Nét Đẹp Việt Nam

 Quên mật khẩu
 Register
Xem: 7060|Trả lời: 4
In Chủ đề trước Tiếp theo

Sự cố Miss Vietnam 2008

[Lấy địa chỉ]
1#
Đăng lúc 7-9-2008 09:55:42 | Xem tất

Cú sốc của hoa hậu hay cú sốc văn hoá dân tộc?

Một người Việt xa quê chia sẻ suy ngẫm riêng về sự cố "hoa hậu Việt Nam 2008" khi đọc những thông tin về lùm xùm sau cuộc thi và hành xử của các bên liên quan.

Nhiều người sống xa tổ quốc như tôi, ngoài việc mưu sinh, lúc rỗi thường vào các trang báo mạng tiếng Việt để xem tin tức quê nhà. Đọc tin vui về những công trình mới, cây cầu hợp long hay đường hầm Hải Vân, không ít người muốn mua vé về nước thăm quê. Tin về bão tố, lụt lội, lở đất hay cầu sập, các em nhỏ vùng cao dự lễ khai giảng trong sân trường lụt lội làm người tha hương rơi nước mắt.

Đôi khi, liếc mắt qua trang nhất của vài tờ báo online, thấy các cô gái chân dài, mặc bikini, tươi như hoa trước ống kính phóng viên. Đâu đó, ảnh người đẹp đi dạo bãi biển, chơi bóng trên cát, trình diễn áo dài trên phố cổ Hội An, thấy đất nước mình rất đẹp, thiếu nữ Việt Nam rất đáng yêu và báo chí Việt Nam cởi mở hơn cả…Tây.  

Là người thường xuyên đọc Washington Post, New York Times hay BBC online, tôi ít khi thấy họ trương ảnh các cô hở hang lên trang đầu. Hình như họ khéo léo để trong trang giải trí hoặc tôi không đọc hết tờ báo. Chuyện về “của quí”, “lò xo to ngắn”, chuyện kín của các bà các cô cũng ít thấy xuất hiện trên những tờ báo nghiêm túc.
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/69/2008/09/HH2.jpg
“Những giọt nước mắt không mầu mè". (zaizai)
Thi hoa hậu bên Tây chỉ chiếm thời lượng rất nhỏ trên truyền thông. Trong khi website nước ta “mở báo thấy hở hang hoa hậu”. Dân nghèo mà hình như tháng nào cũng có cuộc thi sắc đẹp. Bỏ ra 15 triệu đô la cho tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ để đổi vài phút quảng cáo trên tivi mà tại Washington DC, tôi cố đợi họ phát lúc nào để xem cũng chịu.

Gần đây, chuyện hoa hậu Việt Nam không tốt nghiệp phổ thông, học bạ giả, ban tổ chức “đá bóng” lung tung làm tôi choáng váng, không hiểu thực hư.

Đọc bài “Đừng để một cú sốc cho cô gái 18 tuổi” - được nhiều tờ báo đăng lại - có lẽ số đông sẽ đồng ý, 90% thiếu nữ Việt Nam đạt danh hiệu hoa hậu.

Bài báo kể lại việc người đẹp với “những giọt nước mắt không mầu mè”, các cô khác ra bãi biển mặc bikini thì Thuỳ Dung lại quấn khăn, hay người đẹp thức dậy lúc 2-3 giờ sáng để đợi trang điểm. Thiết nghĩ, nếu chỉ khóc và trả lời nhấm nhẳn như bài báo đã kể thì ở Sài Gòn hay Hà Nội hoa hậu đầy đường. Lấy chi tiết “dậy sớm lúc 2-3 giờ sáng” làm tiêu chí cho vương miện thì có lẽ các bà các cô đi bán hàng rong đáng giá hơn vì họ còn kiếm ra tiền. Ban tổ chức và người đẹp thì không biết làm được nhiều tiền bằng những gánh hàng rong hay không?

Thú thật, tôi không hiểu gu “chân thiện mỹ” của những nhà tổ chức và giới tuyên truyền cho các cuộc thi hoa hậu nước ta như thế nào. Phải chăng, gu ấy phức tạp như những tranh Picaso vẽ từ 100 năm trước để rồi một thế kỷ sau con cháu mới hiểu.

Những sự kiện văn hoá lớn thường được hàng triệu người theo dõi nếu không nói là hàng tỷ con mắt để ý. Chúng ta nhớ chuyện nho nhỏ như “hát nhép” hay “pháo hoa giả” tại Olympic Bắc Kinh bị báo chí phanh phui, những nhà tổ chức đau đầu như thế nào.

Rồi chuyện bánh chưng nhồi mút xốp, tượng đài Điện Biên mòn rỉ, ông quyền tổng cục trưởng nhăm nhe “một tay cầm phong bì, tay kia giữ triện Thứ trưởng” bị dư luận lôi ra ánh sáng. Cứ nghĩ, sau những chuyện động trời ấy, người đi sau phải dè chừng, sợ dư luận hơn.

Thế nhưng, trong cuộc thi hoa hậu Việt Nam mới đây, những người tổ chức cuộc thi hình như “nặng tai”, có vẻ coi thường dư luận, định lấy bàn tay che mặt trời. Nghe họ trả lời đã thấy “không thật thà dũng cảm”. Câu chuyện bằng PTTH hay học bạ rởm, nếu có thật thì đó là cú sốc văn hoá khác của nước ta.
Người xa quê hương nghe chuyện này mà lên án “vơ đũa cả nắm” thì không phải chút nào. Tuy nhiên, một số hành vi dối trá, nhất là của những người giữ trọng trách hay bậc phụ huynh, cũng không thể bỏ qua.

Lẽ ra, cha mẹ hay những người tổ chức đáng bậc cha chú của người đẹp phải gương mẫu. Nếu sai, phải nói ngay “chúng tôi xin lỗi nhân dân vì đã để sự việc đáng tiếc xảy ra”. Nhưng không thấy từ xin lỗi nào, chỉ thấy “chơi chữ”, câu giờ.

Xem tường thuật họp báo “hậu hoa hậu” hay gọi là “hậu quả hoa hậu”, tôi thở dài ngao ngán. Những thí sinh dự thi hoa hậu 17-18 tuổi kia sẽ nghĩ gì về thế hệ cha chú, nhìn thấy gì để noi theo. Người lớn tuổi hay có vị trí trong xã hội mà còn lùm xùm thế thì làm sao con cháu thi hoa hậu thế giới được. “Quả nào nhân đó”.

Tự nhiên, thấy tiếc hàng đống tiền bỏ ra thi hoa hậu một cách phí hoài. Số tiền dù từ nguồn nào chăng nữa thì cũng không phải từ trên trời rơi xuống. Giá như, gửi cho các em học sinh nhỏ trên vùng miền núi đang bị bão lụt, chân đất lội nước trên sân trường ngày khai giảng thì tốt hơn là trao vương miện cho hoa hậu để nàng đi làm từ thiện.

Đáng tiếc hơn cả, niềm tin cũng đang bị phai phí một cách nghiêm trọng.
  
    *     Hiệu Minh (Washington DC)
Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Register

Quy tắc điểm

Phòng tối|iPhone|Archiver|G+|Youtube|Facebook|Twitter|Contact| Netdepviet.org

GMT+7, 8-5-2024 04:25 AM , Processed in 0.013739 second(s), 16 queries .

Powered by Discuz! X3.2

© 2006 Made with in Hanoi,Vietnam and Contents are published by all members

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách