia đình (ODP) của một bà cô đầy máu văn nghệ khác, là Hồ Mỹ Hà, tay nghề chính là chuyên viên địa ốc, và chủ nhà hàng... nổi tiếng của vùng Little Saigon, Nam California.

Sau khi tiếp tục học bậc trung học, học lên college, tiếp tục học nghề chuyên môn, thích hợp với cuộc sống mới tại Hoa Kỳ, Diệp Thanh Thanh mới nhớ lại giấc mơ thích hát từ hồi nhỏ, khi cô tham gia vào các nhóm nhỏ hát trong nhà thờ, sinh hoạt ca đoàn ở Sàigòn... cô bèn thu lại tiếng hát của cô vào một cuộn băng, và gởi cuộn băng mẫu này đến cho Trung Tâm Asia và liền được chú ý đến ngay.

Vào năm 1998 cô đã được xuất hiện ngay trong cuốn DVD Asia 19, và kéo dài cho đến nay, dù có một khoảng thời gian gián đoạn, vì Diệp Thanh Thanh muốn đi tìm khung trời mới, tức thử đi hát tự do.

Diệp Thanh Thanh thường thích, và nổi bật qua dòng nhạc tình tự quê hương, nhạc mùi, nhạc lính của các nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân, Phạm Thế Mỹ, Thu Hồ, Anh Bằng (cũng là cây đại thọ trong Trung Tâm Asia hiện nay).

Về CD, Diệp Thanh Thanh có hát chung trong một số CD, còn phát hành CD riêng thì cho đến nay có 2, đó là CD “Con Gái Nhà Lành” (năm 2000) và CD “Nhớ Chăng... Lần Ðầu Nói Dối?” phát hành Tháng Ba, 2008, với nhiều bài hát quen thuộc được ưa thích từ trước năm 1975, như “Lần đầu Nói Dối”, “Chiều Trên Bản Thượng”, “Tình Lúa Duyên Trăng”... xen kẽ với các sáng tác mới.

Diệp Thanh Thanh cũng còn có tài đóng hài kịch, như từng chứng minh qua vở hài kịch ngắn “Trái Tim Còn Trinh” (đóng với ca sĩ Khánh Hoàng) nói về việc tìm bạn trên Internet... tuy rằng cô ít có dịp thi thố.

Cùng với Khánh Hoàng, hiện cũng là một xướng ngôn viên của đài phát thanh Little Sàigòn Radio, Diệp Thanh Thanh, đang phụ trách chương trình “Ðiện Ảnh Á Châu” (trên đài truyền hình Việt ngữ VHN), thường phát vào mỗi chiều Thứ Bảy, vào lúc 4 giờ 30 chiều, giờ California, và được đông đảo khán giả đón coi, vì nói nhiều đến các bộ phim Á Châu đang ăn khách, như của Nam Hàn, Hồng Kông, Ðài Loan...
Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 04:49 PM
DON HỒ

Don Ho với tên thật là Dũng (khi phát âm theo tiếng Mỹ, có âm giống như “Don” nên anh đã chọn tên này làm tên đi hát), đặt chân đến Hoa Kỳ vào đầu thập niên 80. Anh và gia đình cư ngụ tại San Diego (California), và theo học trung học tại đây. Trong một lần lên hát chơi trong một tiệc cưới, Dũng được bạn bè khích lệ rất nhiều vì anh có một giọng ca tốt. Và đó cũng là dịp đã đưa đẩy anh vào làng ca nhạc để sau đó anh cùng gia đình rời lên quận Cam (Orange County) cư ngụ cho đến nay.

Trong những năm trung học, Don Ho đã là thành viên của một nhóm hợp xướng học sinh có tên là Chambers Singers. Vốn có năng khiếu về nghệ thuật, anh đã nhận được một học bổng về ngành này do một trường nghệ thuật ở New York cấp phát. Tuy nhiên vì quá đam mê ca nhạc, nên anh đã quyết định ở lại California để hoạt động với mục đích trở thành một ca sĩ nhà nghề

Kể từ năm 89, Don Ho bắt đầu xuất hiện tại một số vũ trường ở miền nam California. Cho đến năm 91 thì tên tuổi anh đã bắt đầu lên cao và sau đó được mời xuất hiện lần đầu tiên trên video trong chương trình Paris By Night số 12 của trung tâm Thúy Nga với hai nhạc phẩm “Em Đẹp Như Mơ” và “Black Magic Woman”. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên anh đã chiếm ngay được cảm tình của khán giả. Với những lời yêu cầu của rất nhiều người, anh đã được mời tái xuất hiện trên chương trình “Paris By Night” số 15 vào năm 92 với nhạc phẩm “Diana”. Từ đó cho đến nay Don Ho luôn là một khuôn mặt sáng chói trong những chương trình Paris By Night của trung tâm Thúy Nga.

Vào năm 1989, Đon Hồ bắt đầu hát như là một ca sĩ chuyên nghiệp cho một số vũ trường tại Nam Cali. Sự nghiệp của anh thăng tiến rất nhanh vào năm 1991 qua báo chí và lần đầu tiên xuất hiện trong băng Paris By Night. Đon Hồ xuất với liên khúc Nhạc Trẻ Paris gồm những bài hát như: "Em Đẹp Như Mơ", "Black Magic Woman" trong băng Thuy Nga Paris 12. Ngay sau đó, khán thính giả đã yêu cầu và tán thưởng anh trở lại với Thuy Nga Paris 15. Và một lần nữa, Đon Hồ thành công xuất sắc khi thủ vai trong nhạc kịch Diana với Dalena và Trịnh Nam Sơn.

Ngay khi bắt đầu sự nghiệp, Đon Hồ thường trình diễn nhạc Mỹ và nhạc ngoại quốc vì giới trẻ rất yêu chuộng loại nhạc này. Tuy nhiên, càng về sau, Đon Hồ bắt đầu chuyển sang nhạc tình Việt Nam. Đon Hồ hình như luôn thành công trên mọi thể loại nhạc mà anh đã trình diễn. Anh cho biết anh rất có hứng thú hát nhạc trữ tình Việt Nam bởi vì những bài hát này có một âm hưởng đánh động và ghi dấu sâu sắc đến với cá nhân anh cũng như tâm hồn mọi người.

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 04:50 PM
DUY QUANG

Duy Quang tên thật là Phạm Duy Quang và anh dùng tên thật của mình khi ca hát. Anh sinh ngày 11 tháng 4 năm 1951 tại Bạch Mai, Hà Nội và dọn vào Sài Gòn vào thập niên 50’s với gia đình và ở tại Gia Định. Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, cha anh là nhạc sĩ Phạm Duy, mẹ là ca sĩ Thái Hằng, dì là Thái Thanh. Tất cả anh chị em trong gia đình đều theo âm nhạc trong đó có nhạc sĩ Duy Minh, Duy Hùng, và Duy Cường cùng với các em gái của anh là nữ ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo và Thái Hạnh. Năm 1978, Duy Quang sang Pháp sống một năm trước khi sang Hoa Kỳ định cư năm 1979. Anh đã sống tại Midway City, California từ đó cho tới naỵ

Là một phần tử trong gia đình âm nhạc, Duy Quang bắt đầu hát khi anh chỉ mới 5 tuổi và đã biết nhạc lý khi anh 10 tuổị Anh không được huấn luyện tại trường mà chỉ tự học mỗi lúc một ít. Một số người bạn thuở xưa của anh đều là những người đồng nghiệp như: Trung Nghĩa, Quốc Dũng, Trần Văn Tài, và Bảo Chấn… Duy Quang có năng khiếu về âm nhạc thấy rõ khi anh có thể chơi đàn Mandolin, guitar, bass guitar, trống và pianọ Ngoài khả năng về âm nhạc, anh còn có thể vẽ tranh và một số tranh anh vẽ đã được đăng trong báo nhà trường.

Duy Quang xuất hiện lần đầu tiên năm 1965 khi anh hát cho một số buổi văn nghệ tại trường. Năm 1967, anh tham gia vào ban nhạc và sau đó trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Duy Quang vẫn cho rằng năm 1968 mới chính là lúc anh thật sự bước chân vào nghề ca hát. Khi nói đến Duy Quang, có lẽ không ai không nhớ tới một tên tuổi vang bóng cùng với Julie là cặp song ca Julie Quang. Nhưng rồi hôn phối của họ đã không thành. Cho đến nay, Duy Quang vẫn là một trong những giọng ca hàng đầu tại hải ngoạị Anh vẫn mang đến cho gia đình anh rất nhiều hãnh diện cũng như anh đã ngự trị trong trái tim của hàng triệu đồng bào yêu nhạc tại hải ngoại.

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 04:53 PM
DUY KHÁNH

Duy Khánh (1936 - 2003), tên thật Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh Tăng Hồng, Hoàng Thanh, là một nam ca sĩ người Việt. Ông nổi danh từ thập niên 1960, với những bài hát mang âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của Phạm Duy. Ông còn được biết đến như một nhạc sĩ tài năng với hơn 30 ca khúc, nổi tiếng phải kể đến Thương về miền trung, Lối về đất mẹ, Ai ra xứ huế...
Tiểu sử

Duy Khánh sinh năm 1936 tại Quảng Trị, là con áp út trong một gia đình vọng tộc gốc làng An Cự, Triệu Phong, thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn. Năm 1964 ông thành hôn với Âu Phùng, một phụ nữ gốc Hoa, sinh ra 2 người con, một thời gian sau ly dị. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại Việt Nam. Giữa thập niên 1980 ông cưới bà Thúy Hoa rồi sống tại Vũng Tàu. Đến 1988 được bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Ông mất vào 12 giờ trưa ngày 12 tháng 2 năm 2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Orange County, California, thọ 65 tuổi.

Sự nghiệp

Năm 1952, Duy Khánh đọat giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế với bài hát Trăng thanh bình. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn để theo đuổi nghề ca hát.

Vào Sài Gòn, ông bắt đầu ghi âm đĩa nhựa và đi diễn khắp nơi, dần nổi tiếng với tên Hoàng Thanh. Ông trở thành một trong ba giọng nam được yêu thích nhất, cùng với Duy Trác, Anh Ngọc. Thời kỳ này tên tuổi của ông gắn liền với những bài có âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của Phạm Duy: Vợ chồng quê, Ngày trở về, Nhớ người thương binh, Tình nghèo, Quê nghèo, Về miền trung... rồi đổi nghệ danh là Duy Khánh. Chữ "Duy" trong Phạm Duy, còn "Khánh" là tên một người bạn thân của ông.

Năm 1965, ông cùng với nữ danh ca Thái Thanh thu thanh bản trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy. Sau đó cùng hai người hát trường ca Mẹ Việt Nam. Cho đến nay, hai bản trường ca này vẫn gắn liền với giọng hát Thái Thanh, Duy Khánh.

Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1959, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay từ hai sáng tác đầu tay: Ai ra xứ huế, Thương về miền trung.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông bị cấm hát một thời gian dài, sau đó thành lập đoàn nhạc Quê Hương, quy tụ các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân, các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến... Sau khi sang Mỹ vào năm 1988, ông hát độc quyền cho trung tâm Làng Văn, sau đó tách ra, thành lập trung tâm Trường Sơn tiếp tục ca hát và dạy nhạc cho đến cuối đời.

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 04:54 PM
DUY TRÁC


Duy Trác là một ca sĩ nổi tiếng, thành danh ở Sài Gòn từ những năm trước 1975. Tuy chỉ là một ca sĩ nghiệp dư, nhưng nhiều người xem Duy Trác như một trong những giọng ca nam lớn nhất của tân nhạc Việt Nam.

Duy Trác tên thật là Khuất Duy Trác, quê ở Sơn Tây, xuất thân trong một gia đình Nho giáo truyền thống. Nghề nghiệp chính của ông là luật sư, trước đó là thẩm phán ngành Quân Pháp. Ngoài ra ông còn tham gia viết báo và cũng là một dịch giả. Duy Trác bắt đầu đi hát từ những năm còn là sinh viên, khoảnh cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Tuy giọng ca của ông được rất nhiều người mến mộ, nhưng trước 1975 ở Sài Gòn, Duy Trác gần như không bao giờ trình diễn ở phòng trà hay các chương trình nhạc hội. Ông chỉ hát trên đài phát thanh và thu âm cho các hãng băng đĩa, vì vậy nhà văn Duyên Anh đã đặt cho ông biệt danh "chàng ca sĩ cấm cung". Duy Trác cũng có sáng tác một vài bài hát như Tiếng hát đêm Noel, Sài Gòn chỉ vui khi các anh về...

Sau 1975, Duy Trác có đi cải tạo nhiều năm tới 1988. Năm 1992 ông rời Việt Nam định cư tại Houston, Hoa Kỳ. Tại đây ông có tham gia trình diễn ở một vài chường trình ca nhạc và phát hành hai CD riêng Còn tiếng hát gửi người và Giã từ. Trong CD Giã từ ông đã nói lời từ biệt với âm nhạc. Từ đó Duy Trác không còn hát và hiện nay ông hợp tác với đài phát thanh VOVN - Tiếng nói Việt Nam tại Houston phụ trách một vài chương trình.
Băng nhạc và CD Duy Trác
Trước 1975
Tiếng hát Duy Trác
Tiếng hát Duy Trác 2
Tiếng hát Duy Trác - Xuân Sơn Sau 1975
Còn tiếng hát gửi người
Giã từ

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 04:56 PM
Tiểu sử elvis phương


Khi nói đến tác phẩm "Đàn Bà" có lẽ không ai không nghĩ ngay tới một nam danh ca tài ba, Elvis Phương. là một ca sĩ hàng đầu trong nền âm nhạc Việt Nam, anh dâng hiến hầu hết đời mình cho nghệ thuật. Sau một thời gian dài vắng bóng, Elvis Phương bỗng xuất hiện trở lại với tác phẩm video và CD "Tạ Ơn Đời, Tạ Ơn Người".
    Elvis Phương mê âm nhạc từ khi anh chỉ tròn 6 tuổi và anh đã tự học hát bằng cách nghe những dĩa nhạc nổi tiếng của thời bấy giờ, nhất là của nam danh ca Elvis Presly. Năm 18 tuổi, Elvis Phương đã cãi lệnh phụ thân ở lại Việt Nam tiếp tục sự nghiệp ca hát thay vì sang Pháp để học. Tên thật của anh là Phạm Ngoc Phương và vì thần tượng của anh là danh ca Elvis Presley, anh đã lấy tên Elvis Phương khi trình diễn.
    Lần đầu tiên anh xuất hiện truớc khán thính giả là năm 1962 tại trường trung học Regina Pacis trong ngày khai giảng và anh đã trình bày nhạc phẩm "Nửa đêm Ngoài Phố" và "Ó Cangaceiro" Ban nhạc đầu tiên anh cộng tác chung là Rockin\' Stars, một ban nhạc nổi tiếng của thập niên 60. Và kế đó, anh đã cộng tác với nhiều ban nhạc nổi tiếng khác như Les Vampires và Phượng Hoàng. Vào năm 1968, ông Ngọc Chánh của Trung Tâm Shotguns đã phát hành dĩa nhạc đầu tay của Elvis Phương mang tựa đề Shotguns 26: Tiếng hát Elvis Phương. Vào năm 1977, sự nghiệp âm nhạc của Elvis Phương đánh dấu một điểm son saukhi anh cho ra đời tác phẩm "Hát cho người vượt biển". Từ đó trở đi, anh trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và xuất hiện trên rất nhiều băng nhạc, CD và video. Elvis Phương nhanh chóng trở thành một danh ca trên vòm trời âm nhạc với nhiều thể loại nhạc khác nhau như Roc \'n Roll, Pop, Dân Ca, Tiền chiến, etc. Tên tuổi anh gắn liền với những tác phẩm nổi tiếng như: "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang", "Áo Anh Sút Chỉ Đường Tà", "Đàn bà", "Đêm Nhớ về Sàigòn"...

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 05:02 PM
GIAO LINH

Bước vào lãnh vực tân nhạc từ mấy thập niên qua, tiếng hát Giao Linh đã đi vào lòng khán thính giả mộ điệu bằng những âm thanh ngọt ngào truyền cảm qua những nhạc phẩm tình cảm phổ thông. Lần trình diễn đầu tiên góp vui cho chương trình văn nghệ của đoàn “Kim Hoàng - Như Mai”, Giao Linh đã đoạt huy chương vàng vào năm1966 khi đại diện cho đoàn văn nghệ Air Việtnam. Cơ hội này mở ra cho người nữ ca sĩ khả ái một tương lai đầy hy vọng trong làng tân nhạc Việt Nam. Sau lần trình diễn đó, nhạc sĩ Thu Hồ giới thiệu Giao Linh với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả ”Chiều Biên Giới”. Được sự hướng dẫn tận tình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Ngọc Sơn, Giao Linh đã thành công ngay trong bước đầu dưới ánh đèn sân khấu. Có một thời gian, hầu như không một chương trình văn nghệ hay Đại Nhạc Hội nào thiếu bóng Giao Linh. Cả tại phòng trà hay vũ trường cũng có sự xuất hiện của cô. Đó là chưa kể sự đóng góp của cô trên những chương trình phát thanh hoặc truyền hình. Trong ánh sáng muôn màu của sân khấu hay dưới ánh đèn mờ ảo của vũ trường, người nữ ca sĩ duyên dáng nổi bật trong chiếc áo dài đã ru hồn khán giả bằng những bài ca tuyệt vời như: Lòng Mẹ, Mùa Sao Sáng, Tiếng Xưa, Màu Tím Pensée, Những Đóm Mắt Hỏa Châu... Mang bản chất nghệ sĩ, Giao Linh sống rất trọn vẹn cho tình yêu và gia đình, thích làm người vợ hiền và người nội trợ. Về hôn nhân, Giao Linh “mong muốn lúc nào người chồng cũng lịch sự, vui tính, luôn luôn chiều chuộng và hết lòng với vợ”. Yêu thích cuộc sống bình thường, đạm bạc. Yêu màu tím và thích con số 7. Giao Linh tên thật là Đỗ Thị Sinh, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1949, cô rời Việt Nam năm 1982. Giao Linh đã lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới như : Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Úc, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển...

Giao Linh từng cùng với chồng đứng ra thành lập một trung tâm video vào khoảng giữa thập niên 90 với tất cả lòng đam mê và sự tận tình, tuy nhiên có thể do thiếu phương tiện và điều kiện nên trung tâm của vợ chồng cô đã không có thể hoạt động tiếp. Tuy nhiên có điểm cần ghi nhận là nhờ trung tâm đó, một số giọng ca mới đã được giới thiệu với khán thính giả để sau đó trở thành những khuôn mặt khá quen thuộc.

Gia đình Giao Linh hiện cư ngụ tại San Jose, là nơi cô đã có thời gian cộng tác với vũ trường Lido. Những ngày gần đây hoạt động của Giao Linh có phần giảm sút. Một phần có thể cô đã mỏi mệt sau trên 35 năm mang tiếng hát mình để đem lại nguồn vui cho người thưởng thức. Phần khác có thể cô muốn nhường bước cho lớp trẻ tiếp nối con đường nghệ thuật. Nhưng dù sao, tiếng hát giao Linh cũng đã trải qua một thuở vàng son đối với những người yêu nhạc.

(Trường Kỳ)


[ Last edited by gmk at 2008-12-14 08:49 AM ]
Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 05:08 PM
GIÁNG THU


Giáng Thu bước vào làng âm nhạc và được biết đến vào những năm cuối của thập niên ‘60. Cô được đào tào từ lớp dạy nhạc của nhóm Lê Minh Bằng, cùng thời với Trang Mỹ Dung, Nhật Thiên Lan, Hải Lý ...

Gíáng Thu có thu âm nhiều bản nhạc cho hãng đĩa Sóng Nhạc, đơn ca hoặc hát chung với nam ca sĩ Mạnh Quỳnh. Cô cũng thường song ca với Giang Tử tại các Đại nhạc hội và trong các chương trình của đài truyền hình đương thời.

Sau 30/4/75 Giáng Thu sang định cư tại Pháp và có góp mặt trong vài cuốn băng video đầu tiên của trung tâm Thúy Nga. “Giáng Thu có nét đẹp của cô gái Ấn bên sông Hằng. Sống mũi cô thanh tú, cặp mắt huyền của cô thật thăm thẳm, cặp môi đẹp với nét mỉm cười thật thùy mị, thật đằm thắm. Giọng hát của cô thanh tao vang lộng. Cũng như Phương Anh, cô không biết ngân nga....”

(Hồ Trường An – Theo Chân Những Tiếng Hát)

Tác giả: gmk    Thời gian: 11-12-2008 05:10 PM
HÀ THANH


Có một loài chim khi cất tiếng hót thánh thót vang vọng giữa trời mây sông nước, không gian như lắng đọng để hoà nhập trong âm điệu du dương: hòang oanh. Mang âm hưởng đó, có tiếng ca ngọt ngào, truyền cảm như làn gió nhẹ, như tiếng reo của thuỳ dương, như tơ vương giăng mắc, như sương khói lững lờ, như lời tình tự giữa trăng thanh, như ru ta vào cõi mộng mơ, dìu ta lạc bước vào đất thần kinh với hoàng thành cung điện, với đền đài lăng tẩm, với sông nước hữu tình, với nhạc điệu trầm bỗng, thướt tha: Hà Thanh.

Sinh trưởng ở Liễu Cốc Hạ, Hương Trà, lớn lên bên dòng Bến Ngự đường Huyền Trân Công Chúa, Trần Thị Lục Hà sinh ra trong gia đình gia giáo có mười anh chị em, theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh. Là một Phật tử thuần thành, thuở nhỏ đã được quy y với Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.

Lục Hà thích hát từ thuở mới cắp sách đến trường, dần dà năng khiếu về ca hát được thể hiện qua chương trình "Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học - Đồng Khánh" trên Đài phát thanh Huế.

Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức, cô nữ sinh Lục Hà của Trường Đồng Khánh mới 16 tuổi tham dự với danh xưng Hà Thanh. Qua 6 nhạc phẩm rất khó hát được Hà Thanh trình diễn như Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube Bleu) của J.Strauss, lời Việt của Phạm Duy, Nhạc Buồn (Tristesse) của Chopin, lời Việt của Anh Ngọc, Đêm Tàn Bến Ngự & Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước, Được Mùa của Phạm Đình Chương, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Hà Thanh được Ban Giám Khảo chấm giải nhất với số điểm 19/20.

Tên tuổi Hà Thanh đã được giới yêu thích âm nhạc ái mộ với làn hơi trong sáng, êm ái, ngọt ngào, cao sang, mượt mà, bóng bẩy, tình tự quê hương, có nét độc đáo trong âm điệu đất thần kinh. Tuy yêu nghề nhưng chưa dấn thân vào nghiệp, Hà Thanh vẫn tiếp tục con đường học vấn, chỉ hát ở Huế nhưng những ca khúc được trình bày đã vang xa khắp bốn phương trời qua lán sóng phát thanh của Đài phát thanh Huế, đánh dấu sự chờ đợi, hẹn hò của các trung tâm phát hành đĩa nhạc ở Thủ đô Sài Gòn.

Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm chọn lọc.

Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập trong môi sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Từ đó, góp mặt với những tiếng hát hàng đầu như Thái Thanh, Mộc Lan, Kim Tước, Mai Hương, Lệ Thu, Minh Hiếu, Thanh Thuý... Vào giữa thập niên 60, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội... Thời gian kế tiếp, xuất hiện trên Đài Truyền hình, một giọng ca rất Huế, một hình ảnh rất thân quen đã tạo dựng cho tên tuổi Hà Thanh với sắc thái đặc biệt gắn liền với nhiều bản tình ca in sâu vào tâm tư tình cảm tha nhân.

Vào cuối thập niên 50, Nguyễn Văn Đông cho ra mắt vài nhạc phẩm đầu tay như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Mầu Nhớ... Quái kiệt Trần Văn Trạch đã đưa ca khúc Chiều Mưa Biên Giới lên đỉnh trăng sao trong khung trời ca nhạc. Thập niên 1960, Nguyễn Văn Đông làm Giám đốc nghệ thuật trung tâm đĩa nhạc Continental, ca khúc Chiều Mưa Biên Giới qua tiếng hát Hà Thanh đã đưa người nghe lâng lâng tâm hồn, bay bỗng "theo áng mây trôi chiều hoang, bầu trời xanh xanh, vầng trăng, cờ về chiều tung bay phất phới...". Và, hình ảnh biên giới với người đi khu chiến được khơi dậy trong lòng mọi người.

Từ đó, nhiều ca khúc của Nguyễn Văn Đông được Hà Thanh trình bày, qua gần 4 thập niên, vẫn là tiếng hoàng oanh ngân vang đầu núi. Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Hải Ngoại Thương Ca, Nhớ Một Chiều Xuân... của Nguyễn Văn Đông, qua tiếng hát, vô hình chung trở nên bản quyền của Hà Thanh. Ở đó, có khi như định mệnh, thời gian ở hải ngoại, Hà Thanh gắn liền với Hải Ngoại Thương Ca. Với ca khúc Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, với Tà Áo Tím, Thuở Ấy Yêu Em, Anh Đi Về Đâu của Hoàng Nguyên, với Chùa Hương của Hoàng Quý, Dứt Đường Tơ của Văn Thuỷ và Dzoãn Mẫn với Mối Tình Trương Chi của Phạm Duy, và nhất là Hẹn Một Ngày Về của Lê Hữu Mục... được Hà Thanh trình bày, qua bao thập niên, vẫn là giọt sương long lanh, tiếng hót của loài chim quý trênđỉnh núi, lời tình tự ngát hương.

Trong văn giới, Mai Thảo đã một thời mê bóng dáng Hà Thanh. Vào thập niên 60, Mai Thảo trông coi tạp chí Kịch Ảnh nên có nhiều "quan hệ" trong giới ca nhạc. Lê Hà Nam trong bài viết về Mai Thảo đã đề cập:... "Vào cuối thập niên 50, đã từ Sài Gòn, một mình bay ra cố đô Huế; lừng lững tới tận nhà người ca sĩ họ Lục (sau nầy trở thành danh ca dưới tên H.T). Đó là Mai Thảo, ông hoàng của Đêm sài Gòn. Không chỉ đa số các khán giả không biết mà, ngay cả song thân của người ca sĩ họ Lục cũng kinh ngạc, ngỡ ngàng khi nghe Mai Thảo nói:

Tôi là Mai Thảo, từ Sài Gòn ra, chúng tôi thật sự muốn lấy L.H làm vợ...

Và, cũng ngay sau đó, song thân của người con gái họ Lục tự thấy rằng sẽ khó khăn cho họ biết là chừng nào, mếu có một chàng rể như... Mai Thảo".

Hình như ca sĩ thường lập gia đình rất sớm, nhưng Hà Thanh lập gia đình vào tuổi tam thập nhi lập. Năm 1970 kết duyên với người hùng trong Binh chủng Thiết Giáp, Trung tá tá Bùi Thế Dung, Thiết đoàn trưởng. Năm 1972, Kim Huyên ra đời. Hiện nay, Kim Huyên nối nghiệp cầm ca theo thân mẫu.

Hà Thanh cùng chồng sống bên nhau được bốn năm, biến cố tang thương, cách xa mười lăm năm, mang tiếng hát "bi thương" trang trải nơi hải ngoại.

Năm 1975, phu quân Hà Thanh vào chốn lao tù và trải qua 13 năm, Hà Thanh đã chay tịnh cầu an, thề nguyện. Năm 1984 Hà Thanh và đứa con duy nhất được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990, vợ chồng được sum họp với nhau. Thế nhưng, theo dòng thời gian với bao nỗi trớ trêu của hệ luỵ, bóng tối cuộc tình đổ xuống trong tuổi bóng xế của cuộc đời sau 2 năm gần gủi bên nhau.

Tuy là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng hoàn cảnh đời sống hải ngoại đưa đẫy công việc không liên quan đến nghề nghiệp trong sinh hoạt văn nghệ. Nói như thi hào Nguyễn Du "Đã mang lấy nghiệp vào thân", làm sao rời bỏ tiếng ca, giọng hát khi lòng còn tha thiết, vẫn còn trong sáng, ngọt ngào, nét độc đáo trong tiếng hát. Trong suốt thời gian vợ chồng xa cách, Hà Thanh rất ít xuất hiện trên sân khấu, con chim hoàng oanh ngậm ngùi im tiếng. Đã một thời nơi đất thần kinh, Hà Thanh được mệnh danh con chim hoạ mi trong vòm trời ca nhạc.

Bước vào thập niên 90, thỉnh thoảng về thăm Little Saigon, Hà Thanh xuất hiện, trình làng tiếng ca trong vài cuốn CD. Ngoài những ca khúc được hát chung với vài ca sĩ thành danh, tiếng hát Hà Thanh với CD khởi đầu Hải Ngoại Thương Ca, và CD kế tiếp Chiều Mưa Biên Giới, gồm hai mươi ca khúc quen thuộc, vang danh. Những ca khúc nầy đã một thời tạo dựng tên tuổi Hà Thanh nổi tiếng trong kiếp cầm ca. Và, ngược lại, đôi khi còn là của riêng bởi giọng ca đặc biệt ngọt ngào, thướt tha, mềm mại như lụa đào, như dáng liễu nhẹ nhàng tung bay trong làn gió nhẹ.

Ở đây, gặp lại những tình khúc một thời luyến nhớ từ Chiều Mưa Biên Giới. Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân, Hải Ngoại Thương Ca, Khúc Tình Ca hàng Hàng Lớp Lớp của Nguyễn Văn Đông đến Thiên Thai của Văn Cao, Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh, Nỗi Niềm của Tuấn Khanh, Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của Văn Phụng.

CD Sầu Mộng gồm mười nhạc phẩm được chọn lọc của Phạm Vũ như Hương Bay, Sầu Mộng, Mây Mùa Thu... tuy không được ái mộ nhiều nhưng cũng là món quà đóng góp trong vườn hoa nghệ thuật hải ngoại.

CD Ngát Hương Đàm gồm 12 ca khúc mang mầu sắc Phật Giáo, ngợi ca đức tin, lòng yêu thương, huyền nhiệm cao cả giữa đạo và đời. Là Phật Tử, Hà Thanh thường đi trình diễn trong dịp lễ của Phật Giáo như công quả thệ nguyện. CD Nhành Dương Cưu Khổ được tiếp nối sau CD về đạo ca mà Hà Thanh ôm ấp trong tâm tưởng.

Hà Thanh được hầu hết mọi người ái mộ từ nhân cách của người ca sĩ đến giọng ca được trải dài trong gần nửa thế kỷ. Bước vào thiên niên kỷ mới, Hà Thanh bước sang tuổi lục tuần. Hà Thanh còn giữ được giọng ca truyền cảm, điêu luyện để đóng góp vào dòng sinh hoạt ca nhạc hải ngoại, Hà Thanh thực hiện tiếng ca của con chim hoàng oanh để được lưu truyền, nếu không, phôi phai theo thời gian, mỗi chuổi giây đưa ta về miền cát bụi... rồi một ngày nào đó, không còn tác phẩm cho đời, ngậm ngùi tiếc nuối. Trước kia, Hà Thanh không xuất hiện ở vũ trường, vào đầu thập niên 70 Hà Thanh xuất hiện với lý do đặc biệt vì không nhận thù lao.

Hà Thanh, một giọng ca bay bỗng, lẫy lừng, tiếng hát đã chinh phục hàng triệu trái tim trên làn sóng điện, và, một cuộc sống trầm lặng. mộ đạo, hiếu thảo bên thân mẫu vào tuổi cửu tuần. Tiếng hát Hà Thanh cao vút, luyến láy rất nhuần nhuyễn khơi dậy nhựng mạch nguồn của nhớ nhung, của một thời yêu thương với khung trời vấn vương bao kỹ niệm, của hương xưa, của thuở chiến chinh, của trời mây non nước... tất cả mang theo hình ảnh thân thương của bóng dáng quê hương. Tiếng hát Hà Thanh như cuốn hút người nghe thả hồn về quá khứ, thả mình trong tĩnh lặng, trong nỗi xa xăm bị đánh mất, mịt mù thức mây... được vỡ về, bầy tỏ, an ủi cho nhau bởi âm điệu ngọt ngào du dương.

Tác giả: gmk    Thời gian: 14-12-2008 03:50 PM
HẠ VY

Hạ Vy có tên thật là Nguyễn Lê Tường Vy, sinh và lớn lên ở Nha Trang

Tài năng diễn xuất và giọng hát của Hạ Vy được cha mẹ cô khám phá khi cô còn rất nhỏ. Họ đã khuyến khích cô bước vào nghề ca hát và cuối cùng Hạ Vy được thắng giải trong một cuộc thi tại Nha Trang.

Hạ Vy cùng với gia đình sang Mỹ theo diện HO vào năm 91 và cư ngụ tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts trước khi sang California 2 năm sau đó để bước vào con đường ca hát một cách tình cờ.

Vào năm 93, trong một dịp sang California chơi, Hạ Vy đã được một người bạn gái thân là nữ ca sĩ Diễm Liên, quen biết từ khi ở Việt Nam, rủ đến vũ trường Ritz là nơi Diễm Liên hát, Tại đây cô đã có dịp quen biết với nhạc sĩ Tùng Giang và nhà sản xuất Bạch Đông của trung tân Asia lúc đó, nhưng cô cho biết là chưa hề nghĩ đến việc đi hát...

Sau đó Tùng Giang thu thanh thử cho Hạ Vy nhạc phẩm “Theo Năm Tháng Hoài Mong” trong một dịp Hạ Vy đến thăm studio của anh. Trong một lần đến trung tâm Asia chơi cùng với Tùng Giang và Diễm Liên, băng nhạc thu thanh bài hát trên được cô Thy Vân của trung tâm này để ý và đề nghị Hạ Vy ký giao kèo hợp tác

Vào cuối năm 93, với sự đồng ý của bố mẹ và nhận được sự hướng dẫn tận tâm của người chị tinh thần tên Minh Hằng ở Boston và cũng là người đã giúp đỡ gia đình cô rất nhiều kể từ ngày đặt chân đến Hoa Kỳ, Hạ Vy nhận lời cộng tác với trung tâm Asia với giao kèo đầu tiên. Cô từ giã thành phố Boston, nơi cô đã vừa đi học Anh văn vừa đi làm phụ tá cho một văn phòng nha sĩ, cũng là ngành nghề trước đó cô rất thích để bước chân vào con đường ca hát tại California.

Hạ Vy được biết đến đầu tiên khi cô cùng với NiNi và Uyển Mi xuất hiện trên những chương trình video của trung tâm Asia, hợp thành một ban tam ca trẻ trung chuyên trình bày những nhạc phẩm vui tươi, pha lẫn chút kích động. Sau hai năm cộng tác với Asia, Hạ Vy nhận thấy mình không thích hợp với hướng đi đó qua lối trình diễn tam ca, hơn nữa còn được nhiều người khuyến khích hát đơn ca nên Hạ Vy quyết định đi theo con đường ca sĩ độc lập. Cũng trong thời gian này Hạ Vy đã được Đồng Sơn, một nhạc sĩ soạn hòa âm trẻ tuổi - sau đó đã trở thành người bạn đời của cô - nâng đỡ trong việc tìm một hướng đi mới cho tiếng hát của mình.

Nhờ biết khai thác tiếng hát của mình với những nhạc phẩm thích hợp, Hạ Vy đã thoát ra khỏi sự gò bó trước kia để trở thành một ca sĩ độc lập gặt hái được nhiều thành công. Sự cố gắng của cô coi như đã được đền bù một cách xứng đáng, mặc dù còn phải đương đầu không ít với những khó khăn hiện nay...

(Trường Kỳ)

Tác giả: gmk    Thời gian: 14-12-2008 03:51 PM
HOẠ MI

Nữ ca sĩ Họa Mi từng chọn ở lại Pháp hồi năm 1988, trong một chuyến lưu diễn hiếm hoi của cô (cùng với đoàn văn công cộng sản) ở các nước Tây Phương, sau khi mất miền Nam Việt Nam, sau Tháng Tư 1975, hiện sống ổn định và hạnh phúc trong vùng ngoại ô Paris, thủ đô Pháp.

Trong một cuộc tiếp xúc với nữ ca sĩ Họa Mi- mà tên thật là Trương Thị Mỹ - hồi Tháng Chín 2007 vừa qua tại Little Saigon, Nam California, nơi cô được Trung Tâm Thúy Nga mời sang đóng góp trong Ðại Nhạc Hội “Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam”, cô và chồng Ðặng Thái Khanh, một kỹ sư người gốc Sa Ðéc, mà hai người đã có với nhau một con, cho biết rằng, để sinh sống tại Pháp hiện nay, vợ chồng cô có một hãng kem “nho nhỏ” làm kem và bánh ngọt, chuyên bán sỉ, bỏ mối cho các cửa tiệm trong vùng ngoại ô Paris.

Nổi lên từ đầu thập niên 1970

Nữ ca sĩ Họa Mi - từng nổi tiếng từ các năm đầu của thập niên 1970, xuất thân từ “lò” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, với các bài hát ruột, như “Ðưa em xuống thuyền”, “Ðưa em qua cánh đồng vàng”... nên đã là một trong những giọng ca chính của nhà hàng Maxim's, sang trọng nhất của Sài Gòợn lúc đó, và Họa Mi, cũng có hát thêm bên phòng trà của nữ ca sĩ Khánh Ly, nằm trên đường Tự Do và cách Maxim's không là bao, chuyên hát các loại nhạc dân ca, tình ca... luôn được ưa thích.

Họa Mi nhìn nhận ở bên Pháp, cộng đồng Việt Nam không đông như ở Hoa Kỳ, hay nhất là ở vùng Little Sàigòn, nơi có cộng đồng Việt Nam đông đảo nhất ở hải ngoại, nên cô cũng có ít dịp để tham gia vào các chương trình văn nghệ, ngoại trừ vào các dịp lễ Tết, kỷ niệm..

Với một giọng bùi ngùi, Họa Mi nhớ lại thuở vàng son của cô trước Tháng Tư 1975, khi cô tham gia liên tục vào các chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Ðội, đài truyền hình, thu đĩa, thu băng, hát hàng đêm tại Maxim's... chưa kể các buổi trình diễn đặc biệt, trong các đại nhạc hội, các lễ hội... khiến cô được coi là một trong các con chim quý của làng nhạc Sài Gòn lúc đó, như Hoàng Oanh, Phương Dung, Sơn Ca, Lệ Thu, Carol Kim, Connie Kim, Mai Lệ Huyền...

Ði hát, để có thể giữ hộ khẩu, sổ gạo...

Sau năm 1975, Họa Mi, lúc đó cũng tròn tuổi đôi mươi, không dính dáng gì đến chế độ cũ nên vẫn được đi hát, nhưng chỉ còn đi hát “để giữ hộ khẩu ở thành phố và có sổ gạo...”, nhưng cô vẫn luôn được các khán giả Sài Gòn và miền Nam ưa thích, nên cô được đoàn kịch Kim Cương, của nữ nghệ sĩ Kim Cương, mời tham gia vào các chương trình phụ diễn ca nhạc của đoàn, một tuần vài ba lần.

Chính vì không còn đất dụng võ, hát theo chỉ đạo, bài bản được lựa chọn sẵn, không còn được tự do trình diễn... nên Họa Mi đã tự nhủ lòng trốn đi ngay khi có dịp, và chuyến lưu diễn tại Pháp, chính là dịp bằng vàng cho cô.

Trong những năm qua, nữ ca sĩ Họa Mi vẫn thường được Trung Tâm Thúy Nga mời thu hình qua các video, DVD hay phát hành thành CD, và trong thời gian gần đây, Họa Mi đã được mời xuất hiện trong DVD Paris by Night 88 (Lam Phương - Ðường Về Quê Hương) qua bài “Em Ði Rồi”, và DVD Paris by Night 90 (Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam)... vừa được thu hình hồi Tháng Chín, 2007 tại Long Beach, Nam California.

Họa Mi, so ra về sắc đẹp và vóc dáng, cũng không có nhiều thay đổi với thời gian, mà các khán giả ái mộ có thể thấy rõ qua các cuốn DVD mới của Trung Tâm Thúy Nga, cho biết cô vẫn thích được sang thăm Little Saigon, Nam California, nơi cô có thể gặp lại được nhiều đồng hương thân thiết cũ, khiến cô có cảm nghĩ như ở Sài Gòn trước đây, gợi lại cho cô thật nhiều kỷ niệm êm đẹp...

Muốn liên lạc với nữ ca sĩ Họa Mi, có thể viết qua email : [email protected].

Lê Thụy

Tác giả: gmk    Thời gian: 14-12-2008 03:52 PM
HOÀNG LAN

Tên thật của Hoàng Lan là Nguyễn Linh Phương. Mẹ của cô là nữ nghệ sĩ nổi tiếng, Kim Tuyến. Mặc dù cô xuất thân từ một gia đình của âm nhạc nhưng mẹ Cô không khuyến khích cô bước vào nghề ca hát.
Hoàng Lan và gia đình cô sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1989. Mặc dù cô cho biết rằng cô chưa bao giờ trải qua trường âm nhạc hoặc được hướng dẫn về ca hát trước khi cô trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, cô đã được rất nhiều người ái mộ và khen ngợi ngay sau khi cô xuất hiện trên băng Thúy Nga 34. Và từđó, số người ái mộ cô mỗi lúc một gia tăng.
Hoàng Lan cho biết rằng dù cô được thành công là nhờ Trung Tâm Thúy Nga, cô vẫn mang ơn người đã giới thiệu cô với trung tâm Nhạc Tình là Tuấn Đạt.
Hoàng Lan chuyên hát nhạc trữ tình, nhạc quê hương, và những bài nhạc mang đến cô cho cảm xúc nhiều nhất. Trung Tâm Thúy Nga gần đây nhất vừa phát hành CD “Qua Cơn Mê” của Hoàng Lan và nhiều CD khác như: “Tìm Nhau Trong Kỷ Niệm”, với Thế Sơn và Mỹ Huyền trong “Liên Khúc Cha Cha Chạ”

Tác giả: gmk    Thời gian: 14-12-2008 03:54 PM
HOÀNG OANH


TÓM TẮT TIỂU SỬ:
Tên ca sĩ: Hoàng Oanh
Tên thật: Huỳnh Kim Chi

Sinh tại Mỹ Tho, 11 tuổi học đệ thất trường Gia Long. Được hãng đĩa Việt Nam mời thu băng bài "Ai Ra Xứ Huế" của Duy Khánh.

Ngày hôm đó là ngày 6 tháng 11 năm 1964, tại phòng thâu băng đường Võ Duy Nguy (Chợ Cũ); trong lúc đang tập hát với ban nhạc của nhạc sư Nghiêm Phú Phi, nhà văn Lê Thanh Thái chụp mấy tấm hình tặng ca sĩ Hoàng Oanh kèm theo bài thơ có hai câu:

"Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế…
Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương…"

Cũng vào năm đó ca sĩ Hoàng Oanh được mời đi trình diễn đại nhạc hội ở Huế.

==> phải có hơn 300 nhạc phẩm & thi phẩm do Hoàng Oanh trình bày!

Tiếng hát mật ngọt Hoàng Oanh trải qua nhiều năm tháng, không thể lẫn lộn với bất cứ giọng ca nào. Nó đi sâu vào lòng người, ngất ngây như uống phải thứ men say và gợi nhớ muôn trùng một vùng trời kỷ niệm, đầy ắp thương yêu.

Đã một thời tiếng hát Hoàng Oanh làm say mê hàng triệu thính giả trên làn sóng điện ở quê nhà, và bây giờ vẫn được trân quý. Sau đây là bài viết về Hoàng Oanh, tiếng hát không đối thủ của dòng nhạc giao quyên.

Ngôi trường Gia Long áo tím huyền thoại, với khuôn viên nhiều lối đi rợp bóng mát là nơi đã ướp bao chất thơ, chất nhạc trong tâm hồn mới lớn của cô nữ sinh Huỳnh Kim Chi. Dưới mái trường “Phượng vĩ dâng hoa” đó, Kim Chi đã trải qua bảy năm học với mảnh bằng Tú Tài toàn phần hạng bình thứ. Vừa đi hát vừa đi học: đi học thì Kim Chi, đi hát thì Hoàng Oanh, tiếng hát của một loài chim quý. Bạn bè cùng trường cùng lớp đã xem là thần tượng, nhà trường thì hơi lo âu nhưng Kim Chi đã chu toàn được cả học lẫn hát, làm vừa lòng gia đình và thầy cô, đánh tan dư luận của nhà trường. Kim Chi là một nữ sinh nhu mì, ngoan hiền và chăm học… Rời trung học, Kim Chi tiếp tục vào ngưỡng cửa đại học Văn Khoa và cũng đã kết thúc với văn bằng Cử nhân văn chương. Kim Chi cũng có dự tính nối nghiệp thầy cô để “gõ đầu trẻ”, nhưng vì bận rộn với tình nhạc và thơ lai láng nên giấc mộng mô phạm đó được tạm xếp một bên. Bởi đó, Hoàng Oanh đã mượn lời thơ tiếng nhạc trong một băng nhạc đầy ắp kỷ niệm thuở học trò mang chủ đề “Tuổi Học Trò” do chính cô thực hiện, để trải tấm lòng với thầy cô, với bạn bè và mái trường xưa thân ái. Hoàng Oanh nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư… huống hồ Hoàng Oanh đã thọ giáo các ‘sư phụ’ mười lăm năm trời từ trường tiểu học Phú Nhuận, đến trường Gia Long và Đại học Văn Khoa Sàigòn. Ơn của thầy cô lớn lắm, Hoàng Oanh nhớ mãi. Đó là đạo thầy trò của phương Đông mà Tấy phương ít có được.”

Hoàng Oanh sinh ở Mỹ Tho nhưng trường thành ở Sàigòn trong một gia đình sáu chị em, ngoan đạo và có một sự giáo dục nề nếp nghiêm khắc, nhưng cũng có môi trường để cô phát triển tài ca ngâm. Hoàng Oanh từ năm lên năm đã học hát với thân phụ cũng là một nghệ sĩ. Năm tám tuổi, Hoàng Oanh được phép thân phụ cho lên sân khấu lần đầu tiên tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức với hai bản nhạc “Hương Lúa Miền Nam” và “Có Một Đàn Chim”. Ngoài ra, cô cũng có khiếu ngâm thơ nên đã nghe các cô chú, anh chị nổi tiếng ngâm thơ như Hồ Điệp, Quách Đàm, Tồ Kiều Ngân để học theo. Hoàng Oanh kể lại một kỷ niệm: Trong giờ Việt văn, sau khi bình giảng bài thơ “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Thế Lữ, cô giáo hỏi ai biết ngâm thơ và cả lớp đồng thanh trả lời: Kim Chi. Thế là Kim Chi được cô giáo gọi lên diễn ngâm bài thơ đó và đã làm cho giờ học sống động hơn. Na7m đó Hoàng Oanh mười hai tuổi, học lớp Đệ Lục. Không bao lâu, Hoàng Oanh đã nổi tiếng “đủ mùi ca ngâm”.

Thế là tuy còn đi học, Hoàng Oanh đã được mời cộng tác với các ban: Thiếu Nhi đài phát thanh Quân Đội do Lê Đô phụ trách, ban Tuổi Xanh của nữ nghệ sĩ Kiều Hạnh và ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức ở đài phát thanh Sàigòn. Hoàng Oanh là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất do sự dẫn dắt của nhạc sĩ Nguyễn Đức trên con đường ca hát.

Rồi thời gian qua… trở thành một thiếu nữ xinh đẹp dịu dàng, lại có một tài ca ngâm vững vàng, cánh cửa lớn rộng mở, Hoàng Oanh đã bước vào sinh hoạt ca nhạc thực thụ, Cô đã góp tiếng hát tiếng ngâm tràn ngập tình cảm cũng như đã góp hình ảnh xinh tươi trong các chương trình nhạc và thơ uy tín của đài phát thanh cũng như đài truyền hình: Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, chương trình Phạm Mạnh Cương, Tiếng Hát Đôi Mươi của Nhật Trường, Trường Sơn của Duy Khánh, Nhạc Vàng của Phó Quốc Lân, Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ, Tao Đàn của Đinh Hùng, Tiếng Thơ của Thanh Nam, Ly Tao của Thái Thủy… Và tư khi có phong trào thâu dĩa hát và băng nhạc, Hoàng Oanh là một trong những nữ ca sĩ được mời thâu dĩa nhiều nhất. Riêng địa hạt thâu dĩa, Hoàng Oanh đã thâu khoảng hơn hai trăm dĩa với các hãng Asia, Sóng Nhạc, Việt Nam, Sơn Ca, Thiên Thai, Continental v.v… Đĩa hát đầu tiên của Hoàng Oanh gồm hai bài hát “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” và “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”. Có một điều làm ta hơi ngạc nhiên là không thấy Hoàng Oanh xuất hiện trong các phòng trà và vũ trường. Cô giải thích: “Hồi nhỏ, Oanh ở với ông cậu rất nghiêm khắc nên ông không cho Oanh hát phòng trà hay vũ trường, thỉnh thoảng chỉ cho hát Đại nhạc hội mà thôi.”

Hoàng Oanh là một tài năng đa diện. Với một làn hơi ngọt ngào, nồng nàn tình cảm, Hoàng Oanh đã có khả năng trình bày tất cả các loại nhạc cũng như lối ngâm. Từ những nét sang trọng, dịu dàng, quý phái của nhạc tiền chiến đến những bản dân ca ba miền, những bài tình tứ quê hương, từ những câu Hò mái đẩy miền Trung đến bài vọng cổ miền Nam hay câu Sa mạc, hát ví của miền Bắc… Hoàng Oanh đã tiếp nối những giọng ngâm thơ ba miền nổi tiếng như Hồ Điệp, Quách Đàm, Bích Thuận, Giáng Hương, Tô Kiều Ngân… Tiếng hát cũng như giọng ngâm của Hoàng Oanh có chút gì thật sâu đậm, buốn man mác nhưng thật tình tứ, đã chinh phục được đa số thính giả.

Một cuộc đời nghệ sĩ không sóng gió. Hoàng Oanh đi hát, đi học, sống êm đềm trong hạnh phúc gia đình, trong tình thân bằng hữu và trong cảm tình nồng hậu của thính giả. Cho đến năm 1972, cô nữ ca sĩ dịu dàng khả ái đó sang ngang, vui duyên cầm sắt với một chàng dược sĩ trẻ và cũng là một nhạc sĩ, xây dựng một tổ ấm với tình yêu và sự hiểu biết.

Rời Sàigòn ngày 28-4-75, ban đầu Hoàng Oanh định cư ở New Jersey, một thành phố gần với New York chọc trời và nay cũng đã tìm đường về Cali nắng ấm. Tại hải ngoại, Hoàng Oanh bắt đầu “tự biên tự diễn”, phát hành băng nhạc. Băng nhạc của Hoàng Oanh không bạo phát, bạo tàn, cứ đều đều nhưng bền bỉ vững vàng và được thính giả đón tiếp về lâu về dài. Ở nơi tha hương này, nghe Hoàgn Oanh hát là nghe tiếng ru về những kỷ niệm của một quê hương đã nghìn trùng xa cách. Người miền Trung nhớ Huế da diết với giọng hát thật Huế của Hoàng Oanh trong Ai Ra Xứ Huế; người miền Nam nhớ sông Tiền sông Hậu với Tiềng Hò Miền Nam, người Bắc nhớ về Hồ Gươm, tháp Rùa qua câu ngâm sa mạc hay câu hát ví… Đó Hoàng Oanh là một ngôi sao lấp lánh muôn mặt của trời thơ ca nhạc hải ngoại hiện nay. Ở đâu, khán thính giả cũng đón tiếp Hoàng Oanh như một sứ giả của mối tình “thi nhạc giao duyên”, như một hình ảnh đẹp của nghệ sĩ, một đóa hoa muôn màu chan chứ tình tự quê hương dân tộc.

Hoàng Oanh đã tự vạch cho mình một lối đi: Làm sao để bảo tồn văn hóa cổ truyền và nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam trong cộng đồng người Việt cũng như trong lớp ca nhạc sĩ trưởng thành ở hải ngoại.

Thời kỳ đó, song song với sự nghiệp ca hát Hòang Oanh còn là một gíao viên dạy văn. Có thể vì là giáo viên nên ca sĩ Hòang Oanh rất ít xuất hiện trong các phòng trà hay những chương trình thu hình mà chỉ ghi âm đĩa hát. Ở nhà tôi rất thích giọng hát của Hòang Oanh nên trong thời kỳ đó đã mua rất nhiều đĩa của Hòang Oanh, nhưng thật tiếc là sau giải phóng những đĩa nhạc này đã thất lạc hết. Sau này khỏang từ năm 1985 đến 1995 khi Hòang Oanh đã sang hải ngoại thì những tác phẩm cũ trước đây mới được hát lại và dân nghe nhạc chúng ta ở đây mới có dịp sưu tầm lại những tác phẩm này thường dưới dạng băng casette, vì lúc này đĩa CD rất đắt tiền và chỉ có người giàu mới mua được dàn máy compact disc.

Thể loại nhạc của Hòang Oanh thường là những bài có chất dân ca, những tình khúc Huế,bolero hay nhạc của Trần Thiện Thanh và Trầm Tử Thiêng. Những ai thích cái gu nhạc Hòang Oanh chắc là không quên đuợc những đoạn ngâm thơ với chất giọng trong và buồn.Hòang Oanh thể hiện rất nhiều tác phẩm rất thành công, một trong số đó phải kể đến "Mưa trên phố Huế","Trộm nhìn nhau","Anh đi chiến dịch" hay "Hai vì sao lạc" ...còn nhiều nhiều nữa không nhớ hết.Sau này trung tâm Asia có phát hành CD Hòang Oanh "Truyện ca cổ tích" với Hòn Vọng Phu ca chung với bác sĩ Trung Chỉnh và những nhạc phẩm khác như "Trầu Cao","Thiên Thai" ...Đây là đĩa CD rất hay nếu ai thích Hòn Vọng Phu không thể bỏ qua được.Ngoài ra còn có trường ca "Hội Trùng Dương" hát chung với Thanh Tuyền và Thanh Lan thể hiện rõ nét đặc trưng chất âm của Hòanh Oanh "Hò ới,Quê miền Trung em nghèo lắm,mùa đông thiếu áo,hè về thiếu ăn ới hò... hò ới

Tác giả: gmk    Thời gian: 14-12-2008 03:59 PM
HÙNG CƯỜNG

Trần Kim Cường là tên thật của Hùng Cường, người nghệ sĩ đã lăn lộn trong nghề từ trên bốn thập niên trong các lãnh vực Tân nhạc, Cổ nhạc, Kịch nghệ cũng như Điện Ảnh. Người nghệ sĩ tuổi Tý, sinh ngày 21 tháng 12 này cho biết là anh trong bước đầu đã không may mắn nhưng cũng chẳng trở ngại gì!. Anh đã bước lên sân khấu lần đầu tiên khi còn đang theo học tiểu học tại trường Trần Hưng Đạo với nhạc phẩm “Con Chim Hòa Bình Đang Đau Nặng” của Lê Thương và đã được toàn thể thầy cô, phụ huynh và học sinh cả trường hoan nghênh. Ngay từ những năm 54, 55 anh đã nổi tiếng qua các nhạc phẩm: Ông Lái Đò, Vọng Ngày Xanh, Sơn Nữ Ca, Đường Xưa Lối Cũ, Chàng Đi Theo Nước, v.v.. Tất cả những nhạc phẩm này đã được thu diã và đạt được một số bán kỷ lục. Suốt trong thập niên 60 cho đến tháng 4 năm 75, Hùng Cường đã làm say mê mọi người qua những nhạc phẩm như “Ai Về Sông Tương”, “Nắng Chiều”..v.v.. và những nhạc phẩm kích động như “Cấm Trại 100%”, “Kim”, “Say” và nhiều nhạc phẩm khác trình bày chung với Mai Lệ Huyền. Hùng Cường rời Việt Nam vào ngày 28 tháng 02 năm 1980 và cư ngụ tại Garden Grove, California cho đến cuối đờị Anh cho biết chỉ nội trong tháng 6 của những năm 86-87, lẫn bố và mẹ của anh đã qua đời, và đó là kỷ niệm khó quên nhất trong đời anh. Ngoài lãnh vực nghệ thuật, anh “tham gia yểm trợ hầu hết các phong trào, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng. Hùng Cường đã ra đi vĩnh viễn trong thời gian gần đây để lại đàng sau người nam ca sĩ cũng nổi tiếng trong nhiều năm qua là Quang Bình sau một thời gian nằm trên giường bệnh. Rất nhiều nghệ sĩ đã đến thăm hỏi anh lần cuối và hình ảnh 1 người nam ca sĩ nổi tiếng ngày nào có lẽ vẫn ghi sâu trong lòng của những người mến mộ anh.
Tác giả: gmk    Thời gian: 14-12-2008 04:01 PM
HƯƠNG LAN


Hương Lan tên thật là Trần Ngọc Ánh, sinh năm 1956 tại Sài Gòn và lớn lên tại đây cho đến khi sang Pháp vào năm 1978. Cô là con cả trong một gia đình có 5 người con, ngoài một người con riêng của thân phụ cô là nghệ sĩ Hữu Phước với người vợ không chính thức trước đó, khi ông còn là một giáo viên tiểu học. Một người em gái cô là Hương Thanh cũng hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật, hiện đang cộng tác với nhạc sĩ Nguyễn Lê, nổi tiếng trong ngành dân nhạc tại Âu Châu. Thời gian Hương Lan mới mở mắt chào đời, gia đình cô ở trong một hoàn cảnh túng thiếu nên rất vất vả về mặt kinh tế. Lúc đó, thân phụ cô mới đi hát được vài năm, tiếng tăm chưa có là bao.

Khi lên 5 tuổi, Hương Lan đã lên sân khấu đoàn Thanh Minh-Thanh Nga với một vai phụ trong vở cải lương “Thiếu Phụ Nam Xương”. Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga trong thời gian diễn vở cải lương này đã căng một một biểu ngữ lớn trước rạp, với hàng chữ “Vở tuồng có sự tham gia của thần đồng Hương Lan, ái nữ của nghệ sĩ Hữu Phước”. Dù bước lên sân khấu lần đầu tiên, nhưng Hương Lan đã tỏ ra dạn dĩ với vai trò được giao phó.

Ngay sau lần xuất hiện đó, Hương Lan đã được những ký giả kịch trường của hầu hết các nhật báo cũng như tạp chí ở Sài Gòn mệnh danh là “Thần Đồng”. Sở dĩ cô không sử dụng tên thật làm nghệ danh vì thời gian cô bắt đầu đi hát đã có một nghệ sĩ cải lương tên Ngọc Ánh. Sau khi thân phụ cô hội ý với thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà, đã đặt tên cho cô là Hương Lan với nguyên nhân như cô kể :“ Ông Kiên Giang mới hỏi ông già em "trong nghệ sĩ mày thích người nào nhất?" Ba em mới nói "Dạ, em thích Út Bạch Lan với Thanh Hương”. Thành ra ông Kiên Giang bảo “ tao lấy tên 2 người này tao đặt cho con mày”

Hương Lan được chỉ dẫn vọng cổ bởi nhạc sĩ Sáu Tửng, thân phụ nhạc sĩ Huỳnh Anh. Thầy Sáu Tửng, khi đó sống chung với gia đình cô, đã có công chỉ dẫn nhiều cho cô về nhịp, trong khi thân phụ cô chỉ dẫn cách diễn trên sân khấu . Nhưng thật ra Hương Lan cho biết, cô học thẳng trên sân khấu nhiều hơn là học ở bố. Nhưng ảnh hưởng quan trọng nhất cô thừa hưởng nơi người bố nổi danh là cách sắp chữ và lối hành văn bên ngành cải lương. Do từng hành nghề giáo viên, nên Hữu Phước rất kỹ lưỡng về cách phát âm cuả người miền Nam.

Khi lên 9 tuổi, Hương Lan đã phải chứng kiến sự chia tay giữa bố mẹ vào năm 1965, với lý do đến từ “sự lả lướt của mấy ông nghệ sĩ, nên má em không thích. Từ đó, gia đình Hương Lan lâm vào tình trạng khó khăn nên cô phải đi hát phụ với bố để giúp gia đình. Thời gian này, Hương Lan càng lúc càng gây được nhiều chú ý nơi khán thính giả qua các vai trong các vở cải lương như Thầy Cai Tổng Bồi, Lan Và Điệp. Cũng như sau này là Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, vv…

Lên 10 tuổi, Hương Lan bắt đầu chuyển qua Tân Nhạc, sau khi được nhạc sĩ Trúc Phương nhận ra khả năng của giọng hát cô, và nhất là trước đó cô rất thích tiếng hát của Hoàng Oanh. Trước lời đề nghị của Trúc Phương, thân phụ cô bằng lòng để cô theo học nhạc. Dù là một nghệ sĩ cải lương tên tuổi, nhưng Hữu Phước có một chủ trương rất cởi mở để cho rằng “Nghề nào cũng là nghề, cũng là sân khấu”. Thế là kể từ năm 66, Hương Lan bắt đầu chuyển qua tân nhạc trong hình ảnh một cô bé mặc váy đầm xòe trên những chương trình Đại Nhạc Hội Duy Ngọc tổ chức thường xuyên tại rạp Quốc Thanh. Với hai nhạc phẩm “tủ” đầu tiên là Những Đồi Hoa Sim và Ai Ra Xứ Huế, “Bé Hương Lan” đã gây nhiều ngạc nhiên cho khán giả. Đặc biệt sau đó, “Bé Hương Lan” đã được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh mỗi khi xuất hiện cùng với bố trong vở “Lan Và Điệp” qua những đoạn tân cổ giao duyên. Hai năm sau, Hương Lan đã được mời ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam để thu thanh những ca khúc tân nhạc cùng một số bản cải lương. Sau khi mãn hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam vào năm 70, cô sang hợp tác với trung tâm băng nhạc Trường Sơn do nhạc sĩ Duy Khánh chủ trương trong hai năm. Trước khi về với Trường Sơn, Hương Lan đã bớt xuất hiện trên sân khấu để chỉ chú tâm theo đuổi việc học hành khi bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa trung học trường Nguyễn Bá Tòng. Nhưng vì quá đam mê nghệ thuật nên việc học vấn của Hương Lan đã chấm dứt rất sớm, khi cô mới học hết năm Đệ Ngũ. Và cũng kể từ năm 72, Hương Lan trở thành một ca sĩ tân nhạc độc lập, được mời thu thanh trên rất nhiều băng nhạc chung với nhiều nghệ sĩ khác, ngoài phần thỉnh thoảng vẫn thu một số băng cải lương. Cũng vào thời gian này, tiếng hát của “Bé Hương Lan” trở thành quen thuộc với những thính giả đài phát thanh, đặc biệt qua những chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Châu Kỳ. Sở dĩ có một thời gian khá dài, Hương Lan vắng bóng trên sân khấu cải lương vì cô ở trong lứa tuổi cô cho là lỡ cỡ, “không đóng được vai đào và cũng không đóng được vai con nít”, như cô kể. Hương Lan chỉ trở lại với cải lương vào năm 73, khi được 17 tuổi. Cuối năm 74, nhạc sĩ Ngọc Chánh thảo luận với cô để chuẩn bị thực hiện băng nhạc đầu tiên mang tên “Tiếng Hát Hương Lan” riêng cho cô trong bộ băng nhạc nổi tiếng Shotguns. Nhưng rất tiếc việc thực hiện đã không thành do biến cố tháng 4 năm 75.

Hương Lan lập gia đình với Chí Tâm vào năm 1976. Sau đó cô hoạt động trong lãnh vực cải lương hơn một năm với những buổi trình diễn tại Sài Gòn và các tỉnh qua một số soạn phẩm như Tình Yêu Và Bạo Chúa, Cây Sầu Riêng Trổ Bông, vv… Vợ chồng Hương Lan – Chi Tâm sang Pháp vào năm 1978 với con trai đầu lòng tên Henri Dương Bảo Nhi để bắt đầu đi vào một giai đoạn mới trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nghệ thuật…

Vợ chồng Hương Lan – Chí Tâm đã trải qua một thời gian rất chật vật trong những năm đầu tiên ở Pháp, là nơi nghệ sĩ Hữu Phước đã sang cư ngụ một năm trước đó, vào năm 1977. Hương Lan phải ở lại chờ Chí Tâm đi cùng, sau khi được chính phủ Việt Nam cho phép xuất cảnh, nên đã rời quê hương vào năm 78. Hai người cùng con trai đầu lòng cư ngụ ở Pontoise, vùng ngoại ô Paris, trong một căn phòng được chính phủ cấp. Để kiếm được miếng ăn, Hương Lan hàng ngày phải đáp xe lửa lên Paris để cuốn chả giò cho một công ty Việt Nam ở đây ròng rã suốt 8 tiếng một ngày. Được một thời gian, cô chuyển qua làm cho một hãng kẹo, chỉ hoạt động theo từng mùa trong năm như lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, vv…Một lần nữa, Hương Lan lại phải xoay qua chân thu ngân cho một siêu thị tại Paris. Thời gian này, hoạt động văn nghệ tại thủ đô nước Pháp còn yếu kém, tuy vậy Hương Lan “vẫn bị chụp mũ là Việt Cộng” bởi một số tổ chức mang tính cách chính trị, như lời cô nói. Lý do chỉ vì cô đã cộng tác với một đoàn văn nghệ đặt dưới sự chỉ đạo của chế độ mới cũng như hầu hết những nghệ sĩ còn ở lại Việt Nam sau tháng 4 năm 75. Hương Lan cho biết đến khi nhận thấy cô không hề dính líu đến đoàn văn nghệ của hội Sinh Viên Việt Kiều Yêu Nước ở Paris, sự chống đối mới không còn nhắm vào cô.

Song song với những công việc sinh nhai, Hương Lan bắt đầu đi hát vào những ngày cuối tuần từ năm 79 tại những phòng trà và nhà hàng ca nhạc ở Paris như Paradis D’Asie, Palais D’Argent, vv..cũng như những chương trình nhạc hội do nhà tổ chức Hải Phong thực hiện tại rạp Maubert. Trong khi đó, cô ngưng hẳn mọi hoạt động về cải lương vì không có môi trường. Còn Chí Tâm, sau một thời gian làm việc với công ty sơn mài Thành Lễ, đã kiếm được một việc làm tương đối ổn định ở công ty Thompson cho đến ngày sang Mỹ. Hai năm sau khi đến Pháp, cặp vợ chồng nghệ sĩ Hương Lan – Chí Tâm đi đến đổ vỡ vào ăm 1980, sau khi có thêm một con trai tên Patrick Dương Bảo Trang. Sự đổ vỡ cũng đến từ lý do Hương Lan cho là tính “nghệ sĩ bay bướm” của người phối ngẫu, nhưng sau khi chia tay, cả hai vẫn giữ cho nhau những cảm tình tốt đẹp trong tình đồng nghiệp. Bây giờ nghĩ lại, Hương Lan cho rằng sự đổ vỡ đó đến từ sự thiếu chín chắn của cả hai trong lứa tuổi còn trẻ: "Thật sự mà nói thì cả hai lúc đó còn trẻ quá . Chí Tâm cũng còn trẻ. Em cũng còn trẻ. Chí Tâm có những việc làm không suy nghĩ và cái trẻ của em thì cũng không có thể tha thứ . Chứ đặt vào trường hợp bây giờ thì chắc là không đến nỗi"

Năm 1984, Hương Lan xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình video Paris By Night với nhạc phẩm Ngày về của Hoàng Giác. Rồi tiếp đó là những nhạc phẩm tình ca quê hương như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Chiếc áo bà ba, Điệu buồn phương Nam…

Năm 1985, Hương Lan đưa hai con sang Mỹ để tiến hành thủ tục cư trú do Mẹ cô - mới qua đời cách đây không lâu - sang đây từ năm 75 bảo lãnh. Và đến năm sau, cô được chính thức cư ngụ tại Hoa Kỳ cùng với 2 con trai. Cũng trong năm 86, cô quen biết với người chồng hiện nay là Đặng Quốc Toản trong buổi tiệc mừng sinh nhật của Elvis Phương vào tháng 2 . Ho chính thức thành hôn về mặt pháp lý vào tháng 12 năm 1988. Sau đó Hương Lan theo học đạo Công Giáo để đến năm 89, cô cùng với Đặng Quốc Toản tổ chức lễ cưới tại nhà thờ thuộc thành phố Anaheim, miền nam California. Chồng cô người miền Bắc, sinh năm 1946, từng phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà trong những đơn vị tác chiến từ sau biến cố Mậu Thân cho đến tháng 4 năm 75. Đối với Hương Lan, Toản “là một người đàn ông rất là rộng lượng và rất là hiểu biết và là một người có kiến thức rất rộng”. Ngoài ra Toản cũng là người Hương Lan coi như điểm tựa của cuộc đời mình, khi phải đương đầu với những khó khăn, cụ thể là những sự chống đối cô gặp phải sau này” em nhờ vào anh Toản thì em mới có được sự vững chắc và và coi như là em cảm thấy mình không bị tổn thương, không bị khổ sở. Trong những lúc bị dồn dập thì anh Toản là một người bao giờ cũng bên cạnh an uỉ và che chở cho em”

Hương Lan trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 cùng với những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My, theo lời mời của một công ty điện toán Úc nhằm tổ chức những chương trình văn nghệ để quảng cáo cho những sản phẩm của công ty này với mục đích đưa những sản phẩm đó vào thị trường Việt Nam. Cô nghĩ rằng niềm ao ước được trở lại hát ở quê hương có cơ hội thành hình vì cho là “dù sao cũng có cả một kỷ niệm, cả một tuổi thơ ở Việt Nam” như cô tâm sự. Nhưng thực tế Hương Lan đã gặp nhiều khó khăn vì không được cơ quan thẩm quyền về văn hoá trong nước cho phép trình diễn trước khán giả, ngoài việc cho phép cô thu băng đĩa hoặc video. Hương Lan vẫn không nản chí để năm sau quay trở lại Việt Nam tiếp tục xin phép để được hát trên sân khấu, nhưng một lần nữa cô chỉ nhận được sự từ chối. Mãi đến năm 1996, Hương Lan mới được phép trình diễn trước khán giả tại quê nhà sau khi cô cho là nhờ ở "thiện chí phục vụ khán giả và niềm ước mơ tầm thường của mình" được nhận biết. Sau khi trở ra hải ngoại, Hương Lan đã phải đương đầu với những sự khó khăn khác là sự chống đối mạnh mẽ quyết định về hát tại Việt Nam của cô. Cô đã lên tiếng phân trần với dư luận tại hải ngoại, nói thật tất cả về những khó khăn gặp phải ở trong nước, nhưng hầu như không mấy được để ý. Hương Lan đã tỏ ra chán nản khi tuyên bố là phải chi cô về được đón tiếp và được hát rầm rộ thì không nói làm gì. Nhưng đằng này phải qua bao nhiêu khó khăn mới được hát mà vẫn bị chống đối. Tuy vậy, Hương Lan đã tỏ ra thông cảm với dư luận chống đối và kết án cô mà cô cho rằng chỉ có một số nào đó: "Vợ chồng em cũng có nói chuyện với nhau. Mình cũng phải hiểu. Ở đây mà đi tìm sự tự do thì có biết bao nhiêu là mất mát, cũng đánh đổi biết bao sự mất mát. Thành ra điều người ta chống mình không thể nào mình nói là anh chống không đúng, hay là anh đừng nên chống. Điều đó mình không nói được “

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:12 AM
KHÁNH HÀ

Khánh Hà tên thật là Lã Khánh Hà, cô sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Cha của Khánh Hà là nghệ sĩ Lữ Liên, thành viên ban nhạc hài hước ATV. Các anh chị em của Khánh Hà đều là những ca sĩ tên tuổi: Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Lưu Bích, Anh Tú, Thúy Anh, Lan Anh

Cô sanh ra tại Đà Lạt nhưng chỉ vài tháng sau cùng với gia đình dọn vào Sài Gòn. Trong thời gian ở Sài Gòn, cô cùng với gia đình thay đổi chỗ ở nhiều lần. Lúc còn nhỏ cô học ở trường Charles De Gaulle, một thời gian sau vào nội trú tại trường tiểu học ở Thủ Đức cùng với Lan Anh và Thúy Anh. Lên trung học, cô theo học trường Nguyễn Bá Tòng đến năm đệ Tam, và cùng một lúc theo học ở Centre Culturel Français và Hội Việt Mỹ. Khánh Hà đi hát lần đầu tiên khi 16 tuổi trong một chương trình văn nghệ phụ diễn Xổ Số Kiến Thiến Quốc Gia tại rạp Thống Nhất với bài Chiến sĩ của lòng em và đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô.

Vào năm 69, cô xuất hiện lần đầu tiên với loại nhạc trẻ trong chương trình "Hippies À GoGo" do Trường Kỳ tổ chức hàng tuần tại vũ trường Queen Bee trên đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn.

Cũng trong năm đó, cô chính thức đến với nhạc trẻ cùng Anh Tú, sau khi được tay trống Dũng khuyến khích và đã gia nhập ban nhạc "The Flowers" đi trình diễn tại các club Mỹ.

Vào cuối năm 69, cô gia nhập "The Blue Jets" cùng với Anh Tú và Thuý Anh. Sau đó, cô cùng một số anh em thành lập ban nhạc "The Uptight" vào năm 72. Khánh Hà qua Mỹ trong một trường hợp khá đặc biệt. Vào thời kỳ cô hát tại nightclub "Đêm Màu Hồng" trên đường Nguyễn Huệ đầu năm 75, trong số những người khách Hoa Kỳ thích giọng ca của cô có một ký giả tên George, mà cô gọi là một "quý nhân." Ông cho biết là tình hình Việt Nam rất nguy ngập nên đã đề nghị làm giấy tờ để cô rời khỏi Việt Nam với tư cách một du khách. Khánh Hà nhận lời và đến Hoa Kỳ ngay từ tháng 03 năm 75.

Vào những năm 86-87, Khánh Hà khai thác một chương trình ca nhạc riêng ở các nơi như "Sea Palace", "cafe Tùng" ở Monterey Park, tiểu bang California và sau đó là vũ trường "Chez Moi". Cô chính thức chuyển qua nhạc Việt Nam từ năm 80, đánh dấu sự ra đời của băng nhạc Gợi Giấc Mơ Xưa, phát hành vào năm 81 do chính cô thực hiện với sự giúp đỡ về kỹ thuật của nhạc sĩ Tùng Giang. Khánh Hà xuất hiện lần đầu tiên trong Video "Hè 90" do Tô Chấn Phong và Lưu Huỳnh thực hiện, chính trong dịp này Khánh Hà và Tô Chấn Phong quen biết nhau và đã sống chung với nhau cho đến hôm naỵ. Ngoài những video do chính trung tâm Khánh Hà thực hiện, cô đã cộng tác lần đầu tiên với chương trình Thúy Nga ở Paris.

Hiện nay Khánh Hà vẫn thường xuyên xuất hiện trên băng của hãng Thúy Nga, Asia và bận rộn điều hành trung tâm Khánh Hà. Tên tuổi Khánh Hà đã bước lên hàng đầu của nền ca nhạc hải ngoại cho nên ước muốn "nghỉ hát sớm" của cô có thể sẽ còn rất lâu mới thành sự thật.

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:14 AM
KHÁNH LY



Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945 tại Hà Nội, cũng có khi cô lấy tên Phạm Thị Lệ Mai theo họ Phạm của người cha dượng. Năm 1954, Lệ Mai theo mẹ di cư vào miền Nam.

Khi còn ở Hà Nội, dù chưa tới 9 tuổi, Khánh Ly đã tham dự một cuộc thi hát với bài Thơ Ngây cùa nhạc sĩ Anh Việt nhưng không được giải gì. Cuối năm 1956, mới 11 tuổi, Khánh Ly một mình đi nhờ xe từ Đà Lạt về Sài Gòn tham cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do đài Pháp Á tổ chức tại rạp Norodom. Lệ Mai hát bài Ngày Trở Về của nhạc sĩ Phạm Duy và đoạt giải nhì, sau "thần đồng" Quốc Thắng.

Năm 1962, Khánh Ly thực sự bước chân vào sự nghiệp ca hát, cô hát cho phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện, Sài Gòn. Cuối năm đó cô chuyển lên sống tại Đà Lạt và hát cho các phòng trà ở đó. Năm 1964, Khánh Ly gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông mời cô về Sài Gòn biểu diễn. Lúc đó, vì không muốn rời lại Đà Lạt nên Khánh Ly từ chối lời đề nghị của người nhạc sĩ trẻ đó.

Năm 1967, do tình cờ cô gặp lại Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn và từ đó, Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn đã trở thành một hiện tượng của tân nhạc Việt Nam.

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã có những buổi trình diễn ngoài trời cho sinh viên tại Quán Văn nằm trên bãi đất rộng sau trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Họ tiếp tục trình diễn khắp nơi ở miền Nam Việt Nam, nhất là trong sân cỏ trường đại học, nơi Khánh Ly được mệnh danh là "Nữ Hoàng Chân Đất" hay "Nữ Hoàng Sân Cỏ". Khánh Ly chính là ca sĩ Việt Nam đầu tiên tổ chức sô diễn riêng của mình.

Từ năm 1967 đến 1975, Khánh Ly hợp tác với nhiều băng nhạc tại Sài Gòn, thâu âm nhiều bài hát trong các cuộn băng của Chương trình Phạm Mạnh Cương, Trung tâm Trường Sơn, Băng nhạc Sơn Ca, Họa Mi, Băng nhạc Jo Marcel... Năm 1968, Khánh Ly mở Hội Quán Cây Tre ở Đakao, số 2bis đường Đinh Tiên Hoàng, Sài Gòn. Đây là nơi tụ họp của các văn nghệ sĩ và các sinh viên học sinh yêu văn nghệ yêu tiếng hát Khánh Ly, và đây cũng là nơi tổng phát hành những cuốn băng nổi tiếng Trịnh Công Sơn - Khánh Ly hát cho Quê Hương Việt Nam.

Trong hai năm 1969, 1970, được sự tài trợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Khánh Ly đã có nhiều cuộc trình diễn cho các sinh viên Việt Nam ở châu Âu, Mỹ và Canada. Năm 1970, nhận được lời mời của đài truyền hình NHK, Khánh Ly sang biểu diễn ở Nhật Bản. Khánh Ly đã ghi âm và trình diễn các ca khúc bằng cả hai thứ tiếng Việt và Nhật.

Năm 1970, chiến tranh Việt Nam lan rộng, Trịnh Công Sơn viết nhiều ca khúc phản chiến và được Khánh Ly hát trong những cuốn băng Hát cho quê hương Việt Nam. Khánh Ly cũng tham gia hát trong những buổi ca nhạc gây dựng quỹ của các hội đoàn, hội công giáo Việt Nam để xây chùa, nhà thờ, trại mồ côi, trại tị nạn. Năm 1972, cô mở một phòng trà ca nhạc mang tên Khánh Ly trên đường Tự Do, số 1214 tại thành phố Sài Gòn.

Sau năm 1975, Khánh Ly rời Việt Nam và định cư tại Cerritos, California, Hoa Kỳ. Năm 1979, một lần nữa Columbia Nippon lại mời Khánh Ly đến Nhật để thâu băng nhạc của Trịnh Công Sơn. Năm 1982, đài Bunka Honso Radio mời Khánh Ly tham gia Liên hoan Âm nhạc Châu Á với nhiều nghệ sĩ nhiều nước châu Á. Năm 1985, Khánh Ly cùng chồng là nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan mở hãng thu riêng Khánh Ly Productions. Năm 1987, Khánh Ly trở lại Nhật để thâu băng cho phim "Thuyền Nhân".

Năm 1988, Khánh Ly được mời đến Vatican trong lễ tưởng niệm những tu sĩ Việt Nam tử vì đạo (Thiên Chúa). Trong sự kiện này, Khánh Ly đã gặp mặt Đức Giáo Hoàng John Paul II. Năm 1989, sau khi bức tường Berline bị phá bỏ, Khánh Ly và Thanh Tuyền đã hát trong chương trình nhạc đầu tiên ở Đông Đức. Năm 1992, Khánh Ly được mời đến Liên hoan Tuổi trẻ Thế giới ở Denver, Colorado, Hoa Kỳ. Lần thứ hai Khánh Ly được gặp Đức Giáo Hoàng John Paul II. Năm 1996, Đài truyền hình NKH ở Nhật Bản đã chọn Khánh Ly là một trong 10 nhân vật nổi tiếng để làm phim tài liệu về cuộc đời và gia đình Khánh Ly.

Hiện nay Khánh Ly vẫn tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình.
Băng nhạc, CD Khánh Ly
Trước 1975

    * 1967 - Nhạc Tuyển 1. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1969 - Hát Cho Quê Hương Việt Nam 1. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1970 - Hát Cho Quê Hương Việt Nam 2. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1971 - Băng nhạc Tình Ca 1. Tiếng Hát Khánh Ly, Sĩ Phú, Duy Trác, Thanh Lan
    * 1971 - Hát Cho Quê Hương Việt Nam 3. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1973 - Hát Cho Quê Hương Việt Nam 4. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1972 - Tứ Quý. Tiếng hát Lệ Thu, Duy Trác, Khánh Ly, Tuấn Ngọc
    * 1973 - Như Cánh Vạc Bay. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1974 - Hát Cho Quê Hương Việt Nam 5. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1974 - Hát Cho Quê Hương Việt Nam 6. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1974 - Sơn Ca 7. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1974 - Yêu Dấu 28. Tiếng Hát Khánh Ly (1974?)

Sau 1975

    * 1976 - Khi Tôi Về
    * 1976 - Như Cánh Vạc Bay. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1977 - Quê Hương Còn Đó Nỗi Buồn. Khánh Ly, Sĩ Phú, Mai Hương
    * 1977 - Hát Cho Những Người Ở Lại
    * 1977 - Tình Ca Mùa Hạ
    * 1979 - Người Di Tản Buồn

Thập kỷ 1980

    * 1980 - Lời Buồn Thánh. Khánh Ly-Trịnh Công Sơn
    * 1981 - Đừng Yêu Tôi. Khánh Ly và Vũ Thành An
    * 1981 - Giọt Lệ Cho Ngàn Sau. Khánh Ly và Từ Công Phụng
    * 1981 - Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa
    * 1982 - Tắm Mát Ngọn Sông Đào
    * 1983 - Ướt Mi. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1983 - Bản Tango Cuối Cùng
    * 1984 - Trong Tay Anh Đêm Nay
    * 1984 - Lá Đổ Muôn Chiều. Nhạc tiền chiến Đoàn Chuẩn - Từ Linh
    * 1984 - Bài Tango Cho Em
    * 1985 - Tình Trương Chi. Khánh Ly, Sĩ Phú
    * 1985 - Biển Nhớ. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1985 - Tủi Nhục Ca. Khánh Ly - Hà Thúc Sinh
    * 1985 - Bông Bưởi Chiều Xưa. Khánh Ly - Châu Đình An
    * 1986 - Hạ Trắng. Khánh Ly Trịnh Công Sơn
    * 1986 - Tango Tango
    * 1987 - Tình Không Biên Giới
    * 1987 - Ai Trở Về Xứ Việt
    * 1987 - Bên Ni Bên Nớ. Khánh Ly - Phạm Duy
    * 1987 - Như Cánh Vạc Bay. Khánh Ly, Lệ Thu
    * 1988 - Boston Buồn
    * 1988 - Tango Điên (Khánh Ly - Vũ Nữ Thân Gầy)
    * 1989 - Kinh Khổ. Khánh Ly - Trầm Tử Thiêng
    * 1989 - Mưa Hồng
    * 1989 - Đêm Hạnh Ngộ
    * 1989 - Niệm Khúc Hoa Vàng
    * 1989 - Xóa Tên Người Tình. Tiếng hát Khánh Ly, Elvis Phương

Thập kỷ 1990

    * 1990 - Tình Nhớ. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1990 - Tình Hờ. Tiếng hát Khánh Ly, Elvis Phương
    * 1991 - Vũng Lầy Của Chúng Ta. Khánh Ly – Lê Uyên Phương
    * 1991 - Tưởng Rằng Đã Quên
    * 1991 - Thương Một Người
    * 1991 - Lệ Đá. Tiếng hát Khánh Ly, Lệ Thu và Kim Anh
    * 1991 - Best of Khánh Ly
    * 1991 - Niệm Khúc Cuối. Tiếng hát Khánh Ly, Elvis Phương
    * 1992 - Để Lại Cho Em. Khánh Ly - Phạm Duy
    * 1992 - Ca Dao Mẹ
    * 1992 - Hiên Cúc Vàng. Khánh Ly - Nguyễn Đình Toàn
    * 1992 - Bên Đời Hiu Quạnh. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1992 - Một Cõi Đi Về. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1993 - Đêm Hạ Hồng. Tiếng hát Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Phong
    * 1993 - Dốc Mơ
    * 1993 - Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng. Tiếng hát Khánh Ly, Trịnh Công Sơn và Trịnh Vĩnh Trinh
    * 1994 - Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên
    * 1994 - Ừ Thôi Em Về
    * 1995 - Đời Vẫn Hát
    * 1996 - Ca Khúc Da Vàng, Volume 1. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1997 - Mùa Thu Xa Em: Khánh Ly Đặc Biệt
    * 1998 - Ca Khúc Da Vàng, Volume 2. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 1999 - Ca Khúc Da Vàng, Volume 3. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn

Thập kỷ 2000

    * 2000 - Nguyệt Ca. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 2000 - Cánh Hoa Duyên Kiếp. Tiếng hát Khánh Ly, Lệ Thu
    * 2000 - Đời Cho Ta Thế. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 2000 - Tình Thu Trên Cao. Ca khúc Nguyễn Xuân Điềm
    * 2001 - Một Sớm Mai Về. Khánh Ly - Trầm Tử Thiêng
    * 2002 - Nếu Có Yêu Tôi
    * 2002 - Mưa Trên Cây Hoàng Lan. Khánh Ly - Nguyễn Đình Toàn
    * 2003 - Còn Tuổi Nào Cho Em. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
    * 2005 - Ca Khúc Da Vàng, Volume 4. Khánh Ly - Trịnh Công Sơn

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:22 AM
PHI NHUNG

Name: Pham Phi Nhung
Birthdate: April 10, 1972
Place of Birth: Pleiku, Vietnam


Phi Nhung sinh ra va truong thanh trong mot hoan canh rat la chat vat, eo hep. Khi 11 tuoi, Me cua Phi Nhung khong may da qua doi de lai 5 nguoi em nho. Phi Nhung phai nghi hoc khi dang hoc trung hoc lop 6 de ma di hoc may, kiem tien nuoi em nho . Trong khi Me khong con, Ba thi khong biet tin tuc...Phi Nhung lam bon phan cua mot nguoi Chi Ca cham soc cho cac em...

Câu chuyện nghề nghiệp của Phi Nhung như một chuyển cổ tích về đam mê và lòng kiên trì vượt qua mọi khó khăn và trắc trở của cuộc đời. Lớn lên ở Pleiku, Việt nam và là một con lai chỉ sống với mẹ, Phi Nhung đã trãi qua nhiều khổ nhục khi còn bé.
Trong khi những đứa trẻ cùng tuổi khác vui vẻ sống những ngày trẻ thơ vô tư, Phi Nhung phải học cách sống tự lập khi còn rất bé. Chị mồ côi mẹ khi mới lên 11 và phải nghĩ học sau khi lên lớp 6 để làm mọc việc để giúp đỡ 5 đứa em khi còn sống chung với ngoại.
Tháng 10 năm 1989, Phi Nhung di cư đến Hoa kỳ bằng chương trình con lai Mỹ và sống với thím của chị ở Tampa, Florida. Là một người tự lập, chị ngay sau đó ra ở riêng, làm hầu bàn trong một nhà hàng địa phương.
Phi Nhung không bao giờ để những khó khăn này ngăn cản ước mơ trở thành ca sĩ của chị. Thời thơ ấu, Phi Nhung phải học những bài hát dân ca và bài hát ru để hát ru cho các em ngủ. Chị đã tự tạo cho mình bộ sưu tập những bài hát như vậy ngày càng đầy đủ hơn.
Phi Nhung gặp ca sĩ Trizzie Phương Trinh khi đi du lịch ở Florida và người ca sĩ này nhanh chóng phát hiện ra tài năng tiềm năng cũng như đạo đức làm việc của Phi Nhung. Trizzie nhận Phi Nhung làm chị kết nghĩa và thuyết phục Phi Nhung đến California để thử nghề ca hát. Mặc dù đó là giấc mơ của chị, Phi Nhung hơi thiếu tự tin khi quyết định những chuyện như vậy, vì vậy chị đã không đi California lúc đó. Cuối cùng thì chị cũng di cư đến Little Saigon ở Orange County vào năm 1993.
Sau một thất vọng nhỏ, Phi Nhung lại quyết định trở về Florida. Chính Hương Lan là người cuối cùng thuyết phục Phi Nhung ở lại và đừng bỏ cuộc. Việc thuyết phục có kết qủa vì Hương Lan thật ra chính là thần tượng của Phi Nhung thời thơ ấu. Qua sự quen biết của Hương Lan và những nghệ sĩ kỳ cựu trong nghề khác, Phi Nhung cuối cùng đã có thể thâu băng như một nghệ sĩ tự do; chị đã thâu nhiều CD và video với những công ty dĩa hát nhỏ. Chị cũng hát ở nhiều sân khấu suốt châu Âu và Hoa kỳ.
Trong những năm gần đây, Phi Nhung đã chiếm được trái tim của nhiều khán giả yêu nhạc và tạo dựng được một hướng đi cho mình. Tuy nhiên, người nghệ sĩ này cũng vẫn còn nhút nhát khi chị tham gia vào thế giới của những ngôi sao ca nhạc. Theo Phi Nhung, sự xuất hiện của chị ở Hollywood Video 15 khi chị hát bài Sông Quê cho Mây Productions đã đánh dấu một bước ngoặc trong con đường nghề nghiệp của chị. Những công ty băng dĩa khác như Tình, Vân Sơn, Asia và Thúy Nga bắt đầu chú ý đến người ca sĩ tài năng và đáng yêu này.
Trong một lần phỏng vấn gần đây, Phi Nhung vô tư chia xẻ kỷ niệm của mình: trong một buổi hòa nhạc, một khán giả yêu cầu Phi Nhung "ngâm sáu câu". Chị hát và sau đó được tặng USD 200. Phi Nhung mắc cở hỏi thử xem người khán giả trẻ đó có thích chị "ca cải lương" không, chị ca và hội trường như vỡ lên vì tiếng vổ tay. Mặc dù Phi Nhung luôn chia xẻ sự yêu mến nhạc cổ truyền, chị không bao giờ bỏ qua sự yêu thích nhạc Pop. Chị hứa là chị sẽ luôn hát cả hai loại cho những khán giả trẻ.
Sau 9 năm sống ở nước ngoài, Phi Nhung trở về thăm Việt nam 2 lần. Chị trở về Pleiku nơi những người thân của chị và thăm mộ mẹ và ngoại. Mặc dù có rất nhiều người con trai đeo đuổi, Phi Nhung hiện chỉ dồn tất cả nổ lực và thời gian để hoàn thiện kỹ năng ca hát của chị và chưa thật sự nghĩ về hôn nhân và gia đình.

Phi Nhung
Một lần nữa nền tân nhạc Việt Nam hải ngoại lại có sự xuất hiện của một tiếng hát đáng được coi là có nhiều triển vọng để trở thành một tên tuổi lớn trong những ngày sắp tớị Điểm đặc biệt nơi người nữ ca sĩ trẻ có tên là Phi Nhung này là chỗ cô không xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ nhà nòi mà sinh trưởng trong một gia đình có thẻ nói là chật vật về mặt kinh tế ở một tỉnh nhỏ ở miền cao nguyên Việt Nam là Pleikụ Chỉ hoàn toàn do năng khiếu mà Phi Nhung giờ đây đã đến với những sinh hoạt ca nhạc Việt Nam ở hảIngoại nhờ giọng hát trong sáng và vững vàng của cô mặc dù khả năng nhạc lý chỉ ở mức sơ đẳng. Một điểm đặc biệt khác là Phi Nhung mang trong người 2 giòng máu Mỹ , Việt, kết quả của một cuộc hôn nhân phải trải qua nhiều trở ngại gian nan mới được gia đình bên ngoại cô chấp nhận. Phi Nhung lớn lên trong sự túng thiếu của gia đình, do đó người thiếu nữ sinh năm 71 này chỉ được theo học đến hết lớp 6 để rồi lao đầu vào nghề may mặc, trong khi mẹ cô bước thêm bước nữa và cho ra đời thêm 5 người con cùng mẹ khác cha với cộ Trước đó Phi Nhung không bao giờ được mẹ cô nhắc nhở đến cha cô, là một quân nhân Hoa Kỳ đồn trú tại Pleiku, trong thời kỳ chiến tranh sôi sục tại Việt Nam. Lớn lên trong một hoàn cảnh không lấy gì làm tốt đẹp, Phi Nhung chỉ có một nguồn vui duy nhất là nghe những bài cải lương dân ca mộc mạc. Và từ đó cô đã thấm nhuần được nét bình dị đặc biệt của quê hương để sau này cô chuyên hát những nhạc phẩm nói lên những sắc thái đặc biệt của đất nước hoặc những mối tình bộc lộ nét giản dị, hiền hòạ Vào năm 82, mẹ Phi Nhung qua đời khi cô mới được 11 tuổị Người con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ này phải về ở với ông bà ngoại trong một hoàn cảnh chật vật. Phi Nhung đã trải qua những ngày tháng vất vả, phải lo đủ mọi việc, kể cả việc chăm sóc 5 đứa em cùng mẹ khác cha và mấy đứa cháụ Vào tháng 10 năm 89, Phi Nhung được sang Mỹ theo diện con lai do một người mợ bảo lãnh và cư ngụ tại Tampa, tiểu bang Floridạ Sau đó, cô tình cờ gặp được ca sĩ Trizzie Phuong Trinh và đã dọn về Nam Cali ở chung với Trizziẹ Và cũng từ đó cô bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình và mãi miết phục vụ khán thính giả cho đến bây giờ.Cô hiện nay đang được rất nhiều trung tâm lớn mời trình diễn như trung tâm Vân Sơn, Asia và gần đây nhất là Thúy Nga.

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:25 AM
KIỀU NGA

Kiều Nga,tên thật là Phạm Thị Kiều Nga,là một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng.Cô sinh ngày 22 tháng 5 năm 1960,là em gái của nam ca sĩ Elvis Phương. Cô bắt đầu bước chân vào nghiệp ca hát từ những năm 1980 và nhanh chóng được các trung tâm nhạc nổi tiếng mời hát như Asia,Giáng Ngọc,Mây,Làng Văn...Cô trình bày rất thành công các bài hát nhạc Pháp,nhạc Ngoại quốc lời Việt,các tình khúc Trịnh Công Sơn,Ngô Thụy Miên... Nhưng từ những năm cuối 1990,cô dần ít xuất hiện trong các chương trình ca nhạc.Và khán giả đang mong đợi sự trở lại của cô.

Kiều Nga thích nhất là con số 8 và màu đỏ.

Qua Mỹ từ năm 83, tại đây Kiều Nga đã được các nhạc sĩ như Trần Ngọc Sơn (con nhạc sĩ Anh Bằng) và Cát Nguyễn (Trác) dìu dắt và hướng dẫn vào đường âm nhạc. Vì chịu khó tập dượt nên cô đã tiến rất nhanh, và không đầy hai năm sau đã thu cuốn băng đầu tiên cho trug tâm Làng Văn với nhan đề: "Tình Khúc Trịnh Công Sơn". Lần lượt cô đã được mời hát cho trung tâm Asia, Giáng Ngọc, Mây... và từ năm 92 vừa qua Kiều Nga đã điều hành một trung tâm riêng của mình là KN Productions.

Năm 86, Kiều Nga trình diễn lần đầu tiên trước khán giả tại Houston chung với Ngọc Lan tại một vũ trường. Những nhạc phẩm được Kiều Nga trình bày đêm hôm đó là: Lui, Il Te Parle d'Amour, Bay Đi Cánh Chim Biển, Giáng Ngọc..v.v. Mặc dù "hơi sợ và run" nhưng kết quả là cô đã nhận được nhiều tràng pháo tay khích lệ. Từ đó trở đi, Kiều Nga liên tiếp được mời trình diễn khắp nơi, nhưng chuyến đi thành công nhất đối với cô là tại Âu Châu, trong đó cô chấm nước Đức là "số một". Hàng năm vào tháng 4, Kiều Nga đều bay sang Bergkamen (Đức) một tháng để hát độc quyền cho trung tâm băng nhạc Vũ Ly. Kiều Nga cho biết là "thấy buồn cười quá sức khi hát phải nhép miệng!" khi được mời xuất hiện lần đầu trên video "Asia 1" với bài "Xin Còn Gọi Tên Nhau". Kỷ niệm vui nhất của Kiều Nga là lần đi show ở Úc cùng với Khánh Ly, Thúy Vi và MC hỏi một câu: "Sao đợi mãi tới bây giờ mới sang Úc trình diễn?" chẳng kịp nghĩ ngợi, Kiều Nga đã buột miệng trả lời ngay "tại vì muốn qua chụp hình với Kangaroo!" khiến khán giả cười muốn vỡ rạp. Hỏi về quan niệm tình yêu, Kiều Nga trả lời ngắn gọn "không biết", còn cuộc đời theo cô thì "phải biết cách kiếm tiền" và "mong lúc nào cũng có tiền để...trả bill!" Mặc dù mê hát từ nhỏ, nhưng trong dự định thì Kiều Nga sẽ bỏ hát, qua một tiểu bang khác sống và mở business, rất có thể là một tiệm "Food To Go".

Một điều ít ai biết là Kiều Nga có tất cả 5 con nuôi (3 gái, 2 trai) là con của 2 bà chị và một người bạn thân.

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:29 AM
KIM LOAN

Kim Loan có một giọng hát hơi khàn, hơi nghẹt mũi một chút. Cô đến ca trường nhạc giới giữa lúc Phương Dung, Hoàng Oanh, Hà Thanh, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh đang làm mưa làm gió khắp nơi trình diễn văn nghệ. Nhưng may mắn thay, cô vẫn có một chỗ ngồi riêng ở lãnh vực ca hát. Và càng may mắn hơn nữa, chỉ mới chân ướt chân ráo vào nghề mà cô đã nổi tiếng qua bài “Căn Nhà Ngoại Ô”.

Kim Loan có khuôn mặt đẹp, nụ cười thật tươi, sóng mũi thanh tú, vầng trán băng sương, mái tóc buông dài và cài nơ thật đẹp. Vóc mình cô cao lớn, nhưng không thanh. Bàn tay cô hơi thô, dáng đi cô không yêu kiều uyển chuyển. Nhưng cô ăn mặc đẹp, lộng lẫy mà không lố bịch. Tuy nhiên, ở cô, người đối diện nghĩ rằng nếu khéo trau chuốt thêm một chút nữa, nếu học cách đi đứng, ăn nói thêm một chút nữa, cô vẫn là cây bonsai được uốn cành tỉa lá để trở thành một thứ cây cảnh với những nét hài hòa ngoạn mục.

Tiếng hát Kim Loan tuy nồng ấm nhưng vẫn hơi thô tháp. Cô không biết bào mỏng ở vài chỗ để tiếng hát mịn màng vóc nhung, không biết hát cho vang dội ở vài chỗ khác cho tiếng hát chói ngời vóc gấm. Cô hát quá chân phương, không biết làm sao bớt rồ ở những chỗ khác nữa. Đó là một viên kim cương chưa được lấy những chấm bọt, chấm than và chưa được cắt cạnh giồi mặt để tra vào chiếc nhẫn bạch kim mà trở thành một món nữ trang tinh xảo.

Năm 1977, cô có dịp qua Paris trình diễn tại một rạp ở khu Maubert Mutualité. Tôi có tìm gặp cô để nói dăm ba câu chuyện, nhưng thật ra cô không biết tôi là ai vì khi tôi khởi nghiệp ký giả kịch ảnh thì cô đã rời nước. Trên sân khấu, cô hiện ra với dáng dấp cao sang thanh thoát hơn xưa nhiều. Và cô cũng đẹp hơn nữa. Cái đẹp thật tươi sáng, thật thanh tao. Làn hơi cô cũng phong phú hơn nữa. Nói chuyện với cô, tôi nhận thấy đây là một mẫu phụ nữ khiêm tốn, thành thực, tránh nói nhiều về những bạn đồng nghiệp vắng mặt.

Trước đó, sau cuộc Tổng Tấn Công của Việt Cộng, có nhiều tiếng thì thào rất bất lợi cho cô khi cô bỏ ngang nghề ca hát để qua định cư bên Tây Đức. Họ cho rằng cô muốn tránh một chuyện tình cảm rối reng giữa vị nguyên thủ quốc gia và cô. Nhưng thuở đó, báo chí không dám làm om vì Bộ Thông Tin quyết lòng bịt mồm siết họng báo chí chặt chẽ quá.

Nhưng vào năm 1978, Kim Loan nhận lời đóng vai Điêu Thuyền trong tuồng Phụng Nghi Đình cho đoàn Kim Chung ở Paris, một đoàn hát nổi tiếng là thân Cộng và làm việc cho tập đoàn cộng sản được đội cái tên là Hội Việt Kiều Yêu Nước. Từ đó tên tuổi Kim Loan bị cháy tiêu. Báo chí Việt Nam bên Hoa Kỳ mới khui xấu cô, bảo rằng cô sở dĩ ra ngoại quốc trước năm 1975 là cốt để đợi ngày đập chum, còn tác giả cái chum cô mang trên bụng là Vua Thiệu. Điều đó bậy vô số ! Những người viết những bài mạ lỵ đó chính họ cũng không rõ vận sự đó có thật hay không, hay chỉ là những tin đồn nhảm. Vả lại, lúc đó Kim Loan có chồng con, vẫn là vợ đảm mẹ hiền mà bạn bè quen thân đều biết. Mà nói cho cùng, điều đó có thật đi nữa vẫn chỉ là một sự lầm lỡ của một thiếu nữ, và sau cuộc lầm lỡ cô đã tạo lập một gia đình êm ấm, sống một cuộc đời lương thiện, đã rửa sạch mọi điếm nhục của dĩ vãng.

Kim Loan và phu quân của cô đã từng giúp tạp san Quê Mẹ phổ biến trên nước Đức. Bị sỉ nhục như vậy mà cả hai không thèm phản ứng, chỉ tiếp tục giúp đỡ cộng đồng kiều bào trong việc phổ biến tin tức và văn hóa. Chúng ta đừng chỉ buộc tội cô hát cho ban Kim Chung mà nỡ quên bẳn những lần cô hát ủng hộ cho những ban tổ chức giúp người vượt biển không nhận tiền thù lao hoặc chỉ nhận một món tiền tượng trưng thật khiêm nhượng.

Hồ Trường An
(trích “Theo Chân Những Tiếng Hát”)

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:31 AM
KIM ANH

Người ca sĩ nổi tiếng một thời với nhạc phẩm Trung Hoa lời Việt "Mùa Thu Lá Bay" tên thật là Mạch Kim Anh, tuổi Quí Tỵ, ngày sinh nhật là 04 tháng 09 thuộc tuổi Xử Nữ theo tử vi Tây Phương. Kim Anh thích nhất là màu trắng và con số 8. Rời Việt Nam từ trước năm 75, Kim Anh thường sinh hoạt trong những chương trình văn nghệ sinh viên tại Washington, D.C. và sau đó cô đã may mắn được sự giúp đỡ tận tình của Mai Hân và Đỗ Hùng và sau đó đã chính thức ra mắt khán giả tại Đại Nhạc Hội Hè 77 doTúy Hồng và Bảo Ân tổ chức với nhạc phẩm "Mùa Thu Lá Bay" bằng tiếng Trung Hoa, và đó cũng là nhạc phẩm ưng ý nhất của cô cùng với một số bài khác như: "Sao Đành Xa Em," "Giờ Này Anh Ở Đâu".v.v.. Và từ đó đã từng đi lưu diễn tại rất nhiều nơi như Úc Châu, Âu Châu rất nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, Canada, Jamaica, Guam, New Caledonia và Việt Nam. Kim Anh xuất hiện lần đầu tiên trên video "Đại Nhạc Hội Quốc Tế" và video mới nhất của cô mới được nhóm Golden Stars thực hiện trong những năm qua mang tựa đề "Con Thuyền Không Bến" với chủ đề "Kim Anh Và Quê Hương".

Người ta đón nhận giọng ca nàng với sự trìu mến, nồng nàn, khắp những nơi có dấu chân Kim Anh đi qua từ dạo bỏ dở việc học ở thành phố Nice (Pháp) qua sinh sống ở Maryland, Chicago, Virginia, New York, Houston, Canada, v.v… Hát khỏe, nhạc bán mạnh, có lúc giàu to, cuộc đời sôi động chìm nổi phong ba, đủ để viết hồi ký “Nửa Đời Phóng Đãng” mà nhiều người muốn hoàn tất. Kim Anh là một phụ nữ dám sống, dám làm theo ý mình “miễn không làm phiền lụy ai” theo như lời nàng nói. Kim Anh chịu chơi, đã đành! Nàng còn là người biết “dừng lại”. Người nữ ca sĩ này như một thiền sư tự mình tu luyện và thoạt nhiên ngộ đạo sau nhiều tháng năm nếm gai lửa cuộc đời, thấm đủ mùi đắng cay ngọt bùi cuộc sống: Kim Anh tự tiếp nhận niềm tin tôn giáo từ những cuốn sách của thiền sư Nhất Hạnh, Bộ Phật Học Phổ Thông, Tuyển Tập Ra Khơi của Thiên Chúa Giáo, v.v… Từ những cuốn sách đó, Kim Anh thay đổi nhân-sinh-quan, đời sống tuy chỉ còn rượu và thuốc lá, nhưng đã thoát xác thành một Kim Anh không còn bạt mạng rong chơi với những “cuộc vui đen” xa hoa, phù phiếm.

Sống bạt mạng một thời, rồi tuyên bố thôi! Hát nhạc ngoại quốc, rồi ngưng thời gian dài lâu, và nay đang hát trở lại. Cuộc đời Kim Anh có nhiều truân chuyên, đổi thay, biến chuyển. Chỉ có hát ca, uống rượu, hút thuốc, và bầu bạn là đeo đẳng nàng ca sĩ dài lâu, bởi như nàng thường nói với mấy nhà báo: “Sống thoải mái, trung thực với chính mình”.

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:32 AM
KIM TUYẾN

TIẾNG CA LẠC LOÀI TRONG KỊCH GIỚI


Hình như vào thập niên 60, khi đi ngang qua rạp Olympic, nơi trụ diễn thường trực của gánh Kim Chung, tôi có thấy cái tên
Kim Tuyến đứng chung với những cái tên Hùng Cường, Thanh Hải, Tấn Tài, Hoài Trúc Phương, Kim Loan (về sau đổi tên là Mộng Tuyền)…

Nhiều năm sau đó, tôi được biết tin Kim Tuyến là một nghệ sĩ cải lương có tài ca diễn có thể đứng ngang hàng với Ngọc Giàu, Bích Sơn, Mộng Tuyền, Phượng Liên, Thanh Thanh Hoa, chỉ có đứng sau nữ hoàng sân khấu Thanh Nga và cải lương chi bảo Bạch Tuyết mà thôi. Khi Bạch Tuyết và Hùng Cường rời gánh Dạ Lý Hương để sau đó ít lâu đầu quân cho gánh Sóng Thần thì ông Bầu Xuân mời Kim Tuyến về Dạ Lý Hương để thay thế Bạch Tuyết.

Tôi cũng được nghe đôi bạn gái Kim Hoàng & Như Mai có mua tác quyền truyện dài “Vực Nước Mắt” của nhà văn nữ Nguyễn thị Hoàng để thực hiện thành phim. Vai nữ chính lại giao cho Kim Tuyến. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy mặt Kim Tuyến trên sân khấu hay trên màn ảnh Tivi. Cái tên Kim Tuyến đến với tôi như cái tên một nhân vật trong huyền thoại, trong truyền kỳ và tôi mường tượng người nữ nghệ sĩ mang tên ấy phải có một khuôn mặt đẹp rất thần nữ như các cô đào đóng phim La Mã như Maria Felix, Rossana Podesta, Anita Ekberg, Tina Louise, Sylvia Lopez, Chelo Alonso, Sylvia Koscina..v..v..

Một hôm, tôi theo chị Mộc Lan cùng hai anh bạn Phổ Đức và Đoàn Yên Linh đến đài Truyền hình để coi việc thâu hình cho chương trình “Nhạc Chủ Đề Mộc Lan” thì gặp Kim Tuyến. Cô cũng đang đứng ở đó để chờ thu hình một vở hài kịch mà cô đóng một vai bên cạnh bà Năm Sa Đéc, nữ nghệ sĩ Diễm Kiều và danh hề Thanh Hoài.

Vì sắp sửa ra sân quay nên Kim Tuyến diện chiếc áo bà ba bằng lụa mỏng màu mỡ gà và chiếc quần bằng sa teng đen. Cô không giồi phấn tô son rực rỡ, chỉ tô đậm viền mắt, nét mày và tô bóng cặp môi. Chao ơi, cô đẹp quá thể, đẹp nồng nàn, nuột nà. Vóc cô thật thanh tân yểu điệu, eo thật thon, chiếc cổ mịn màng, đôi bàn tay và đôi bàn chân đều thanh tú. Tôi không biết vở kịch mà Kim Tuyến đóng có cái tựa là gì, nhưng tôi chỉ biết đó là một vở hài kịch vậy thôi.

Sau đó ít lâu tôi được xem Kim Tuyến xuất hiện trong vở kịch “Bóng Chim Tăm Cá” cùng với toàn ban thoại kịch Kim Cương. Cô đóng vai nhì bên cạnh Kim Cương, một vai chủ động rất đanh đá xí xọn. Cô diễn thật hay, khuôn mặt thật ăn ảnh, tiếng nói lảnh lót.

Những nữ diễn viên của ngành ca kịch cải lương gốc người Bắc thường hát Tân nhạc rựa ràng. Nhóm ca sĩ tiền phong của nền Tân nhạc Việt Nam đều xuất thân từ đám người ấy, chẳng hạn như Ái Liên, Lan Phương, Kim Chung, Kim Xuân, Bích Thuận, Bích Hợp, Phụng Khánh… Còn trong Nam thì có Kim Thoa, Túy Hoa. Về sau, trong cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh thì có Thanh Tình, Lệ Thủy (người Bắc), có Ngọc Nuôi, Ngọc Đán, Kim Cương, Kim Hoàng, Ngọc Yến, Xuân Lan (người Nam). Đến khi đất nước ngăn đôi bởi Hiệp Định Genève, tại miền Nam đã có Bích Sơn, Hương Lan, Phượng Mai và Kim Tuyến. Những nữ diễn viên ca kịch cải lương gốc người Nam biết hát Tân nhạc rất “nghề” thì chỉ có Kim Hoàng, Kim Tuyến, Hương Lan và Phượng Mai mà thôi. Bobo Hoàng (tức là Thanh Hoàng) có một dạo bỏ sân khấu cải lương, học nhạc Mỹ và hát trong club Mỹ, để rồi sau cuộc đổi đời trở về nghề cũ, đầu quân cho gánh Huỳnh Long vào năm 1976.

Kim Tuyến có khuôn mặt đẹp không phải ở chi tiết. Về hình thức, đôi mắt cô không có gì đặc biệt, nhưng cái nhìn và khóe mắt cô rất tình tứ khi cô đóng vai lẳng, tròng mắt đưa qua đưa lại lóng lánh sóng thu. Đôi mắt ấy đẫm lệ bỗng trở nên đẹp tuyệt vời khi cô đóng vai thương cảm trong vở “Ả Đào Say” trong cuốn băng hình do Hoàng Thi Thơ thực hiện. Vai nàng danh kỹ trong vỡ tuồng này gồm có những màn lẳng lơ, say khướt và bi hùng đã từng được con dao pha kịch nghệ Xuân Dung diễn rất luyện đạt trên sân khấu, nhưng một khi giao cho Kim Tuyến diễn xuất trên băng hình thì cũng truyền cảm không kém.

Kim Tuyến không có cặp môi thanh tú, không có cái miệng xinh xinh. Cặp môi cô tuy đầy đặn và rõ nét, nhưng hai khóe miệng hơi trễ xuống, lại nữa, cô thường hé miệng vì hàm răng cô hơi vẩu, còn khi khép miệng thì vặp môi cô hơi buồn.

Nếu môi miệng cô không thanh tú thì bù lại chúng rất gợi cảm. Đó là môi miệng của các cô đào Vamp như Sophia Loren, Diana Dors, Anita Ekberg, Belinda Lee… Đã vậy, khi cô cười, hàm răng ngọc trai khít khao và đều đặn của cô được phơi bày rạng rỡ. Ngoài ra, Kim Tuyến có thần thái sáng như gương, sống mũi thanh tú, vầng trán băng sương, vóc mình tuy hơi nhỏ nhưng cân đối và nồng nàn nếu không bảo là bốc lửa ở bộ ngực cao.

Khi hát Tân nhạc, Kim Tuyến chọn những bài dễ hát và dễ đi sâu vào khối đông khán thính giả. Giọng cô mượt mà như rêu xanh nhuyễn mịn bám trên những tảng lam thạch, khi hát có những chỗ nhấn vuốt du dương, có những chỗ luyến láy uyển chuyển và mềm mại, có những thoáng truyền cảm đậm đà. Nhưng thật ra, đó là giọng không có bản sắc độc đáo. Khi hát những bài phổ thông và dễ hát, cô cũng biết ngân nga dờn dợn để cho câu hát khỏi trần trụi trơ trẽn. Đây là một giọng hát nhà nghề, nhưng không phải là giọng hát có chiều hướng đi lên tột đỉnh của nghệ thuật. Nó có thể rải rộng khắp dân gian như giọng Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Giáng Thu…

Tiếng hát của Kim Tuyến không gợi nên nét thêu kim tuyến diêm dúa trên gấm sáng chói, trên nhung mượt mà như cái nghệ danh của cô đâu. Nó bình dị như hoa phù cừ trong đầm lênh láng nước trong mát, đằm thắm như hoa ngọc nữ trồng trong chậu sứ Giang Tây. Nhưng hoa phù cừ há không phải là loại tố liên hay sao? Còn hoa ngọc nữ gồm mấy cánh trắng vây một cánh đỏ yên chi mà vẫn đẹp mặn mà, có phải? Nghe cô hát, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến một vùng nửa chợ nửa quê thật trù phú ở miền Nam, có liên tỉnh lộ tráng nhựa phía trước , có sông lam rạch biếc vào mùa xuân phía sau. Trong vùng có vườn, có ruộng, có rẫy dưa, nương khoai, có bóng đậm chen bóng nhạt trên dải đất bằng phẳng không uốn mình bởi trũng thấp gò cao. Đây là vùng trù mạt nhưng êm mát bởi bóng đa, bóng tre và xinh đẹp bởi những cây bằng lăng đơm hoa tím, bởi cây vông đơm hoa lụa thắm vào mùa xuân, bởi cây phượng vĩ đơm hoa gấm đỏ vào mùa hạ. Ở đó, vào buổi trưa, khách viếng cảnh có thể nghe chó sủa, nghe gà gáy, nghe bà mẹ trẻ ru con, vào đêm trăng kẻ nhàn du có thể nghe tiếng cối xay lúa, tiếng chày giã gạo, tiếng chàng trai hát Vọng Cổ để nhắn gửi tâm tình qua cô hàng xóm. Đó là chốn thổ ngơi thời thanh bình, khi đất nước sống trong cảnh sông trong biển lặng.

Trong băng hình Paris By Night 11, Kim Tuyến có đơn ca bài “ Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao” của Lê Dinh. Cô mặc áo đen nổi vảy rắn bạc, cổ hở để bày cái ức trắng mịn như bột bánh dầy, cái cổ thanh tú như đúc bằng sáp og. Ánh vảy bạc đôi lúc chập chờn ửng sắc đỏ vì phản chiếu ánh đèn rọi màu hồng. Xen với những tảng nổi vảy rắn bạc là những tảng màu đen để tạo nên một trò chơi ánh sáng đẹp mắt: chỗ đậm chen chỗ nhạt, khoảng xôn xao ánh sáng tiếp giáp khoảng chìm lu bóng tối. Cô đeo dây chuyền bướm, hoa tai nạm hột chuỗi li ti náo nức ánh lấp lánh như tinh tú soi bóng trên dải sông quê lặng sóng. Cô thoa son màu hồng đào trĩu ướt, dập phấn cũng hồng đào. Khuôn mặt tươi mát như đóa hoa mộc thuấn (hoa dâm bụt) của cô được đóng khung bởi mái tóc uốn kiệu mới và chải công phu, tóc xỏa xuống vai, rối rắm một cách nghệ thuật.

Trong tiết mục đơn ca ấy, giọng Kim Tuyến vẫn chải chuốt du dương, vẫn chuổi ngân dờn dợn, vẫn nồng độ tình cảm vừa phải. Dù không phải là cây đinh, dù không là then chốt của chương trình Đại nhạc hội, nhưng cô vẫn là một đóng góp ngoạn mục không thể thiếu vậy.

Hồ Trường An
(trích “Chân Dung Những Tiếng Hát”. Quyển 1. 2000)

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:34 AM
LÊ UYÊN & PHƯƠNG

Lê Uyên Phương là bút hiệu người nhạc sĩ ghép từ tên chung của vợ (Lê Uyên) và tên mình (Phương). Theo Lê Uyên Phương cho biết tên thật của anh là Lê Minh Lập, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1941 tại Đà Lạt. Vì sinh ra vào thời kỳ chiến tranh nên giấy tờ hộ tịch bị thất lạc, nên Lê Uyên Phương đã đôi lần phải làm lại giấy khai sinh. Và mỗi lần khai là một lần tên anh bị viết sai bởi viên chức hộ tịch ! Khai sinh lại lần đầu tiên tên Lê Minh Lập bị đổi thành Lê Minh Lộc. Làm khai sinh lần thứ hai thành Lê Văn Lộc. Từ đó anh không đổi nữa, giữ luôn tên Lê Văn Lộc làm tên chính thức trên giấy tờ.

Bắt đầu viết nhạc từ năm 1960. Khi viết nhạc anh lấy tên là Lê Uyên Phương, và khi trình diễn cùng Lê Uyên, hai người lấy tên là cặp song ca Lê Uyên và Phương.

Từ Đà Lạt đến, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã đem một luồng gió mới đến cho âm nhạc miền Nam vào những năm mà cuộc chiến bước vào thời kỳ khốc liệc qua các bài hát song ca cùng người vợ trẻ Lê Uyên. Giới trẻ sinh viên, học sinh đã đón nhận cặp song ca này nồng nàn.

Vượt biên và định cư tại nam California. Sau 15 năm chung sống, hai người đi đến đổ vỡ vào khoảng 84, 85. Họ có với nhau hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My.

Sau một thời gian điều trị ở bệnh viện UCI (University Of California in Irvine) Lê Uyên Phương đã về nhà người con gái lớn của anh là Lê Uyên Uyên để sống những ngày bi thảm với một tình trạng sức khỏe sa sút do căn bệnh ung thư phổi tàn phá. Và cuối cùng anh đã lại được đưa lại bệnh viện này để trút hơi thở cuối cùng vào chiều thứ Ba 29 tháng 06 năm 1999, hưởng dương 59 tuổi. Ông ra đi trong niềm luyến tiếc của mọi người yêu âm nhạc.
Lê Uyên là một nữ ca sĩ đã thành danh từ khi còn ở trong nước, với tiếng hát đã gắn liền với những ca khúc của Lê Uyên Phương kể từ cuối thập niên 60. Ra đến hải ngoại tên tuổi của Lê Uyên vẫn giữ được một chỗ đứng cao với một giọng hát mạnh cùng một sự diễn đạt đầy tình cảm. Sau trên 30 năm góp mặt trong làng ca nhạc, tuy rằng hiện nay những hoạt động của chị cũng như những ca sĩ cùng thời khác không còn được mạnh mẽ như xưa, nhưng đối với mọi người thì Lê Uyên vẫn là một khuôn mặt lớn.

Lâm Phúc Anh là tên thật của Lê Uyên, người đã hợp với Lê Văn Lộc, tức Phương thành một cặp song ca chuyên trình bày những nhạc phẩm do Lê Uyên Phương sáng tác, đã trở thành một biểu tượng cho tình yêu của tuổi trẻ, cho tư tương của một thế hệ trương thành trong chiến tranh ở những thập niên 60 và 70.

Lê Uyên sinh ngày 17 tháng 07 năm 1952 tại phố Hàng Bồ, Hà Nội. Một chi tiết rất ít người biết Lê Uyên là người Trung Hoa thuần chủng. Thân mẫu chị người gốc Hải Nàm và thân phụ chị là người Triều Châụ Thân mẫu Lê Uyên - hiện ở cùng với chị, vẫn khỏe mạnh và còn thường xoa “mà chược” với bạn bè - là người vợ thứ 5 của thân phụ chị, một thương gia đã có tất cả 9 đời vợ trước khi ông qua đời vào năm 1988. Gia đình Lê Uyên gồm bố mẹ, Lê Uyên và người em gái tên Lâm Phi Yến từ Hà Nội di cư vào Chợ Lớn năm 54 và cư ngụ trong một ngôi nhà rất khang trang, cũng là nơi đặt văn phòng của một công ty vận tải chạy đường Qui Nhơn, Huế và Đà Nẵng do thân phụ chị khái thác.

Trong những năm đầu cùng nhau đi hát, Lâm Phúc Anh và Lộc chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong khuôn viên đại học trước khi chính thức lấy tên Lê Uyên và Phương vào năm 69, sau lần trình diễn tại quán Thằng Bờm của phong trào Du Ca Việt Nam. Ngay sau đó Lê Uyên và Phương (để phân biệt với Lê Uyên Phương là tên Lộc ký dưới những nhạc phẩm do anh sáng tác) đã được mời hát 19 buổi liên tiếp tại 19 địa điểm khác nhau tại Sài Gòn.

Sau khi Phương qua đời, Lê Uyên đã đứng ra thực hiện được 2 CD gồm một số ca khúc của anh, CD thứ nhất là “ Yêu Nhau Khi Còn Thơ” gồm những nhạc phẩm đầu tay của Lê Uyên Phương sáng tác từ đầu thập niên 60, phần lớn được ra đời ở Pleiku là nơi anh đã từng dạy học một thời gian, trước khi trở về Đà Lạt. CD thứ hai mang tựa đề “ Tình Như Mây Cõi Lạ “, gồm 9 nhạc phẩm trong tổng số trên 40 bài nhạc phổ từ những thi phẩm của thân hữụ Lê Uyên cho biết những ca khúc khác sẽ được đưa vào những bộ CD “Tình Như Mây Cõi Lạ“ khác. Khi ra đến hải ngoại vào năm 79, Lê Uyên và Phương vẫn là một sự kết hợp tốt đẹp trên phương diện tình cảm cũng như trình diễn cho đến khi hai người chia tay vào khoảng giữa thập niên 80. Một thời gian sau, họ tái kết hợp về mặt nghệ thuật qua những lần xuất hiện trên những chương trình video của các trung tâm Làng Văn, Thúy Nga và nhất là Asia đã được khán thính giả đón nhận một cách nồng nhiệt.

Chuyện tình Lê Uyên & Phương

Năm ấy, nàng là cô học sinh trung học xinh đẹp và ngây thơ, được cha (một thương gia giàu có) cho lên Đà Lạt để theo học ở một trường Tây có tiếng. Tên khai sinh của nàng là Lâm Phi Anh.

Chị như con nai hiền và anh như một khu rừng già luôn xòe bóng mát chở che Chàng hơn nàng 11 tuổi. Năm ấy chàng đã là một ông thầy giáo dạy Triết và dạy Nhạc tại một vài trường ở Đà Lạt. Chàng được học violon từ bé và bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 20 tuổi, nhưng không ký tên thật là Lê Minh Lộc mà dùng bút danh Lê Uyên Phương. Chàng là một người đa tài, nhưng cho đến 27 tuổi vẫn chưa có “mảnh tình vắt vai”. Lý do? Trên thân thể chàng có những khối u lạ. Mặc dù bác sĩ chưa định ra chính xác là bệnh gì, nhưng ai cũng nghĩ chàng mắc bệnh ung thư xương - không biết sẽ ra đi vào lúc nào - vì thế chẳng nên yêu đương làm chi để khỏi gây khổ luỵ cho người khác.

Thế nhưng, họ đã gặp nhau và say đắm yêu nhau - như là định mệnh.

Bài viết sau đây của nhà văn Song Thao về cuộc đời và hoàn cảnh những tác phẩm do Lê Uyên Phương ra đời

“Hồi đó... Nàng quen em gái anh và thỉnh thoảng vẫn lui tới nhà. Lúc đầu nói chuyện thường thường rồi sau anh trở thành “cố vấn” của nàng. Nàng hỏi ý kiến anh đủ thứ chuyện kể cả chuyện yêu đương nhăng nhít”. Họ yêu nhau lúc nào không biết. Tôi hỏi anh ngỏ tình yêu ở đâu. Trên đồi! Đà Lạt có những ngọn đồi mộng mơ cho những kẻ yêu nhau quấn quít...”

“Tiếng Lê Uyên và Phương từ chiếc máy cassette quấn lấy nhau vọng ra: “ ...Lệ ngập ngừng bờ mi. Giọt nước mắt lăn nỗi buồn. Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông. Giờ này còn nhìn nhau. Nhìn đắm đuối như suối bền. Nhìn suốt kiếp như chết mòn. Nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau” (Cho Lần Cuối). Anh khẽ bảo tôi chính vì bài này mà người ta đồn là anh sắp chết. Bệnh tật của anh đã trở thành huyền thoại. Người ta bảo là anh chỉ còn sống được một năm nữa. Người ta đồn là vào năm 1972 anh sẽ chết. Anh đưa bàn tay trái cho tôi coi. Trên lưng ngón tay trỏ nổi lên một cục bằng trái cà chua nhỏ đỏ au và mòng mọng. Những đường gân máu chạy nổi thấy rõ. “Bác sĩ cũng chưa thể định là bệnh gì. Bây giờ nó đã nổi thêm trên mấy ngón khác và một vài chỗ trong người. Muốn chữa bây giờ chỉ có thể cắt ngón tay này nhưng tôi chưa muốn cắt”. Anh xác nhận là những bài ca viết về sự chia phôi không phải là do bị ám ảnh bởi cái chết nhìn thấy trước mà do sự rắc rối và xa cách của mối tình đẹp nhất đời anh và khi được hạnh phúc anh luôn luôn sợ ngày nó sẽ hết. Người nghệ sĩ không những sống cho mình mà còn thông cảm được với cuộc sống của những người khác. Anh đã nhìn thấy cái chết và đã nghĩ nhiều về cái chết...”

“Chuyện tình của họ đòi đoạn đớn đau. Gia đình nàng không chấp nhận. Họ mê say trong trốn chạy. Năm 1968, hai người sống ở Sài Gòn. Họ không có một chỗ gặp gỡ nhau. Suốt ngày hai người ngồi trong sân nhà ga Sài Gòn. Thỉnh thoảng họ phải làm bộ ngoắc tay những hành khách ngồi trên xe ca của hãng Hàng không Việt Nam cho ra vẻ ngồi chờ người nhà. Mỗi ngày chỉ có một mẩu bánh mì nhỏ trong bụng. Họ sống như vậy một tháng trời. Tình yêu của họ được kết hợp bằng những ngày không có nhau. Chính những ngày xa cách nhớ thương là thời gian anh sáng tác nhạc. Những bản nhạc đang dần dần quen thuộc với mọi người được kết tinh trong sự nhớ thương đó nên nặng mang sự chia phôi. Mười hai bài trong tập “Khi Loài Thú Xa Nhau” được viết trong thời kỳ này. Nó không còn mang tình yêu thơ mộng, tình yêu trong trí tưởng, thật xa và thật huyền diệu như mười bài trong tập “Yêu Nhau Khi Còn Thơ” được sáng tác trong thời kỳ trước đó khi chưa gặp Lê Uyên”.

...“Đà Lạt hoang sơ quyến rũ đã đưa anh trở về những rung cảm nguyên thủy của buổi hồng hoang. Không có Đà Lạt chắc khó có một thứ nhạc độc đáo Lê Uyên Phương. Mỗi ngày anh thức dậy từ sớm đi lang thang khắp núi đồi Đà Lạt tới khoảng nắng lên thì trở về nhà nghỉ. Khi mặt trời đi ngủ anh lại đi cho tới tối trở về ngồi vào viết tới sáng”.

(Tạp chí Thời Nay, ngày 15/11/1970)

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:36 AM
LỆ THU


Là một trong những danh ca hàng đầu của nền ca nhạc Việt nam, tên tuổi của Lệ Thu nổi tiếng như cồn từ những năm cuối thập niên 60 trở đi, và đó cũng là giọng ca thần tượng của rất nhiều ngườị Mấy ai không biết tới “Nước Mắt Mùa Thu”, “Ngậm Ngùi”, “Nửa Hồn Thương Đau” “Hương Xưa” “Nguyệt Cần” “Xin Còn Gọi Tên Nhau” “Serenade” là những hạc phẩm đặc sắc đã gắn liền với suốt cuộc đời ca hát của Lệ Thụ Người ca sĩ có giọng hát đầy truyền cảm và thu hút lòng người này đã mở đầu cho nghiệp cầm ca của mình bằng nhạc phẩm “Tà Áo Xanh” ngay từ năm 1960 tại Bồng Lai Đại Tửu Lầu trên đường Nguyễn Trung Trực, cạnh nhà hàng Kim Sơn. Tất cả khán giả đã ngạc nhiên không ít khi được thưởng thức một giọng ca đầy quyến rũ như thế, mặc dù lúc đó Lệ Thu chưa đầy 20 tuổi nhưng đã có một căn bản nhạc lý khá vững vàng. Từ đó trở đi Lệ Thu cộng tác với rất nhiều phòng trà và vũ trường lớn tại Sài Gòn, khởi đầu cuộc đời ca hát Lệ Thu chuyên trình bày nhạc ngoại quốc, những bài cổ điển và bán cổ điển lừng danh như Seranade, Traumarei, Tristesse, và sau đó mới chuyển hẳn qua nhạc Việt Nam qua những nhạc phẩm bất hủ đã nhắc tới ở trên. Trong suốt thời gian cộng tác với Jo Marcel tại Ritz và ông bầu Cường tại Tự Do, tên tuổi của Lệ Thu đã chễm chệ với ngôi vị tiếng hát hàng đầu của tân nhạc Việt Nam. Lệ Thu tên thật là Bùi T. Oanh, ngày sinh nhật là 16 tháng 07, dưới tuổi Cancer của Tử Vi Tây Phương, thích màu xanh và con số 9. Từ ngày sang Mỹ vào nam 1980 cho đến nay, Lệ Thu vẫn đi hát và được mời trình diễn tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Phi Châụ Sau một thời gian dài cộng tác với những trung tâm băng nhạc, Lệ Thu đã có 1 trung tâm cho chính mình và hiện đang coi sóc trung tâm nàỵ
Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:39 AM
MAI THIÊN VÂN


Tên thật là Mai Thị Hậu. Nghệ danh : Mai Hậu, khi sang Mỹ đổi là Mai Thiên Vân.

Quê Mai Hậu ở huyện Bình Đại, Bến Tre. Nếu như tỉnh Bến Tre nói chung được xem là nơi sản sinh ra bài Hò cống chùa nổi tiếng thì huyện Bình Đại của xứ dừa này lại được biết đến như là miền đất “đẻ” ra bài dân ca Lý con cua: “Bắt con cua bỏ vô mà trong giỏ. Nó kêu chàng hỡi, nó kêu chàng ơi...”.

Năm học lớp 7, bé Mai Thị Hậu được cả nhà xúm lại đưa đi tham dự cuộc thi Tiếng hát dân ca tỉnh Bến Tre. Không ngần ngừ, cô chọn ngay bài “đặc sản” Bình Đại Lý con cua và bài dân ca Cây trúc xinh, vốn là hình ảnh quen thuộc (vì được trồng tràn lan trong vườn nhà) để thi thố. Cuộc thi không hạn chế thành phần, lứa tuổi nên lần ấy, việc Mai Thị Hậu - một cô bé 11 tuổi, vượt lên các “cô dì” để giành giải nhất đã trở thành một sự kiện. Giải thưởng đầu tiên trong đời này đã đưa cô học sinh nhỏ bé, nhút nhát trở thành giọng hát “sao” của tỉnh Bến Tre và là gương mặt “gà chiến” của nhà trường trong các cuộc thi văn nghệ. Cô đã lần lượt mang về cho trường và tỉnh nhà tất cả các giải thưởng cao nhất mà cô tham dự tại các cuộc thi mang tầm cỡ “quốc gia” như Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Liên hoan Búp sen hồng...

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô theo học chuyên ngành âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 tại Sài Gòn. Ở đây, giọng hát ngọt ngào của cô được phát huy và nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi nhà trường khi cô đoạt giải cao nhất trong cuộc thi Tiếng hát dân ca do quận 10 tổ chức và được Câu lạc bộ chuyên về dân ca Chim Quyên “kết nạp” làm thành viên. Từ quận 10, cô sang quận 1 thi và cũng đoạt luôn giải A Tiếng hát dân ca quận 1.

Được thể, cô ghi danh thi Tiếng hát Truyền hình HTV và đoạt giải tư ngay lần đầu tham dự năm 2002. Ở giải Tiếng hát Truyền hình năm ấy, Mai Thị Hậu đã chinh phục được đông đảo khán thính giả khi cô trình bày rất xuất sắc hai ca khúc mang âm hưởng dân ca Khúc hát người đi khai hoang (Lư Nhất Vũ - Lê Giang) và Đau xót Lý chim quyên (Vũ Đức Sao Biển), nhưng có lẽ do ngoại hình không được “lộng lẫy” nên đành nhận giải tư. Khác với nhiều thí sinh đăng quang Tiếng hát Truyền hình, giải thưởng này đã đưa cô đến với các phòng thu trước khi dẫn cô lên sân khấu.

Đến nay, cô đã là một gương mặt quen thuộc của khá nhiều phòng thu như Saigon Audio, Hãng phim Trẻ, Phương Nam Phim,... và vô số các phòng thu “lẻ” khác. Chính băng đĩa đã mang tiếng hát của cô đi xa và từ đó, những chủ phòng trà, quán bar mới ngỡ ngàng nhận ra một giọng ca hay lâu nay bị bỏ quên và liền mời cô cộng tác.

Lịch làm việc của cô hiện nay dày đặc, ban đêm hát ở phòng trà, quán bar, quán cà phê; ban ngày cô chạy như đèn cù đến các phòng thu. Chất giọng nữ cao của Mai Hậu nghe nhẹ nhàng, trong sáng, thiết tha, thích hợp với những bài hát mang âm hưởng dân ca và chất trữ tình.

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:40 AM
MẠNH QUỲNH


Mạnh Quỳnh tên thật là Nguyễn Thanh Dũng, sinh năm 72 tại Biên Hòa, đến năm 15 tuổi lên Sài Gòn để theo bậc trung học tại đây. Cha anh là một quân nhân Hoa Kỳ, gặp gỡ mẹ anh thành hôn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi anh chào đời, cha anh đã bị mất tích trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam. Mặc dù có mang giòng máu Mỹ trong người, nhưng Mạnh Quỳnh chỉ hơi phảng phất một nét lai. Sau khi lên Sài Gòn, ngoài việc học văn hóa ở trường Trần Khai Nguyên, một điều không ngờ là Mạnh Quỳnh còn đi học tư về cổ nhạc với nghệ sĩ nổi danh Ngọc Ẩn ở gần nhà...

Vào tháng 9 năm 92, hai mẹ con lên đường sang Hoa Kỳ theo diện con lai. Trong gần 2 năm ở New York, Mạnh Quỳnh vừa đi làm ở một hãng điện tử vừa đi học thêm Anh Văn vào buổi tối. Chỉ có hai mẹ con đùm bọc nhau nên Mạnh Quỳnh phải tạm bỏ dở việc học hành. Cuối cùng hai mẹ con quyết định dời về tiểu bang Minnesota và sống tại thành phố Burnville cho đến nay. Tại đây Mạnh Quỳnh ghi tên học ngành điện toán song song với việc học về sáng tác, luyện thanh và guitar tại nhà do giáo sư người Mỹ hướng dẫn... Chỉ khoảng một năm sau, trong những lần hát giúp vui cho đám cưới, Mạnh Quỳnh đã được sự khuyến khích của bạn bè và anh đã thu một số nhạc phẩm và gởi sang trung tâm Người Đẹp Bình Dương. Giám đốc trung tâm này đã mời anh ký hợp đồng ngay sau đó và anh đã chính thức bước chân vào con đường ca nhạc.

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:42 AM
NGỌC HẠ


Tên thật: Nguyễn Kim Tuyến
Sinh nhật: 20.12.1980
Quê quán: Đà Nẵng, Việt Nam
Sở thích: Viết văn, làm thơ
Năng khiếu: Hát được ba giọng miền Bắc, Trung, Nam
Đến Mỹ năm 2000, hiện Ngọc Hạ định cư tại Arizona

Không mang nhan sắc của một mỹ nữ mỹ miều, chỉ có đôi mắt to tròn dễ gây ấn tượng, nhưng Ngọc Hạ chinh phục khán giả bằng giọng hát trau chuốt, những đoạn lên cao được vuốt thật ngọt. Chọn lọc ca khúc kỹ càng, không lai Âu Mỹ cũng chẳng thuộc dạng "quậy", Ngọc Hạ lựa những bản nhạc có thể chuyên chở tình cảm quê hương, con người với lời lẽ mượt mà, hoài niệm. Cô tìm cho mình nét riêng trong việc "cover" những nhạc phẩm vang bóng một thời như Lỡ cung đàn, Ngày xưa Hoàng Thị, Tình hoài hương, Buồn tàn thu, Trăng mờ bên suối, Tóc mai sợi vắn sợi dài, Tình lúa duyên trăng,...

Khi còn ở VN, Ngọc Hạ đã từng thử tài ở nhiều cuộc thi hát và cũng đã thu được một số giải thưởng kha khá như: Giải khuyến khích về thi hát nhạc truyền thống tỉnh Đồng Nai (năm 1995), Giải nhì Tiếng hát truyền hình Đồng Nai (1997), Giải nhất THTH Bình Dương (1997),... Có tài và được rèn giũa từ các khóa học thanh nhạc tại VN nên việc khẳng định tên tuổi của Ngọc Hạ chỉ phụ thuộc vào "cơ hội".

Như hầu hết các ca sĩ khác mới sang Mỹ muốn mau chóng được khán giả biết đến thì phải xuất hiện cùng với các trung tâm ca nhạc của người Việt tại đây, Ngọc Hạ cũng tự "tiếp thị" giọng hát mình với trung tâm Thúy Nga bằng một đĩa cassette thu âm giọng hát cô. Và Ngọc Hạ đã đến gần hơn với công chúng hải ngoại qua các chương trình ca nhạc bằng chính khả năng ca hát thực thụ của cô. Năm 2002 đánh dấu sự nghiệp ca sĩ của Ngọc Hạ bằng sự xuất hiện lần đầu trong chương trình Paris by night 63 với một nhạc phẩm mang âm hưởng dân gian của nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Mái đình làng biển". Năm 2003, album riêng của Ngọc Hạ được phát hành với chủ đề "Không thể và có thể". "Tình hoài hương" - album thứ 2 của Ngọc Hạ được phát hành tiếp một năm sau đó. Vẫn "chung thủy" với dòng nhạc trữ tình, vương vấn, cô ra tiếp album thứ 3 vào năm 2005 với tên gọi "Em vẫn như ngày xưa". Trong album này, Ngọc Hạ "bốc" và thật sự trẻ hơn với ca khúc "Nắng có còn xuân" của Đức Trí, "Họa mi hót trong mưa" và "Đánh thức tầm xuân" (Dương Thụ). Ngoài các tác giả trong nước trên, Ngọc Hạ còn hát những nhạc phẩm của các nhạc sĩ An Thuyên, Quốc Dũng, Trần Tiến…

Từng làm ca sĩ độc quyền của trung tâm Thúy Nga, hiện nay Ngọc Hạ là ca sĩ tự do.

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:47 AM
NGỌC LAN

Ngọc Lan (28 - 12 - 1956 _ 06 - 03 - 2001) là một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng. Không chỉ với giọng hát, cô còn được khán giả đặc biệt yêu mến vì tính cách và khuôn mặt khả ái.

Ngọc Lan tên thật là Lê Thanh Lan, sinh ngày 28 tháng 12 năm 1956 tại Nha Trang (cô còn được gọi chung với tên Thánh là Maria Lê Thanh Lan). Ngọc Lan là người con thứ năm trong số 8 người con trong một gia đình khá giả. Khi còn ở Việt Nam, cô đã đến với âm nhạc qua nhạc sĩ Lê Hoàng Long, từng học nhạc và biểu diễn trong một số dịp tại Nha Trang. Cô đã từng theo học ở trường Lý Thường Kiệt, ngoại ô Sài Gòn.

Năm 1980, Ngọc Lan đến Hoa Kỳ và định cự tại Minnesota. Hai năm sau, Ngọc Lan thực sự bắt đầu sự nghiệp ca hát ở California. Cô lấy nghệ danh Ngọc Lan vì tên thật Thanh Lan trùng với ca sĩ Thanh Lan đã nổi tiếng. Với sự giới thiệu của ca sĩ Duy Quang, cô đã hát tại một số quán cà phê nhạc và các buổi biểu diễn.

Với chất giọng ngọt ngào, trữ tình, Ngọc Lan nhanh chóng được khán giả biết đến và đã được các trung tâm mời ghi âm, xuất hiện thường xuyên tại vũ trường Ritz. Ngọc Lan đạt được đỉnh cao của tiếng tăm từ khi cộng tác với trung tâm nhạc Mây trên những chương trình video Hollywood Nights, đặc biệt sau khi thực hiện hai chương trình video đặc biệt Như em đã yêu anh và Mặt trời bên kia mùa hạ của đạo diễn Đặng Trần Thức. Ngọc Lan được yêu thích qua nhiều nhạc phẩm nước ngoài lời Việt, như Mưa trên biển vắng... Cô cũng trình bày nhiều ca khúc tiếng Pháp, những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... Cô hát ở rất nhiều thể loại nhạc và dòng nhạc, hiện nay theo một số người sưu tầm nhạc, cô đã trình bày trên 800 ca khúc và trên 40 video clip.[cần dẫn nguồn]

Sau đó Ngọc Lan đột ngột không xuất hiện nữa và tạo nên nhiều tin đồn. Năm 1994 cô xuất hiện trở lại trong một số chương trình, và cũng trong năm đó, Ngọc Lan thành hôn với nhạc sĩ Kevin Khoa.

Sau một thời gian dài bị chứng bệnh đa thần kinh hóa sợi hành hạ, Ngọc Lan trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8 giờ 25 sáng ngày 6 tháng 3 năm 2001 tại bệnh viện Vencor, Huntington Beach, Nam California.

Các Album Ngọc Lan đã tham gia:

    * 46 Bài Tình Ca Hay Nhất
    * Asia 9 - Tình Khúc Anna
    * Asia Vol.1
    * Asia CD 27
    * Bao Giờ Biết Tương Tư (Ngọc Lan, Kiều Nga & Vũ Khanh)
    * Bay Đi Cánh Chim Biển (Ngọc Lan, Kiều Nga & Như Mai)
    * Best Of Ngọc Lan
    * Bên Đời Hiu Quạnh (Ngọc Lan, Kiều Nga & Đức Huy)
    * Biển Mộng (Ngọc Lan & Duy Quang)
    * Bức Họa Tình Nhân 1
    * Bức Họa Tình Nhân 2
    * Bức Họa Tình Nhân 3
    * Bức Họa Tình Nhân 4
    * Ca Khúc Da Vàng 4
    * Chân Trời Tím (Ngọc Lan & Nhật Trường)
    * Chiếc Lá Cuối Cùng
    * Cho Người Tình Lỡ (Ngọc Lan & Khánh Hà)
    * Cho Nhau Kiếp Nào
    * Comme Toi (Ngọc Lan & Don Hồ)
    * Con Tim Dâng Hiến
    * Cung La Buồn
    * Dạ Lan CD 1 ( 2 ca khúc : Từ Đó Em Buồn,Bức Tâm Thư)
    * Dạ Lan 4 : Biệt Kinh Kỳ (ca khúc : Trăng Mờ Bên Suối)
    * Dạ Lan 5 : Nét Son Buồn (ca Khúc : Con Thuyền Không Bến )
    * Dạ Lan 7 : Nhạc Trẻ - Hạnh Phúc Lang Thang (ca khúc : Tình Ca Hồng,Bên Nhau Ngày Vui)
    * Dạ Lan 21: Dạ Vũ Gọi Tên Bốn Mùa (ca khúc :Mây Hạ)
    * Dạ Lan 22: Nhạc Phim Bộ Chọn Lọc 1 (ca khúc : Cuộc Đời Phù Du)
    * Dạ Lan 51: Dạ Vũ Nhớ (ca khúc : Ảo Ảnh )
    * Dạ Lan 53: Dạ Vũ Nhung (ca khúc : Vui Trong Tháng Năm,Tình Yêu Bềnh Bồng)
    * Dạ Vũ Đêm Huyền Diệu
    * Dạ Vũ I Love You
    * Dạ Vũ Tình Hè 2
    * Dạ Vũ Tình Hồng (Ngọc Lan, Kiều Nga & Duy Quang)
    * Dâng Chúa Tình Con
    * Dấu Chân Kỷ Niệm
    * Dấu Yêu Ngày Xưa (Ngọc Lan & Đức Huy)
    * Dòng Sông Quê Hương
    * Dù Tình Yêu Đã Mất
    * Đại Hội New Wave I
    * Đại Hội New Wave II
    * Đêm Cuối Cùng
    * Đêm Nhớ Về Sài Gòn
    * Đêm Say Tình Ái
    * Đức Huy
    * Em Vẫn Cần Anh
    * Giọt Sầu
    * Gửi Em Hành Lý
    * Hạnh Phúc Nơi Nào
    * Hát Cho Tình Yêu (Ngọc Lan & Khánh Hà)
    * Hoa Rụng Ven Sông
    * Hỡi Người Còn Nhớ Đến Ta
    * Hỡi Người Tình
    * Khiêu Vũ: Bebop, Rhumba, Chachacha
    * Kỷ Niệm Bay Xa
    * Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ (Video)
    * Một Đời Yêu Anh
    * Nắng Thủy Tinh (Ngọc Lan, Elvis Phương, Lệ Thu & Vũ Khanh)
    * Ngày Vui Năm Đó
    * Ngăn Cách (Ngọc Lan & Tuấn Vũ)
    * Ngón Út Trái Tim
    * Ngọc Lan & Tuấn Vũ
    * Ngọc Lan CD4
    * Ngọc Lan Hits
    * Ngọc Lan 1: Người Yêu Dấu
    * Ngọc Lan 2:
    * Ngọc Lan 3:
    * Ngọc Lan 4: Tình Xanh
    * Ngọc Lan 5: Tình Gần
    * Ngọc Lan 6: Tình Khúc Cho Anh
    * Ngọc Lan 7: Mãi Mãi Yêu Anh
    * Ngọc Lan 8: Yêu Dấu Khôn Nguôi
    * Ngọc Lan 9: Tình Xưa
    * Ngọc Lan 10: Hạnh Phúc Nơi Nao
    * Ngọc Lan 1982 - 1991 CD1
    * Ngọc Lan 1982 - 1991 CD2
    * Ngọc Lan 1982 - 1991 CD3
    * Ngọc Lan Đặc Biệt 1
    * Ngọc Lan Đặc Biệt 2
    * Ngô Thụy Miên
    * Ngủ Đi Em (Ngọc Lan, Tuấn Anh & Elvis Phương)
    * Người Đi Qua Đời Tôi
    * Người Em Sầu Mộng (Ngọc Lan & Vũ Khanh)
    * Nhạc Tiền Chiến Việt Nam
    * Nhạc Trẻ Trà Mi 3: Đêm Hoa Đăng
    * Nhạc Trẻ Trà Mi 4
    * Nhạc Trẻ Xuân
    * Như Là Kỷ Niệm ( Ngọc Lan & Kiều Nga)
    * Những Lời Mê Khúc (Ngọc Lan & Don Hồ)
    * Những Tâm Hồn Hoang Lạnh (Ngọc Lan, Kiều Nga & Elvis Phương)
    * Những Tình Khúc Trần Thiện Thanh
    * Niềm Đau Của Cát
    * Nỗi Buồn Dâng Hiến
    * Nước Mắt Mùa Thu
    * Paris Vẫn Đợi (Ngọc Lan & Kiều Nga)
    * Phạm Duy
    * Ru Ta Ngậm Ngùi
    * Ta Say (Ngọc Lan & Duy Quang)
    * The Best Of Trịnh Nam Sơn
    * The Best Selection Of Ngọc Lan
    * Thu Sầu
    * Tiễn Biệt
    * Tình Ca Hải Ngoại 7
    * Tình Ca Sỹ (Ngọc Lan & Như Mai)
    * Tình Khúc Bất Tử 8
    * Tình Khúc Lam Phương
    * Tình Khúc Ngọc Lan
    * Tình Lỡ (Ngọc Lan, Vũ Khanh & Hương Lan)
    * Tình Phai 2 (Ngọc Lan & Duy Quang)
    * Tình Ta - L'Amour
    * Trả Lại Anh
    * Trịnh Công Sơn
    * Trịnh Nam Sơn
    * Vết Thương Cuối Cùng (Ngọc Lan, Duy Quang, Hương Lan & Tuấn Vũ)
    * Vì Sao Thoáng Rơi
    * Vĩnh Biệt Tình Anh
    * Vũ Thành An
    * Xa Em Kỷ Niệm


Có lẽ nữ ca sĩ khả ái Ngọc Lan là người bí ẩn và nhút nhát nhất trong tất cả ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại. Ngay từ nhỏ ở tại Nha Trang, Ngọc Lan đã học nhạc và trình diễn ở nhiều nơi trong vùng. Cô sang định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ năm 1980. Hai năm sau, Ngọc Lan sang California, nơi mà hầu hết mọi sinh hoạt văn nghệ diễn ra. Cô bắt đầu hát cho nhiều quán cà phê như Dinh Thieng, Hoai Huong. Tiếng tăm của Ngọc Lan nổi lên và cô đã cho ra đời cuốn CD mang tên "Dạ Lan" Cô đã cộng tác với vũ trường Ritz và trở thành nổi tiếng đối với khán thính giả. Trong năm 1993, cô tự nhiên biến mất làm nhiều người ngạc nhiên và và đồn đãi. Cô đã quay trở lại năm 1994 trong một buổi chương trình mang tên "Ngọc Lan và Thính Giả thương yêu" tại Anaheim. Đêm đó, nhiều người mến mộ cô đã phát hiện rằng cô có phần nào suy sụp tinh thần. Phần nào cũng là vì sự qua đời đột ngột của chị cô trước đó không lâu cô quay trở lại với sân khấu. Năm 1994 cũng là một năm cô tuyên bố thành hôn với nhạc sĩ Kelvin Khoa. Và từ đó trở đi, cô vẫn tiếp tục sinh hoạt văn nghệ nhưng không còn mạnh mẽ như những năm đầu thập niên 90 khi mà tên tuổi cô được rất nhiều người biết đến vì sức khỏe không cho phép.

Ngày 6 tháng 3, 2001, ca sĩ Ngọc Lan vĩnh viễn chia tay với thế giới âm nhạc và những thính giả đã yêu thương cô trong hơn 20 năm nghề ca hát.

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:50 AM
NGỌC SƠN

Ca sỹ Ngọc Sơn có quê quán Quảng Nam, sinh ngày 26 tháng 11 năm 1970 tại Đồ Sơn, Hải Phòng nhưng lớn lên ở Bạc Liêu.
    "Sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo, từ thuở còn là cậu sinh viên năm thứ nhứt đại học Thanh Nhạc và đại học Ngoại Ngữ, để trở nên nổi tiếng và thành công là nhờ cha mẹ, sự phấn đấu không ngừng của bản thân... Một điều quan trọng khiến cho Sơn phải luôn lao động để có ngày hôm nay, đó là tình thương của khán giả và những người thân yêu," - đó là lời hồi âm của Ngọc Sơn dành cho một khán giả ái mộ anh.
    Cùng với hai ca sỹ chuyên hát nhạc trữ tình, Ngọc Hải và Ngọc Hà, ba anh em Ngọc Sơn đã từng thực hiện nhiều chương trình ca nhạc lớn, biểu diễn khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam.
    Với giọng nam cao, ấm, khỏe có âm vực khá rộng, với một phong cách chuyên nghiệp, Ngọc Sơn không chỉ để lại cho khán giả trong nước và quốc tế ấn tượng sâu sắc với những ca khúc dân tộc đằm thắm, trữ tình mà anh còn có sức cuốn hút mãnh liệt bởi nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như Pop, Rap, Rock....
    Ngọc Sơn được xem như một trong những ca sỹ nổi tiếng nhất của nền âm nhạc đương đại. Sự nghiệp ca hát của anh khá thành công với hàng trăm đĩa CD, VCD ca nhạc, album cá nhân, hoặc những tuyển tập trong 30 ca khúc bằng tiếng Việt hay nước ngoài do chính anh sáng tác.
    Không chỉ là một ca sỹ tài năng. Ngọc Sơn còn được nhiều người biết đến bởi một tấm lòng nhân hậu, một ca sỹ chuyên làm từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những em bé mồ côi ở các trại khuyết tật.
    - Ca sĩ hâm mộ: Elvis Presley, Michael Jackson.
    - Các giải thưởng: Hạng I những giọng ca hay toàn tỉnh Miền Tây năm 1985, Ca sĩ được mến mộ nhất năm 1989 tại Nha Trang, CD Ngọc Sơn Pop 1 đoạt giải dĩa hát vàng năm 1997 ...
     

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:52 AM
NHẬT TRƯỜNG


Ca sĩ Nhật Trường tên thật là Trần Thiện Thanh (còn có những bút danh khác như Anh Chương, Trần Thiện Thanh Toàn), sinh năm 1941 tại Phan Thiết, trước khi trở thành ca sĩ - nhạc sĩ ông là thầy giáo. Nhật Trường vào Sài Gòn năm 1960, lập ban tứ ca Nhật Trường với 3 nữ ca sĩ khác, điều hành trung tâm xuất bản nhạc và thu băng "Tiếng Hát Đôi Mươi". Ông nổi tiếng với các nhạc phẩm: Mùa đông của anh, Chiếc áo bà ba, Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò, Chuyện tình người đan áo, Đám cưới đầu xuân, Hoa trinh nữ, Hàn Mặc Tử...

Sau 30.4.1975, Nhật Trường kẹt lại, sống gian truân cho tới năm 1993, ông mới tới được Hoa Kỳ. Ngay sau đó đã hoạt động mạnh mẽ trở lại dưới nhãn hiệu “Nhật Trường Productions”

Nhạc sĩ Nhật Trường đã từ trần lúc 1:10 giờ trưa hôm Thứ Sáu tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, vì bạo bệnh ung thư phổi từ nhiều tháng.

Ðất nước chúng ta đã trải qua những năm dài chiến tranh, hằng triệu thanh niên đã hy sinh cho lý tưởng của mình, máu đỏ đã đổ, khăn tang đã trắng cả những mảnh đời góa bụa côi cút. Văn chương, hội họa, điêu khắc không có mấy tác phẩm về chiến trận, nhưng hằng đêm qua các đài phát thanh, ca sĩ hát những bài lên án chiến tranh, nói tới tang tóc, nỗi đợi chờ. Trần Thiện Thanh là một nhạc sĩ có số lượng nhạc chinh chiến cao nhất, đi vào lòng từng người lính trận, nhưng mang một màu sắc riêng, trong sáng vui tươi, hoặc là thi vị hóa cho đời lính nhọc nhằn. Tôi không nghĩ đó là những dòng nhạc tâm lý chiến thúc đẩy người lính luôn luôn lao về phía trước như những tiếng kèn thúc quân hay những khúc quân hành. Trần Thiện Thanh đi vào đời sống và tâm tình những người lính trẻ trong những phiên gác đêm, những buổi dừng quân hay những mối tình đơn sơ, vội vã, có phân ly và cả chết chóc. Bất cứ người lính miền Nam nào cũng thuộc một vài bài hát của Trần Thiện Thanh hay vu vơ đôi câu những lúc bâng khuâng nghĩ tới cuộc đời của một người lính trận, tới một chiến hữu hay một người tình ở trong vùng sáng đêm đêm của một phố thị nào đó.

Nhạc chiến chinh của Trần Thiện Thanh không ước lệ hay khuôn sáo mòn, vì người nhạc sĩ này cũng là một người lính đã có dịp gần gũi và sống qua cảnh ngộ của những người đồng cảnh. Trần Thiện Thanh làm cho người lính yêu cuộc đời của mình hơn và làm cho người khác yêu đời lính hơn. Nét nhạc của Trần Thiện Thanh không phải là tiếng hát hô hào “đi quân dịch là yêu nòi giống” mà tự nó tỏa ra vẻ đẹp trong sáng của đời một người lính. Người lính trong nhạc Trần Thiện Thanh không phải là một người lính chuyên nghiệp bắn giết, xung phong mà mang tâm hồn yêu nước của một người học trò vừa từ giả mái trường “Từ khi anh thôi học và từ khi anh khoác áo treillis,” vẫn còn mơ mộng “một thằng ước ao, một thằng nằm đếm sao.” Phải chăng đời lính luôn luôn kề cận với cái chết, gian truân và nguy hiểm, nhạc Trần Thiện Thanh nhìn vào một mặt khác của đời sống này, nhạc sĩ vẽ lại tâm hồn thư sinh trong vóc dáng của một người lính, và luôn luôn bên cạnh có một hình bóng thiếu nữ, “một người em gái hậu phương” để cho đời lính khỏi khô cằn sỏi đá.

Trong khi miền Nam có nhiều bài hát phản chiến dưới dạng “Anh về hòm gỗ cài hoa” hay “Người anh chết trận Pleime” thì nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vẽ lên một hình ảnh khác. Tất cả những người nằm xuống trong nhạc Trần Thiện Thanh đều là những anh hùng bất tử. Ông đã viết về phi công Trần Thế Vinh (...),nhảy dù Trần Duy Phước (Giấc Ngủ Trên Ðồi Xanh), pháo binh dù Nguyễn Văn Ðương (Anh Không Chết Ðâu Em), nhảy dù Nguyễn Ðình Bảo (Người Ở Lại Charlie), Lý Tống (Một Lần Bay Thấp - Ó Ðen) và cả những linh hồn hiển linh của những người gọi là chiến sĩ từ cổ tới kim (Gọi Tên Người Lính Tượng Ðài, Người Chết Trở Về,)... Những mẫu người anh hùng nằm xuống trong những trường hợp khác nhau, Trần Thiện Thanh có cái nhìn và cách viết khác nhau, và dù có viết về ba người lính nhảy dù đi nữa, thính giả có ba thiên anh hùng ca “mỗi người một vẻ” khác nhau. Ðã nhiều lần nhạc Trần Thiện Thanh đã làm cho người nghe rơi lệ, không phải người nghệ sĩ nào cũng có được cái vinh dự đem xúc cảm của mình đi thẳng vào lòng người thưởng ngoạn như thế.

So với các nhạc sĩ khác, số lượng nhạc Trần Thiện Thanh viết về người lính là một số lượng kỷ lục, trong tổng số hơn 200 trăm bài nhạc đủ loại của người nhạc sĩ này. Người lính là nguồn cảm hứng dồi dào cho người nhạc sĩ, như chúng ta đã biết tới qua “Thư Của Lính”, “Người Yêu Của Lính”, “Màu Mũ Anh, Màu Áo Em” (viết chung với Thanh Toàn), “Ðồn Vắng Chiều Xuân”, “Không Bao Giờ Ngăn Cách”, “Tâm Sự Người Lính Trẻ”, “Tuyết Trắng” (ghi tác giả là Anh Chương,)...

Trần Thiện Thanh không chỉ viết nhạc thời chiến chinh mà những khúc tình ca của ông cũng rất được phổ biến trong thập niên 60 khi ông là một quân nhân và lúc miền Nam đang trải qua những ngày chiến tranh khốc liệt. Chúng ta cũng biết nhiều tới nhạc tình của người nhạc sĩ có những tác phẩm đa dạng này như “Khi Người Yêu Tôi Khóc”, “Trên Ðỉnh Mùa Ðông”, “Ai Nói Yêu Em Ðêm Nay”, “Bảy Ngày Ðợi Mong”, “Lâu Ðài Tình Ái” (lời Mai Trung Tĩnh), “Từ Ðó Em Buồn”, “Một Ðời Yêu Em”, “Hiện Diện Của Em” (thơ Hữu Phương,)...

Trần Thiện Thanh còn có sở trường về nhạc kể chuyện như “Hoa Trinh Nữ”, “Hàn Mạc Tử”, “Chị Ba Hàng Sanh,”... Bài nhạc phổ thơ Tô Thùy Yên “Chiều Qua Phá Tam Giang” được coi như một bài phổ thơ thành công rất được phổ biến.

Có người cho rằng nhạc Trần Thiện Thanh là nhạc “bolero” hàm ý bình dân, dễ hát và không phải là nhạc được xếp hạng cao như loại nhạc thính phòng. Tôi không đồng ý những lời nhận xét trên hầu như có mục đích hạ thấp giá trị của người nhạc sĩ này. Trong một thời điểm nào đó, Trần Thiện Thanh viết nhạc cho quần chúng, cho một trào lưu đang dâng cao của đất nước, gia đình nào cũng có người ra trận, gia đình nào cũng có chia lìa, chết chóc. Ðó là người nhạc sĩ của quần chúng, đám đông, gắn liền với vui buồn của một triệu người lính miền Nam và những người thân yêu của họ. Hậu phương vẫn trông cậy vào sự có mặt của những người lính ngoài mặt trận, trên tiền đồn này, nên biết ơn vẫn là điều phải nói đến.

Trần Thiện Thanh và Nhật Trường là một. Nhật Trường của Trần Thiện Thanh là Khánh Ly của Trịnh Công Sơn. Nguyễn Ðình Toàn cũng đã nhận xét “không ai hát nhạc Trần Thiện Thanh hay hơn Nhật Trường.” Ðã nghe Nhật Trường hát nhạc chinh chiến của Trần Thiện Thanh mới thấy người ca sĩ này đã dùng hết tâm sức của mình.

Người viết bài này là một người lính miền Nam trước 1975, muốn viết lên đây những lời trân trọng ghi ơn người nhạc sĩ đã tận tụy, như người nhạc sĩ đã hết lòng đem cảm xúc của mình để viết nên những lời nhạc vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hòa trong hầu hết tác phẩm của ông. Miền Nam đã bị bức tử, nhưng người lính cũ nay đã là những nắm xương trong nghĩa địa hoang tàn hay là những thương binh què cụt ở quê nhà, cũng là những người lính già sống nghẹn hết phần cuối của cuộc đời ở đâu đó, nhưng nhạc chinh chiến của Trần Thiện Thanh sẽ vang vọng mãi cùng với hồn người chiến sĩ bất tử với nước non.

(Huy Phương)

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:54 AM
NHƯ MAI


Có một thời gian dài, khi nhắc đến tên ban nhạc The Magic, chắc chắn người ta phải nhắc đến tên Như Mai và Quốc Sĩ. Đó là những tên tuổi đã có nhiều gắn bó với nhau trong những sinh hoạt ca nhạc. Nhưng những năm gần đây với nhiều lý do riêng tư, sự liên hệ tình cảm giữa Như Mai và trưởng ban nhạc The Magic là Quốc Sĩ đã đi đến tình trạng mỗi người mỗi ngả để Như Mai trở lại với vai trò một nữ ca sĩ độc lập, như những ngày đầu tiên cô đến với ca nhạc.

Tuy đã tách ra khỏi ban nhạc The Magic cùng với một số trung tâm nhạc trực thuộc ban nhạc này, nhưng Như Mai vẫn góp mặt trong những buổi trình diễn của The Magic mỗi khi cần đến cô...

Để đánh dấu cho một giai đoạn mới trong cuộc đời ca hát của mình, Như Mai đã thực hiện riêng cho cô một CD đầu tay có tên “Cơn Mưa Chiều Chủ Nhật” dưới nhãn hiệu Như Mai Entertainment. Và CD này đã được ra mắt vào cuối tháng 10 năm 98. Vào năm 2000 vùa qua, cô lại cho ra đời một CD khác, trong đó tiếng hát của cô so với trước kia có phần già dặn hơn. Gần đây nhất cô đã góp tiếng hát của mình trong một CD mang tên “Hai Con Tim Một Nhịp Đập”, gồm những sáng tác của Cris Trinh, một nhạc sĩ trẻ tuổi ở Houston.

Sở trường của Như Mai là trình bày những bản tình ca, nhưng vào thời kỳ phong trào nhạc New Wave lên cao vào những năm cuối của thập niên 80, cô đã có dịp chứng tỏ thêm về khả năng của mình về loại nhạc này qua nhiều nhạc phẩm trẻ trung.

Giữ sở trường hát nhạc tình cảm của mình làm căn bản, nhưng để đáp ứng sự đòi hỏi của khán giả tùy theo từng thời điểm, Như Mai còn hướng khả năng của mình vào những loại nhạc khác mà điển hình là những nhạc phẩm ngoại quốc soạn lời Việt vẫn còn được nhiều người ưa thích

Như Mai tên thật là Đỗ Như Mai. Cô bắt đầu đi hát vào năm 82, nhưng phạm vi hoạt động của cô chỉ thu hẹp trong những party giữa bạn bè hoặc tại những buổi văn nghệ cộng đồng. Nhưng chỉ qua đến năm sau cô đã bước chân vào làng ca nhạc một cách chính thức qua việc cộng tác với một vài vũ trường để rồi hơn một năm sau đó cô được trung tâm Thanh Lan thực hiện riêng cho một tape nhạc đầu tiên mang tựa đề “Mộng Ban Đầu” do Trung Nghĩa soạn hòa âm.

Sau khi băng nhạc Mộng Ban Đầu được tung ra thị trường, tiếng hát của Như Mai đã gây ngay được một sự chú ý nơi thính giả. Vào năm 86, trong một lần lên hát giúp vui tại quán cà phê Lan ở Nam California, Như Mai đã được một người trong ban giám đốc trung tâm Dạ Lan để ý và mời hợp tác. Cũng trong năm 86, Như Mai gia nhập ban nhạc The Magic sau khi cùng với Quốc Sĩ có những liên hệ tình cảm, để từ đó tên tuổi của cô được biết đến nhiều hơn, nhất là qua những nhạc phẩm tình ca.

Sau gần 20 năm góp mặt trong làng ca nhạc, Như Mai đã tạo cho mình một chỗ đứng trong những sinh hoạt ca nhạc tại hải ngoại. Giọng hát của cô càng ngày càng chững chạc hơn sau khi đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm qua suốt một khoảng thời gian dài, không những vậy những thăng trầm trong cuộc sống, những biến chuyển về mặt tình cảm cũng đã đúc kết nơi nội tâm cô những suy nghĩ, những ưu tư để khiến giọng hát của cô trở nên tình cảm hơn và nhất là có hồn hơn trong những nhạc phẩm một phần nào nói lên được tâm sự của mình.

Khi được đề nghị so sánh giọng hát của mình hiện nay với trước kia, Như Mai cho biết là cuộc đời cô đã có nhiều thay đổi, do đó “em nghĩ tiếng hát em bây giờ mới là chín chắn, cái đời sống nó đưa đẩy mình đó thì mình có cái tâm sự nhiều. Bây giờ em nghĩ mình hát mới là chín mùi. Nó có vẻ là tâm sự của mình hơn”

Một điều khó ngờ là Như Mai không bao giờ nghĩ rằng cô sẽ đi hát khi ra đến hải ngoại, mặc dù trước kia khi còn ở Việt Nam cô đã có nhiều năm sinh hoạt trong ca đoàn công giáo tại giáo phận cô cư ngụ. Cô bé nhút nhát sinh trưởng trong một gia đình có 6 người con này cho biết cô chẳng hề bao giờ mong mỏi mình sẽ trở thành một ca sĩ mà chỉ muốn đi học thêm, sau đó mở một cơ sở thương mại nhỏ. Nhưng cuộc đời đã đưa đẩy Như Mai đến với cái nghiệp một cách không ngờ.

(Trường Kỳ)

Tác giả: gmk    Thời gian: 6-3-2009 09:55 AM
NHƯ QUỲNH


Như Quỳnh tên thật là Lê Lâm Quỳnh Như, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1970 tại Đông Hà. Quảng Trị. Cô là con gái đầu lòng của một gia đình gồm 3 người con. Hai người em trai của cô là Tường Duy, mới tốt nghiệp kỹ sư điện toán vào khoảng giữa năm 2000, và Tường khê là một thanh niên rất đam mê về ngành thiết kế y phục, từng may nhiều kiểu áo dài rất đẹp cho người chị ca sĩ của anh mặc khi xuất hiện trên video hoặc trên những "live show". Những năm tháng đầu đời, Như Quỳnh rất khó nuôi, có lần tưởng đã nguy đến tính mạng khi bị sốt xuất huyết vào năm 71, sau khi cả gia đình cô di chuyển vào Sài Gòn theo thân phụ cô - một người gốc Quảng Trị - là một thiếu tá ngành an ninh quân đội. Vì quá thương đứa con gái đầu lòng, mẹ cô đã phải quì xuống đất năn nỉ những bác sĩ và y tá ở bệnh viện Nhi Đồng cứu chữa. Và may mắn, Như Quỳnh đã được cứu sống.
    Sau khi vào năm 71, Như Quỳnh cư ngụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và theo học cấp 1 tại hai trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đinh Tiên Hoàng trước khi học tiếp cấp 2 ở trường Nguyễn Văn Ơn và cấp 3 ở trường Trưng Vương để sau đó chiếm được mảnh bằng Trung Học Phổ Thông. Trong thời kỳ học sinh, Như Quỳnh là một học sinh rất nhút nhát, thường hay ngồi một chổ, ít giao thiệp với bạn bè. Cô thích sự yên tĩnh và thường sống về nội tâm trong một thế giới riêng biệt, mà theo cô đến từ sự khó khăn của gia đình. Sự kiện này đã được Như Quỳnh cho là hoàn cảnh đã tác động đến vấn đề tâm lý của cô. Sau khi tốt nghiệp trung học Phổ Thông, Như Quỳnh với một tấm lòng rất thường mến trẻ thơ đã tình nguyện cộng tác với một nhà Văn Hóa Thiếu Nhi để tập múa và tập hát cho các trẻ em.
    Lý do chính yếu đã khiến Như Quỳnh không thể theo học nhạc đến nơi đến chốn là hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế của gia đình cô sau biến cố tháng Tư năm 75, cũng là thời gian thân phụ cô bị bắt vào tù cộng sản. Như Quỳnh không sao quên được một buổi sáng cùng bố đứng bên cửa sổ nhà, sau đó chứng kiến cảnh ông ra đi không kịp thu xếp quần áo. Mất đi người cột trụ của gia đình cùng với sự đổi thay của thời cuộc, gia đình Như Quỳnh lâm vào cảnh túng thiếu có thể nói là cơ cực khi đồ đạc trong nhà lần lượt được bán đi để cầm cự qua ngày: "Gia đình phải lột cả cái lớp gạch bông ra bán từ từ, rồi những cái furnitures trong nhà cũng lũ lượt đi ra luôn". Không những thế, những cái mùng ngủ cũng phải vá víu đến cả trăm mảnh và lớp "tôn" trên mái nhà còn bị mục nát "Đến nỗi tối nằm ngủ tụi em đếm được sao trên trời đó". Ruột bánh xe đạp của mẹ cô cũng "không còn chỗ vá được nữa". Cũng từ sự thiếu bàn tay người đàn ông trong nhà, Như Quỳnh mới cảm thấy thương cho người mẹ đã cố gắng chịu đựng và gánh vác mọi việc nặng nhọc trong nhà như sơn xe, sửa điện, sửa mái nhà, v.v...
    Do sự khuyến khích của mẹ cô và bạn bè, Như Quỳnh ghi tên tham dự cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình được tổ chức lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 91. Với một bản tính khiêm nhượng, Như Quỳnh đưa ra nhận xét vì là năm đầu tiên tổ chức nên thể lệ chấm thi chưa khắt khe nên cô đã may mắn đoạt giải nhất vì cô không bao giờ hy vọng mình sẽ đoạt được giải đầu. Và cũng với bản tính nhút nhát, khi đứng trên sân khấu dự thi cô đã quá hồi hộp và run sợ nên đã nói lắp bắp không ra lời cũng như hát quá nhỏ khiến ban tổ chức phải nhắc nhở hát lớn hơn. Ngoài ra Như Quỳnh thường hay chảy mồ hôi tay nên đã xém bị điện giựt khi cầm micro trong tay. Nhắc về lần dự thi đó, Như Quỳnh cho biết là một kỷ niệm đáng ghi nhớ của cô...
    13 năm sau thân phụ Như Quỳnh từ trại tù cộng sản trở về, cuộc sống tình cảm của song thân cô sau đó đã không được êm xuôi, lý do đến từ những biến chuyển từ mặt xã hội và tâm lý mà theo như nhận xét củ Như Quỳnh là "quan niệm và cái nhìn của hai người cũng đã khác rồi". Tuy nhiên sau khi được nhận sang Mỹ theo diện HO, thân phụ cô vẫn đứng ra bảo lãnh cho mẹ cô cùng các con... Và cuộc đời Như Quỳnh đã hoàn toàn đổi thay sau một thời gian ngắn ra đến hải ngoại...
    Sau khi trải qua những nỗi cơ cực khi còn trong nước, cuộc đời Như Quỳnh bước vào một khúc quanh mới, kể từ ngày được đặt chân lên Hoa Kỳ theo sự bảo lãnh của bố thuộc diện HO, cùng với mẹ và các em vào tháng 4 năm 1993. Tại Mỹ, thoạt đầu cả gia đình Như Quỳnh cư ngụ tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania là nơi bố cô đang sống hiện nay với người em trai của cô là Tường Duy sau khi đi đến sự đổ vỡ với mẹ cô. Hai mẹ con cô và một người em khác là Tường Khuê hiện cư ngụ tại thành phố Hungtinton Beach ở Nam California.
    Thời gian đầu ở Philadelphia Như Quỳnh đã từng làm nhiều nghề lặt vặt như cắt chỉ, rẻo vải dư hoặc quét dọn văn phòng để đóng góp vào sự chi tiêu của gia đình trong một cuộc sống hết sức bấp bênh trên xứ lạ. Như Quỳnh cho biết dù " bên này khổ thật nhưng em vẫn thấy sướng hơn " khi so sánh với thời gian còn ở trong nước. Tại thành phố này, chỉ có một lần duy nhất, Như Quỳnh được mời hát trong một party nhỏ với một số thù lao khiêm nhượng là 80 đô la. Tuy nhiên đối với cô đó là một số tiền rất lớn vì với những nghề lặt vặt khác chỉ được trả một ngày khoảng 30 " đô la ". Và đó cũng là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời đi hát của cô tại hải ngoại.
    Nhưng điều Như Quỳnh không ngờ đã đến với cô sau khi cùng với mẹ nhận được lời mời của những người điều hành Asia là Trúc Hồ và Thy Vân để sang California thử giọng vào khoảng giữa năm 94, tá túc ở nhà một người quen. Sau lần thử giọng và nhất là nét mặt xinh xắn đầy vẻ hồn nhiên của cô đã chiếm được ngay cảm tình của ban giám đốc Asia. Như Quỳnh được mời ký giao kèo và ngay sau đó đã thu hình nhạc phẩm đầu tiên là "Chuyện Hoa Sim" trong chương trình Tác Giả Và Tác Phẩm trong một tâm trạng vừa mừng vừa lo "đến nỗi tay chân lạnh ngắt như nước đá", theo lời cô nói.
    Thành công đã đến với Như Quỳnh ngay sau khi ký giao kèo với Asia. Chỉ sau vài lần xuất hiện trên video, tên tuổi của cô đã trở thành nổi bật và được coi là một hiện tượng trong sinh hoạt ca nhạc Việt Nam hải ngoại. Sự thành công nhanh chóng đến với Như Quỳnh được cô coi là một sự may mắn cũng như là một sự bù đắp những gì cơ cực và vất vả gia đình cô đã chịu đựng trước kia. Càng ngày tên tuổi Như Quỳnh càng trở nên lẫy lừng kể từ thời kỳ hợp tác với Asia khoảng 2 năm, qua đến trung tâm Thúy Nha cùng một lúc với việc điều hành trung tâm nhạc NQ Records với Huy Anh - một người từng được cô coi như thân thiết - và hiện nay là Như Quỳnh Entertainment. Dù tình hình được coi như trì trệ đối với các trung tâm nhạc, nhưng những CD của Như Quỳnh vẫn là một trong những CD bán chạy nhất.
    Riêng về chuyện tình cảm của mình, Như Quỳnh cho biết đang đi đến đoạn kết. Đó là một đoạn kết tuyệt đẹp được cụ thể hóa bằng một cuộc hôn nhân sẽ diễn ra dự tính là vào năm 2001. Người tình và là người chồng tương lai của cô là một luật sư trẻ tuổi tên Nguyễn Hoàng Dũng, đã ở sát cạnh cô trong những cơn sóng gió, đã bảo vệ cô chống đỡ những bất trắc, đã an ủi cô trong những lúc chán chường và là người thấu hiểu được tất cả những tâm sự thầm kín của cô...
   
    Những điều bạn chưa biết: Như Quỳnh có thể chơi đàn piano rất giỏi.

Source: Trường Kỳ, NQStarLight

Tác giả: gmk    Thời gian: 7-3-2009 09:46 AM
LUƯ HỒNG


Lưu Hồng là tên thật của  nữ ca sĩ  Song Nam này với ngày sinh nhật là 27 tháng 5, Người đã dìu dắt Lưu Hồng đi vào con đường nghệ thuật  là bạn của song thân cô và cũng là cha nuôi của cô. Lưu Hồng cho biết “nhờ trời thương yêu nên trong bước đầu mọi sự đều trôi chảy và may mắn”.

Sở trường của Lưu Hồng là trình bày những nhạc phẩm tình cảm theo thể điệu Bolero, Rhumba và Tango.

Vào năm 1965, khi cô cùng với gia đình đi nghe nhạc tại vũ trường Queen Bee, Saigon và đã lên hát giúp vui theo lời yêu cầu của mọi người trong gia đình qua hai nhạc phẩm “Sang Ngang” và “Tuổi Đá Buồn”. Nhờ giọng ca truyền cảm và quyến rũ, Lưu Hồng đã được vũ trường này mời cộng tác ngay sau đó, để rồi một thời gian sau cô đã được mời hát tại nhiều nơi khác. Lưu Hồng cho biết những nhạc phẩm cô trình bày ưng ý nhất là: Bướm Trắng, Sang Ngang, Tuổi Đá Buồn, Cà Phê Đắng, Lời Đắng Cho Một Cuộc Tình…

Rời Việt Nam từ năm 1975. những năm đầu tiên ở Hoa Kỳ, Lưu Hồng là một trong những giọng hát được nhiều người ưa thích nên cô đã được mời đi lưu diễn ở khắp Âu Châu và nhiều thành phố tại Canada, và theo cô thì “chuyến nào cũng luôn được khán giả thương mến và ủng hộ”. Vào đầu thập niên 90, Lưu Hồng đứng ra chủ trương trung tâm sản xuất băng nhạc mang tên Lưu Hồng Enterprises và đã tung ra được một số CD mà chạy nhất là những CD: Hận Tình Trong Mưa, Cà Phê Đắng và Nhạc Vàng Chọn Lọc. Lưu Hồng cũng đã từng xuất hiện nhiều trên video do các trung tâm Thúy Nga, Giáng Ngọc, vv... thực hiện.

Vào khoảng năm 1995 Lưu Hồng tạm thời ngưng hoạt động, không còn cộng tác với các vũ trường cũng như đi show vì bận bịu việc gia đình cũng như công ăn việc làm, hơn nữa đối với cô: “ca hát chỉ là nghề phụ, ngoài ra cũng đi làm một ngày tám tiếng như mọi người ” .

Lưu Hồng tâm sự một số quan niệm của cô về cuộc sống như sau:
- Hôn nhân: Chỉ là một tấm giấy lộn để chia tài sản!
- Gia Đình: Đầm ấm, hạnh phúc và biết nhường nhịn lẫn nhau.
- Cuộc Đời: Enjoy và đi khắp mọi nơi cho thỏa thích.
- Tiền Bạc: Không là điều quan trọng.





Chào mừng ghé thăm Nét Đẹp Việt Nam (https://forum.netdepviet.org/) Powered by Discuz! X3.2