HoaiVienPhuong Đăng vào 9-6-2009 07:55:17

"Đừng đốt" trong mắt khán giả"

VnMedia) – “Đừng đốt” vừa ra mắt khán giả tháng 4 vừa rồi đã trở thành tâm điểm của báo chí bàn về sự thành công cũng như thất bại của tác phẩm trong việc chuyển tải nội dung cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm lên mành ảnh rộng.
VnMedia vừa có loạt bài viết nói về những mặt chưa được của “Đừng đốt”. Để có cái nhìn nhiều chiều về sự kiện này, VnMedia xin trích một vài nhận xét của những khán giả yêu điện ảnh Việt Nam về “Đừng đốt”.
"Đừng đốt": Một thất bại về kịch bản điện ảnh
Đừng đốt: Tham vọng xây dựng biểu tượng bất thành
Khán giả Nguyễn Hà (Thành phố Hồ Chí Minh): “Đừng đốt”: một chân dung chưa hoàn thiện!
Nếu mang tâm trạng của một người đã đọc sách “áp” vào xem ““Đừng đốt”” thì có lẽ sẽ là một sự “vênh” rất lớn. Cái lớn nhất “Đừng đốt” làm được là mang lại những phút giây lắng đọng, nhưng không nhiều, không nặng nề như những bộ phim cùng thể loại khác. Nhưng đó chỉ là những cái được ít ỏi “nhặt” được.
Hình ảnh Đặng Thùy Trâm được khắc họa xuyên suốt bộ phim thông qua nhiều tuyến nhân vật, thoạt tiên, tưởng rằng “nhiều” sẽ “rõ” nhưng xem xong phim thì đó lại là mặt ngược lại, “nhiều” nên “nhạt”. Nhân vật Đặng Thùy Trâm hiện lên, đôi lúc rất khiên cưỡng, nhất là đoạn miêu tả gia đình người lính Mỹ trăn trở với cuốn nhật kí.
Thêm vào đó là sự đứt đoạn cảm xúc và được thay thế bằng những giọng đọc như một cách “cứu vớt” sự thiếu thốn cảm xúc đó. Diễn xuất của nữ diễn viên chính chưa thuyết phục được người xem. Một gương mặt không dấu ấn và diễn xuất cũng “trôi” rất nhanh.
Vậy nên, nếu có hy vọng “Đừng đốt” tạo được cơn sốt phòng vé, nhất là “ăn theo” hiệu ứng của “cơn sốt” bản inthì có lẽ đó là một sự hy vọng…mơ hồ. Nếu để ghi nhận thì có thể là điểm cộng cho quãng thời gian thực hiện 3 năm.
Khán giả Phùng Tuấn (Hà Nội): “Đừng đốt” giống như một cuốn phim tài liệu
Lỗi chi tiết, quá nhiều hồi tưởng, mất cân bằng tuyến nhân vật và quá nhiều hình ảnh minh họa, lạm dụng tiếng ngoài hình khiến “Đừng đốt” như một cuốn phim tài liệu hơn là một bộ phim truyện điện ảnh.
Ngay từ đầu tiên, hình ảnh bác sỹ Đặng Thùy Trâm tiễn hai cô y tá lên đường tìm cứu viện trong sự tuyệt vọng vì không còn lương thực, thuốc men cho thương binh đã “cũ mòn” trên màn ảnh với hình ảnh vẫy chào tạm biệt. Cái hình ảnh cũ và đầy chất minh họa sân khấu đó lại bị “lật tẩy” ngay khi trong cảnh sau, tại bối cảnh lán bệnh xá đó, khi bom mỹ càn vào, “người dân” chạy toán loạn và bị bắt rất nhiều. Câu hỏi ở đây là “Dân nhiều thế sao còn đi tìm cứu viện lương thực ở đâu?”
Đó chỉ là lỗi nhỏ bởi điểm quan trọng nhất là trong “Đừng đốt” có quá nhiều hồi tưởng và tiếng ngoài hình. Điều này khiến cho phim không có kết cấu cao trào thắt nút mở nút…nó giống như một cuốn phim tài liệu minh họa. Cảm xúc của người xem cũng thế, nó bị cắt nát theo những trường đoạn, không được hưởng trọn cảm giác đẩy lên cao trào. Điểm xúc động ở đây, có lẽ là cảm giác của những người đã từng yêu cuốn nhật ký, nay lại nhìn thấy nó bằng hình ảnh.
Trần Mai (Hà Nội): “Đừng đốt” mất cân bằng tuyến nhân vật
“Đừng đốt” mất cân bằng tuyến nhân vật. Gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm không thật sự hài lòng về hình ảnh con gái họ trong phim, diễn viên Minh Hương cũng thừa nhận quá ít đất diễn. Quả thực trong phim, mảng cần được làm nổi bật là bác sỹ Đặng Thùy Trâm thì lại quá chìm, mờ ảo hơn so với tuyến nhân vật Fred. Chính vì vậy, cái “điểm rơi” xúc động, lấy được nước mắt lại bị lùi lại, khi bà mẹ (bà Doãn Ngọc Trâm) đọc cuốn nhật ký chứ không phải là lúc bác sỹ Đặng Thùy Trâm hy sinh.
Bởi, “Đừng đốt” chưa chuẩn bị tâm lý cho người xem, chưa khiến họ yêu nhân vật quá để họ phải rơi nước mắt khi nhân vật chết. Khi bác sỹ Đặng Thùy Trâm ngã xuống, khán giả vô cảm, có thể họ xúc động bởi họ biết Đặng Thùy Trâm là ai khi đã đọc cuốn nhật ký. Như vậy là ở điểm này, “Đừng đốt” đã thất bại, không đứng độc lập được mà phải mượn cảm xúc từ cuốn sách trước đó….
Lý giải cho điều này, đạo diễn Đặng Nhật Minh trong một bài phỏng vấn trước đây có nói rằng “Đừng đốt” lấy cuốn nhật ký làm nhân vật trung tâm. Thế nhưng, trong “Đừng đốt”, cuốn nhật ký cũng không gây được ấn tượng mạnh khi điểm cao trào là Fred nhận cuốn nhật ký của người trung sỹ đưa cho với câu nói: “Đừng đốt, trong đó đã có lửa”. Bên cạnh đó, chi tiết bà mẹ của Fred nhắc lại: “Cuốn nhật ký đó sẽ thiêu cháy đời con” cũng không có sức nặng khi “sự thiêu cháy đó thế nào” cũng không được thể hiện….
Tất nhiên, phim có nhiều điểm được, cái này báo chí đã phân tích nhiều. Đây chỉ là một quan điểm, một cái nhìn soi lại những chỗ chưa ổn của một tác phẩm mà đáng nhẽ ra, nó có thể làm hay hơn thế….
Thiên Lam

HoaiVienPhuong Đăng vào 9-6-2009 07:57:55

Phim Việt Nam xem chán quá!
:victory:
Trang: [1]
Xem phiên bản đầy đủ: "Đừng đốt" trong mắt khán giả"