anhz27 Đăng vào 14-8-2009 09:43:44

Xuồng ba lá - Nét đặc trưng sông nước đồng bằng

Xuồng ba lá

http://i480.photobucket.com/albums/rr162/thuyvi1010/cheoxuong.jpg
http://www.simplevietnam.com/uploads/CAM%20NANG%20DU%20LICH/Homestay%20VinhLong/thuyenbl.jpg

Xuồng ba lá là tên gọi dựa trên cấu tạo của loại xuồng được ghép bởi ba tấm ván. Gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy. Để xuồng được cứng chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Bộ cong này có nhiệm vụ cố định thân xuồng, chống đỡ sức ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ chặt ván xuồng, giúp xuồng không bị biến dạng. Dưới các thanh cong, người thợ đóng xuồng nghĩ ra cách khoét lõm hình bán nguyệt gọi là những “lỗ lù”, có nhiệm vụ thông nước giữa các khoang xuồng, giúp nước gom lại một chỗ, dễ tát.
Mũi và lái xuồng ba lá có hình dạng không khác gì nhau, khác chăng chỉ là ở kích cỡ bộ ván sạp. Nhờ mũi và lái xuồng ba lá giống nhau mà tính linh hoạt trong việc điều khiển xuồng càng cao. Nếu như ở các loại ghe, thuyền khác cần phải quay mũi khi cần trở lại thì với xuồng ba lá, người ta chỉ cần hoán đổi vị trí ngồi bơi, mũi thành lái là xong ngay. Đây là một trong những ưu điểm của xuồng ba lá, rất có ý nghĩa khi sử dụng xuồng ở nơi đường đi quá chật hẹp.
Trọng tải của xuồng ba lá được tính bằng kích cỡ của bộ ván be. Phổ biến là xuồng các cỡ từ khoảng be sáu đến be mười. Xuồng có số đo be càng thấp thì càng nhỏ, càng nhẹ, khả năng di chuyển cao, nhưng sức chở thấp, thích hợp làm phương tiện đi lại. Xuồng lớn có thể chở nhiều, nhưng di chuyển chậm nên thường được dùng để vận chuyển hàng hóa. Cùng với quá trình hoàn thiện chiếc xuồng ba lá là quá trình sáng tạo ra các công cụ và phương pháp điều khiển nó như: cây sào nạng dùng để chống, dầm dùng để bơi và cuối cùng là cây chèo. Mỗi thứ có cách sử dụng riêng. Nhưng dù cho điều khiển xuồng bằng bất cứ cách nào, giữ thăng bằng cho xuồng khỏi tròng trành hoặc lật úp mới là điều quan trọng nhất. Để đạt được sự thăng bằng cần thiết là cả một nghệ thuật và nghệ thuật đó chỉ được thành hình qua một quá trình rèn luyện. Hiện nay, phần đông nhân dân trong vùng, do đời sống ngày càng được cải thiện nên đã sắm được máy nổ thay cho dầm, chèo. Tuy nhiên, dù cho đã có máy móc, nhưng bất cứ chiếc xuồng máy nào cũng đều mang theo giầm, chèo để phòng khi máy móc trục trặc mà dùng, nhất là chống, chỏi khi ra vào bến.

http://www2.vietbao.vn/images/vn45/xa-hoi/45219937-noi-duoi.jpg
Xuồng ba lá là sự lựa chọn tuyệt vời để khắc phục hoàn cảnh, đối phó với môi trường tự nhiên. Sự gắn bó của nó đối với con người nơi đây được ví như một bộ phận không thể tách rời của cơ thể. Không có xuồng được người dân nơi đây ví như bị “cụt chân”. Quá trình hoàn thiện chiếc xuồng ba lá, những công cụ đi kèm, cách thức điều khiển và những ứng dụng thực tiễn của nó đã tạo nên một sắc thái riêng cho diện mạo văn hóa Nam bộ. Đó là một nền văn hóa sông nước. Có thể nói, chiếc xuồng đã gắn bó với cư dân nơi đây từ thuở thiếu thời cho đến lúc già. Hàng trăm năm qua, từ ngày cha ông ta đi mở cõi, chiếc xuồng luôn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong đời sống của người dân vùng quê sông nước. Xuồng là người bạn đồng hành, là bạn đời thủy chung, son sắt gắn bó với con người suốt lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này.

http://vovnews.vn/Uploaded_VOV/manhhung/20090627/10.jpg
Xưa kia, với địa hình kinh rạch chằng chịt, rừng rú um tùm, giao thông đường bộ kém phát triển thì chiếc xuồng là loại phương tiện đắc dụng và phù hợp nhất. Nó được sử dụng để đi lại dễ dàng cả trên sông lớn lẫn kinh nhỏ. Nhưng chiếc xuồng ba lá tỏ ra có ưu điểm cao hơn các loại phương tiện giao thông thủy khác khi cần thiết phải di chuyển trên mương, rạch nhỏ. Người ta chọn xuồng làm phương tiện giao thông chủ yếu không hẳn do điều kiện kinh tế, mà trước hết là vì tính linh hoạt, hữu hiệu của nó. Tính linh hoạt của xuồng ba lá đặc biệt có ý nghĩa khi được sử dụng ở trên ruộng hoặc chân rừng ngập nước, là những nơi mà hầu như các loại phương tiện khác phải “chào thua”. Nhờ nhỏ, gọn, nhẹ nên xuồng có thể dễ dàng luồn lách trên những đoạn đường chật hẹp. Đồng thời, do diện tích mặt tiếp xúc với nước nhỏ làm hạn chế sức cản của nước nên xuồng có khả năng di chuyển nhanh ngay cả ở nơi nước cạn. Người ta dùng xuồng để đi lại cũng như trong lao động sản xuất. Chiếc xuồng dùng để đi thăm câu, giăng lưới, vận chuyển sản vật khai thác được ở rừng, chuyên chở thành quả lao động từ đồng ruộng về, dùng xuồng để đi buôn bán. Độc đáo hơn, xuồng đôi khi còn được sử dụng như một ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước với hai tấm rèm dựng hình chóp trở thành mái ấm con người trước mưa nắng vô thường của đất trời Tây Nam bộ.

http://img364.imageshack.us/img364/807/dsc03076vr6.jpg
Trong kháng chiến, công lao của chiếc xuồng ba lá thật khó mà kể hết. Xuồng chở quân lương, vũ khí. Xuồng đưa bộ đội, du kích qua sông. Nhiều đoàn quân lên đường tác chiến trên kinh rạch chỉ có thể nhờ dân giúp đỡ bằng xuồng mới hành quân được. Xuồng còn nhẹ nhàng khỏa sóng trong đêm, đưa đặc công, trinh sát tiếp cận đánh đồn địch. Xuồng ba lá giấu lực lượng, giấu cán bộ trong đám lục bình trên sông, tránh được tai mắt của địch từ tàu tuần tra, từ những chiếc phi cơ. Đi biểu tình, đấu tranh, địch vận cũng đều bằng xuồng ba lá.
Từ khởi thủy là chiếc xuồng độc mộc của tổ tiên đến chiếc xuồng làm bằng vật liệu mới composite đương đại, chiếc xuồng ở vùng này đã qua một quá trình hơn ba thế kỷ phát triển không ngừng. Suốt dòng lịch sử này, chiếc xuồng ba lá là cả một sự phát hiện đầy tính sáng tạo của con người Nam bộ. Xuồng ghe đã in đậm vào tâm trí người dân Đồng bằng sông Cửu Long dù đi đến đâu, họ vẫn luôn nhớ tới loại phương tiện mà trước đây họ đã dùng thường xuyên từ đi lại thăm viếng nhau đến chở lúa, mạ, phân bón, chợ búa trao đổi... Độc đáo nhất trong lịch sử sông rạch ở đây là “hiện tượng” mà người ta gọi là “chợ nổi” - nơi tập trung các loại ghe xuồng lớn, nhỏ để trao đổi hàng hóa. Chợ nổi mang đậm nét văn hóa vùng đất sông nước này như các chợ: Quới Thiện (Cù lao Dài, Mang Thít, Vĩnh Long); Trà Ôn (ngã ba sông Hậu), Lục Sĩ (Cù lao Mây) đều thuộc Trà Ôn, Vĩnh Long; Phong Điền (TP Cần Thơ)... Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là các chợ: Cái Răng (TP Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Cà Mau (TP Cà Mau). Ở các xã, ấp vùng sâu của các huyện Đồng bằng sông Cửu Long đều có “chợ di động”. Với một số ít hàng hóa chứa trong khoang, người ta chèo xuồng đi khắp nơi rao bán cho cư dân hai bên bờ sông, rạch...
Chiếc xuồng đã gắn bó với vùng quê sông nước miền Tây như gắn bó với cuộc đời họ từ lúc sinh ra, lớn lên, biết đi lại, học hành, se duyên thành vợ thành chồng. Nhiều cụ già vùng Cù lao Mây, Cù lao Dài cho rằng từ lúc sinh ra họ đã nằm trong xuồng rồi, đi học, đi chơi, đi chữa bệnh, đi đám cưới, đám hỏi, thăm viếng nhau... mọi việc đều được xuồng vận chuyển. Ghe, xuồng - phương tiện đi lại ở vùng sông nước Nam bộ từ rất lâu đời đã kết gắn cả cộng đồng người Việt trong sự nghiệp khai khẩn, mở mang vùng đất Nam bộ phì nhiêu. Ngày nay, ghe xuồng vẫn cùng với người dân vùng đất Nam bộ viết tiếp những trang sử vàng mà cha ông ta để lại. Thật vậy, xuồng ghe đi lại đã sống cùng cốt cách sông nước con người miền Tây. Những người con ở xa quê hương cứ nhớ mãi những trại cây, bóng nước, bóng hình những chiếc xuồng ba lá... thành hồn thơ lưu mãi của người dân vùng sông nước qua bao năm tháng sinh thành. Ngày nay, người ta còn làm ra xuồng bằng các loại vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại. Tuy làm bằng nhiều cách thức khác nhau, tác dụng của chiếc xuồng ba lá đối với người dân vùng sông nước Nam bộ vẫn giữ nguyên giá trị của nó, vẫn là truyền thống được kế thừa, vẫn giữ được những nét độc đáo trong làm ăn và sinh hoạt của người dân nơi này. Hữu dụng và đậm sắc miền quê là chiếc xuồng ba lá - một nét quê hương ai cũng lắng đọng nhớ thương. Chiếc xuồng ba lá đã đi vào nghệ thuật qua văn, thơ, nhạc, họa... Cùng với mái đình, cây đa, bến nước, chiếc xuồng là biểu tượng gợi nhớ quê hương cho những người con xa xứ.

CafeSeattle Đăng vào 4-1-2010 02:43:36

Cám ơn rất rất nhiều for sharing. Chúc bạn vui vẻ.
Trang: [1]
Xem phiên bản đầy đủ: Xuồng ba lá - Nét đặc trưng sông nước đồng bằng