Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới cũng là một nhà báo xuất sắc, người sáng lập ra nền báo chí Cách mạng Việt Namhttp://netdepviet.org/images/eventdate/baochi-CM.jpg
Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh niên - cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo Cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính. Báo Thanh niên, với 88 số, mở ra lớp đào tạo 300 cán bộ đều do Bác Hồ khởi thảo, chủ trì, giảng dạy là sự mở đầu một cuộc Cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.
Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp Cách mạng bằng việc viết báo Cách mạng kiểu mới, Mác xít Lê Nin Nít. Người sáng lập nền báo chí Cách mạng kiểu mới ở nước ta. Báo Thanh niên lúc đó đã mở một đột phá về thế giới quan, tư tưởng chính trị, quan niệm về báo chí, đối tượng, phong cách. Nói khái quát là mở đầu cuộc Cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Người Việt Nam được tiếp cận với khoa học, sử dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Lần đầu tiên ở nước ta, tư tưởng giải phóng dân tộc gắn liền với tư tưởng giải phóng xã hội. Quần chúng lao động là chủ thể quan trọng nhất của Cách mạng kết hợp với giới tinh hoa của dân tộc, được truyền bá rộng rãi. Đây cũng là lần đầu tiên lợi ích đất nước, lợi ích quần chúng trở thành nội dung, đề tài trung tâm của báo chí. Quần chúng có báo của mình. Viết cho quần chúng lao động, báo Cách mạng phải đi sát cuộc sống quần chúng, xuất phát từ thực tiễn, hướng dẫn hành động của quần chúng, cải thiện, cải tạo cuộc sống của mình và của đất nước.
Bác Hồ sáng lập và bằng chính những tờ báo, bài báo do Bác chủ trì và viết, sáng lập phong cách văn chương báo chí của quần chúng: giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc. Người viết nhiều thể loại văn học và báo chí: tin ngắn, dài, tin bình, chính luận, trào phúng, ký, tuyên ngôn, hiệu triệu, thơ tự sự, trữ tình. Văn chương của Người thể hiện phong cách Đông Tây, cổ kim Việt hóa, phảng phất phong cách của Chiếu dời đô, Hịch Tướng sĩ, Quân trung từ mệnh, Chiếu lên ngôi và Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút. Từ ngữ giản dị mà hàm ý sâu sắc. Những áng hùng văn của Bác như: Lời kêu gọi của Nguyễn ái Quốc, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt là bản Di chúc, thật trong sáng và giản dị!
Bác Hồ đặt nền móng cho nền báo chí nước ta. Người viết báo suốt cả đời Cách mạng từ năm 1919 đến năm 1969. Bài báo cuối cùng của Bác là: Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Phong cách văn chương của Bác được người đời phát hiện rất sớm. Năm 1924, một nhà văn hóa nổi tiếng của Liên Xô đã nhận xét: Nguyễn Ái Quốc là một nhà văn hóa lớn của tương lai. Phong cách viết báo của Người thường đi thẳng vào đề, làm rõ tư tưởng trung tâm sự kiện bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, ngôn ngữ thông tin đại chúng.
Bản sắc văn chương báo chí Cách mạng Việt Nam thể hiện nổi bật ở Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà báo kiệt xuất.
Lời bác dạy người làm báo
Từ cách hành xử thường ngày đến từng câu nói tưởng ngẫu nhiên của Hồ Chí Minh hầu như đều hàm chứa ý nghĩa nhân văn, do đó có sức truyền cảm.Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong các bậc danh nhân kim cổ của nhân loại. Vị anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam được các sử gia Đông Tây thừa nhận là một trong số nhân vật kiệt xuất làm nên thế kỷ 20. Hội tụ ở Bác Hồ tinh anh dân tộc Việt Nam và tinh hoa nhân loại. Bất kỳ ai, sống vào thời đại nào, ở phương trời nào đều có thể qua tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tìm được nhiều điều để học tập. Nhà báo Việt Nam mong có dịp tiếp cận người, hơn thế được phục vụ người trong các chuyến đi công tác. Qua mỗi lần đi, thế nào cũng thu nhận được nhiều điều. Từ cách hành xử thường ngày đến từng câu nói tưởng ngẫu nhiên của Hồ Chí Minh hầu như đều hàm chứa ý nghĩa nhân văn, do đó có sức truyền cảm.
Có gì mà viết lắm thế?
Vụ lúa chiêm 1958, miền Bắc hạn to, ruộng đồng khô nẻ. Nhân dân nô nức làm thủy lợi, đào mương dẫn nước vào đồng. Bác Hồ về thăm tỉnh Hưng Yên. Hôm ấy, một ngày tháng giêng, trời rét đậm. Bác Hồ rời Hà Nội thật sớm. Đến huyện Tiên Lữ, có mấy vị lãnh đạo tỉnh chờ sẵn ven đường. Bác xuống xe bắt tay, hỏi han mọi người, rồi băng băng đi bộ vào cánh đồng.
Nông dân năm xã đang đào một con sông. Bác Hồ bước rất nhanh giữa cánh đồng khô, đến mỗi nơi có đồng bào làm Bác dừng lại, thăm hỏi động viên. Bà con hoan hô Bác. Bác xua tay: “Đừng hoan hô Hồ Chủ tịch, hãy hoan hô nước khi nào nước về”. Hễ gặp các vị cao niên là Bác tiến đến thăm hỏi. Có một cụ tên là Đoàn Đình Kiêu, năm ấy 82 tuổi, người thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng cũng tham gia làm thủy lợi. Bác nắm chặt tay cụ, nói: “Tôi cảm ơn cụ đã làm gương cho con cháu”. Rồi Bác quay lại bảo cán bộ địa phương đi theo: “Các cụ cùng chống hạn để làm gương cho con cháu như thế là rất tốt, nhưng phải chú ý sức khỏe các cụ, chớ để các cụ làm quá sức”.
Gặp ông Chủ tịch huyện quần áo tinh tươm đang đứng chờ để chào Bác. Bác bảo Chủ tịch đưa tay xem. Rồi Bác nói nhỏ: “ Tay chú sạch quá. Cán bộ cũng phải cùng lao động với bà con, để cho bà con thấy mình là người của nhân dân”.
Đến xã cuối cùng, Bác Hồ dừng lại, rút trong túi ra một phong bì nhỏ. “Đây là phần thưởng của Bác Hồ. Có bảy chiếc huy hiệu tất cả. Năm chiếc tặng bà con năm xã, một chiếc thưởng xã nào thi đua giỏi nhất, còn một chiếc Bác tặng riêng cụ Kiêu”.
Do mỗi xã phụ trách một khúc sông, cho nên bà con tản mác. Bác Hồ đi bộ đến mấy cây số liền. Tôi tất tưởi theo, lắng nghe Bác nói chuyện với ai xong, lại tới hỏi rõ họ tên, người thôn nào xã nào..., để khi viết bài khỏi lẫn lộn, rồi vội vã chạy cho kịp đoàn. Hồi ấy tôi đang sức trai mà mệt phờ, nhưng vui vì nghe và ghi được nhiều điều, thú vị nhất là chuyện Chủ tịch Nước đi bộ qua cánh đồng gồ ghề nứt nẻ. Con sông đang đào nơi bác về thăm năm ấy sau khi hoàn thành được đồng bào gọi là “Sông Bác Hồ”, nay vẫn giữ nguyên tên.
Tối hôm ấy về Hà Nội, tôi viết bài tường thuật dài đăng báo Nhân dân. Hôm sau, khoảng chín giờ, có điện thoại từ Văn phòng Chủ tịch nước, mời tôi lên ngay. Anh Trần Quý Kiên chờ sẵn. Anh là cán bộ cách mạng lão thành, có thời gian làm Thứ trưởng Thủy lợi (Hiện nay Hà Nội có một phố mang tên Trần Quý Kiên). Anh chỉ nói vắn tắt: Bác Hồ cho gọi. Anh vào báo cáo với Bác, rồi dẫn tôi vào.
Bác đang làm việc, ngước mắt hỏi : “Chú Quang à ? Bác đã đọc bài của chú trên báo. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, trong bài mấy lần chú nhắc đi nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác Hồ toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ, thì có cái gì mà viết lắm thế?”. Tôi bối rối, chỉ còn biết chắp tay lúng búng: “Cháu xin cảm ơn Bác. Cháu đã thấy khuyết điểm. Lần sau cháu xin cố gắng.”
Viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc
Như một sự tình cờ, Tết Bính Thân tôi có vinh dự một mình đón Bác đến báo Nhân dân, đúng vào sáng nguyên đán. Hôm ấy ( 12/01/1956 ), tôi được phân công trực tòa soạn. Số báo Xuân đã phát hành từ trong năm, báo nghỉ hai ngày để “ăn Tết”. Trực chẳng phải làm việc gì; chẳng qua cần có người, nhỡ có bạn đọc, cộng tác viên nào bất thần tạt vào thăm chăng.
Sáng đầu năm, đúng như dự kiến, có mấy cụ già phố Hàng Trống thay mặt tổ dân phố đến chúc Tết tòa soạn. Tôi đang tiếp mấy cụ ở phòng khách tầng trệt ngôi biệt thự thì người bảo vệ chạy vào, nói không ra hơi: "Bác Hồ! Bác Hồ đến!"
Tôi vội chạy ra sân, nhìn về cổng chính không thấy ai. Thì ra, Bác Hồ đi từ Câu lạc bộ Thống nhất sang, qua một cổng nhỏ vốn thông từ cơ quan báo sang sân chiếu phim của câu lạc bộ. Bác thoăn thoắt bước vào nhà. Theo sau có bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, cùng vài người cận vệ.
Tôi chắp tay rước Bác vào phòng khách. "Chú Tùng đâu?", Bác hỏi. - "Thưa Bác, anh Hoàng Tùng lên Văn phòng chúc Tết Trung ương. Cháu là cán bộ được phân công trực cơ quan".
Mấy cụ già lối phố sửng sốt trước vinh dự được gặp Bác Hồ đúng vào sáng tân niên, đứng dậy kính cẩn chắp tay, lúng túng không biết nên làm gì. Tôi giới thiệu với Bác, đây là mấy cụ ở cùng phố sang thăm cơ quan. Bác Hồ vui vẻ nói: "Năm mới, nhân được gặp các cụ, tôi chúc các cụ vạn sự như ý. Nhờ các cụ chuyển lời Hồ Chủ Tịch chúc Tết gia đình và đồng bào khu phố". Mấy ông già vẫn chưa hết ngỡ ngàng, bác sĩ Trần Duy Hưng rỉ tai: "Kìa, các cụ chúc Tết Bác đi".
Hôm ấy, Bác Hồ đến thăm cán bộ miền Nam đang tập trung tại Câu lạc bộ mừng năm mới. Không rõ có ai báo tin Bác đến, hay vì trông thấy mấy chiếc xe hơi đỗ ở cổng chính Câu lạc bộ phía đường Lê Thái Tổ, mà chẳng mấy chốc đồng bào tập trung đông nghịt, chờ để được nhìn và hoan hô Bác. Càng lâu càng đông. Hôm ấy Bác Hồ còn có kế hoạch thăm một đơn vị quân đội và mấy nơi khác nữa ở mãi tỉnh Hà Đông. Chắc sợ trễ giờ, bởi đã gặp nhân dân đầu năm mới, thế nào Chủ tịch cũng cho dừng xe lại để thăm hỏi, các đồng chí tổ chức chuyến thăm liền mời Bác theo ngõ tắt, lối thông sang tòa soạn báo; từ đây ra cổng chính phía phố Hàng Trống.
Trong phòng khách, Bác Hồ vẫn đứng mà nói chuyện. Tôi mời Bác ngồi. Bác xua tay: "Chú để mặc Bác. Chú làm gì ở tòa báo?" - "Thưa Bác, cháu làm phóng viên". Bác nói: "Chú là nhà báo. Vậy năm mới, Bác chúc chú viết báo cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc. Chú nói lại với chú Hoàng Tùng và toàn thể các cô, các chú trong cơ quan là Bác Hồ có lời chúc Tết anh chị em".
Nói xong, Bác bắt tay mọi người, không quên mấy anh bảo vệ cơ quan vừa bỏ luôn nhiệm sở, chạy đến đứng thập thò ngoài cửa. Xong, Bác thoăn thoắt ra sân. Hai chiếc xe hơi vừa đến. Bác Hồ quay lại tươi cười đưa tay vẫy chào mọi người.
Mấy năm sau, tháng 4/1959 tôi lại được nghe Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam . Nhân kể chuyện thời Bác tập làm báo tiếng Nga ở Liên Xô, Bác dẫn lời người hướng dẫn Bác: “Chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chí chỉ muốn biết sự thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc”.
Sao cho giàu nghèo ai cũng có Tết
Đêm cuối năm Bính Thân (1956), tôi được theo Bác đi thăm và chúc Tết đồng bào Hà Nội. Sau khi thăm khu tập thể công nhân Nhà máy điện tại bãi Phúc Xá, xe đưa Bác về phố Lò Đúc. Tôi ngồi trên xe, căng mắt nhìn biển đề tên phố ở những ngã tư thiếu ánh sáng để định hướng mình sắp tới đâu. Bác thăm nhà một bà người Thừa Thiên tập kết ra Bắc có năm con đi bộ đội, có người đang ở lại vùng do chế độ Sài Gòn kiểm soát. Bà thuộc diện “chính sách” cho nên Tết nhất cũng tinh tươm. Nhà có hoa đào, hoa cúc. Chiếc bàn phủ tấm khăn mới toanh. Bác Hồ khen: “Nhà bà sang lắm”. Tôi tò mò nhìn chồng sách đặt trên cái bàn nhỏ bên cạnh, nay còn nhớ rõ đấy là tập truyện phim Liên Xô, văn hóa phẩm thời thượng lúc bấy giờ; người Hà Nội không chỉ nô nức xem phim mà còn tranh nhau mua những tập kể tóm tắt nội dung các tác phẩm ăn khách...
Chia kẹo cho các cháu nhỏ xong, Bác ngửa bàn tay nói với bà Khánh: “Còn bốn cái kẹo, xin biếu bà”.
Ra khỏi phòng, Bác Hồ thấy ở gian nhà tù mù bên cạnh, một bà đứng tuổi đứng ngấp nghé ở cửa nhìn sang. Bác tiến đến chào hỏi, chúc mừng rồi vào luôn trong căn phòng chật chội và sơ sài, chỉ treo có mỗi một bóng đèn vàng ệch. Đấy là bà Thơm, góa chồng, tần tảo nuôi mấy con dại. Hằng ngày bà kê cái chõng bán nước chè chén ở vỉa hè. Lên xe, Bác nói với bác sĩ Trần Duy Hưng: “Các chú phải làm sao cho bất cứ nhà nào, giàu cũng như nghèo, cán bộ hay nhân dân, ai cũng có một chút Tết”.
Về sau tôi được biết thêm, sau chuyến đi ấy, Bác Hồ có nêu lại ý kiến trên tại một cuộc họp Bộ Chính trị, nhờ vậy từ đấy hình thành chính sách chăm lo cái Tết cho mọi gia đình, ít nhất tại các thành phố, thị xã. Từ đấy mới có lệ, ngày Tết mỗi hộ bất kỳ nhân dân hay cán bộ được phân phối thêm gói chè Thanh Hương hoặc Hồng Đào, mấy bao thuốc lá Điện Biên hoặc Tam Đảo, một hai lạng đường, mấy lạng thịt lợn..., tùy theo cấp bậc, chức vụ hoặc số nhân khẩu trong gia đình.
Bác Hồ đã bước một chân lên xe, còn quay lại đưa tay vẫy: “Xin chúc tất cả mọi người!”. Bà Khánh tiễn Bác, ròng ròng nước mắt, miệng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác Hồ quay lại, chào bà lần nữa và cười: “Chúc Bác Hồ sống lâu, sao bà lại khóc?”.
Trang:
[1]